GN - Gần đây, một số vị giáo phẩm phản ánh, kiến nghị rằng Giáo hội cần có sự hướng dẫn về việc treo cờ Tổ quốc và cờ Phật giáo (Đạo kỳ) cho thống nhất, bởi một số nơi còn lúng túng, không biết làm thế nào là đúng.
Đạo kỳ - biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo
Về vị trí, tỷ lệ giữa Quốc kỳ và Đạo kỳ, Giáo hội đã có hướng dẫn cụ thể trong nhiều thông tư, thông bạch liên quan tới các sự kiện lớn như Đại lễ kính mừng Phật đản hàng năm cũng như Đại hội Giáo hội các cấp.
Tuy nhiên, việc hướng dẫn ấy chỉ chú ý ở việc treo Quốc kỳ, Đạo kỳ ở cổng chào mà không đề cập đến các quy định khác. Do đó, tùy từng địa phương cũng như sự vận dụng, quan điểm của các vị lãnh đạo Giáo hội các cấp, mỗi nơi có sự khác nhau.
Báo Giác Ngộ cũng đã từng phản ánh về những màu lạ trên Đạo kỳ - vốn được quy định chặt chẽ về sắc độ và ý nghĩa của các màu sắc trên lá cờ được công nhận là biểu tượng cho Phật giáo, nhưng với tình trạng sản xuất tự phát, hiện tượng đó vẫn tiếp diễn.
Gần đây, có những đơn vị kinh doanh mượn sóng giương cờ quảng bá sản phẩm, ăn theo các trận thắng của đội tuyển quốc gia Việt Nam trong các giải khu vực và châu lục, đã cho in tên sản phẩm, doanh nghiệp của mình lên Quốc kỳ. Việc làm đó bị dư luận lên án và cơ quan chức năng đã thổi còi.
Luật Quảng cáo hiện hành có những quy định nghiêm cấm các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước…
Thực tế, một số đơn vị vi phạm các điều khoản liên quan, đã bị nhắc nhở, xử phạt theo luật định.
Với Phật giáo, Đạo kỳ là thiêng liêng, tuy nhiên không phải không có trường hợp gần như thế. Đạo kỳ đôi khi được sử dụng nhằm trang trí như hoa văn đường diềm cho các biển hiệu, backdrop, banner của các sự kiện, thậm chí trong Đại hội Giáo hội các cấp.
“2 trong 1”, trên nền của Đạo kỳ được chèn đè chữ, khẩu hiệu, làm mất đi ý nghĩa của lá cờ đạo được Hiến chương xác lập là biểu tượng của Phật giáo Việt Nam.
Tự thân lá cờ với các màu sắc quy định là một biểu tượng hoàn chỉnh. Mọi sự can thiệp, thêm bớt, làm thay đổi hoặc biến dạng đều không thể chấp nhận.
Có nơi dùng Đạo kỳ để trang hoàng trong các sự kiện, lễ lạt, sau đó bỏ quên mặc cho bạc màu và xuệch xoạc giữa mưa nắng, trông rất phản cảm. Vấn đề này cũng đã được phản ánh tại hội nghị sinh hoạt hành chánh, giao ban của Giáo hội gần đây.
Chúng ta thường nhắc tới ý nghĩa của lý - sự viên dung; hình thức và nội dung không tách rời nhau, nói khác hơn là chân lý được nhận ra qua hình thức.
Đối với tôn giáo, thiêng liêng là yếu tố rất quan trọng. Nếu viện lý do để dễ dãi, đánh mất giá trị này, đối với một tổ chức tôn giáo, có nghĩa là tự phủ nhận mình trong đời sống xã hội.
Thiết nghĩ, Giáo hội cần có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn nữa, phổ biến đến các cơ sở tự viện, về sử dụng Đạo kỳ và cả Đạo ca, làm sao giữ được tính tôn nghiêm cần có của các biểu tượng tôn giáo này.