GNO - Một nhà sử học và học giả nổi tiếng người Mỹ đã kêu gọi chính phủ Pakistan thuyết phục UNESCO công nhận bảo tháp cổ Kanishka là kỳ quan thứ 8 của thế giới bởi kết cấu xây dựng vượt trội của nó.
Bảo tháp từng tồn tại ở Peshawar xứng đáng được tuyên bố là kỳ quan thứ 8 vì kết cấu xây dựng vượt trội của nó, bằng chứng cho sự sáng tạo cũng như quá trình xây dựng khó nhọc của con người và được đề cập đến trong các sách lịch sử, Amjad Hussain nói.
UNESCO nên được thuyết phục để công nhận bảo tháp Kanishka là một “Di sản Thế giới”, bên cạnh việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nhật Bản và Trung Quốc đối với địa điểm, Hussain cho biết.
Hussain, một giáo sư tim mạch lồng ngực tại Mỹ, đến từ Peshawar và đã xuất bản 16 cuốn sách về các chủ đề khác nhau như lịch sử, văn hóa, tôn giáo và những di sản ngôn ngữ và văn hóa của thành phố Peshawar.
"Bên ngoài thành phố Peshawar ở Ganj Gate (còn được gọi là Shah Jee Ki Dheri), có một địa điểm, nơi một bảo tháp uy nghiêm được xây dựng dưới triều đại Kushan Kanishka trong thế kỷ 1", Hussain cho biết.
Địa điểm này được mô tả chi tiết bởi ngài Huyền Trang trong hồi ký của mình sau khi đến thăm trong chuyến hành hương từ năm 620 đến năm 645 và gọi địa điểm này là “tòa kiến trúc cao nhất” của châu Á.
Người ta ước tính rằng bảo tháp tương đương với một tòa nhà 13 tầng ngày nay và một tu viện liền kề với tượng của 2 vị thánh Phật giáo Vasubandhu và Parva.
Cùng với sự suy vong của Phật giáo trong khu vực, dấu vết của bảo tháp và tu viện đã bị mờ đi.
Về tầm quan trọng tôn giáo và nền mống của bảo tháp Kanishka, Amjad nói rằng tháng 3 năm 1909, khi đào bới tới trung tâm của nền bảo tháp, D B Spooner, một nhà khảo cổ học người Mỹ và là người phụ trách đầu tiên của Bảo tàng Peshawar đã thực hiện một khám phá giật gân làm khuấy động thế giới khảo cổ.
“Một chiếc hộp đựng xá-lợi bằng đồng mạ vàng đã được phục hồi có chứa mảnh xương và tro cốt của Đức Phật”, Amjad tuyên bố.
Ảnh hưởng của Đức Phật được lan truyền trên toàn thế giới và những mảnh xá-lợi được tìm thấy từ Peshawar ở tháp Kanishka và do đó nơi đây phải được công nhận là kỳ quan thứ 8 của thế giới, ông nói.
Chiếc hộp ghi tên và hình của Hoàng đế Kanishka. Chính phủ Anh đã tặng xá-lợi cho Myanmar, và được tôn trí trong ngôi tháp chính ở Mandalay trong khi chiếc hộp bằng đồng được trưng bày tại bảo tàng Peshawar.
Bản sao của chiếc hộp được lưu giữ tại Bảo tàng Anh.
Amjad kêu gọi nâng cao nhận thức về tầm quan trọng khảo cổ của bảo tháp.
Văn Công Hưng
(theo The Economic Times)