GNO - Như Giác Ngộ online đưa tin, sáng nay, 13-11, Hội thảo quốc tế về Phật giáo vùng Mê-kông đã chính thức khai mạc tại Đại học KHXH&NV TP.HCM.
Hội thảo do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam kết hợp với Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM tổ chức.
Toàn cảnh khai mạc Hội thảo - Ảnh: Bảo Thiên
HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS cùng chư tôn giáo phẩm HĐTS đã đến chứng minh và chủ trì hội thảo.
Ngoài ra còn có sự tham dự của gần 200 học giả, nhà quản lý tôn giáo, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PTG.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM cho biết Mê-kông là một dòng sông xuất phát từ cao nguyên Thanh Tạng, chảy qua nhiều quốc gia: Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia, miền Tây Nam bộ Việt Nam rồi đổ ra biển Đông.
“Đây là dòng sông Phật giáo, bởi những quốc gia nơi dòng sông này đi qua đều là những quốc gia Phật giáo và chủ yếu là Phật giáo Nguyên thủy - Nam truyền. Phật giáo Nguyên thủy - Nam truyền hiện vẫn tồn tại và ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á, tạo nên một khu vực Phật giáo: Phật giáo vùng Mê-kông”, ông Võ Văn Sen khẳng định.
Cũng theo ông Võ Văn Sen, giáo lý tư tưởng nhà Phật là giáo lý khế cơ, khế thời, khế xứ và đậm tính dân chủ, nhân văn nên rất linh hoạt và dễ dàng hội nhập, hòa đồng với những Phật độ nơi Phật giáo truyền đến, tạo nên những nét rất riêng của Phật giáo ở mỗi nước. Nhiều nhà nghiên cứu thường nói “mỗi một dân tộc đều có một ông Phật của riêng mình” là xuất phát từ bản sắc riêng này.
Vì vậy, tại hội thảo, người đứng đầu nhà trường cho biết các đại biểu sẽ được nghe và trao đổi với nhau nhiều vấn đề học thuật thú vị về Phật giáo vùng Mê-kông qua các tham luận của các học giả trong và ngoài nước về những chủ đề như: Quá trình du nhập và truyền thừa, Quá trình giao lưu và hội nhập, Những di sản văn hóa cần bảo tồn và nghiên cứu, Vấn đề môi trường và cần ứng xử với môi trường, Vấn đề toàn cầu hóa.
“Có nhiều nội dung nóng bỏng và thiết thực, bởi chúng gắn bó chặt chẽ với đời sống của con người, chẳng hạn như vấn đề môi sinh và môi trường của sông Mê-kông đang bị ô nhiễm và hiện tại các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo, sự ô nhiễm môi trường này đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống cư dân nơi đây. Hay như những di tích văn hóa Phật giáo vùng Mê-kông có nguy cơ bị hủy hoại và bị mai một bởi phải chịu sự tác động của thiên tai, sự biến đổi của khí hậu và sự xâm hại của con người mà các nhà khoa học cần phải có giải pháp để bảo bảo tồn...”, ông Võ Văn Sen cảnh báo.
Từ đó ông mong rằng, bằng trí tuệ uyên bác của các học giả trong và ngoài nước, chúng ta sẽ tìm ra lời giải đúng đắn và có phương cách giải quyết tốt nhất cho những vấn đề khoa học mà hội thảo đặt ra. Các nhà khoa học cùng nhau bàn bạc mối quan hệ tương quan, những điểm tương đồng và khác biệt giữa Phật giáo của các nước thuộc vùng Mê-kông, chỉ ra bản sắc riêng của Phật giáo tại mỗi quốc gia, dân tộc, với mục đích hướng đến tương lai, góp phần phụng sự cho đất nước và nhân dân trong khu vực này - hướng đến một đời sống hòa bình, an lạc và hướng thiện cho nhân loại, cho tất cả các dân tộc trong khu vực, với sự phát triển bền vững trong thời đại hội nhập toàn cầu hóa như hiện nay.
Đại biểu niệm Phật bắt đầu hội thảo - Ảnh: Bảo Thiên
PGS. TS Võ Văn Sen phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: Bảo Thiên
Phát biểu chào mừng Hội thảo, HT.Thích Trí Quảng nhìn nhận - trong bối cảnh Trung Quốc tham vọng độc chiếm biển Đông tạo ra các tranh chấp chủ quyền biển đảo thì những nỗ lực của các chính phủ trong khu vực trong đó có Việt Nam về việc cam kết ngăn chặn sự bối đắp làm thay đổi nguyên trạng cấu trúc của các đảo, đá và bãi ngầm đã thực sự góp phần làm giảm căng thẳng.
Sự cam kết duy trì hòa bình, an ninh, an toàn ở biển Đông, trên nền tảng tôn trọng luật pháp quốc tế, không chỉ là trách nhiệm chung của các nước tiểu vùng Mê-kông mà còn là chính sách khôn ngoan mang lại nhiều lợi ích cho các nước trong và ngoài khu vực Mê-kông.
Qua đó, Hòa thượng nhấn mạnh, sự khởi xướng cầu nối về hợp tác toàn diện của các cộng đồng Phật giáo tiểu vùng Mê-kông sẽ góp phần gây tạo ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn và bảo vệ các di sản văn hóa, ngăn chặn sự suy thoái đạo đức, nâng cao chất lượng sống cho các cộng đồng.
“Sự thúc đẩy hợp tác giữa Phật giáo một mặt cung ứng nền tảng lý luận về việc bảo vệ môi trường, sinh thái lưu vực sông Mê-kông trên nền tảng học thuyết duyên khởi, cộng tồn, còn đề xuất mô thức sống “Hài lòng, biết đủ để giảm hưởng thụ cực đoan”, dẫn đến ý thức cam kết bảo vệ nguồn tài nguyên nước và môi trường sinh thái tại tiểu vùng Mê-kông”, Hòa thượng khẳng định.
Nhân hội thảo quốc tế này, Hòa thượng kỳ vọng rằng các đại biểu sẽ nỗ lực trao đổi, chia sẻ để hướng đến các mục tiêu: tăng cường kết nối Phật giáo trong tiểu vùng Mê-kông với Phật giáo trong khu vực và trên thế giới; tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường vì Mê-kông xanh; tăng cường các chương trình giao lưu văn hóa, giao lưu Giáo hội Phật giáo, giao lưu quần chúng Phật tử giữa các nước tiểu vùng Mê-kông; đẩy mạnh sự hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, củng cố tình hữu nghị, đoàn kết giữa các nước lưu vực sông Mê-kông.
HT.Thích Trí Quảng phát biểu chào mừng - Ảnh: Bảo Thiên
Nhân buổi khai mạc hội thảo, các đại biểu còn được nghe phần phát biểu đề dẫn của TT.Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Ngay sau đó là phần phát biểu tham luận tại phiên toàn thể của HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; Hòa thượng Lama Lobzang, Tổng Thư ký Liên minh Phật giáo Toàn cầu; Giáo sư S.R.Bhatt, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Triết học Ấn Độ thuộc Bộ Phát triển Tiềm năng con người Ấn Độ.
Đại diện các đại biểu quốc tế đã trân trọng trao tặng bức tượng Phật lưu niệm nhân dịp tham dự hội thảo.
Sau phiên khai mạc, các đại biểu tham dự 3 diễn đàn của hội thảo gồm: Di sản và văn hóa, Lịch sử và hội nhập, Môi trường và toàn cầu hóa.
TT.Thích Nhật Từ phát biểu đề dẫn - Ảnh: Bảo Thiên
Đại biểu quốc tế trao đổi trong phiên khai mạc - Ảnh: Bảo Thiên
Đại diện đại biểu quốc tế tặng tượng Phật lưu niệm đến Ban Tổ chức - Ảnh: Bảo Thiên
Bảo Thiên