GNO - Lễ khai mạc triển lãm diễn ra sáng nay 17-5, tại chùa Phật học Xá Lợi (Q.3, TP.HCM) trong khuôn khổ các nội dung văn hóa - văn nghệ Kính mừng Phật đản PL.2557 - DL.2013 của GHPGVN TP.HCM.
Chư tôn đức và Phật tử tham dự triển lãm
TT.Thích Đồng Bổn phát biểu khai mạc nhấn mạnh, triển lãm do Ban Văn hóa và Ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM phối hợp tổ chức nhằm đưa di sản đến gần quần chúng, tạo điều kiện để nhiều người tận mắt nhìn thấy tôn tượng chư Phật, chư Bồ-tát, các pháp bảo, pháp khí, các vật phẩm sử dụng trong việc thờ cúng theo truyền thống tín ngưỡng Phật giáo của dân tộc Việt trải qua các thời kỳ lịch sử: Lý - Trần - Lê - Nguyễn (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX).
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, trong phần thuyết minh về triển lãm tại lễ khai mạc đã nói lên tầm quan trọng, phản ánh đời sống tâm linh người Việt trong việc tiếp thu giáo lý nhà Phật thông qua các di sản mỹ thuật Phật giáo còn lại, được sưu tập và đem trưng bày tại triển lãm này.
Đồng thời, ông Trần Đình Sơn cũng gửi lời cảm ơn đến chư tôn thiền đức đã quan tâm yểm trợ công tác tổ chức, phối hợp, cho mượn những hiện vật quý hiếm để trưng bày...
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn phát biểu
TT.Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM
hoan hỷ chiêm bái tượng La-hán làm bằng gỗ sơn mài thế kỷ XVIII
Sau những phát biểu, chia sẻ trên, lễ cắt băng triển lãm đã được thực hiện, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn hướng dẫn chư tôn đức Phật tử tham quan và thuyết minh thêm về những cổ vật.
Được biết, trong thời gian diễn ra triển lãm, BTC có trưng bày sưu tập hình ảnh kỷ niệm 50 năm tín đồ Phật giáo đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo, tự do tín ngưỡng tại miền Nam Việt Nam (1963-2013).
Triển lãm mở cửa trong suốt Tuần lễ Phật đản, từ mùng 8 tới 15-4-Quý Tỵ.
GS.Cao Huy Thuần nói chuyện về "bất bạo động"
Trong khuôn khổ của triển lãm, lúc 10g sáng nay, tại chánh điện chùa Xá Lợi, GS.Cao Huy Thuần đã có buổi nói chuyện về "Tinh thần bất bạo động của Phật giáo".
Bằng cách tương quan so sánh, dựa trên những nhân vật có thật, theo đuổi "bất bạo động" trên thế giới như Đức Dalai Lama, bà Aung San Suu Kyi (Myanmar), cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, Thánh Mahatma Gandhi..., GS Cao Huy Thuần chứng minh rằng, "ý niệm" của hành động chính là "dấu hiệu" cho biết người đó hay tổ chức đó có theo tinh thần "bất bạo động" hay không.
GS.Cao Huy Thuần nói chuyện về "bất bạo động"
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nói lời cảm tạ với GS.Thuần
Kết thúc buổi nói chuyện sau gần 1 tiếng đồng hồ, GS.Cao Huy Thuần được nhiều bạn đọc yêu mến ông qua các tựa sách, đã trực tiếp giao lưu, xin chữ ký.
Sắp tới, tại triển lãm còn có các buổi nói chuyện của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (lúc 8g30 ngày 19-5 về "Di sản Phật giáo VN"), TT.Thích Nhật Từ (lúc 8g30 ngày 21-5, về "Đại nguyện cúng dường của Bồ-tát Thích Quảng Đức") và TT.Thích Lệ Trang (lúc 8g30 ngày 23-5, về "Nghi lễ Phật giáo").
Bạn trẻ giao lưu bên lề với GS Cao Huy Thuần
Tượng Phật thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII
Tượng La-hán gỗ sơn mài thế kỷ VIII
Các tượng bằng gốm Biên Hòa và gốm Sài Gòn
Đầu tích trượng bằng đồng thế kỷ XV
Tượng Phật đản sinh