Khấn nguyện sẽ cạo tóc mà không thực hiện được, phải làm sao?

Hình chỉ mang tính minh họa - Ảnh: Làng Mai
Hình chỉ mang tính minh họa - Ảnh: Làng Mai
0:00 / 0:00
0:00

Hỏi: Cách đây hai năm tôi bị bệnh khá nặng, bấy giờ sức khỏe rất kém. Vừa chạy chữa tôi vừa cầu nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm, mong Ngài gia hộ cho tôi sức khỏe và lành bệnh thì tôi sẽ cạo tóc để tỏ lòng biết ơn. Nay nhờ phước duyên lành tôi đã khỏe và đi làm trở lại. Nhưng vì nghề của tôi thường xuất hiện trước đám đông cùng với dạy học nên không thể thiếu mái tóc. Xin hỏi quý Báo, có cách gì để thay thế cho việc không cạo tóc mà vẫn tròn lời nguyện và không đắc tội với Bồ-tát?

(LÂM NGHI, lamngh...@gmail.com)

Bạn Lâm Nghi thân mến!

Bạn đã có một trải nghiệm về đức tin thật tuyệt vời. Khi lâm trọng bệnh, ngoài việc chạy chữa còn tin tưởng và cầu nguyện chư Phật, Bồ-tát gia hộ sẽ góp phần trị liệu và chuyển hóa tích cực. Bạn đã khẩn cầu trước Bồ-tát và nguyện cạo tóc tạ ơn, khi được như nguyện thì phải nghiêm túc thực hiện.

Lời khấn nguyện trước chư Phật, Bồ-tát rất thiêng liêng, không chỉ các Ngài mà có cả hộ pháp chư thiên và quỷ thần cùng chứng giám, gia hộ. Thế nên, đã nguyện rồi mà không làm tròn lời hứa thì không nên. Phật và Bồ-tát thì luôn yêu thương chúng sinh nhưng chư thiên và quỷ thần thì khó lường. Mặt khác, tâm mình sẽ bất an vì chưa làm được như lời khấn nguyện.

Đúng đắn và đơn giản nhất, bạn cạo tóc và đảnh lễ tạ ơn Bồ-tát y như khấn nguyện. Lý do mà bạn đưa ra, không thể thực hiện việc này là do công việc đặc thù, cần có đầu tóc. Dĩ nhiên, ai cũng thông cảm cho bạn vì phải đi làm để sống, “có thực mới vực được đạo”. Thế nhưng, bình tâm mà xét, nếu không may mắn vượt qua trọng bệnh thì sẽ thế nào? Vẫn nằm viện, mất sức lao động, tàn phế, thậm chí mất cả thân mạng.

Bạn cần suy nghiệm để thấy rằng, vượt qua trọng bệnh là một sự tái sinh với lòng biết ơn vô hạn. Ơn Bồ-tát gia hộ, ơn gia đình chăm dưỡng, ơn bác sĩ và bệnh viện điều trị cùng tất cả chúng sinh (xã hội). Với niềm hàm ơn vô lượng đó thì sá gì mái tóc còn xanh. Kể cả việc nghỉ làm một thời gian vài tháng cũng ngặt chứ không nghèo. Nếu làm được việc này chẳng những mọi thứ đều thỏa nguyện và viên mãn mà còn giúp bạn nhận ra nhiều điều, đôi khi giá trị sống còn nhiều hơn lợi lộc do việc làm đem lại.

Tuy nói thế nhưng vẫn còn một cách là không cạo tóc nhưng vẫn tạ ơn được với Bồ-tát. Đó là, bạn sắm sửa lễ vật hương đèn hoa trái dâng cúng Ngài. Có một vật quan trọng cần chuẩn bị là một chiếc kéo nhỏ. Tốt nhất là đến với Bồ-tát nơi trước đây bạn đã khấn nguyện. Nếu hoàn cảnh không cho phép thì đến với Bồ-tát ở bất cứ nơi nào thuận tiện nhất. Đốt đèn, dâng hương và lễ bái ba lạy xong, bạn quỳ xuống và khấn nguyện tạ ơn.

Lòng biết ơn của bạn thế nào thì cứ thật tâm tỏ bày với Bồ-tát. Quan trọng nhất là sám hối với Ngài vì hoàn cảnh mưu sinh nên không thể xuống tóc tạ ơn mà chỉ cắt một phần nhỏ để thể hiện tấm lòng. Thiết nghĩ Bồ-tát sẽ hoan hỷ, chư thiên và quỷ thần cũng đồng cảm trước tâm thành của bạn. Sau đó bạn lấy kéo cắt một ít tóc (hoặc nhờ người cắt), cầm trên hai tay và lễ ba lạy tạ ơn. Bạn làm lễ tạ với tâm chân thành, kính cẩn và biết ơn vô lượng.

Vì tạ ơn Bồ-tát theo cách này vốn chưa thực sự đầy đủ, nên sau khi làm lễ xong, bạn cần phát tâm lễ lạy Bồ-tát thêm một thời gian nữa. Nếu được thì tôn trí một pho tượng hay tranh ảnh Bồ-tát tại tư gia để thuận tiện lễ bái. Bạn cứ lễ bái (thêm niệm danh hiệu Bồ-tát nữa thì càng tốt) cho đến khi thấy lòng mình thanh thản, cảm nhận được lòng thương vô bờ bến của Bồ-tát thường lân mẫn, chở che cho bạn trong nhiều phương diện cuộc sống. Bấy giờ, có thể xem bạn đã tròn lời nguyện, sự tạ ơn với Bồ-tát đã trọn vẹn, viên mãn.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Năm thứ báu khó có được ở đời

Năm thứ báu khó có được ở đời

GNO - Phái đoàn các vị Lệ-xa ở Tỳ-xá-ly khi đi đến Đức Phật đang ngự trong vườn xoài Am-bà-bà-lê được xem như biểu tượng của sự xa hoa, sang trọng, quý phái bậc nhất đương thời. Thậm chí Thế Tôn còn ví họ như “chư Thiên Đao-lợi khi đi dạo công viên, thì uy nghi và sự trang sức cũng không khác đoàn người đó mấy”.
Đức Dalai Lama thứ XIV

Hãy xem mình là khách viễn du

GNO - Khoảng chừng 50 năm nữa thì tôi, Tenzin Gyatso, một tu sĩ Phật giáo, sẽ chỉ còn là ký ức. Thật vậy, chưa chắc rằng người đang đọc những dòng chữ này, sẽ còn có mặt một thế kỷ sau. Thời gian trôi qua bất chấp.

Thông tin hàng ngày