Băn khoăn khi tu học tại chùa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

Hỏi: Tôi đang sống và làm việc tại Hàn Quốc. Dù xa quê hương và công việc bận rộn nhưng tôi vẫn tranh thủ đi chùa tụng kinh, lạy Phật. Trước đây, có lần lên chùa tụng kinh, do chưa thuộc chú Đại bi (bằng tiếng Hàn) nên tôi không theo kịp và đã khởi tâm bực bội nói thầm là sư cô tụng nhanh như máy. Sau đó, tôi đã sám hối trước bàn thờ Phật nhưng vẫn còn sợ bị đọa. Tôi có nên gặp và sám hối với vị sư cô đó không?

Chuyện nữa là con trai tôi mới 5 tuổi, khi lên chùa bé thường chạy giỡn ngoài hành lang, tôi hơi ái ngại nhưng sư cô bảo không sao. Một hôm, trong lúc đùa giỡn thì bé quay lưng (mông) vào bàn thờ Phật, tôi bảo bé mau xin lỗi và sám hối Phật vì làm vậy là bất kính với Phật nhưng bé lại nói không cố ý. Tôi biết Đức Phật từ bi thương xót trẻ nhỏ vô tâm nhưng vẫn lo lắng. Sau khi chép và học thuộc chú Đại bi rồi tôi đã mang đi đốt, đốt luôn cả bản gốc có hình Bồ-tát in trong đó, tôi đã sám hối nhưng vẫn không an tâm. Tôi phải làm sao để tiêu trừ những lầm lỗi trên?

(KIM SU, suyeon...@gmail.com)

Bạn Kim Su thân mến!

Đi chùa để lễ Phật, tụng kinh, học giáo pháp và tham gia các hoạt động thiện nguyện là điều tốt, phước đức vô lượng. Bạn ở xa quê hương, lao động vất vả nhưng vẫn hướng về chùa chiền và nhiệt tâm tu học là có căn lành. Việc đến chùa tu học nhằm chuyển hóa, chỉnh sửa bản thân cho tốt hơn nên những sơ suất, lầm lỗi thỉnh thoảng xảy ra là chuyện bình thường. Điều quan trọng là tự thân nhận diện và ứng xử với những sơ suất, lầm lỗi ấy thế nào để tội diệt, phước sinh, căn lành tăng trưởng.

Trước hết là việc bạn đã khởi tâm bực bội khi đang tụng kinh, phiền trách sư cô chủ lễ tụng nhanh như máy. Đây cũng là chuyện thường xảy ra trong các đạo tràng tụng kinh nếu thiếu sự đồng bộ về âm giọng, nhịp điệu cùng sử dụng các pháp khí. Bạn đã thành tâm sám hối trước Đức Phật về căn bản thì đã ổn. Tuy nhiên nếu bạn còn băn khoăn thì nên mạnh dạn gặp sư cô để bày tỏ và sám hối về tác ý bất thiện của mình. Dĩ nhiên là sư cô không biết việc này và không cần bạn sám hối nhưng bạn thì cần. Việc đối thú sám hối là pháp tu thông dụng hàng ngày (khi có lỗi nhỏ nhặt) nhưng có tác dụng to lớn đến thanh lọc và tịnh hóa tâm.

Đối với con trẻ cũng rất cần theo cha mẹ đến chùa nhằm kết duyên với Tam bảo cũng như tu tập. Lúc đầu, các bé hiếu động thích vui chơi có thể gây ồn ào hoặc chưa đúng phép tắc nơi chùa viện nhưng mọi người đều thông cảm. Đức Phật thì luôn hoan hỷ tha thứ, sư cô đã bảo không sao thì bạn cũng đừng lo nghĩ quá. Chỉ có điều, khi đến chùa bạn cần chăm sóc bé nhiều hơn, dạy bảo thêm cho con những điều nên và không nên, lâu ngày bé sẽ hiểu được. Trẻ em là mầm non của đạo pháp, sớm cho con đi chùa để kết duyên lành, về sau sẽ thấm thuần Phật pháp.

Việc chép kinh để học, học xong thì mang đốt (cùng với các kinh sách ảnh Phật, Bồ-tát hư cũ) là đúng pháp. Cần chọn một nơi sạch sẽ, đốt cháy hoàn toàn, dùng nước sạch dội hết tàn tro còn lại, gọi là “hỏa hóa”. Bạn đã làm đúng nhưng vì chưa hiểu nên không an tâm.

Nói chung, bạn chỉ phạm lầm lỗi nhỏ, chỉ cần tâm niệm sám hối, lễ Phật sám hối hay đối thú sám hối là được. Điều quan trọng là, cần mạnh dạn thưa hỏi quý thầy/cô ngay khi có vấn đề để thông hiểu các phép tắc, cách thức ứng xử đúng pháp nhằm điều chỉnh kịp thời. Không nên giữ những điều băn khoăn trong lòng quá lâu rồi sinh tâm lo lắng sẽ khiến cho mình không an lạc. Bởi mục tiêu của việc tu học là được tăng trưởng phước đức, thân tâm thường hoan hỷ, an vui.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày