"Nhân loại sẽ cần đến kháng sinh và sau đó sẽ bắt đầu một kỷ nguyên lạm dụng thuốc" - lời tiên đoán của Alexander Fleming khi phát hiện ra penicillin và mở ra "thời đại hoàng kim" cho kháng sinh dần trở thành sự thật khi kháng kháng sinh (AMR) có nguy cơ đe dọa sức khỏe toàn cầu.
Vì sự xuất hiện đề kháng ở các chủng vi khuẩn là tiến trình tự nhiên. Sử dụng kháng sinh điều trị thông thường nhưng không đúng bệnh, đúng liều lượng, đúng thời gian cũng có thể gây kháng thuốc. Sử dụng chưa hợp lý có thể dẫn tới "khủng hoảng" đề kháng kháng sinh, nhất là trong bối cảnh Covid-19 phức tạp.
Yếu tố gây kháng kháng sinh
Theo các nghiên cứu và nhận định của chuyên gia sức khỏe, những yếu tố góp phần gây kháng kháng sinh tại những nước phát triển có thể kể đến như kê toa kháng sinh chưa hợp lý trong bệnh viện, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi động vật dẫn đến tồn dư kháng sinh khi con người tiêu thụ.
Trong tất cả các kháng sinh lưu hành tại Mỹ, có khoảng 80% được dùng như phụ gia tăng trưởng và kiểm soát bệnh lây nhiễm ở động vật. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở một số quốc gia, khoảng 80% tổng lượng tiêu thụ các loại kháng sinh quan trọng về mặt y tế là trong lĩnh vực chăn nuôi động vật, phần lớn là để thúc đẩy tăng trưởng ở động vật khỏe mạnh.
Ở động vật dùng làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm, kháng sinh thường được sử dụng nhiều ở các loại gia súc, gà, lợn... WHO dự đoán vào năm 2030 việc sử dụng kháng sinh trên toàn cầu sẽ lên đến mức 67% do chuyển đổi phương thức sản xuất ở các nước có thu nhập trung bình, nơi các hệ thống nuôi quảng canh sẽ được thay thế bằng các hoạt động thâm canh quy mô lớn.
Sự lây lan của vi khuẩn từ động vật sang người
Vì không thể kiểm soát được liều lượng hoặc vì lợi nhuận kinh doanh, một số người đã biến các kháng sinh thành "công cụ luyện tập" cho vi sinh vật chống lại chính mình. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, con người có thể nuôi gia súc, gia cầm mà không cần thêm kháng sinh vào thức ăn.
Việc lạm dụng kháng sinh này càng thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn đề kháng trong ruột động vật, từ đó, dễ đến việc vi khuẩn đề kháng vẫn có thể tồn tại trong thịt động vật nếu chế biến không đúng cách. Vi khuẩn kháng thuốc có thể tồn tại trong phân động vật khi ra ngoài môi trường có thể lưu tồn trong cây trồng và vô tình trở thành thức ăn của động vật khác.
Để khắc phục tình trạng này, cần nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ nghiêm ngặt những quy định ngăn chặn đề kháng kháng sinh của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế và tổ chức y tế liên quan. Hiểu và làm theo quy định là cách để bảo vệ sức khỏe chính mình, người thân và toàn xã hội trong hiện tại và tương lai.
Hưởng ứng những nỗ lực của thế giới về ngăn chặn kháng kháng sinh, Lễ ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác phòng, chống kháng kháng sinh tại Việt Nam 2021-2023 đã diễn ra tại Hà Nội giữa Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế Việt Nam, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Văn phòng đại diện GSK Pte Ltd tại Việt Nam. Đây được xem là bước tiến trong nỗ lực hỗ trợ ngăn chặn kháng kháng sinh toàn phần tại Việt Nam, góp phần đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc cho thế hệ tương lai.
Ngọc An/Vnepress
Chung tay ngăn chăn tình trạng kháng kháng sinh là chương trình giáo dục bệnh dành cho công chúng được phối hợp thực hiện bởi Hội Hô hấp TP.HCM và Văn phòng đại diện GSK Việt Nam. Bạn nên tư vấn bác sĩ để hiểu thêm về các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng và được chẩn đoán, điều trị thích hợp.