Khánh tuế Trưởng lão HT.Thích Thanh Từ 97 tuổi

GNO - Sáng 4-9 (17-7-Canh Tý), tại thiền viện Thường Chiếu (H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai), tứ chúng môn hạ thuộc Thiền phái Trúc Lâm đã tổ chức lễ khánh tuế Trưởng lão HT.Thích Thanh Từ, nhân ngài thượng thọ 97 tuổi.

anh 2.jpg


HT.Thích Nhật Quang tác bạch khánh tuế Trưởng lão HT.Thích Thanh Từ

Đây là sinh hoạt trong truyền thống tông môn, theo đó toàn thể chư Tăng, Ni đại diện các thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm đã vân tập về đây sau mỗi mùa An cư kiết hạ kết thúc để đảnh lễ, khánh tuế bậc Ân sư.

HT.Thích Nhật Quang, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm, trụ trì thiền viện Thường Chiếu đã thay mặt toàn thể chư Tăng, Ni và Phật tử môn hạ dâng lời tác bạch, chúc thọ lên Trưởng lão Hòa thượng. Qua đó, Hòa thượng cũng nhắc lại những yếu chỉ về sự tu tập mà Trưởng lão Hòa thượng Ân sư tâm đắc và truyền dạy với toàn thể đại chúng.

anh 4.jpg


Trưởng lão HT.Thích Thanh Từ thượng thọ 97 tuổi


Trưởng lão HT.Thích Thanh Từ là vị thiền sư chủ trương phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, hiện ngài là Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Tác bạch khánh tuế Trưởng lão HT.Thích Thanh Từ của HT.Thích Nhật Quang (trích)

Bạch Thầy,

Con nhớ lại tại đây, cũng ngày này của hơn 20 năm trước, Thầy đã ân cần nhắc nhở Tăng Ni:

Hôm nay là ngày Tự tứ, tôi sẽ nói về ý nghĩa hai chữ Tự tứ. Tự là mình, Tứ là thỉnh cầu các bậc thầy hướng dẫn tu trong ba tháng, nếu thấy nghe nghi mình có lỗi, xin quý ngài từ bi chỉ dạy. Mỗi người tự xét lại, nếu phạm lỗi đúng như vậy thì thành tâm sám hối. Cho nên tinh thần Tự tứ hết sức cao đẹp. Người chỉ lỗi không đợi thấy mới chỉ, mà nghe ai nói hoặc nghi ngờ cũng cứ chỉ. Một vị tăng cũng như một vị ni, với tâm thành khẩn tha thiết cầu xin chỉ lỗi như thế, có thể làm tiêu tan hai điều xấu chứa chấp từ thuở nào.

Thứ nhất, chúng ta quen thói có lỗi muốn che giấu không cho người khác biết, đó là căn bệnh muôn đời. Trong nhà Phật thường thí dụ, người có lỗi che giấu chẳng khác nào che giấu mụt ghẻ mủ, không chịu mổ. Lâu ngày mụt nhọt làm hư thối thịt, thậm chí có thể đi tới tử vong. Như vậy che giấu là tai họa nuôi dưỡng mầm bệnh trở thành ung thư không ai cứu được. Cho nên ngày Tự tứ chúng ta cầu mong người khác chỉ dạy để sửa đổi, là dẹp được bệnh che giấu.

Thứ hai là bệnh ngạo mạn. Nghĩa là lúc nào cũng thấy mình hơn người, không bao giờ chịu dở, thấp kém, thua thiệt. Vì thế vừa nghe ai nói xấu, chỉ bày cái dở là nổi giận đùng đùng. Đó là lửa dữ thiêu đốt, phá hoại hết tất cả công đức trên đường tu hành. Người ôm ấp tâm ngạo mạn là bản ngã cao, tu tập không bao giờ đạt kết quả, vì không hợp với pháp vô ngã của Phật. Càng tu càng xa rời Chánh pháp, càng đi ngược những gì Đức Phật đã dạy. Đồng thời làm cho Phật pháp suy đồi, Tăng Ni phải ly tán.


Đây là hai căn bệnh trầm trọng. Do đó Tự tứ là ngày chúng Tăng tự biết thỉnh cầu thầy hoặc huynh đệ đi trước, chỉ bảo lỗi lầm của mình để sám hối. Chúng ta tu để tiêu diệt phiền não thì tâm thanh tịnh, trí sáng suốt. Trên đường tu nếu mình không tự thấy lỗi phải nhờ huynh đệ chỉ dùm. Được thầy bạn chỉ mà buồn giận là chưa thật tu, chỉ tu cầm chừng lấy lệ cho có mà thôi. Người thật tu khi được thầy bạn chỉ lỗi phải hoan hỷ nhận, sám hối, chừa bỏ thì mới thực sự tu tiến. Đây cũng chính là ý nghĩa cúi thấp mình, không tự cao tự đại. Cho nên Tự tứ là ngày quan trọng trong nhà Phật.

Phật dạy thân tứ đại, năm uẩn này là vô ngã, nếu chúng ta cho là thật thì mê muội chưa sáng suốt. Ngã không phải chân thật mà mê lầm nhận cho nó thật, là gốc của luân hồi sanh tử. Cho nên Phật dạy phải thấy năm uẩn là vô ngã, không thật, từ đó mới có thể gột sạch phiền não. Nếu thấy nó thật thì phiền não không bao giờ hết, tu không bao giờ được giác ngộ. Tất cả Tăng Ni tha thiết tu hành để được giải thoát sanh tử thì những điều tối quan trọng đó phải thấy, chứ không có quyền bỏ lảng qua một bên, nuôi dưỡng mê lầm, tự mình chuốc khổ và làm khổ lụy cho nhiều người.

Những ngày theo Thầy học đạo, chúng con mê nhiều hơn tỉnh, nhọc nhằn Thầy lắm, nhưng chưa bao giờ Thầy thối chí nản lòng. Thầy dạy chúng con cố gắng sửa đổi từng lỗi nhỏ, buông bỏ từng niệm xấu. Buông hết tạp niệm để lòng thanh thản nhẹ nhàng. Thầy mong muốn, trông đợi mai sau chư Tăng Ni và Phật tử đều sống ở chỗ rỗng rang mà Phật Tổ đã chỉ dạy, thường trú trong niềm an lạc đó thì sự tu hành mới xứng đáng.

Chúng đệ tử tuy đã già, nhưng đối trước Thầy vẫn thấy mình luôn nhỏ, học hoài học mãi cũng chưa thấy đủ.

Thầy ơi, con cúi đầu thẳm lắng,
Hư không dù nát vẫn còn Thầy,
Giác hải vân tâm thuyền đạo tuệ,
Thanh dung Từ dáng diệu tâm đăng.

Toàn thể đệ tử chúng con xin nguyện cung kính vâng lời Thầy chỉ dạy, nguyện sống từng giờ từng phút trong sự tỉnh giác, huynh đệ hòa kỉnh tương thân tương trợ nhau, vâng theo sự chỉ giáo của Thầy nỗ lực tu hành, giữ gìn sự nghiệp thiền tông mà Thầy đã dầy công gầy dựng, nguyện dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử sống mãi trong lòng Phật pháp và dân tộc Việt Nam.

Bao nhiêu công đức có được, chúng con đồng dâng lên cúng dường Ân sư, kính nguyện Thầy luôn an tường, trí tuệ và lòng từ luôn sáng soi. Thầy sống lâu nơi đời, là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho Tăng Ni Phật tử tu thiền Việt Nam. Cội đại thụ trong rừng thiền Trúc Lâm gốc sâu rễ chắc thì cành lá hoa trái mai này sẽ sum sê. Đệ tử chúng con nương từ lực Thầy yên ổn tu hành, hướng đến thành tựu tâm nguyện giác ngộ giải thoát cho mình và mọi người, những mong phần nào đền đáp thâm ân giáo dưỡng của Ân sư.

Cúi mong Thầy từ bi thương xót, chứng minh cho lòng thành của tất cả chúng con.

Hương Trà / Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày