Khảo sát thuật ngữ phương tiện thiện xảo trong kinh tạng Pāli

NSGN - Phương tiện thiện xảo (upāya-kosalla) là một thuật ngữ được xem như là đặc trưng của Phật giáo Đại thừa. Khái niệm này có thể được hiểu là những phương thức khéo léo, linh hoạt mà Đức Phật sử dụng để giáo hóa từng đối tượng với căn cơ khác nhau. 

13.jpg
Hòn đá thiêng nổi tiếng ở chùa Kyaikto, Myanmar - Ảnh internet

Là một tư tưởng nổi bật nhưng phương tiện thiện xảo trong kinh điển Đại thừa, và đặc biệt trong Kinh tạng Pāli, chưa nhận được sự quan tâm của giới học giả1. Gombrich đã nhận định: “Đúng là thuật ngữ ‘phương tiện thiện xảo’, upāya-kauśalya, thuộc về kinh điển sau này, nhưng việc vận dụng thiện xảo mà nó ám chỉ, tức là kỹ năng thích ứng lời nói với từng đối tượng người nghe đã có tầm quan trọng to lớn trong Pāli tạng.”2 Mặc dù khẳng định về tầm quan trọng to lớn của phương tiện thiện xảo trong kinh tạng Pāli, Gombrich cho rằng cụm từ này thuộc về các giai đoạn phát triển sau của Phật giáo và phương cách độ sanh này chỉ tồn tại dưới dạng tư tưởng. Tuy nhiên, người viết sẽ xác minh lại nhận định này bằng việc tra tìm thuật ngữ phương tiện thiện xảo trong một số bản kinh thuộc tạng Pāli và từ đó đưa ra một vài phác họa về tư tưởng này. 

Thuật ngữ phương tiện thiện xảo trong kinh tạng Pāli 

- Xuất hiện dưới dạng tên gọi 

Thuật ngữ phương tiện thiện xảo xuất hiện không ít lần trong kinh tạng Pāli. Kinh Phúng tụng thuộc Trường bộ kinh (Dīgha Nikāya) là một trường hợp cho thấy cụm từ upāya-kosalla (phương tiện thiện xảo) đã từng hiện diện. Bài kinh này được thuyết bởi ngài Xá-lợi-phất, có sự chứng minh của Phật đang nằm nghỉ bên cạnh.3 Khi đó, Tôn giả Xá-lợi-phất nhắc đến sự tan rã của phái Lõa thể Ni-kiền-tử do tranh cãi giữa các đệ tử với nhau sau khi vị đạo sư của phái này qua đời. Ngài tuyên thuyết các pháp với mục đích giúp các thầy Tỳ-kheo làm cơ sở cho việc tu tập, khéo đọc tụng lại và y giáo phụng hành, chẳng nên tranh luận để Chánh pháp được trường tồn. Bài kinh này liệt kê các khái niệm giáo lý được sắp xếp theo thể thức các pháp tăng dần, như trong Anguttara Nikāya (kinh Tăng chi bộ). Trong nhóm ba pháp, chúng ta có thể tìm thấy ba loại thiện xảo như sau: “Ba thiện xảo: tăng ích thiện xảo, tổn ích thiện xảo, phương tiện thiện xảo”.4 

Phương tiện thiện xảo đã được trình bày trong nhóm các loại thiện xảo như thế. Tuy nhiên, các loại thiện xảo trong kinh Phúng tụng vẫn chưa được phát triển thành các khái niệm hay tư tưởng rõ ràng, mà chỉ dừng lại ở việc được liệt kê dưới dạng tên gọi. Phương tiện thiện xảo được Tỳ-kheo Giác Giới giải thích như sau: “Phương tiện thiện xảo (upāyakosalla) là trí sắp đặt đường lối hành động để phát sinh hai trường hợp trên: tăng ích và tổn hại”.5

Đây là một bài kinh do ngài Xá-lợi-phất hệ thống hóa lại những bài pháp được Thế Tôn giảng dạy. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Có bài pháp nào trong đó chính Đức Phật đã giảng về ba loại thiện xảo bên trên, trong đó có phương tiện thiện xảo? 

Một trường hợp như thế được tìm thấy trong Tăng chi bộ kinh (Anguttara Nikāya). Ở đây, ba thuật ngữ tương tự như trong bản kinh Phúng tụng được sử dụng. Đoạn kinh nói về sáu pháp khiến cho một Tỳ-kheo có cơ hội chứng đắc được các pháp chưa chứng, hoặc có khả năng tăng trưởng các pháp đã chứng đắc. Sáu pháp đó là: “Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo thiện xảo khi đi vào, thiện xảo khi đi ra, thiện xảo khi đến gần, khởi lên ý muốn đạt được những thiện pháp chưa đạt được, phòng hộ các thiện pháp đã được chứng đắc, có cố gắng để kiên trì tiếp tục”.6 

Khi đối chiếu với bản kinh tương ứng tiếng Pāli, “thiện xảo khi đến gần” chính là “phương tiện thiện xảo” được nhắc đến trong kinh Phúng tụng (cũng tương tự với hai cụm từ còn lại là tăng ích thiện xảo và tổn ích thiện xảo).7 Do đó, sự khác biệt chỉ nằm ở cách dịch khác nhau. Qua hai bản kinh trên, chúng ta có thể thấy thuật ngữ phương tiện thiện xảo đã có mặt trong các bài pháp thuộc tạng kinh Pāli, được các đệ tử Phật lắng nghe và thực hành. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng nếu chỉ dựa vào hai trường hợp trên thì thực sự chưa đủ cơ sở để xây dựng nên ý nghĩa đầy đủ của tư tưởng này. Ba thuật ngữ trên hầu như liên quan đến thái độ trong tu tập của một Tỳ-kheo hơn là phương pháp giáo hóa tha nhân. Khi được kết hợp với ba pháp còn lại của sáu pháp đó, sẽ “khởi lên ý muốn đạt được những thiện pháp chưa đạt được, phòng hộ các thiện pháp đã được chứng đắc, có cố gắng để kiên trì tiếp tục”.8 Đoạn kinh đòi hỏi hành giả cần phải luôn giữ kiên định về tinh thần và quyết tâm tinh tấn trong tu tập. Tuy nhiên, các lần xuất hiện của thuật ngữ được phát hiện và trình bày sau đây sẽ bổ trợ hoàn chỉnh cho điểm thiếu sót về mặt độ tha nhân này.  

- Có công năng như đưa nhiều người sang sông 

Một nguồn tài liệu tham khảo liên quan trực tiếp đến phương tiện thiện xảo và có sự tương đồng lớn đối với tư tưởng này trong Phật giáo Đại thừa, đã xuất hiện trong kinh Tập thuộc Tiểu bộ kinh với nội dung như sau: “Như người được leo lên/ Chiếc thuyền mạnh vững chắc/ Ðược trang bị đầy đủ/ Mái chèo và tay lái/ Người như vậy ở đây/ Giúp nhiều người ngược dòng/ Rõ biết những phương tiện/ Thiện xảo và sáng suốt”.9 Điều thú vị trong bài kệ này là hình ảnh ẩn dụ với chiếc thuyền ví như phương tiện và người lái thuyền được ca ngợi như người biết vận dụng khéo léo phương tiện đó để đưa được số đông cùng qua bờ giác ngộ. Đây có thể được xem là sự tương đồng đáng kể giữa phương tiện trong kinh tạng Pāli và Đại thừa. Tuy nhiên ở đây, đoạn kinh chỉ nói đến công năng của việc sử dụng phương tiện mà vẫn chưa được làm sáng tỏ hay phát triển về mặt nội hàm với những triết lý hay phương pháp thực hành như thế nào. 

- Đức Phật với vô lượng phương tiện thiện xảo và nội hàm của chúng 

Lần này không chỉ dừng lại ở tên gọi hay công năng của pháp phương tiện thiện xảo, các bản kinh còn cho thấy phương tiện thiện xảo của Phật có số lượng nhiều vô kể và kèm theo một số ví dụ sinh động để cho thấy nội hàm của nó. “Này các Tỳ-kheo hiền hữu, tài trí của đấng Thập lực thật dồi dào phương tiện thiện xảo biết bao! Ngài đã chỉ cho vương tử Nanda (em trai của Ngài) thấy cả bầy thiên nữ xong khiến vị ấy đắc Thánh quả; Ngài lại trao chiếc y cho chàng tiểu thị giả của Ngài và giáo hóa cho chàng chứng Thánh quả bốn thiền chứng. Ngài chỉ đóa hoa sen cho người thợ rèn nọ khiến người ấy đạt Thánh quả. Thật Ngài đang hóa độ chúng sinh với muôn vàn phương tiện khác nhau”.10 

Trên đây là đoạn trích về những lời Tăng chúng bàn luận với nhau, tán thán về trí tuệ của Phật khi họ đang ở trong Chánh pháp đường tại tinh xá Kỳ Viên, trong lúc chờ Đức Phật đến thuyết giảng. Qua lời kể, những lời ca tụng dành cho Bổn sư như “dồi dào phương tiện thiện xảo biết bao” hay “hóa độ chúng sinh với muôn vàn phương tiện khác nhau” đã xác nhận về “lượng” trong việc vận dụng phương tiện của Đức Phật. Mỗi chúng sanh Ngài độ bằng một phương pháp nhất định; chúng sanh vô số kể thì phương tiện của Ngài cũng vô lượng, vô biên. 

Cụ thể, một số ví dụ về phương tiện mà Phật đã sử dụng để độ tha nhân với những căn cơ khác nhau cũng được kể lại qua đoạn kinh trên: Với ngài Nanda ham mê nữ sắc, hưởng thụ dục lạc thì Phật dùng thần thông đưa lên thiên giới để thấy các thiên nữ để sau đó chứng A-la-hán; với tiểu thị giả Phật dùng phương tiện đó là hành động “trao chiếc y” để chứng Tứ thiền; còn với người thợ rèn thì phương tiện đó là hành động “chỉ đóa hoa sen”. Rõ ràng, với mỗi đối tượng có căn cơ và nền tảng xuất thân khác nhau, Đức Phật đã linh hoạt dùng một phương tiện hay bài pháp nhất định để có thể giúp họ đạt thành quả trong lộ trình giải thoát. 

Quan trọng nhất, bản kinh đã phần nào phác họa nội hàm của phương tiện thiện xảo trong kinh tạng Nguyên thủy, về cơ bản vốn mang ý nghĩa không khác so với tư tưởng này trong Đại thừa: Đức Phật tùy biến bài pháp để phù hợp với từng đối tượng nghe pháp. 

Về trường hợp của ngài Nanda, Thế Tôn đã độ được ngài, người từng quen lối sống hưởng thụ dục lạc và không hề có ý định về đời sống tu hành, nhưng lại được xuất gia ngay trong ngày cưới và về sau chứng được quả A-la-hán. Do đó, trong bài kệ số 158, ngài Nanda tán thán Thế Tôn như sau: “Với phương tiện thiện xảo/ Ta, bà con mặt trời, Ðược hướng về chánh lý/ Làm ta thoát sanh hữu”.11 Có nhiều trường hợp khác trong Kinh tạng Pāli ở đó Đức Phật được ca ngợi về tài trí dùng ‘phương tiện’ để truyền đạt giáo pháp. Các trường hợp được tìm thấy như sau: 

Ở đấy, Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện nói về thiền định luận”.12 

Thưa Hiền giả Ānanda, như Thế Tôn dùng nhiều phương tiện đã nói lên, đã khai mở, đã nêu rõ thân này là vô ngã”.13 

Lúc bấy giờ Thế Tôn dùng nhiều phương tiện giảng về bất tịnh, nêu rõ về bất tịnh, tán thán sự tu tập bất tịnh”.14 

Và ở trong Ðại Lâm, Bậc Ðạo Sư đã trình bày cho các vị thấy phương tiện để đạt được chánh định, nên ngay hôm ấy các vị đắc quả A-la-hán”.15 

- Phê phán chấp thủ phương tiện 

Trong kinh điển Pāli, Đức Phật nhấn mạnh rằng giáo pháp chỉ đơn thuần là chiếc bè qua sông hay phương tiện để đạt được mục đích, và do đó bản thân nó không phải là cứu cánh. Khi đạt được mục tiêu, pháp đó cần phải được bỏ lại phía sau để tiếp tục bước tới. Tinh thần không chấp thủ phương tiện này cũng xuất hiện trong nhiều bản kinh Pāli. Ở đây xin đưa ra số có thể trích dẫn sau:

 “Này chư Hiền, sau khi biết sắc này là vô lực, biến hoại, không an ổn; đối với những sắc là những chấp thủ phương tiện (upāyupādānā), là những tâm cố chấp, thiên chấp, tùy miên; đối với những sắc ấy, với sự đoạn tận, đoạn ly, đoạn diệt, đoạn trừ, đoạn xả, tôi tuệ tri tâm tôi được giải thoát”.16 

Này các Tỳ-kheo, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào, phàm có những chấp thủ phương tiện, tâm thủ trước, thiên chấp tùy miên nào đối với thức, hãy đoạn trừ chúng”.17 

Này Kaccāyana, chấp thủ phương tiện và bị thiên kiến trói buộc, phần lớn thế giới này là vậy. Và ai với tâm không trú trước, chấp thủ phương tiện ấy, không chấp thủ thiên chấp tùy miên ấy, không có chấp trước, không trú trước… Cho đến như vậy, này Kaccāyana là chánh tri kiến”.18 

Kết luận 

Qua những trình bày trên, có thể kết luận rằng thuật ngữ phương tiện thiện xảo đã xuất hiện trong kinh tạng Pāli. Dù chưa được phát triển sâu rộng và có hệ thống như trong kinh điển Đại thừa, thuật ngữ phương tiện thiện xảo trong kinh tạng Pāli đã bao hàm những điểm cốt lõi của tư tưởng này, chẳng hạn như ba loại thiện xảo được nhắc đến trong kinh Phúng tụng thuộc Trường bộ kinh, trong đó phương tiện thiện xảo đóng vai trò như trí tuệ trong quyết định đưa ra các hành động phù hợp để đạt được hai loại thiện xảo còn lại, tăng ích hay tổn hại. Hay theo kinh Tăng chi bộ, ba loại thiện xảo này có tên gọi khác đó là thiện xảo khi đi vào, thiện xảo khi đi ra, thiện xảo khi đến gần, trong đó thiện xảo khi đến gần là tên gọi khác của phương tiện thiện xảo. 

Ở trường hợp khác, tương tự với hình ảnh ẩn dụ trong kinh điển Đại thừa, phương tiện thiện xảo trong Kinh tạng Pāli cũng mang sứ mệnh như một chiếc thuyền lớn có khả năng đưa nhiều người sang sông. Không chỉ tương đồng về công năng mà còn về lượng, một số bản kinh cho thấy sự tán thán của các chúng đệ tử dành cho Đức Phật như một người Thầy có vô lượng phương tiện thiện xảo trong việc giáo hóa chúng sanh. Không kém phần quan trọng, trong Kinh tạng Pāli, sự phê phán đối với việc chấp thủ vào phương tiện cũng nhiều lần được Đức Phật đề cập đến. 

Tất cả những trường hợp xuất hiện của thuật ngữ này trong Kinh tạng Pāli được khảo sát và trình bày ở trên nhằm cung cấp cho người đọc có một cái nhìn tổng quan về sự tồn tại của phương cách giáo hóa này trong Tạng kinh Phật giáo lâu đời nhất. 

Thiện Kinh (Nguyễn Ao Quang Vinh)

____________

(1) Pye, Michael (2003). Skilful Means: A Concept in Mahayana Buddhism. London: Routledge, p.1. 

(2) Gombrich, Richard F. (2006). How Buddhism Began. New York: Routledge, p.17. 

(3) Kinh Trường bộ 2 (1991), 33, kinh Phúng tụng, Thích Minh Châu dịch. Tp.HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991, tr.651. 

(4) Sđd, tr.582. 

(5) Giác Giới, Kho tàng pháp học. https://www.budsas.org/uni/u-khotangph/ktph03.htm 

(6) Kinh Tăng chi bộ 3, Thích Minh Châu dịch (2005), Hà Nội: Tôn Giáo, tr.244. 

(7) Anguttara Nikāya: “Idha, bhikkhave, bhikkhu na āyakusalo ca hoti, na apāyakusalo ca hoti, na upāyakusalo ca hoti” https://www.tipitaka.org/romn/cscd/s0403m2.mul7.xml 

(8) Kinh Tăng chi bộ 3. Thích Minh Châu dịch (2005). Hà Nội: Tôn Giáo, tr. 244. 

(9) Kinh Tiểu bộ 1, Kinh Tập, Thích Minh Châu dịch (1999). TP.HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.567. 

(10) Kinh Tiểu bộ 8, Chuyện tiền thân, Thích Minh Châu dịch (2003), TP.HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.55. 

(11) Thích Minh Châu dịch (2001), kinh Tiểu bộ 3, Trưởng lão Tăng kệ, chương Hai kệ, phẩm Hai, TP.HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.149.

(12) Kinh Trung bộ 2, Thích Minh Châu dịch (2012), Hà Nội: Tôn Giáo, tr.337. 

(13) Kinh Tương ưng 4, Thích Minh Châu dịch (1991), TP.HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.274. 

(14) Kinh Tương ưng 5, Thích Minh Châu dịch (1991), TP.HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.478. 

(15) Kinh Tiểu bộ 9, Thích Minh Châu dịch (2004), Chuyện Chúa chim Kunāla, TP.HCM, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.563. 

(16) Kinh Trung bộ 2, kinh Sáu thanh tịnh, Thích Minh Châu dịch (2012), TP.HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.358. 

(17) Kinh Tương ưng 3, Thích Minh Châu dịch (1991), TP.HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.288. 

(18) Kinh Tương ưng 2, Thích Minh Châu dịch (1991), TP.HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.37.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày