Khảo về việc ban y tía cho Tăng nhân của các vị hoàng đế Trung Hoa

NSGN - Y phục của Tăng sĩ Phật giáo nói chung tuy có khác biệt về hình thức và màu sắc nhưng đều dựa trên các quy định về giới luật. Vấn đề y tía mặc dù có lịch sử hình thành khá sớm, có nguồn gốc liên quan đến vương quyền, tuy nhiên cơ sở hình thành lại không căn cứ trên nền tảng giới luật Phật giáo.

Vài nét về tính chất và màu sắc y phục trong Phật  giáo

Trong lịch sử Phật giáo, một trong những người đầu tiên cúng dường Đức Phật chiếc y được dệt bằng chất liệu quý chính là Di mẫu Mahāpajāpatī. Theo mô tả trong kinh Phân biệt cúng dường1, Di mẫu Mahāpajāpatī đã tự tay dệt và cắt may một tấm y đặc biệt để cúng dường Đức Phật, Hán tạng gọi là Kim Lâu Hoàng Sắc Y (金縷黃色衣)2. Mặc dù Di mẫu đã ba lần cầu khẩn nhưng Đức Phật quyết không thọ nhận mà khuyên bà nên cúng dường tấm y đó cho chúng Tăng.

p5679171- x.jpg


Tử y do vua Càn Long ban tặng, hiện được bảo lưu tại Thê Hà tự, Trung Quốc

Sự kiện này được lý giải từ nhiều góc độ khác nhau, riêng về phương diện phục sức cho tự thân, thì câu chuyện nêu trên đã góp phần chuyển tải một thông điệp quan trọng: Đức Phật luôn giản dị và bình thường trong vấn đề ăn mặc. Điều đó có thể thấy rõ ở tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ, mà trong một dịp đặc biệt, Đức Phật đã trao tặng tấm y này cho Tôn giả Maha Kassapa được ghi lại trong kinh Tương ưng3.

Trong quá trình phát triển, màu sắc y phục của các bộ phái Phật giáo chủ trương không giống nhau. Tác phẩm Thích thị yếu lãm4 dựa vào vào kinh Xá Lợi Phất Vấn, đã cho biết rằng, các bộ phái Phật giáo thường mang y phục với màu sắc khác nhau, như Ma Ha Tăng Kỳ Bộ thường mặc y vàng, Đàm Vô Đức Bộ thường mang y đỏ, Tát Bà Đa Bộ thường khoác y đen, Ca Diếp Di Bộ thường mang y xanh thẩm pha đỏ (木蘭衣)5, Di Sa Tắc Bộ thường mặc y màu xanh.

Tư liệu về màu sắc y phục của các bộ phái Phật giáo trong kinh Xá Lợi Phất Vấn đã được chúng tôi xác tín qua phối kiểm6. Ở đây, mặc dù màu sắc y phục có khác biệt nhau, nhưng không một bộ phái Phật giáo nào ở Ấn Độ được mang y dệt bằng lụa tơ tằm (五天竺國無著蠶衣)7.  Đây là một điểm đặc thù về tính chất pháp phục của các bộ phái Phật giáo tại Ấn Độ.

Khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, việc ăn mặc của Tăng sĩ Phật giáo đã có một sự thay đổi lớn để phù hợp với phong tục và văn hóa của người bản xứ. Sự thay đổi này được thể chế bằng những điều luật cụ thể, mà người có công đầu trong việc chế tác y phục cho Tăng nhân chính là ngài Pháp Hiển (337-418)8 (斯由製造依法顯有殊功)9, được thể hiện đầy đủ trong luật Ma Ha Tăng Kỳ. Đây là một trong những cơ sở tham chiếu quan trọng, trong nỗ lực biến tấu về y phục của Tăng nhân Trung Hoa, nhằm tạo nên hình ảnh vừa trang nghiêm vừa khác biệt của người xuất gia trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, căn cứ vào những thiết định trong luật tạng ở các bộ phái Phật giáo, đều không hề đề cập đến y tía (紫衣: tử y). Nói rõ hơn, vấn đề y tía là một biến tấu về y phục dành cho Tăng nhân có cơ sở hình thành tại Trung Hoa.

Nguồn gốc y tía và cơ sở để ban tặng y

Theo Đại Tống Tăng Sử Lược10 của ngài Tán Ninh (919-1001), thì y phục của Tăng nhân phần lớn mang các màu sắc như xanh, vàng, đen, đỏ…nhưng không có màu đỏ tía (不聞朱紫). Đến thời nhà Đường, khi Võ Tắc Thiên (625-705) lên ngôi đã dành nhiều quan tâm và ủng hộ Phật giáo. Trong thời kỳ này, có vị Tăng tên là Pháp Lãng (法朗) cùng chín người khác đã trùng dịch bộ kinh Đại Vân và sau đó dâng lên ngự lãm. Xem xong, Võ Tắc Thiên vô cùng hoan hỷ bèn ban thưởng ca-sa màu tía (賜紫袈裟) cho các vị Tăng nhân này. Đồng thời, nhà vua đã ban tặng bản kinh Đại Vân đến tất cả các ngôi chùa trong cả nước, ra lệnh cho các chùa phải đăng đàn giảng thuyết bản kinh này. Nguồn gốc Tăng nhân được ban y tía khởi nguồn từ đây vậy.

Tác phẩm Phật tổ thống kỷ, quyển 39 ghi nhận sự kiện này được diễn ra vào niên hiệu Tái Sơ nguyên niên (690). Từ đó, truyền thống nhà vua ban y cho Tăng nhân được diễn ra với số lượng khá đông và kéo dài khoảng một ngàn năm, từ Võ Tắc Thiên (624-705) thời nhà Đường cho đến vua Càn Long (1711-1796) ở thời Đại Thanh.

tu y ca sa do vua can long ban.jpg


Tử y ca-sa do vua Càn Long ban đã được tìm thấy sau 60 năm thất lạc

Theo thống kê trong Đại Tống Tăng Sử Lược cho thấy, vào tháng 9 niên hiệu Khai Nguyên thứ hai mươi (733), vua Đường Huyền Tông ban y tía cho một số Tăng nhân trong phái đoàn của vua Ba Tư cử sang cầu kiến. Cuối niên hiệu Thiên Bảo (742-756) Sa-môn Đạo Bình do có công phò vua giúp nước nên được Đường Túc Tông ban cho y tía và sắc tứ trú trì hai ngôi chùa Sùng Phước và Hưng Khánh. Vào niên hiệu Vĩnh Thái (765-766), Đường Đại Tông ban y tía cho ngài Sùng Tuệ. Không lâu sau đó, có vị Tăng Ấn Độ tên là Kỷ Đà ở chùa Trấn Quốc, khi lâm chung được vua ban y tía.

Vào niên hiệu Khai Bảo năm thứ hai (969) thời Bắc Tống, trong tiết Trường Xuân, Tống Thái Tổ (927-976) đã cho tổ chức khảo thí Tăng nhân và ban y tía cho những ai đạt kết quả. Cùng năm đó, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ đến từ nước Ô-trấn-nẵng (Ô-trượng-na, Bắc Ấn Độ), nhà vua đã cho triệu kiến và ban y tía11. Vào niên hiệu Hàm Bình nguyên niên (998) đời vua Tống Chân Tông, có Sa-môn ở Trung Ấn Độ tên là Nhĩ-vĩ-ní (儞尾抳) đến cúng dường Xá-lợi, Phạn kinh, lá bồ-đề và chuỗi hạt bồ-đề; để tỏ lòng thành, vua bèn ban y tía12.

Trong tác phẩm Tống Cao Tăng Truyện13, từ quyển 3 cho đến quyển 30 đã ghi nhận ít nhất 13 trường hợp nhà vua ban y tía dành cho các bậc cao tăng như: ngài Bát Nhã, Thừa Ân, Quy Dữ, Tùng Gián, Huyền Sa Sư Bị, Biện Tài, Thanh Quán, Tuệ Cảnh, Hồng Sở, Tăng Nhẫn, Sư Hội, Thuần Đà, Quảng Tu.

Như vậy, lý do để triều đình ban y tía cho Tăng nhân do vì quan hệ xã giao, hoặc vì tôn trọng ở phương diện đạo đức, hoặc do sự đóng góp về một phương diện đặc thù nào đó. Trong tất cả những lý do nêu trên, thì lý do vì tầm mức đạo phong của quý ngài nên triều đình đã ban y tía, là một trong những lý do được sự đồng cảm của nhiều người.

Thái độ của Tăng nhân khi được ban y tía

Y tía tuy chỉ là Tăng phục được triều đình thiết kế bằng chất liệu và màu sắc đặc biệt dành để ban tặng cho Tăng nhân, nhưng đôi khi cũng được xem như một Tăng chức. Chính vì vậy, ngoài pháp danh và tên thường gọi, một số Tăng nhân Trung Hoa còn gắn thêm mỹ từ Sa-môn y tía (紫衣沙門) trước tên gọi của mình14.

Không những vậy, sau khi được ban y tía, một số vị Sa-môn còn làm biểu để tạ ơn. Đơn cử như biểu tạ ơn khi được ban y tía của Sa-môn Huệ Lãng và phúc đáp của Đường Đại Tông:

Sa-môn Huệ Lãng kính tâu:

Huệ Lãng thân côi, trong giới Du-già, may được Thánh ân, ơn riêng thấm đẫm, tự do xuất nhập, đại điện hoàng cung, huân tu thắng hạnh. Thánh chỉ kính vâng, hạnh kiến Cửu trùng, ân thọ y tía. Không những vinh hiển tông phong, mà còn vẻ vang hậu học. Tiểu Tăng không thể không bi cảm, nên soạn biểu cảm tạ đôi dòng. Hết mực cảm kích ơn này. Lòng thành vui mừng dâng biểu.

Ngày 29, tháng 11, niên hiệu Đại Lịch năm thứ chín, (775), chùa Đại Hưng Thiện, đệ tử Tăng nối pháp của Hòa thượng Tam tạng Đại Biện Chính, tên là Huệ Lãng dâng biểu.

Bảo Ứng Nguyên Thánh Văn Võ Hoàng Đế đáp rằng:

Thầy siêng năng Phạm hạnh, thừa tiếp dòng Pháp lưu, phước và tuệ kiêm ưu, sinh linh đều nương tựa. Do vậy Trẫm ban y, không cần chi thâm tạ15.

Do vì người được vua ban y tía mặc định có một địa vị cao, được mọi người trọng vọng nên đôi khi cũng có những vị Tăng nhân mong muốn được diễm phúc này. Trong số đó có Sa-môn Tu Hội (修會) ở chùa An Quốc là một điển hình. Theo Phật tổ thống kỷ quyển 42 ghi rằng, vào niên hiệu Đại Trung năm thứ hai (848), Sa-môn Tu Hội tuy có chút khả năng thi phú văn chương, tiện dịp thân cận Thánh thượng đã ngõ lời cầu xin y tía. Đường Tuyên Tông (810-859) bảo rằng, không phải ta xan lẫn, nhưng vì ông còn chút khuyết điểm nên chưa thể ban y. Đến khi được hoàng đế ban cho y tía thì chiều tối đó lâm bạo bệnh mà viên tịch16. Đại Tống Tăng Sử Lược, quyển hạ cũng xác nhận sự kiện này. Điều đó cho thấy những yếu tố bất cập đã phát sanh từ sự kiện được nhà vua ban y tía.

Trên phương diện ngược lại, đã có nhiều vị cao tăng không màng đến đặc ân đó của triều đình mà còn biểu lộ bằng những thái độ cứng rắn nhất định.

Vào niên hiệu Đại Quán nguyên niên (1107), vua Tống Huy Tông đã sắc ban y tía cho Thiền sư Đạo Giai (道楷) ở chùa Tịnh Nhân (淨因寺), nhưng ngài đã mạnh dạn từ chối. Trong biểu từ chối, ngài đã giải thích rằng:

Bần đạo thuở bé đã từ biệt mẹ cha, vì song thân nên phát nguyện rằng, sau khi xuất gia sẽ không màng đến lợi danh, chuyên tâm nhất ý học đạo. Lấy việc độ sanh vô tận nhằm đáp trả ơn mẹ cha. Dù phải xả bỏ thân này nhưng sẽ không thay đổi nguyện đó. Nay nếu như trộm hưởng vinh hiển hoàng ân, thì trước là cô phụ song thân, sau là lìa xa bổn thệ. Nên mạo phạm chối từ.

Hoàng thượng sai quan Phủ doãn Khai Quái là Lý Hiếu Thọ mang sắc thư phủ dụ. Đạo Giai kiên định không hồi đáp. Hoàng thượng nổi giận bèn bắt giam vào ngục. Có vị quan gợi ý: Nếu Trưởng lão báo bệnh thì theo luật sẽ được tha. Đạo Giai đáp rằng: Ta một đời không vọng ngữ, sao mạo xưng tật bệnh để lừa dối hoàng thiên? Ngài an nhiên chấp nhận hình phạt lưu đày ở Chuy Châu. Toàn bộ kẻ tăng người tục ở thành đô, ai ai cũng ngấn lệ thương cảm17.

Ngoài ra, còn có nhiều vị cao tăng thạc đức tuy được vua ban y tía nhưng đã im lặng không đáp hoặc khẳng khái chối từ. Trong số đó có thể kể đến các ngài như: Hưng Hóa Tồn Tưởng thiền sư (830-925)18; Trung Phong Minh Bổn thiền sư (1263-1323). Đặc biệt, ngài Minh Bổn thiền sư chính là tác giả của tác phẩm Huyễn Trụ Am Thanh Quy, và là người được thế nhân tôn xưng là Giang Nam Cổ Phật (江南古佛)19.

2013070409142576129218.jpg


Một bức y tía

Y tía là một tín vật đặc biệt do triều đình ân ban, tuy nhiên trong Tăng nhân luôn có những thái độ ứng xử sai khác. Một bên thì hân hoan lễ tạ và một bên là khẳng khái chối từ. Mặc dù vậy vẫn có những bậc cao tăng thong dong giữa hai thái cực vừa nêu, nương theo phép tắc của thiền môn trong việc đối nhân, tiếp vật. Tất cả những phương cách ứng xử đó, đã góp phần cho thấy bức trang đa chiều của Phật giáo Trung Hoa trong nhiều giai đoạn lịch sử.

Thay lời kết, hay vấn đề y tía trong liên hệ kinh, luật

Y phục của Tăng sĩ Phật giáo nói chung tuy có khác biệt về hình thức và màu sắc nhưng đều dựa trên các quy định về giới luật. Vấn đề y tía mặc dù có lịch sử hình thành khá sớm, có nguồn gốc liên quan đến vương quyền, tuy nhiên cơ sở hình thành lại không căn cứ trên nền tảng giới luật Phật giáo.

Không những vậy, trong kinh điển Phật giáo còn ghi nhận rằng, người tu sĩ Phật giáo nói chung và hành giả Mật tông nói riêng, thì không nên mặc áo quần màu tía (不應著紫衣裳). Đó là điều được khẳng định trong kinh Tô-tất-địa-yết-la (蘇悉地羯羅經: Susiddhikara)20, một trong ba bộ kinh quan trọng của mật giáo Trung Quốc. Bản kinh này được ngài Du Ba Ca La (輸波迦羅: Śubhākarasiṃha), tức là ngài Thiện Vô Úy (637-735)21 dịch vào niên hiệu Khai Nguyên năm thứ 14 (727)22. Vì lẽ, màu đỏ tía là màu sắc y phục dành cho Phạm thiên (其梵天身披紫袈裟)23, do vậy thường nhân hay Tăng nhân không nên mặc y phục màu này.

Về phương diện giới luật, ngài Nguyên Chiếu (1048-1116), là một trong những vị Tổ của Luật tông, đã cực lực phản đối sự kiện y tía, được thể hiện trong tác phẩm Tứ phần luật hành sự sao tư trì ký. Theo ngài, việc ban y tía cho Tăng nhân của Võ Tắc Thiên là sự khởi đầu của một hủ tục. Với khái quát đầy trăn trở của ngài Nguyên Chiếu trong vấn đề y tía, chúng tôi xin được trích dịch ra dưới đây để thay cho lời kết chuyên khảo.

Từ đây, điều hủ bại đã lan truyền không dứt. Đâu biết rằng, đó là do hàng thế tục lạm vào việc của thiền môn. Không tinh chuyên cải hóa nội tâm, lại tô bày điểm trang sắc tướng. Huống nữa, vừa mới dự vào hàng niên lão, lại tiếm xưng đại thánh tôn danh. Quốc gia không rõ việc này, Tăng môn chưa từng tiến cử. Khiến cho hàng hậu học so kè tham lẫn, ưa thích chuyện xa hoa; truyền thống thanh tịnh giản đơn của Thiền gia, có nguy cơ mai một24.

 Chúc Phú

__________________________

(1)  Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Phân biệt cúng dường, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn Giáo, 2012, số 142, tr. 595.

(2)  大正藏第 01 冊 No. 0026 中阿含經, 卷第四十七,(一八〇)中阿含, 心品, 瞿曇彌經第九.

(3) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, chương 6, Tương ưng Kassapa, kinh Y áo, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn Giáo, 2013, tr. 564.

(4) 大正藏第 54 冊 No. 2127 釋氏要覽, 卷上, 五部衣色.

(5) Nguyên văn: 紺謂青赤色即木蘭異名. Xem, 大正藏第 40 冊 No. 1805 四分律行事鈔資持記, 下一, 釋二衣篇

(6) 大正藏第 24 冊 No. 1465 舍利弗問經

(7) 大正藏第 40 冊 No. 1805 四分律行事鈔資持記, 下一, 釋二衣篇

(8) Theo, Xuất Tam Tạng ký tập, quyển 3, quyển 8 và quyển 15.

(9) 大正藏第 40 冊 No. 1805 四分律行事鈔資持記, 下一. Ở đây, cơ sở đề ngài Nguyên Chiếu (1048-1116) xưng tán ngài Pháp Hiển là người có công đầu trong việc chế tạo y cho Tăng nhân, chính là căn cứ vào dịch phẩm luật Ma Ha Tăng Kỳ, gồm 40 quyển do ngài Phật Đà Bạt Đà La và ngài Pháp Hiển cùng phiên dịch. Ở phần cuối quyển 20 của tác phẩm này, có đề cập chi tiết về việc may y.

(10) 大正藏第 54 冊 No. 2126 大宋僧史略, 卷下, 賜僧紫衣

(11)大正藏第 49 冊 No. 2035 佛祖統紀, 卷第四十三

(12) 大正藏第 49 冊 No. 2035 佛祖統紀, 卷第四十四

(13) 大正藏第 50 冊 No. 2061 宋高僧傳

(14) 卍新續藏第 37 冊 No. 0669 四十二章經註. Nguyên văn: 明欽依皇壇傳講紫衣沙門 特賜金佛寶冠永祥禪師

(15) 大正藏第 52 冊 No. 2120 代宗朝贈司空大辨正廣智三藏和上表制集,卷第五. Nguyên văn: 沙門惠朗謝賜紫衣表一首 (并答). 沙門惠朗言. 惠朗至微瑜伽一介.叨承聖澤. 濫沐殊私. 出入 金門. 薰修別殿. 幸奉 明詔. 頻對九重. 紫綬袈裟. 特蒙 恩賜. 不但榮飾先師. 實亦光耀後學. 微僧無任悲感. 謹奉表陳謝以聞. 不勝戰灼之至.  誠歡誠喜謹言. 大曆九年十一月二十九日. 大興善寺故大辨正三藏和上付法弟子僧慧朗表進.  寶應元聖文武皇帝答曰.師夙勤梵行.  先踐法流. 福惠所資. 生靈蒙賴. 爰賜命服. 煩此謝恩.

(16) 大正藏第 49 冊 No. 2035 佛祖統紀, 卷第四十二. Nguyên văn: 安國寺沙門修會. 以能詩應制. 嘗從上乞紫衣. 上曰. 不於汝吝. 但汝相有闕故耳. 及賜一夕暴亡.

(17)大正藏第 49 冊 No. 2035 佛祖統紀, 卷第四十六. Nguyên văn: 貧道幼別父母. 為之誓曰. 出家之後期不以利名為求. 當一意學道報罔極度生靈答君恩. 有渝此心永棄身命. 今若竊冐𠖥榮. 則上負親心下違本誓. 敢辭. 上遣開卦尹李孝壽齎勅書諭之. 楷確執不回. 上怒收付獄. 有司問. 長老有疾法應免罪. 楷曰. 平生不妄語. 豈敢稱疾罔上. 遂受罰. 著逢掖流淄州.都城道俗莫不流涕.

(18) 大正藏第 48 冊 No. 2004 萬松老人評唱天童覺和尚頌古從容庵錄

(19) 卍新續藏第 84 冊 No. 1579 續指月錄, 續指月錄卷七.

(20)大正藏第 18 No. 0893a 蘇悉地羯羅經

(21) 大正新脩大藏經第 50 No. 2061 宋高僧傳卷第二

(22) 大正藏第 55 冊 No. 2157 貞元新定釋教目錄, 卷第十四

(23) 大正藏第 18 冊 No. 0901 陀羅尼集經, 卷第三

(24) 大正藏第 40 冊 No. 1805 四分律行事鈔資持記, 下一, 釋二衣篇. Nguyên văn: 由此弊源一洩于今不返. 無知俗子濫跡釋門. 不務內修唯誇外飾. 矧乃輒預耆年之上僣稱大聖之名. 國家之所未詳. 僧門之所不舉. 致使貪婪嗇悋之輩各逞奢華. 少欲清淨之風於茲墜滅.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày