GN - Trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc ta có nhiều chương dành cho các cuộc chiến tranh vệ quốc đầy gian nan nhưng hết sức hào hùng.
Với khát vọng hòa bình, độc lập tự chủ, cha ông tiền nhân của chúng ta vừa khéo léo, vừa cương quyết đấu tranh, hy sinh cả tính mạng vì lợi ích lâu dài của dân tộc, vì sự phát triển của đất nước.
Lịch sử dân tộc là sự vận động của ý thức đó. Trong suốt chiều dài mấy ngàn năm qua, có những cột mốc mà chúng ta không thể quên, đặc biệt là những bản tuyên ngôn độc lập ở ba thời điểm lịch sử.
Tư tưởng tự chủ dân tộc của tổ tiên chúng ta được hình thành rất sớm, minh chứng cho tư tưởng đó là những phản biện về văn hóa của Mâu Tử trong tác phẩm Lý hoặc luận ở thế kỷ thứ II sau Tây lịch.
Phật giáo du nhập từ Ấn Độ, và chính sự cởi mở, thái độ khiêm tốn khép mình đi vào nền văn hóa bản địa đã nuôi dưỡng và khích lệ tinh thần tự chủ dân tộc đấu tranh thoát khỏi sự đô hộ của phương Bắc trong một ngàn năm đầu.
Đỉnh cao của giai đoạn này là tiếng nói xác định chủ quyền và thái độ quyết đoán bảo vệ chủ quyền dân tộc qua bài thơ thần tương truyền của Thái úy Lý Thường Kiệt - được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử dựng nước và bảo vệ đất nước của chúng ta.
Bản tuyên ngôn độc lập thứ hai chính là Bình Ngô đại cáo do danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi chấp bút sau cuộc chiến tranh vệ quốc đầy cam go đánh đuổi quân Minh ra khỏi lãnh thổ vào cuối năm Đinh Mùi (1428).
Trong những cuộc kháng chiến vệ quốc đó, qua các công trình nghiên cứu lịch sử, chúng ta thấy có sự tham dự của nhiều nhân vật Phật giáo - các thiền sư, trực tiếp cũng như gián tiếp trên mặt trận văn hóa, giáo dục, từ đó có những ảnh hưởng quan trọng hình thành nên tư tưởng, định hướng cho hành động và xây dựng niềm tin vững chãi.
Bản tuyên ngôn độc lập ở thời hiện đại, dấu ấn không thể quên, đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố vào ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Với tinh thần tổng hợp, cởi mở tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa xác định những giá trị đã trở thành chân lý phổ quát, đó là quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người, quyền độc lập, tự chủ, tự do của dân tộc Việt Nam.
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” - Lời kết của bản tuyên ngôn ngày 2-9-1945 đã tỏ rõ ý chí của cả dân tộc, được truyền nối liên tục trong lịch sử, của khát vọng về hòa bình, độc lập trong tương quan duyên sinh, hỗ tương cùng ổn định và phát triển.
Nhắc lại những bản tuyên ngôn đó của tiền nhân, để mỗi người chúng ta nhận thức sâu sắc rằng độc lập dân tộc và hạnh phúc của mỗi người có sự tương quan mật thiết, như tinh thần duyên sinh, cái này có(thì) cái kia hiện hữu, cái này mất (thì) cái kia cũng không còn...; từ đó, có những hành động tích cực và phù hợp trong bối cảnh mới.