“Khi nào thầy học xong?”

GN - Mở Giác Ngộ online ra đọc, thấy tòa soạn thông báo mời viết “Vu lan trong tim con”, tôi chợt nghe lòng mình thổn thức. Bao kỷ niệm về mẹ chợt ùa về với những cảm xúc buồn vui xen lẫn. Mới đó mà đã 4 năm rồi từ khi mẹ tôi qua đời.

vulan.jpg


Hoa hồng mùa Hiếu hạnh trên y của chư Tăng - Ảnh minh họa

Mẹ tôi là một bà mẹ quê, nhà nghèo. Sau khi dựng vợ gả chồng hết cho các anh chị của tôi, bà vào chùa ở. Bà nói vào chùa làm công quả cho có phước, nhưng tôi biết là để được gần tôi, đứa con trai út xa bà đi vô chùa ở từ nhỏ. Khi còn khỏe, bà làm công việc chùa không hề nệ công, nhưng khi yếu rồi thì thầy trụ trì chỉ cho bà giộng đại hồng chung ngày hai buổi sáng và chiều.

Ngoài ra thì bà ngồi trên chiếc ghế đá trước chùa niệm Phật, hoặc chống gậy đi vòng vòng hành lang chùa thể dục. Bà là người ít nói, và cũng ít bày tỏ tình cảm với tôi. Khi nào có ai cho bà bánh trái hay món đồ gì, bà đều đưa cho tôi, hỏi “thầy có xài cái này không” hay chỉ đơn giản là để dĩa xôi trên bàn học của tôi rồi đi ra ngoài ngồi niệm Phật tiếp.

Sau khi học xong cao cấp Phật học, tôi nói với bà là muốn đi du học Ấn Độ. Bà hỏi mấy năm xong. Tôi nói nếu chỉ học thạc sĩ thôi thì 2 năm, còn học luôn tiến sĩ thì phải chừng năm sáu năm. Bà im lặng một lúc rồi nói: “Thầy muốn làm gì thì làm. Học để nhờ tấm thân sau này. Tui có sống đời để lo cho thầy được đâu”. Tôi biết bà buồn và sẽ nhớ tôi. Nhưng tôi nghĩ là mình phải đi nên cũng không nói gì thêm.

Ngày tôi rời chùa ra sân bay, tôi đến chào bà, ngồi bên bà một chút trước khi đi, không biết nói gì. Bà nói: “Thầy đi nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng lo cho tui”. Rồi tôi bước ra xe. Bà chống gậy đi trên hành lang theo xe. Ra khỏi cổng chùa tôi ngoái nhìn lại, thấy bà đứng chống gậy nhìn theo. Trái tim tôi như thắt lại nghẹn ngào, hai dòng nước mắt tự nhiên trào ra và lăn dài trên má. Tôi nghĩ chắc là bà cũng đang khóc, dù chỉ là những giọt lệ như sương của người già...

Tôi cố gắng mỗi năm về 2 lần để thăm chùa và thăm bà, dù rằng như vậy là tốn tiền máy bay dữ lắm. Có khi tôi báo trước ngày về, có khi không báo. Nhưng lần nào bước vô chùa thì bà là người đầu tiên tôi nhìn thấy. Bà vẫn ngồi trên chiếc ghế đá niệm Phật. Tôi sung sướng nhìn bà nhưng tôi thấy khuôn mặt bà còn sung sướng hơn tôi, dù bà không biểu lộ ra ngoài. Mỗi lần về tôi ở chùa từ một đến hai tháng. Và bà vẫn đem cho tôi dĩa xôi hay những thứ người ta cho bà như ngày nào. Bà vẫn chống gậy đi vòng vòng hành lang, thỉnh thoảng nhìn vào phòng tôi rồi đi tiếp.

Tôi học thạc sĩ xong, gặp thuận duyên tôi lại học tiếp lên tiếp tiến sĩ. Bà hỏi tôi chừng nào học xong, tôi nói chừng hai năm nữa, rồi hỏi lại bà “chi vậy?” Bà cười hiền nói: “Học xong về sống với tui vài năm rồi tui có chết cũng vui”. Tôi cười khì nói: “Nhanh thôi, má còn khỏe mà, lo gì”. Tôi nói vậy để an ủi bà, và cũng để an ủi bản thân, chứ tôi không chắc lắm về sức khỏe của bà. Chỉ là việc học không thể dừng lại được. Tôi chỉ cầu mong sao bà có thể chờ cho đến khi tôi học xong. Thế nhưng, bà đã không chờ được.

Khi nhận tin bà đã quá yếu, tôi tức tốc mua vé máy bay về nhưng không kịp. Cũng không kịp nhìn mặt bà lần cuối. Lúc bà hấp hối, anh chị em có đủ mặt hết, chỉ thiếu mình tôi. Trên đường từ sân bay về chùa, tôi vẫn nghĩ là bà vẫn chưa đi, nhưng vừa bước chân tới cổng chùa, thấy cảnh tang lễ, chân tôi mềm nhũn như không còn có thể bước thêm bước nào nữa. Vậy là má đi rồi!

Tôi khóc. Khóc như chưa từng được khóc. Có lẽ do sự dồn nén bao năm qua, cố tỏ ra dửng dưng để giữ vững tinh thần, cho bản thân cũng như cho má khỏi phải lo. Và có lẽ má tôi cũng như vậy, cố biểu hiện không buồn cho tôi yên tâm đi học. Sự đè nén ấy giờ đây không cần thiết nữa. Ngay cả gặp mặt lần cuối mà cũng không được… Nước mắt của tôi là sự trộn lẫn của buồn đau, của hối hận và của sự ấm ức vì không có mặt trước khi bà trút hơi thở cuối cùng.

Câu hỏi của má tôi, “chừng nào thầy học xong?” cứ luôn luôn đeo đẳng bên tôi như một lời tự trách, rằng tôi không phải là một đứa con tốt. Sau khi học xong, tôi đã tự nhủ lòng mình rằng phải làm một người thật tốt và đem kiến thức mà mình học được, chia sẻ và giúp ích cho mọi người càng nhiều càng tốt. Chỉ có như thế thì sự hy sinh của má mới không vô ích.

Thích Trung Hữu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày