NSGN - Truyền thuyết khỉ ở Ấn Độ
Từ Vanara trong tiếng Sanskrit có nghĩa là khỉ hay người ở trong rừng. Những từ ngữ Sanskrit khác chỉ cho khỉ bao gồm Makata và Kapi. Ở Ấn Độ, Vanara được biết phổ biến nhất là Hanuman, chiến binh khỉ xuất hiện trong sử thi Ramayana (thế kỷ V-IV trước TL). Ngay cả ngày nay, Hanuman là một vị thần làng rất phổ biến ở miền Nam, Trung và Bắc Ấn Độ, và hình ảnh Hanuman vẫn có thể dễ dàng được nhìn thấy ở Ấn Độ và những quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Hanuman là một hiện thân (avatar) của thần Śiva Ấn Độ giáo. Trong một phiên bản của câu chuyện, Śiva và Parvati (con gái của núi) biến hóa thành hai con khỉ và làm trò ân ái trong rừng với nhau và khi ấy Hanuman được thụ thai. Bởi vì sự kết hợp của họ xảy ra trong hình hài khỉ, Śiva biết rằng con của bà sẽ giống như khỉ, và vì vậy chỉ thị Vayu (thần gió) đem ký gửi cái bào thai mình đang mang ấy vào trong bụng của một con khỉ cái tên là Anjana. Anjana nguyên thủy là một thiên nữ (apsara) có tên là Punjisthala, nhưng một lời nguyền đã biến cô thành một con khỉ. Vayu bắt lấy Anjana, và cô này sinh ra Hanuman. Hanuman như vậy cũng được gọi là Maruti (con trai của gió) và Anjaneya (con trai của Anjana).
Truyền thuyết cho rằng Hanuman, ngay sau khi sinh, đã nhầm mặt trời là một trái cây mà nó có thể ăn được. Khi nó bay đến để vồ chụp mặt trời, nó bị Thần Indra đánh ngã sóng soài bằng một tiếng sét vì sự ngu ngốc của nó. Sấm sét đã đánh Hanuman, cắt má của nó, và do đó nó được gọi là Hanuman (trong tiếng Sanskrit “hanu” có nghĩa là má). Nó nằm bất tỉnh mãi cho đến khi thần Indra rút thần lực sấm sét để làm nguôi giận thần gió Vayu, người đã hút hết không khí của vũ trụ để thể hiện sự không bằng lòng của mình với thần Indra. Để bồi thường và xoa dịu Vayu, các thần linh đã ban cho Hanuman những thần lực đặc biệt. Khi Hanuman lớn lên, nó càng trở nên vô địch, nhưng nó là một kẻ lừa gạt và cuối cùng bị các vị thần nguyền rủa vì sự tinh quái của mình - nó bị làm cho quên đi những thần lực của mình mãi cho đến khi được người khác nhắc cho nhớ lại.
Trong sử thi Ramayana, những vanara bạn bè của Hanuman giúp nó nhớ lại thần lực của mình, mà nó dùng để giúp đỡ Rama trong việc giải cứu vợ của Rama là Sita ra khỏi Ravana ác độc (vua của Raksa). Hanuman tự chuộc lỗi, và trở thành một ẩn dụ của sự can đảm, trung thành, và tận tâm với sự chính trực. Một vài học giả cho rằng huyền thoại Hanuman có thể là nguồn gốc của con khỉ thần thông biến hóa Tôn Ngộ Không, nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết Tây du ký đình đám của Trung Quốc.
Truyền thuyết khỉ trong những câu chuyện Jataka Phật giáo (chuyện tiền thân Đức Phật)
Truyền thuyết khỉ đóng một vai trò nổi bật trong thời kỳ đầu của Phật giáo ở Ấn Độ. Trong số hàng trăm câu chuyện ở trong Jataka - có lẽ đây là bộ sưu tập chuyện dân gian Phật giáo hiện có cổ nhất có nguồn gốc ở Ấn Độ và Sri Lanka vào khoảng thế kỷ III trước TL - Đức Phật lịch sử được cho là đã sống nhiều tiền kiếp trong nhiều hình thức khác nhau trước khi đạt giác ngộ.
Trong những câu chuyện tiền thân (Jataka), Ngài thường xuất hiện trong hình thức của một con khỉ (tức là Nandiya), nhưng có khi là những con thú khác, và có khi là một con người, hay thậm chí có khi là một vị thần. Nhưng khắp suốt, dù với hình thức nào, Ngài luôn thực hành bố thí, thể hiện sự can đảm, công bằng và nhẫn nhục cho đến cuối cùng đạt được Phật quả. Jataka ghi lại Ngài đã từng có 123 kiếp quá khứ làm thú, 357 kiếp làm người, và 66 kiếp làm thần. Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), một người anh em họ của Đức Phật lịch sử, cũng xuất hiện trong nhiều câu chuyện Jataka ở trong nhiều thân tái sanh khác nhau, đặc biệt là những kẻ hung ác.
Bốn anh em hòa hợp
Câu chuyện Kapinjala là một câu chuyện tiền thân phổ biến. Câu chuyện kể về bốn con thú sống trong rừng, đó là một con thỏ, một con khỉ, một loại chim được gọi là Kapinjala, và một con voi. Chúng chọn Kapinjala làm thủ lĩnh của mình và sống trong hòa hợp và tương kính. Kapinjala là tiền thân của Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, con thỏ là tiền thân của Xá Lợi Phất (Sariputta), con khỉ là tiền thân của Mục Kiền Liên (Maudgalyayana), và con voi là A Nan (Ananda).
Chín con khỉ xấu ác trong giấc mơ của vua Kriki (Cật Lý Chí Vương 訖哩枳王)
Có một vị vua là đệ tử thuần thành của Đức Phật Ca Diếp (Kashyapa, Đức Phật quá khứ thứ sáu. Đức Phật thứ bảy là Phật Thích Ca). Trong bản kinh mang tên Thủ hộ quốc giới chủ đà-la-ni kinh (守護國界主陀羅尼經), vua Kriti lo lắng vì những giấc mơ của mình và xin Đức Phật Ca Diếp làm sáng tỏ giúp. Một trong những giấc mơ của vua liên quan đến mười con khỉ, chúng sống với nhau trong cùng một đàn. Chín con trong số chúng thường quấy nhiễu dân chúng trong thành phố bằng việc trộm cắp đồ ăn thức uống của họ. Con thứ mười không tham gia với chín con kia và bằng lòng với những gì ít ỏi mà nó có được. Vì điều này, chín con khỉ khác đã tẩy chay nó.
Đức Phật Ca Diếp giảng giải rằng giấc mơ tượng trưng cho những điều kiện của thế giới Phật giáo mà nó sẽ thịnh hành sau khi Đức Phật lịch sử nhập diệt. Mười con khỉ tượng trưng cho mười hạng Tăng sĩ; con khỉ bị tẩy chay là người có ít tham dục và biết bằng lòng tượng trưng cho hàng Tăng sĩ chân thực, người tìm cầu Pháp (Dharma). Chín hạng Tăng sĩ khác, được tượng bằng những con khỉ tham lam, sẽ vu khống vị Tăng sĩ chân thực với người cai trị và các đại thần của nhà nước. Họ buộc tội vị Tăng sĩ chân thật thực hiện những hành vi xấu ác và vi phạm giới luật. Kết quả, người cai trị trục xuất vị Tăng sĩ chân thật đó, và giáo huấn của Đức Phật lịch sử sau đó sẽ biến mất. Những Tăng sĩ này có những động cơ thầm kín khác nhau, chẳng hạn như mong muốn danh lợi. Saicho (Tối Trừng,最澄), người sáng lập Phật giáo Thiên Thai (Tendai) ở Nhật Bản đề cập đến chín loại khỉ xấu xa xua đuổi con khỉ tốt trong Kenkairon Engi (đầu thế kỷ IX) của mình. Tuy nhiên, khỉ liên quan mật thiết với Tendai Shinto-bộ phái mà Saicho thành lập trên núi Hiei.
Truyền thuyết khỉ trong Hoàng đạo Trung Quốc
Khỉ xuất hiện thường xuyên trong thời kỳ tiền và hậu Phật giáo ở Trung Quốc. Trong những quốc gia phương Tây, khỉ có lẽ được biết rộng rãi nhất như là con vật thứ chín trong 12 cung Hoàng đạo của Trung Quốc. Hầu hết các học giả tin rằng Hoàng đạo Trung Quốc khởi đầu vào khoảng 1100 năm trước Tây lịch, trước sự đản sanh của Đức Phật Thích Ca vào khoảng 500 năm.
Khi Phật giáo được truyền bá vào Nhật Bản vào thế kỷ VI Tây lịch, người Nhật tích cực du nhập cả giáo lý Phật giáo và lịch Hoàng đạo. Trong tiếng Nhật, Hoàng đạo được gọi là Kanshi hay Eto (干支/ can chi | えと). Ở Nhật, chu kỳ Hoàng đạo 60 năm được Hoàng đế Suiko chọn vào năm 604, và được biết như là Jikkan Junishi (十干十二支/Thập can thập nhị chi). Chu kỳ hiện nay bắt đầu vào năm 1984.
Ở đây, chúng tôi xin mạn phép đề cập đến ngày Thân đại hung mà ở Nhật gọi là ngày Koushin (庚申, Canh Thân). Những ngày này xảy ra sáu lần hàng năm, và cứ mỗi 60 năm một lần (năm thứ 57 của chu kỳ). Những nghi lễ đặc biệt - ảnh hưởng sâu sắc bởi niềm tin của Đạo giáo và Hoàng đạo Trung Quốc từ thời kỳ hậu Phật giáo - được thực hiện vào những ngày này và vào năm thứ 57 (năm Canh Thân) để phòng tránh những ảnh hưởng xấu. Một trong những nhân vật chính là con khỉ, vì từ Canh Thân (庚申) được kết hợp từ hai chữ canh (Kou), gốc từ Hoàng đạo gắn liền với Kim tinh, và Thân (Shin), chi thứ chín của Hoàng đạo Trung Quốc và chữ chỉ cho “khỉ”. Những truyền thống Đạo giáo được đặt cơ sở trên lịch Hoàng đạo, vào đêm của ngày Canh Thân, ba con sâu (三蟲tam trùng) được tin là đã sống trong cơ thể con người sẽ trốn thoát ra khỏi cơ thể và đi lên Thiên đình để trình báo về những tội lỗi của người đang ngủ ấy. Dựa vào sự trình báo này, Thiên đình có thể rút ngắn mạng sống của người đó. Để ngăn ngừa điều này, người ta thức suốt đêm vào những đêm Canh Thân, và tập quán này cuối cùng trở thành được biết như là Koushin Machi (庚申會, Canh Thân hội). Những niềm tin như vậy được ghi chép là vào cuối thời kỳ Heian, nhưng trở nên đặc biệt phổ biến trong suốt thời kỳ Edo của Nhật Bản (1600-1868), khi người ta thường xuyên cố gắng xác định thời gian hung kiết trước khi bắt đầu các hoạt động (chẳng hạn như việc khởi sự kinh doanh hay cưới hỏi).
Truyền thuyết khỉ trong Phật giáo Trung Quốc
Truyện Bắt bóng trăng
Câu chuyện Trung Quốc có tên Viên hầu tróc nguyệt (猿猴捉月) kể về một bầy khỉ cố sức bắt bóng trăng dưới nước, nhưng rồi tất cả chúng đều bị chết đuối. Truyện ngụ ngôn này, được trình bày bên dưới, là khó biết được niên đại chính xác. Phật giáo được truyền bá vào Trung Quốc vào thế kỷ I và II Tây lịch, và câu chuyện ngụ ngôn này có thể bắt đầu vào thời kỳ này hoặc ngay sau đó. Nhưng tôi không chắc - nó có thể được bắt đầu sớm hơn, và không sau thế kỷ thứ VIII.
Chuyện kể rằng, một đêm nọ, một con khỉ đầu đàn nhìn thấy bóng trăng sáng trong nước dưới cái cây mà nó đang ở. Nghĩ rằng mặt trăng đã chết và rơi xuống nước, và e sợ rằng thế giới như vậy sẽ chìm vào trong bóng tối, con khỉ này đã tập hợp bầy đàn của mình lại và ra lệnh chúng nối đuôi lại với nhau và cùng kéo mặt trăng ra khỏi nước. Tuy nhiên, khi những con khỉ cố gắng làm công việc này, trọng lượng cơ thể kết hợp lại của chúng quá lớn đã khiến nhành cây bị gãy, khiến tất cả chúng rơi vào nước và chết đuối.
Bài học giản dị rút ra từ câu chuyện này là rằng, chớ cố liều lĩnh thực hiện những công việc bất khả thi. Ở khía cạnh mang tính triết học hơn, hình ảnh khỉ cố gắng bắt lấy bóng trăng là một ẩn dụ cho tâm bất giác bị đánh lừa bởi những tướng trạng bên ngoài. Chủ đề này thường được miêu tả ở trong những bức tranh vẽ bằng mực của Nhật Bản, thường là khỉ nhện có tay dài. Những bức tranh của Shikibu (Thức Bộ/式部; Bảo tàng Quốc gia Kyoto) và Hasegawa Touhaku (長谷川等伯/ Trường Cốc Xuyên Đẳng Bá 1539-1610; tranh vẽ tại Konchiin 金地院/ Kim Địa viện, Kyoto) là những đại diện.
Tây du ký (西遊記)
Tây du ký là một câu chuyện nổi tiếng của Trung Quốc. Mặc dù được Ngô Thừa Ân sưu tập vào thế kỷ XVI, truyện đã tồn tại lâu trước đó. Nó được dựa trên một nhân vật có thật tên là Huyền Trang (602-664 TL), một Tăng sĩ Phật giáo đã hành trình đến Ấn Độ để thỉnh kinh. Hộ tống ngài trong cuộc hành trình, theo trong sách, là ba người đệ tử: một con khỉ có tên là Tôn Ngộ Không; một con heo có tên là Trư Bát Giới; và Sa Tăng, một thủy quái. Sa Tăng được xem, với một số người, có nguồn gốc từ thủy quái Nhật Bản có tên là Kappa.
Tây du ký kể về cuộc nổi loạn của con khỉ chống lại Thiên đình, về việc Đức Phật hàng phục nó, về việc nó bị ném ra khỏi thiên giới, và sau đó, cách nó chuộc lỗi và đạt được sự bất tử bằng việc giúp Đường Tăng trên hành trình của ngài đến Ấn Độ để thỉnh kinh. Bản dịch tiếng Anh tóm tắt đầu tiên của câu chuyện này là do Arthur Waley dịch, được xuất bản vào năm 1942, và được đặt tựa đề Khỉ: một câu chuyện dân gian Trung Quốc (Monkey: A Folk-Tale of China). Waley chỉ dịch 30 trong số 100 chương của chuyện. Bên dưới là một đoạn ngắn của câu chuyện do Wayne Kreger của Đại học Saskatchewan viết:
“Sau khi gây ra nhiều phiền nhiễu cho những kẻ nắm quyền thế gian và cõi trời, chúa khỉ được trình báo đến thiên đình. Nó bị triệu về thiên giới, nơi Ngọc hoàng (người cai trị thiên giới) cố gắng mua tính tự mãn của nó bằng việc cho nó một cái gậy là một dụng cụ bảo vệ ở chuồng ngựa thiên giới. Điều này khiến chúa khỉ tức điên, và nó quay trở lại quả đất và tự tuyên bố là “Đại thánh, ngang bằng thiên giới”. Những đội quân thiên giới được phái đi để chinh phục chúa khỉ nhưng tất cả đều thất bại. Nó quay trở lại thiên giới và tiếp tục quậy phá. Đức Phật được báo cho biết về vấn đề của con khỉ này, và đi đến để thu phục con thú. Ngài đưa ra cho chúa khỉ một thách thức - nếu chúa khỉ có thể nhảy ra khỏi lòng bàn tay của Ngài, nó sẽ được ở lại một mình cai trị thiên giới. Chúa khỉ chế nhạo sự thách thức này, nghĩ đó là một chuyện đùa, và nhảy đến đường biên của vũ trụ, nơi nó viết tên của nó và tiểu vào một trong năm trụ cột. Sau đó nó quay trở lại gặp Đức Phật và khoe khoang kỳ tích của mình. Khi ấy Đức Phật đưa tay của mình lên và cho thấy tên của chúa khỉ được viết trên ngón tay của Ngài. Con khỉ biết nó đã bị đánh bại. Chúa khỉ bị giam cầm 500 năm mãi cho đến khi nó được Bồ-tát Quan Âm giải cứu để hộ tống Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh. Câu chuyện của cuộc hành trình này xây dựng nên phần chính cho cuốn tiểu thuyết Tây du ký”.
Kẻ bảo vệ ngựa
Trong những tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc và Nhật Bản, khỉ thường được trình bày là đang cỡi ngựa. Biểu tượng này cũng xuất phát từ câu chuyện cổ đại Trung Quốc Tây du ký, ở đó Ngọc hoàng trao cho con khỉ cây gậy của “kẻ bảo vệ những con ngựa” để bình định lòng tham quyền lực và muốn được thừa nhận của con khỉ. Con khỉ ngay khi hiểu rằng công việc của nó như là kẻ bảo vệ chuồng ngựa là rỗng tuếch (không có quyền lực hay công lao thực thụ) đã quay trở lại con đường tác quái của mình, gầy phiền nhiễu cho tất cả mãi cho đến khi được Đức Phật hàng phục.
Một nơi khác, trong Viên thảo tử (Saru no Soshi 猿草子) của Nhật Bản, một cuộn tranh vẽ minh họa độc đáo từ cuối thế kỷ XVI đã mô tả đám cưới của con gái khỉ tế trưởng đền Hiyoshi với một con khỉ từ Yokawa, chúng ta thấy hai con khỉ đang thảo luận về phương cách đúng để mang một ống tên. Vào ngày trước, ống tên của Nhật Bản thực sự có nắp đậy được làm từ da khỉ. Da khỉ bao phủ được tin là để bảo vệ con ngựa của chiến sĩ chống lại bệnh tật và thương tích.
Kẻ bảo vệ chuồng ngựa của đền Toshogu, Nikko, Nhật Bản
Một bức khắc chạm nổi tiếng về ba con khỉ được tìm thấy vào thế kỷ XVII ở đền Toshogu, một quần thể được xây dựng để tôn vinh Tokugawa Ieyasu, người sáng lập Tokugawa Shogunate (1603-1868 TL). Bức khắc chạm nằm ở trên mái hiên của Shinkyusha, lại phản ánh vai trò của khỉ như là kẻ bảo vệ chuồng ngựa, một vai trò mà nó bắt nguồn từ tiểu thuyết Tây du ký của Trung Quốc. Tấm pa-nô được khắc chạm trên tường của chuồng ngựa của ngôi đền. Tấm pa-nô được trình bày ở trên mô tả ba con khỉ “không nghe điều xấu, không nói điều xấu và không nhìn điều xấu”.
Không có sự thống nhất về nguồn gốc của mô-típ ba con khỉ. Nó có nguồn gốc từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Nhật Bản? Tác giả bài này cho rằng mô-típ ba con khỉ là một sự cách tân được quy cho phái Thiên Thai của Nhật Bản. Mô-típ này có thể đã phát triển từ thể thức tam thần tam Phật của Phật giáo Thiên Thai Nhật Bản ở núi Hiei, hoặc có thể từ nguyên tắc cốt tủy của Thiên Thai về tam học (三学) 1. Tất cả các pháp là không và không có thực tính; 2. Tất cả các pháp có một thực tính tạm thời; 3. Tất cả các pháp cùng lúc vừa hoàn toàn không thực và vừa có thực tạm thời.
Một cách khác, ba con khỉ có thể tượng trưng cho ba chân lý của Phật giáo, đó là 1. Cuộc đời là khổ; 2. Khổ đau gây ra bởi tham dục của chúng ta; và 3. Đoạn trừ tham dục và nhờ đó đoạn trừ khổ đau. Hoặc có thể nó xuất phát từ chòm ba ngôi sao được đặt tên là Sandaisei (三台星) mà sau nó phái Thiên Thai chính nó được đặt tên. Nhưng hầu như có khả năng (theo suy nghĩ của tôi), ba con khỉ là một sáng tạo của người Nhật liên quan đến ba con sâu trong nghi lễ Kōshin của Đạo giáo (từ Trung Quốc, nhưng sau đó được người Nhật du nhập). Con số ba là rất quan trọng đối với các Phật tử ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và những quốc gia khác ở Á châu. Thật vậy, có rất nhiều những khái niệm quan trọng khác nhau liên quan đến con số 3, khiến nó cực kỳ khó khăn để xác định nguồn gốc của mô-típ ba con khỉ.
Tóm tắt
Thần thoại khỉ là một phần quan trọng trong cả truyền thuyết Ấn giáo/ Phật giáo (Ấn Độ) và Hoàng đạo/ Đạo giáo và Phật giáo (Trung Quốc). Trong nhiều câu chuyện được trình bày bên trên, khỉ vốn được miêu tả như là ngu ngốc, kiêu ngạo và ranh mãnh. Tuy nhiên, trong mỗi truyền thống, khỉ học những bài học có giá trị dọc theo con đường nó đi, làm những thay đổi, và cuối cùng đạt được sự cứu độ. Khỉ như vậy biểu trưng cho những đề tài của hối lỗi, trách nhiệm, tận tâm, và hứa hẹn giải thoát cho tất cả những ai chân thành tìm kiếm nó. Biểu tượng này vẫn còn phổ biến trong Phật giáo như được thực hành ngày nay.
Trong những thực hành thiền hiện đại, trong nhiều bộ phái Phật giáo, ta trước hết phải khuất phục “tâm viên” trước khi thiền định có thể đem lại kết quả. Mục đích là để vượt qua tâm viên suy nghĩ không yên, ngưng lại việc nhảy từ cành này sang cành khác, ngưng lại việc vồ lấy bất cứ thứ trái cây gì nhìn thấy, ngưng lại sự hiện hữu bị đánh lừa chỉ bởi tướng trạng bên ngoài. Giải thoát là ở trong tầm tay của tất cả những ai tìm kiếm nó với sự thành khẩn, chân thành và tận tâm.
Mark Schumacher - Nguyên Hiệp lược dịch
(Nguồn: Onmarkproductions.com)