Khóa tu mùa xuân

GN Xuân - Tết năm đó, tôi dắt bé Út đi chùa Từ Bi.

Ban đầu là tôi giận chồng. Suốt từ giữa tháng Chạp trở đi, ngày nào anh cũng về nhà với mùi rượu. Lần nào cũng “Tiệc tất niên mà em”, lý do thật là chính đáng!

Cứ vậy, anh tiệc tùng nhậu liên miên trong khi tôi bận bịu gấp mấy với lo toan công việc cuối năm và chuẩn bị Tết nhất. Mỗi khi anh bước chân vô nhà thì hai đứa con nhìn tôi chờ đợi trận cau có của mẹ, thành ra tôi dở cười dở mếu. Cười là để hai đứa con không phải buồn vì cha mẹ cãi nhau, và mếu cho chính mình đang bực quá mà phải cười! Và tôi lo sợ nữa, uống rượu chạy xe trên đường phố cuối năm tấp nập…

tranh tet.jpg

Ngày ba mươi, đi chợ mua sắm các thứ xong, tôi ngập ngừng ngần ngừ trước hàng rượu, lẽ nào bữa cơm cúng cuối năm mà không có cụng ly, và chúc tụng đầu năm nữa. Cuối cùng thì tôi mua hai cặp rượu, trên đường về nhà, tôi hình dung chồng cười hì hì “Chính em mua về đó nghe”.

Mâu thuẫn làm sao!

Tôi muốn trốn đi đâu đó quách khỏi mấy ngày Tết đầy phi lý này. Nghe Hằng kể chuyện chùa Từ Bi mở khóa tu Mùa Xuân và rủ tôi đi thử cho biết, tôi gật đầu ngay.

*

Quy định là ăn mặc lịch sự kín đáo, điều này dễ thôi. Nhưng ăn đúng ba bữa mỗi ngày thì hơi khó vì bé Út quen được ăn bữa lỡ, cả tôi cũng hay ăn vặt. Vậy nên tôi đem theo bánh mứt. Phòng khi bé Út thèm thức ăn mặn, tôi đem thêm ruốc thịt và bánh thuẫn giấu dưới đáy ba-lô.

- Mình có được ở phòng riêng không? - Tôi hỏi Hằng.

Hằng liếc nhìn ba-lô của tôi, cười khì:

- Để ăn vụng cho dễ hả?

Nghe câu hỏi kháy là biết người đã có kinh nghiệm, tôi phân bua:

- Lỡ bé Út không quen ăn chay dài ngày.

- Khóa tu Mùa Xuân có nhiều người đi cả gia đình nên có nhiều con nít lắm, tụi nó tha hồ chơi quên ăn uống luôn.

*

Tới nơi khi trời đã chiều. Ngồi trên xe đã nghe kể chùa nằm giữa rừng thông và kề bên dòng suối khung cảnh thiên nhiên thơ mộng lắm, đùa nhau là đi chùa tập tu mà coi chừng là trở thành… nhà thơ. Các Phật tử quen biết rủ nhau đi chung một xe nên tha hồ trò chuyện quên đường dài, mà cung đường mùa xuân thì biết bao là mơ ước cho năm mới nên từng tràng cười rộ và càng cười to hơn khi xe lượn quanh quẹo đường đèo. Có vẻ như đường tới chùa đã bỏ lại sau lưng mọi lo toan cho nên người ta dễ cười thì phải.

Những căn nhà mái đỏ thẫm dưới tán thông cao vút. Có hai Sư cô đứng ở cổng mỉm cười chào đón và hướng dẫn mọi người - “Xin thông cảm, mùa xuân có nhiều Phật tử về tu tập cho nên các bạn trẻ vui lòng ở ngoài lều để nhường chỗ trong phòng cho người lớn tuổi và em bé”.

Có vẻ như sự áy náy của Sư cô là thừa bởi vì những người trẻ reo hò kéo nhau đi về hướng những cái lều trên khoảng đất trống, nhìn họ hào hứng như được đi cắm trại.

Tôi cầm tay bé Út đi theo Hằng. Con đường quanh co giữa những hàng thông, có những mũi tên sơn màu trắng ngay trên lối đi, hướng này là nhà Bếp Lửa Hồng, hướng kia là nhà Nắng Đầu Thôn…

Hằng ngừng lại trước nhà Mỉm Cười Đi Con. Tên nhà khiến cả tôi, Hằng và bé Út nhìn nhau rồi bỗng cùng nhoẻn miệng cười.

- Có phải những người đầu tiên như mình thì được ở nhà này để tập mỉm cười không? - Tôi hỏi với ý trêu chọc Hằng.

Hằng nháy mắt:

- Nói vậy là công nhận trước khi tới đây mình không biết mỉm cười hả?

Câu nói đùa xói vào vết thương trong lòng, tôi chỉ còn là cười gượng.

Nhà rộng khoảng năm chục mét vuông. Những chiếc chiếu trải san sát bên nhau, túi xách và ba-lô làm gối. Ôi trời, Hằng hay dự khóa tu đã có kinh nghiệm mà sao không cho tôi biết trước, bây giờ trong ba-lô đầy thức ăn thì sao mà làm gối đây? Muốn lấy thức ăn ra để riêng nhưng lại sợ bị lộ món mặn trước mặt mọi người, tôi đành xoay trở cái ba-lô tìm chỗ êm nhất để gối đầu lên thử, nghe tiếng lạo xạo vang bên tai là biết bánh thuẫn hong giòn đã bị bể tan tành.

- Mới đi lần đầu phải không? - Chị chủ nhân của cái túi xách nằm gần tôi cất tiếng hỏi.

*

Ngày đầu tiên, buổi thiền tập bắt đầu lúc bốn giờ ba mươi. Tiếng chuông ngân nga đánh thức mọi người dậy lúc bốn giờ. Tôi đang lúng túng không biết làm sao vì không nỡ thức bé Út dậy sớm thì Hằng nói đã có mấy Sư em được phân công trông coi các em nhỏ rồi cho nên tôi cứ yên tâm cùng mọi người đi tới thiền đường.

Trời vẫn còn tối nên không nhìn thấy những mũi tên hướng dẫn trên lối đi như chiều qua. Sư cô xách cây đèn dầu được thiết kế theo kiểu để trong lồng không sợ gió thổi, ánh vàng ấm áp dẫn đường. Người ở phía trước đi ngay sau lưng Sư cô, người phía sau thì theo người đi trước. Cứ vậy, từng nhóm người ra khỏi nhà và nhập vào hàng thành đoàn dài trên con đường xuyên rừng thông, tôi cảm giác như những cây thông cũng đang di chuyển cùng với mình giữa màn sương và hơi lạnh đọng lơ lửng từng vệt như có cây nhang khổng lồ tỏa khói ngay trước mặt.

Bước vô thiền đường, những lời trò chuyện rì rầm im bặt. Mỗi người cầm lấy một cái tọa cụ rồi lần lượt ngồi xuống thành từng hàng. Tôi chọn chỗ ngồi gần cửa vì mặc dù Hằng nói đã có Sư em trông coi nhưng tôi vẫn lo bé Út sợ hãi khi thức dậy giữa nơi chốn xa lạ mà không thấy mẹ đâu. Ở nhà, bé Út thường dậy lúc sáu giờ, tôi tính toán tới sáu giờ thiếu mười mình trốn đi là vừa.

Lời Thầy giảng “Buông bỏ những lo toan để cảm nhận được hạnh phúc ngay bây giờ, ngay ở đây” bay vào tai tôi lơ mơ. Tôi không buông bỏ được. Tôi nghĩ tới bé Út đang nằm ngủ một mình và tôi nhớ nhà mà không phải là nhớ nhà, tâm trí tôi rối rắm nhớ tới chồng và bé chị, hối hận vì để bé chị ở nhà mà không có mẹ, và tôi nhớ hai cặp rượu do chính tôi mua về…

Nặng đầu quá.

Thôi, nhất định không thèm nghĩ tới.

Gần sáu giờ, tôi đang lùi dần tới cửa thì tiếng chân vang bên ngoài kéo dài. Tôi nhìn ra, một Sư chú đang dẫn bầy con nít tới khu đất trống để tập thể dục. Trong làn ánh sáng còn mờ sương, bé Út tập động tác quay cổ mà quay cả thân hình về phía thiền đường, biết ngay là muốn tìm mẹ đang ngồi ở đâu trong này. Tôi nhô đầu ra cửa và đưa tay vẫy vẫy. A, thấy mẹ rồi, bé Út cười toe.

Đến bảy giờ thì người lớn và con nít gặp nhau ở nhà ăn là nơi căng tấm bạt rộng màu xanh. Tôi khen:

- Sáng nay bé Út giỏi quá.

Bé Út rất thích khen, thường thì nghe rõ rồi mà vẫn hỏi lại “Mẹ nói gì hả mẹ?” để được nghe lại thêm lần nữa. Nhưng hôm nay chừng như có chuyện quan trọng hơn nhiều, bé Út nhón chân lên kề miệng sát tai tôi, thì thào:

- Mẹ ơi, Sư chị nói sáng nay nhà bếp nấu xôi có một nồi lỡ bị khê. Sư chị nói tụi con hãy là người dễ thương, lỡ mà nhận trúng phần xôi khê thì hãy ăn hết để nhà bếp hiểu là mình được thông cảm và tha lỗi.

Tôi nhìn mấy cái nồi còn đậy nắp trên bàn để người xếp hàng phía sau cũng được ăn nóng, rồi nhìn cái nồi đã mở nắp tỏa khói, tôi hít hít. Gió thổi về hướng khác nên tôi chẳng ngửi được mùi. Có thật là xôi bị khê hay là bài học cho bọn nhỏ?

Tôi cũng hạ giọng thì thầm:

- Mẹ có đem theo bánh với ruốc thịt cho con. Mà con có muốn làm người dễ thương không?

Bé Út chớp mắt, gật đầu, rồi lại thì thào:

- Nếu mẹ nhận trúng phần xôi khê thì mẹ cũng ăn hết nghe.

*

Tôi dắt bé Út theo chỉ vì khi nghe nói Tết này mẹ không ở nhà với mấy cha con thì bé Út khóc òa nằng nặc đòi đi theo mẹ.

Không ngờ là dịp bé Út được “tập tu”.

Bé Út hào hứng kể tôi nghe - Trò chơi đá cầu, không phải bạn đá được nhiều cái nhất là giỏi mà bạn nào chuyền cầu cho các bạn khác sao cho các bạn đó cũng đá bổng được như mình, cùng chơi vui với nhau mới là giỏi. Trò chơi rượt bắt không phải bạn chạy nhanh nhất giỏi mà là bạn nào biết ngừng lại nâng đỡ bạn bị trợt té. Chơi trò xếp hình, giỏi nhất không phải bạn xếp đẹp nhất mà là bạn bày cho các bạn khác chưa biết cách xếp để tất cả cùng được chơi…

Ồ, có rất nhiều trò chơi mà bạn được khen giỏi không phải là…

Quá khác với lớp học ở trên trường luôn là thi đua xếp hạng nhất nhì ba, miệt mài những cuộc đua để được xếp hạng. Ở nhà tôi cũng hay xếp hạng hai chị em, đứa nào học bài làm bài xong nhanh thì giỏi hơn, ăn cơm xong nhanh là giỏi hơn...

*

Đến ngày thứ ba, những con kiến mon men xuất hiện, bọn nó đã đánh hơi ra thức ăn trong ba-lô của tôi. Cũng may là tới lúc này thì cả phòng đã quen biết nhau, tôi không sợ bị cười nữa.

Mọi người vui vẻ dõi theo tay tôi lấy gói thức ăn ra khỏi ba-lô. Một người nói:

- Đàn bà nên đi đâu cũng vướng bận quá hả.

Tôi nhìn thấy bé Út xụ mặt đến căng phồng hai má và nhận ra bé Út đang sợ tôi lấy bé ra làm lý do phân bua cho gói thức ăn này. Thật đáng ngạc nhiên, con gái bé bỏng của tôi chững chạc thấy rõ.

*

Đến giờ tạm biệt, bé Út được Sư chị tặng cuốn sổ tay, trang đầu tiên ghi “Hãy là cô bé dễ thương nhé”.

Sư anh và Sư chị lần lượt ôm từng đứa nhóc. Những giọt nước mắt long lanh...

Bé Út mếu miệng “Mẹ ơi, Sư chị nói mai mốt có khóa tu Mùa Hè, mình đi nữa nghe mẹ”.

Tôi “ừ”.

- Mẹ hứa chắc nghe mẹ.

Tôi từng hứa rồi cho qua vì bận bịu quá. Mùa hè bọn nhỏ được nghỉ mà tôi thì vẫn phải đi làm. Luôn là không có đủ thời gian.

Nhưng khóa tu mùa hè thì tôi nhất định giữ lời, bé chị cũng sẽ đi. Tôi muốn con mình được học cách quan tâm tới nhau từ những trò chơi giản dị, tôi muốn con mình học làm người từ những yếu đuối và trợt té.

Nấn ná chia tay lưu luyến rồi cũng phải lên đường. Trong xe hơi chật vì có hai người xin quá giang, chiếc xe họ đăng ký bị trục trặc mà họ thì cần về kịp ngày đi làm.

Tôi kéo bé Út ngồi xích về phía mình để nhường chỗ, túi quần bé Út cồm cộm bên hông tôi.

- Con có cái gì trong túi vậy?

- Bí mật - Bé Út đưa tay lên che miệng - Về tới nhà mình mẹ sẽ biết.

Nhưng giữ bí mật không phải là điều dễ dàng, nhất là khi cảm xúc đang dâng tràn trong lòng và nỗi bịn rịn chia tay với điều mới mẻ đẹp đẽ vẫn còn đó, bé Út ngoái đầu nhìn lại cổng chùa ẩn dưới rặng thông cao vút… rồi xa dần…

Bé Út nghiêng người thò tay vô túi lấy ra hai trái thông khô.

- Sư chị bày tụi con lượm trái thông khô đem về làm quà - Bé Út hồi hộp - Mẹ nghĩ ba với chị Hai có thích không?

Tôi ôm bé Út vô lòng, ôm luôn cả nỗi hồi hộp khiến tôi cảm nhận được hạnh phúc sống động rất gần. Bé Út của tôi từ trước tới nay chỉ biết nhận quà. Ồ, chẳng lẽ giành phần với chồng con nhưng mà tôi mong mình được tặng một trong hai trái thông khô này, khởi đầu của hành trình biết đáp đền yêu thương.

Tôi rời khỏi nhà với cơn buồn bực đầy ứ trong lòng. Tôi đã tắt nguồn điện thoại theo đúng quy định của khóa tu mà thật ra là chính tôi khi đó cũng muốn tắt ngúm nó đi, chẳng muốn liên lạc, chẳng muốn dính dáng tới nữa.

Nhưng lúc này, năng lượng bình yên lan tỏa trong tôi. Tôi đang trên đường về nhà. Chiếc xe chạy ngang khu dân cư, những sân nhà vẫn còn rực rỡ hoa vàng mùa xuân. Tôi chưa biết mình sẽ tiếp tục ra sao, nhưng bé Út học được nhiều điều tuyệt vời vậy thì sao tôi lại không có được bài học cho mình? Thế nào tôi cũng sẽ tìm ra cách…

… Như là tôi sẽ ăn hết chén xôi khê khi chồng tôi vô bếp.

Và tôi sẽ không cau có nữa, tôi sẽ nhắc mình “Mỉm cười đi tôi”... 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có nhóm ăn chay cũng dùng trứng (công nghiệp) được - Ảnh minh họa

Ăn chay trường dùng trứng, sữa được không?

GNO - Tôi là Phật tử ăn chay trường đã lâu. Vì công việc và sức khỏe nên tôi có dùng các thức uống như sữa, nước yến, mật ong. Có người nói rằng đã ăn chay trường thì không nên dùng các thức uống đó. Vậy tôi nên làm thế nào? Mong được quý Báo hướng dẫn.
Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

GNO - Tôi thường viếng các chùa và nhận thấy rằng các chú tiểu nhỏ (khoảng độ tuổi mẫu giáo và cấp 1) thường để ba chỏm tóc, còn các chú tiểu lớn hơn (khoảng độ tuổi thiếu niên, cấp 2, 3) thì để một chỏm tóc dài rồi vén bên tai. Quý Báo cho tôi biết nhà chùa chừa các chỏm tóc này cho các chú tiểu có ý nghĩa gì?

Thông tin hàng ngày