Khói bếp chiều qua đông

GN - Mỗi lần anh em ngồi kể chuyện nhà, chuyện quê thì có không ít người quanh tôi vẫn há miệng há mồm vì họ không được trải nghiệm nhiều cuộc sống thôn dã quê nghèo. Quê tôi miền Trung, quê tôi ven biển, quê tôi cát trắng, quê tôi khô cằn, quê tôi v.v... tôi vẫn luôn hãnh diện khi kể về quê tôi. Những con người từng bước chân ra đi từ một làng quê khó khăn để đến lúc chưa kịp về mới thấy bồi hồi thương nhớ. Ngày Tết nô nức chừng nào thì kẻ tha phương lại chạnh lòng chừng ấy. Nghe một tiếng mưa rơi, thấy một cành hoa thắm, nghĩ một mái ấm sum vầy thì cõi lòng cứ nghèn nghẹn. Mỗi một người sẽ có những kỷ niệm làm tài sản riêng cho mình. Và tài sản ấy sẽ bất chợt giàu lên khi quê hương ùa về theo trí nhớ.
anh nthuong 2.jpg
Tranh minh họa: Nhuận Thường

Quê tôi bao năm tháng vẫn còn khốn khó bởi nắng bởi mưa. Mỗi nhà một cảnh. Có nhà gắn với mảnh ruộng cát trắng bạc màu, có nhà oằn mình theo cơn sóng nhấp nhô của biển nhưng tất cả đều có bếp lửa. Bếp lửa luôn ấm nồng từ xuân cho đến đông. Nấu củ sắn củ khoai, kho con nục con tôm thì đều nghe mùi khói mùi quê. Bếp lửa quê tôi thường đun bằng rơm, bằng lá phi lao, bằng củi các loại thân cây. Vì dùng nhiều loại nhiên liệu khác nhau nên người nhà quê phải kỹ càng trong việc đun nấu. Khổ nhất vẫn là đun bếp bằng rơm, bằng lá phi lao. Hai loại này cháy nhanh nên cần phải đun liên tục, ngồi canh chừng đến lúc thức ăn chín.

Quan trọng của việc đun lửa là cần giữ cho ngọn lửa thật đều, không được khi cháy thật lớn, khi lại riu riu. Mỗi khi bếp bắt đầu có lửa thì cũng là lúc khói bay lên, lắm lúc khói nhiều làm cay xè con mắt. Ngày nay, người ta nấu nướng thì dùng bếp từ, bếp điện nên đâu có thấy được khói hun là gì. Có lẽ những người nhà quê dùng bếp lửa mới thấu hết những nỗi nhọc nhằn khi đun. Những làn khói bếp quê ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người con quê.

Tôi vẫn nhớ những ngày tháng thiếu dầu thiếu đèn (bật lửa), tới bữa nấu cơm phải đi xin lửa. Khi đi xin lửa thì đem theo một nắm rơm hoặc nắm lá phi lao. Sang nhà hàng xóm xin một cục than rồi gói ghém cẩn thận vào trong nắm rơm, nắm lá phi lao ấy. Vừa đi vừa thổi để than khỏi nguội và cũng canh chừng làm sao để than không thành ngọn lửa trên đường đi. Đem cục than về đến bếp nhà mình rồi mới thổi mạnh để có lửa ngọn. Biết bao chuyện bi hài lúc đi xin lửa. Ấy là chuyện than tắt lịm hay than đỏ lửa ngọn làm cháy hết nắm rơm trên đường về.

Những ngày tháng khô cháy của mùa hè, những đợt gió Lào thổi thì ngọn lửa bếp mới dữ làm sao. Đặt cái bếp thì cần che chắn xung quanh thật kín để gió khỏi lùa vào. Nếu không, mỗi lần gió thổi thì ngọn lửa bùng bùng quật bên này, tạt bên kia. Nấu xong thì phải dùng nước lạnh dội vào bếp để dập tắt hết những tro than của củi. Có nhà chỉ bất cẩn trong khi đun bếp lửa mà gió Lào thổi tạt, cháy lan cả ngôi nhà.

Cực nhất vẫn là những ngày tháng mưa gió. Mưa miền Trung rả rích khó ngớt, căn bếp thì lại nhỏ thế nên chỉ có được một ít củi khô trong nhà, còn lại vẫn phải để ngoài trời che tạm tấm áo mưa cũ, tấm tôn rách. Trước mùa mưa về thì nhà nhà đều kiếm củi để dành trên giàn bếp. Nhưng khổ nỗi những lúc củi trên giàn đã hết mà tháng ngày mưa vẫn chưa dứt. Thế là lấy củi ướt dựng quanh cái bếp để hong cho khô. Mà có khô thì chỉ khô lớp vỏ bên ngoài chứ bên trong thì mưa đã thấm đẫm. Chính vì vậy, mùa đông mà nấu bếp lửa thì cả nhà được hun khói. Khói bay ra khỏi bếp lại cứ dập dờn theo cơn gió. Gió lại xoắn cùng mưa. Mỗi nhà một làn khói bếp. Cả xóm, cả làng, cả miền quê tôi tỏa màu khói bạc. Cảnh mưa chiều quê với tôi đã gắn luôn với bếp lửa củi ướt cùng làn khói bạc dập dờn.

Những ngày cuối đông, những ngày “hăm... Tết”, bếp lửa quê càng thêm nhung nhớ. Ai từng ngồi bên bếp lửa, đem từng khúc củi ướt hong khô, dùng ống thổi, nghe tiếng xèo xèo của củi ướt cháy mới cảm nhận hết được giá trị của mùa Tết  quê. Ai từng ngồi đun từng gốc củi ướt đẫm nước mưa để nồi bánh chưng bánh tét “chín tới” mới rõ cái cay xè đến chảy nước mắt vì khói hun. Khói mùa đông, khói mùa đón Tết gắn chặt với thời gian, gắn chặt với những người con quê nghèo khó.

Giữa thành phố xa hoa lộng lẫy, giữa những tòa nhà cao tầng san sát, bất chợt những đứa con xa quê thấy nhớ, thấy thèm mùi khói hun. Tôi đâu thấy khói tỏa, đâu nghe mùi khói hun khi những bữa cơm nấu bằng bếp điện bếp từ. Bất chợt vọng về câu hát mênh mông chua xót giữa những dãy nhà chung vách san sát giữa thủ đô: “Chiều ở nơi đây chiều không thấy khói”.

Ừ. Chiều nơi đây không có khói, không ai nấu bếp củi như quê mình. Chiều buồn thiu vì lòng quặn nhớ quê nhà. Chiều nơi đây, chiều của những người con lữ thứ, của những người con đứng nhìn mà chẳng thấy ngõ sau. Ôi, những ca từ thấm đượm trong Chiều Xuân xa nhà *:

“Nhà ở nơi đây không có ngõ sau

Biết chừng quê mẹ ở nơi đâu

Từng chiều xuân đến mây trăm hướng

Mỗi hướng lòng con một nỗi niềm”. 

Tản văn Fan Thạnh

_____________

* Thơ Huy Phương - Nhạc Nhật Ngân

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày