Không khí Phật đản khắp nơi trên thế giới

GNO - Không khí lễ Phật đản thiêng liêng ở các nước trên thế giới, cùng hướng về an lạc cho tất cả chúng sinh.

Sri Lanka

Cả nước đang bao trùm trong không khí hân hoan chuẩn bị kỷ niệm Lễ Vesak năm nay.

sl-vesak-s.jpg

Phật đản ở Sri Lanka

Các hoạt động tôn giáo, bao gồm các chương trình thiền định, được diễn ra trong ngày Vesak tại tất cả các ngôi chùa và tu viện Phật giáo trên toàn quốc đảo trong Tuần lễ Vesak bắt đầu vào ngày 2-5.

Hàng ngàn người dự kiến sẽ ghé thăm 8 khu Vesak đặc biệt, nơi biểu diễn “Bakthi gee” và các cuộc thi đèn lồng được tổ chức.

Cục Cảnh sát cho biết sẽ bảo đảm an ninh đặc biệt trên khắp đất nước nhằm bảo đảm sự an toàn cho công chúng.

Singapore

Công viên quốc gia Board (NParks) là nơi công chúng không được phép phóng sinh trong ngày Vesak.

Để nâng cao nhận thức của công chúng về lý do này, Nparks đang làm việc với các tình nguyện viên nhằm tiến hành chiến dịch "Không phóng sinh" trong các khu bảo tồn thiên nhiên và các hồ nước.

release.jpg

Việc phóng sanh được kêu gọi không nên làm, thay vào đó là giảm tiêu thụ thịt

"Nhiều trong số các loài động vật như thế này thường được giữ trong nhà làm vật nuôi, chúng không có khả năng sống sót do không quen với môi trường xung quanh và không thể chống chọi trong tự nhiên. Nếu những con vật này mang virus, chúng cũng sẽ ảnh hưởng đến các loài động vật hoang dã bản địa khác", ông Wong Tuan Wah, Giám đốc Bảo tồn Nparks cảnh báo.

Chiến dịch "Không phóng sinh" này hy vọng sẽ giáo dục và tư vấn cho công chúng về tác hại của việc làm trên.

"Sẽ lợi ích hơn nhiều khi chúng ta giảm lượng thịt tiêu thụ trong cả năm so với việc đơn thuần chỉ phóng sinh động vật trong ngày Vesak vì việc làm này cũng có thể sẽ khuyến khích các nhà cung cấp tăng nguồn cung động vật phóng sinh", Angie Chew Monksfield, Chủ tịch Hội Thân hữu Phật giáo khuyên.

Trong chiến dịch này các tình nguyện viên và học sinh sẽ thành lập một trạm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bukit Timah vào ngày 19-5 từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa.

Indonesia

Hàng chục ngàn Phật tử từ khắp Indonesia và nước ngoài dự kiến tham dự Lễ hội Waisak 2556 (ngày Phật thành đạo) năm nay tại hai ngôi đền lân cận Mendut và Borobudur ở Magelang, miền Trung Java vào ngày Chủ nhật (6-5).

HT.Bhante Pabhakaro Thera, thuộc ủy ban tổ chức lễ hội Waisak, nói rằng những người nước ngoài dự kiến sẽ đến các đền thờ nhân dịp lễ kỷ niệm là những người đến từ Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc và Mỹ.

"Thông qua lễ kỷ niệm, hy vọng mọi người sẽ có thể tăng trưởng tình yêu thương và lòng từ bi để trở nên những con người sáng suốt và cẩn trọng", HT.Bhante Pabhakaro nói.

Hòa thượng cho biết các hoạt động bắt đầu vào ngày thứ Hai với việc lấy 10.000 chai nước thiêng từ con suối Jumprit ở Tegalrejo.

"Nước tượng trưng cho sự khiêm tốn của con người", HT.Bhante Pabhakaro cho biết, vào thứ Sáu nước sẽ được đưa đến Mendutcho cho Lễ hội Waisak.

Vào thứ Bảy hôm sau đó, sẽ tổ chức lễ lấy lửa từ ngọn lửa gốc vĩnh hằng Mrapen ở Purwodadi, Trung Java. Lửa, theo HT.Pabhakaro, tượng trưng cho ánh sáng sẽ mang lại giác ngộ cho con người.

Các hoạt động khác được tổ chức trong lễ giác ngộ của Phật bao gồm các dịch vụ xã hội vào thứ Tư và thứ Năm, nghi lễ Pindapata được tổ chức vào thứ Năm, trong nghi lễ này các nhà sư nhận cúng dường từ công chúng.

Điểm nổi bật của lễ kỷ niệm sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật tại đền Mendut và Borobudur. Thời điểm chính xác của Lễ hội Waisak là vào ngày Chủ nhật lúc 10 giờ 34 phút 39 giây và sẽ được thực hiện tại đền Mendut.

"Chúng tôi sẽ đánh dấu thời điểm trên bằng việc sư Wongsin Labikho Mahatera thuộc Hội đồng Tăng già Walubi nổi chiêng, tiếp theo là ngồi thiền", HT.Pabhakaro cho biết.

Vào chiều Chủ nhật, nước thiêng và lửa sẽ được đưa đến đền Borobudur cho lễ Waisak, sẽ được tổ chức vào 7 giờ 30 tối hôm đó.

Trong dịp này, các nhà sư sẽ thực hiện nghi thức Pradaksina (đi kinh hành quanh ngôi đền).

Lễ kỷ niệm cũng sẽ bao gồm việc thả 1.000 chiếc lồng đèn vào bầu trời. Điều này tượng trưng cho sự thịnh vượng của sức khỏe, đời sống và tài sản.

Malaysia

Ngày lễ Wesak là ngày lễ bao gồm ba sự kiện chính trong cuộc đời Đức Phật: Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật Niết-bàn.

wesak012.jpg

Tại Malaysia

Phật tử cầu nguyện trong các ngôi chùa từ sáng sớm, tham dự các buổi tụng kinh, ăn chay cũng như tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng.

Hòa thượng trụ trì chùa Sri Lanka, Saranankara Nayaka Maha Thera, cho biết Phật tử có thể tưởng nhớ và tôn vinh Đức Phật không chỉ bằng việc mua hương đèn và hoa quả để dâng cúng mà nên bằng sự hiểu biết giáo lý của Ngài và trên hết phải thực hành giáo pháp đó.

"Bạn có thể viếng hàng trăm ngôi chùa trong ngày Wesak nhưng sẽ không có gì tốt cho bạn nếu bạn không biết giáo lý của Đức Phật", HT.Saranankara nói.

Hòa thượng nói thêm rằng mọi người nên thực hành Dana (bố thí), Sila (trì giới) và Bhavana (thiền định) không chỉ trong ngày Wesak mà nên làm hàng ngày.

Hòa thượng người Malaysia, Datuk K. Sri Dhammaratana Maha Nayaka Thera nói, ngày Wesak là ngày mà những người mộ đạo nên tham gia vào các hoạt động tôn giáo thay vì biến đó thành một ngày để tiệc tùng.

"Thật chẳng hay khi bạn ghé thăm ngôi chùa vào ngày nay, nó như là một lễ hội", HT.Dhammaratana đề cập đến đường phố bên ngoài tịnh xá Maha Vihara, nơi ngài cư trú.

Ngài cho biết thật hay khi thấy các tín đồ thuộc mọi lứa tuổi đến chùa, nhưng ngài hy vọng nếu họ dành thời gian để hiểu đạo thì sẽ tốt hơn.

Hơn 30.000 người mộ đạo từ khắp nơi trên thung lũng Klang dự kiến sẽ tham gia lễ diễu hành hàng năm bắt đầu tại Brickfields Buddhist Maha Vihara ở Jalan Berhala lúc 7 giờ tối ngày 5-5, qua Jalan Tun Sambanthan, Jalan Petaling, Jalan Raja Chulan, Jalan Bukit Bintang, Jalan Pudu và trở lại Jalan Tun Sambanthan.

New York, Hoa Kỳ

Năm nay sự kiện được tổ tại bốn ngôi chùa của Tây Tạng, Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Chánh điện chùa Tsechen Kunchab Ling.jpg

Tu viện Tsechen Kunchab Ling

Đó là các chùa: Tsechen Kunchab Ling của Phật giáo Tây Tạng ở Walden, quận Cam, chùa Pháp Ấn của người Hoa, cũng thuộc Walden, chùa Won Kak Sa, thuộc Phật giáo Hàn Quốc tại Salisbury Mills, quận Cam và tu viện Bích Nham, ngôi chùa được thành lập bởi Hòa thượng Thích Nhất Hạnh tại Pine Bush, quận Cam.

Ngoài chiều hướng tâm linh, chương trình còn mang đến cơ hội để thưởng thức văn hóa nghệ thuật, âm nhạc, khiêu vũ, ẩm thực và sinh hoạt của bốn quốc gia châu Á này.

Chương trình sẽ bắt đầu bằng một cuộc diễu hành đầy màu sắc của các Phật tử từ nhiều quốc gia xung quanh ngôi chùa. Bên trong, các nhà sư sẽ tụng kinh tán thán Phật bằng ngôn ngữ bản xứ của riêng họ.

Bữa trưa sẽ là một bữa tiệc buffet với các món ăn chay từ khắp châu Á, mỗi chùa sẽ tham gia chia sẻ các món ăn dân tộc của mình. Chương trình buổi chiều sẽ là thiền định và nói pháp của Hòa thượng Bhikku Bodhi. Ngoài ra còn có vũ điệu đến từ tu viện của Hàn Quốc thể hiện sự tìm kiếm chân lý và video lễ kỷ niệm Phật đản ở khắp nơi trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày