Kỳ thú hoa sen trên cổ vật

GN - Hoa sen không chỉ là biểu tượng của Phật giáo, mà còn thể hiện cho khát vọng hướng thượng của dân tộc Việt. Bởi vậy, hình tượng hoa sen trong nghệ thuật tạo hình ở nước ta được thể hiện ở rất nhiều các hình thức trang trí mỹ thuật, từ đồ thờ cúng, vật dụng hàng ngày, và kiến trúc đặc trưng riêng cho mỗi thời kỳ lịch sử dân tộc. Từ giữa tháng 5 đến hết tháng 6-2015, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG) - Hà Nội tổ chức triển lãm “Sen trên cổ vật”, với khoảng 100 hiện vật tiêu biểu có niên đại từ thế kỷ VII - IX tới thời Nguyễn (1802-1945) được trưng bày.
hsen2.jpg
Tượng Phật Thích Ca sinh ra từ hoa sen, chất liệu gỗ, thời Lê Trung hưng

Hoa sen trong mỹ thuật, điêu khắc Việt

Theo quan niệm Phật giáo, hoa sen biểu trưng cho giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện, là trí tuệ, sự giác ngộ và tinh thần bất nhiễm, nên ngay trước Tây lịch, hoa sen sớm trở thành biểu tượng cao đẹp của đạo Phật.

Từ bao đời nay, hoa sen đã đi vào cuộc sống và văn hóa của người Việt, là loai hoa biêu trưng cho sự tinh khiêt, cao quy, thanh tao; cho ý chí vươn lên. Người Việt đã dành cho hoa sen một câu nói rất dung dị nhưng đầy ý nghĩa: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Từ ý nghĩa tâm linh ấy, bông hoa này đã đi vào tâm thức của người Việt Nam, trở thành hình tượng trong kiến trúc và điêu khắc, hiện hữu trên các đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ  của người Việt xưa.

 Ngày 14-5-2015, BTLSQG đã khai trương triển lãm “Sen trên cổ vật”, với hơn 100 cổ vật đã được trưng bày theo chiều dài lịch sử từ thế kỷ VII - IX cho đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX – XX). TS.Nguyễn Văn Cường, Giám đốc BTLSQG cho biết: “Phần lớn hiện vật được trưng bày đều là độc bản, tiêu biểu trong nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử Việt Nam”.

Các hiện vật được trưng bày thành 5 nhóm chuyên đề: Sen trên cổ vật cung đinh triều Nguyễn, sen trong nghệ thuật Phật giáo, vật dụng nghi lễ và đồ thờ cúng; vật liệu kiến trúc; trong đời sống xã hội và tranh thêu. Ở nhóm sen trên cổ vật cung đinh triều Nguyễn, trưng bày hiện vật là đồ ngự dụng được chế tác từ những chất liệu quý hiếm như ngọc, vàng, bạc, ngà… Dưới bàn tay tài hoa của những người thợ, hình tượng hoa sen được khắc họa rất tinh xảo, mềm mại. Từ những lá sen bằng ngọc, đến chiếc ống bút bạc, ang rửa bút, ấm, chén đĩa ngọc, kiếm bằng bạc - ngà hoặc vàng - ngọc kết hợp với đồi mồi chạm khắc sen cách điệu, chân nến, hộp hình sen nạm đá quý, hộp vàng chạm lộng hoa lá cách điệu hình sen, đỉnh bạc, đỉnh vàng đúc nổi hoa sen, đỉnh ngọc chạm dây sen, chậu vàng hình lá sen… Các hiện vật vô cùng phong phú, mang tính ứng dụng cao, họa tiết trang trí vô cùng tinh xảo, làm tăng giá trị của mỗi hiện vật.

hsen3.jpg


Lư hương hình hoa sen, gốm sứ, thế kỷ XVIII - XIX

Ở nhóm đồ thờ cúng có nhiều cổ vật vô cùng đặc sắc, như đài thờ linga bằng bạc mạ vàng chạm cánh sen của người Chăm niên đại từ thế kỷ XI - XII được phát hiện ở Bình Định. Hay chiếc lư hương được làm bằng sành (có từ thế kỷ XVIII - XIX) được phát hiện tại làng gốm Thổ Hà, Bắc Giang, hoặc chiếc lư hương trang trí hình rồng chầu sen, chất liệu sành, có từ thời Lê trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII).

Nhóm sen trên vật liệu kiên truc vô cùng phong phú các hiện vật, như: miệng giếng chạm nổi bằng đất nung thế kỷ XIII - XIV, những viên gạch trang trí chạm hoa sen bằng đất nung phủ men (thời Lê Sơ, thế kỷ XV), hay gạch in nổi hình hoa sen cách điệu được làm bằng đất nung có từ thời nhà Mạc (thế kỷ XVI) sưu tầm được từ chùa Sổ...

Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Đây là một triển lãm vô cùng thú vị. Người xem có thể hình dung ra cha ông mình đã sử dụng hình ảnh hoa sen trong cuộc sống như thế nào, hiện diện trong từng món đồ vật và thay đổi qua thời gian ra sao.

Hoa sen ở thời kỳ Lý - Trần mang tính biểu tượng nhiều hơn, cách thể hiện cũng mạnh mẽ, khoáng đạt, khỏe khoắn và đơn giản hơn. Sang đến thời Lê, mật độ họa tiết trang trí đã dày hơn, có diễn tả kỹ lưỡng hơn. Đến thời Nguyễn, các chi tiết trang trí hoa sen đã trở nên tinh xảo, cầu kỳ hơn rất nhiều, sáng tạo hơn và cũng gần với hiện thực hơn. Họa tiết hoa sen ở thời kỳ này đã mang tính trang trí nhiều hơn và gần hơn với mỹ thuật”.

Hoa sen trong cổ vật Phật giáo

Đến triển lãm “Sen trên cổ vật”, nhóm sen trong nghê thuât Phât giao gây ấn tượng đặc biệt cho người thưởng lãm. Hiện vật cổ nhất trong trưng bày tại đây là tảng đá kê chân cột trang trí hoa sen từ thời Lý, niên đại 1057, xuất phát từ chùa Phật Tích. Kệ chân hình vuông bốn mặt cạnh chạm khắc hình nhạc công tấu nhạc, mặt trên tạo hình bông sen 16 cánh. Trong mỗi cánh trang trí đôi rồng chầu lá đề, nét chạm tỉ mỉ tinh tế, tôn thêm vẻ cao quý của cánh sen.

Trên vòng cánh sen, còn có 16 cánh phụ xen kẽ các cánh sen chính. Nghệ nhân thời Lý thật kỳ tài, họ đã biến bông sen có hai lớp cánh ngoài cùng uốn cong mềm mại để đỡ các lá đề ở chân cột chùa Phật Tích. Qua đó hình dung, các nghệ nhân đã trang trí các cánh sen viền quanh trên tất cả các tảng đá kê chân cột, tạo cảm giác như toàn bộ ngôi chùa được dựng trên các đóa hoa sen. Khác với các tảng kê chân cột thời Đinh, các đồ án này của thời Lý không thể hiện phần nhị sen và gương sen, có lẽ vì cột che khuất.

Tại triển lãm, những hiện vật khác cũng gây ấn tượng như tượng Bồ-tát Chuẩn Đề ngồi tòa sen làm bằng đồng tam khí, có niên đại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, hay tượng Phật Thích Ca sinh ra từ hoa sen làm bằng gỗ sơn, có từ thời Lê trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII)… Không phải đợi đến triển lãm này, mà từ trước tôi đã nhiều lần đến BTLSQG để chiêm ngưỡng các cổ vật Phật giáo, đồng thời đến rất nhiều ngôi chùa để thấy hoa sen luôn nở rộ khắp các ngôi chùa cổ. Hoa sen tưng bừng nở trên các bộ phận của các công trình kiến trúc, điêu khắc bằng gỗ đá khiến cho ta có cảm tưởng đang chiêm ngưỡng vũ hội ngoạn mục của loài hoa Tịnh đế này.

Trên các công trình kiến trúc từ thời Lý, hoa sen đã đua nhau khoe sắc. Ở lan can thành bậc của tháp Chương Sơn là những nụ sen lớn, mập có một số lá non nhỏ, mép quăn chưa mở hết dường ngân rung nắng gió trong tay cầm của đoàn tiên nữ với sóng áo thướt tha. Ở các mặt trên tầng đế tháp, các bệ tượng Phật và bệ tượng linh thú của chùa Phật Tích (Tiên Du - Bắc Ninh), hoa sen hòa điệu ở dạng mãn khai với hai, ba lớp cánh xòe nở hướng lên trên và một lớp cánh sen rủ xuống như tư thế nở tự nhiên của hoa sen. Trên diềm tượng Kim Cương tháp Long Đọi (Duy Tiên - Hà Nam), hoa sen với hai cánh ngoài cùng uốn cong lên thành một vòng tròn khép kín.

Đạt kỷ lục siêu nghệ điêu khắc hoa sen có lẽ thuộc về tác phẩm A Di Đà - pho tượng đá xanh nguyên khối được tạc thời vua Lý Thánh Tông ở chùa Phật Tích. Toàn thể bức tượng trông chẳng khác bông sen vươn trên biển nước. Áo cà-sa là chiếc lá sen sóng sánh, vờn tỏa thân hình tuyệt mỹ. “Gương mặt búp sen” thấm đượm vẻ nguyên khôi, bi mẫn. Chiếc mũ Bụt ốc trên đầu cách điệu thành bát sen kết hạt tròn đầy biểu hiện cho sự đắc đạo của người kiên định hành trì Phật pháp để cứu vớt chúng sinh trong cõi vô thường.

Theo TS.Trương Thị Kim Dung, hoa sen đã xuất hiện trong mỹ thuật từ thời Đinh - Tiền Lê, trên một số viên gạch lát nền cỡ lớn tại khu vực đền vua Đinh và đền vua Lê đều đã có đề tài hoa sen. Đến mỹ thuật thời Lý, đây là thời kỳ mà Phật giáo phát triển mạnh, được coi như quốc giáo và trang trí hoa sen được ứng dụng rất nhiều với các đài hoa sen, các bệ tượng Phật bằng hoa sen, các kiến trúc hình hoa sen. Những tảng đá kê chân cột cho đến diềm cửa tháp, diềm bệ tượng và cả đồ gốm... hễ đâu có điều kiện thích hợp là nghệ nhân dùng ngay hoa sen để trang trí. 

hsen1.jpg


Tảng đá kê chân cột trang trí hoa sen từ thời Lý

Loại đồ án hoa sen đỡ các vật thiêng, là hình các đài sen trong tư thế nhìn nghiêng, như đài sen làm bệ đỡ cho các chân chim phượng, trong các đồ án phượng múa ở các thành bậc (ở chùa bà Tấm, Hà Nội), hoa sen làm bệ đỡ cho các vật thiêng bố cục trong hình lá đề, hoặc trong các đồ án dàn nhạc, thiên thần, về rồng chầu (ở chùa Phật Tích)...

Sang thời Trần, tạo hình hoa sen đã biến đổi, các cánh sen thường chỉ chạm thêm một đường gờ chìm viền theo mép cánh và ở trung tâm mỗi cánh đôi khi được điểm các hạt tròn trong một bố cục cân xứng khá chặt chẽ. Đồ án hoa sen đỡ các vật thiêng thời Trần khá phong phú như đồ án đỡ chân chim phượng trên trán bia chùa Tổng (Hưng Yên), đỡ các hình lá đề trong đồ án ở chùa Thái Lạc, chùa Dâu (Bắc Ninh), ở các chân cột, cốn, nhất là ở cửa chùa Thái Lạc, đài sen đỡ phía dưới các tượng phỗng, một đề tài chuẩn của thời kỳ này.

Trên các bệ tượng Phật của thời Trần đều chạm thành những đài sen lớn, với 2 hoặc ba lớp cánh xen kẽ nhau, thể hiện thành những khối nổi, không còn chỉ là hoa văn nữa. Ở chùa Cung Kiệm, dưới chân bệ đá của tượng Phật niên đại 1449, còn thể hiện một đóa hoa sen nổi trên sóng nước, chạm theo lối nhìn hơi chếch nghiêng, các cánh sen nở vây quanh một búp sen ở giữa, lá phía ngoài hình sóng.

Vào thời Lê sơ, các bệ tượng Phật như bệ các chùa Khám Lạng (Bắc Giang - 1432), chùa Cao (Hà Tây - 1505)... đều có trang trí cánh sen với kiểu cách và chi tiết gần giống với các cánh sen trên các bệ thời Trần. Đặc biệt ở chùa Khám Lạng, ngoài các cánh sen to, còn có lớp cánh sen được chạm theo kiểu xếp gối lên nhau chỉ thấy nửa hình, cứ thế mà thành băng dài.

Thời Lê sơ, hoa sen không những được trang trí trên các bệ tượng Phật, trên các chân tảng cột chùa, mà xuất hiện trên cả những tấm bia. Như bia chùa Cao (Hà Nội - 1505)... đều có trang trí hình hoa sen xen lẫn các hoa khác. Bố cục hoa sen theo kiểu nhìn nghiêng, còn các cánh hoa thì phần lớn đang chụm lại che kín đài gương, ở trên là 3 lớp cánh đang xếp sát nhau, phía dưới cũng có 3 cánh nhỏ đã nở rộng.

Chiêm ngưỡng hình ảnh hoa sen trong bộ sưu tập cổ vật tại triển lãm “Sen trên cổ vật”, và những ai có sở thích đi đến các ngôi cổ tự để thưởng lãm hình ảnh hoa sen trên các công trình kiến trúc cổ, sẽ thấy hoa sen vô cùng đa dạng về nghệ thuật tạo hình, phong phú về chất liệu cùng với những giá trị nghệ thuật gắn với quyền lực, với tâm linh và với đời sống xã hội của người Việt suốt chiều dài lịch sử.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày