GNO - Lần đầu đến chùa đón giao thừa, lần đầu đi tụng kinh, có em mặc bộ đồ lửng, mái tóc ngày cuối năm vẫn “chưa kịp” cắt; có em chấp tay ngón xòe, ngón khép không được đẹp mắt; có em lóng ngóng tụng kinh không trôi chảy, tuy nhiên các em rất thành tâm.
Thương nhất là trong suốt buổi tụng kinh cầu an đầu năm, vừa đọc kinh, các em vừa ngó sang các cô bên cạnh để hành lễ cho giống.
Sư cô Huệ Dâng hoan hỷ phát lộc cho các bạn trẻ đến chùa lễ Phật đầu năm
Năm nay, đêm giao thừa chùa Long Phước (quận Bình Thạnh, TP.HCM) Phật tử về lễ Phật số lượng ít hơn những năm trước. Nhưng điểm đặc biệt là trong gần một trăm người đến chùa thì có gần phân nữa là các bạn trẻ lần đầu đến chùa.
“Bà ơi, bà làm ơn chỉ cho con cách đọc kinh để lát con đọc chứ đó giờ con chưa đến chùa tụng kinh, con không biết cách tụng”, Nhật đã mở lời như thế với một bác Phật tử đến chùa sớm hơn giờ đón giao thừa. Và dĩ nhiên, với lời bộc bạch của em, bác rất hoan hỷ. Bác nói nhỏ nhẹ: “Lát nữa, con nhìn quý sư, quý sư làm gì, đọc gì mình làm theo là được. Tay con chấp hình búp sen giống bà thế này này; lúc lạy cuối đầu thế này... Con đứng cạnh bà đi, lát có gì bà nhắc con cho”. Đến giờ tụng kinh, vì chưa quen nên em đọc kinh hay “nhảy chữ”. Mỗi lần như thế, em đều khựng lại, bẽn lẽn nhìn sang mọi người xem có ai nhắc gì không rồi lúi cúi tụng kinh tiếp.
Về chùa trễ giờ khai kinh khoảng 15 phút, Thái An hối hả hỏi các anh giữ xe chỉ dùm đường đến nơi đang tụng kinh. Một cô Phật tử cũng đi trễ giống em, nghe em nói thế liền hướng dẫn em lên chánh điện. Cô hỏi: “Con lần đầu đến chùa phải không”, em liền đáp: “Dạ, ở nhà buồn quá, nghe nói ở chùa đông vui nên con đi”. Thấy cô mặc áo tràng, em hỏi cô “sao phải mặc áo này, con không mặc có được cho vào không”. Nghe cô bảo “được, nhưng lần sau con nhớ mặc quần dài đến chùa, đừng mặc quần sọt ngắn nữa. Đến chùa mặc quần áo kín để tăng phước đức nha con”, em cười tươi, gật đầu rồi bước vào chánh điện tụng Chú Đại bi cùng mọi người.
Cũng lần đầu đến chùa, Nguyên Tâm chỉ dám đứng phía ngoài. Ai kêu em vào trong chánh điện đứng, em cũng lắc đầu vì em ngại mái tóc “dài” của mình. Đứng bên ngoài hành lang là vậy nhưng em luôn cố gắng quan sát các cô đứng cạnh để trì chú, niệm Phật cho đúng bài bản. Lúc tụng kinh, thấy bàn tay của mình chắp không giống mọi người, em quan sát thật kỹ rồi chấp tay y hệt các cô. Tụng kinh xong, khi mọi người tiến về phía trước để sư cô Huệ Dâng, trụ trì chùa phát lộc đầu năm, mọi người kêu em “nối gót theo sau lưng chị để nhận lộc nha con”, em phân vân một lúc rồi mới bước chân theo. Nhận được tiền lì xì, em mừng: “Đứng trước sư cô, em tưởng sư cô sẽ la em, em run quá chừng. Nhưng mà lúc tiến lại gần, cô cười tươi với em. Lúc cầm trên tay tiền lì xì cô cho, em thấy thích lắm. Qua Tết, em sẽ hớt tóc ngắn, không nhuộm, không để dài nữa để đi chùa cho giống mọi người”.
Mặc dù trang phục, cách hành lễ chưa chỉn chu nhưng các em đều rất thân thiện, chân chất hiền lành khi đứng trước Tam bảo, đó là lời nhận xét của rất nhiều cô, bác Phật tử tụng kinh cùng các em. “Năm nay chùa đông con nít hơn mọi năm, quần dài, quần ngắn; tóc đen, tóc nhuộm đều có đủ nhưng được cái là tụi nhỏ dễ thương. Các cháu nhỏ này mà chịu đi chùa là quý lắm. Các cháu tụng kinh vấp, tiếng được tiếng không nhưng mà nghe các cháu tụng kinh, lớp già chúng tui thấy vui lắm. Hy vọng rằng, sau buổi tối giao thừa này, các cháu sẽ tiếp tục có duyên với chùa, có duyên với Phật pháp để năm sau tụng kinh tinh tấn, hay hơn hôm nay nữa”, bác Phương ước nguyện.
Bài, ảnh: Hạnh Ý