Từ trung tâm Hà Nội theo Quốc lộ 21B hướng đi Đục Khê - chùa Hương, rẽ vào Km13 Quốc lộ 22 sẽ đến núi Tượng Lĩnh, nơi có danh thắng Bát Cảnh Sơn. Người dân trong vùng kể lại, từ xưa nơi đây có 8 ngôi chùa và 1 ngôi miếu thờ thần linh được bài trí theo thuyết Bát quái ngũ hành, nên mới có tên gọi Bát Cảnh Sơn. Song, do thời gian và chiến tranh tàn phá, quần thể Bát Cảnh Sơn đã bị hư hại nhiều. Trong số 8 ngôi chùa, miếu thờ nay chỉ còn 3 nơi nguyên vẹn, đó là đền Tiên ông, chùa Tam Giáo và chùa Ông.
Điểm dừng chân đầu tiên là chùa Ông, nằm dưới chân núi Tượng Lĩnh. Đó là ngôi chùa nhỏ, bên cạnh hồ nước lớn hình bán nguyệt bao quanh phía Bắc núi Tượng Lĩnh. Truyền thuyết kể lại, trước đây chùa Ông nằm giữa hồ nhưng năm 1901, do ảnh hưởng của lũ lụt, chùa bị cuốn trôi. Ngôi chùa ngày nay là dấu tích phục dựng lại và có quy mô nhỏ hơn trước. Đối diện chùa là nhà thủy đình để khách có thể vãn cảnh, ngắm bình minh hay hoàng hôn trên mặt hồ. Chùa nằm dưới vòm cây nhãn cổ thụ, khách có thể đi dạo, lắng nghe tiếng chuông chùa ngân vang, hay ngắm nhìn cánh cò trắng bay lượn trên không trung mỗi khi chiều về...
Từ chùa Ông, đi lên 150 bậc đá sẽ đến đền Tiên Ông, di tích nổi bật nhất trong quần thể Bát Cảnh Sơn. Đền được xây dựng từ đời vua Trần Nhân Tông, nằm thấp thoáng trong màu xanh của cây cối lưng chừng núi Tượng Lĩnh. Trong không gian xanh mát, phảng phất khói hương và những lời kinh, du khách sẽ lạc bước vào chốn thanh tịnh. Đi tiếp qua bãi đá tai mèo và rừng lau trên núi, khách sẽ lên tới đỉnh Tượng Lĩnh. Đứng ở nơi đây có thể bao quát được toàn cảnh bức tranh Tượng Lĩnh đang thay da đổi thịt từng ngày, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, một con đê làng uốn cong mềm mại cùng những ngôi nhà ngói, nhà tầng khang trang.
Cũng từ chùa Ông, men theo sườn núi chừng 1km sẽ đến chùa Tam Giáo, nơi có hàng trăm pho tượng Phật uy nghi, tráng lệ. Quanh chùa có rất nhiều hang động đẹp, với những nhũ đá nhiều hình dạng khác nhau, nên đây là địa điểm luôn thu hút nhiều khách du lịch.
Trong quần thể Bát Cảnh Sơn ngày nay vẫn còn địa danh suối Cau trong dãy núi đá vôi (nay gọi là suối Tân Lang) và chợ Trầu (nay là chợ Giầu), vốn là 2 địa chỉ văn hóa không chỉ thỏa mãn thú ngao du sơn thủy mà còn là nơi để du khách tìm hiểu về sự phát tích của truyện dân gian Trầu cau, một câu chuyện liên quan đến tập tục ăn trầu của người Việt.