Lâm Đồng: Thiền viện Vạn Hạnh - TP.Đà Lạt chưa được làm khuôn dấu, có phải tình lý chưa thông?

Giác Ngộ - Thực hiện Công văn số 283/CV/HĐTS ngày 3-8-2010 của Hội đồng Trị sự GHPGVN - Văn thư số 212/VT/BTS của Ban Trị sự Phật giáo Lâm Đồng và Công văn số 5021/C11 (C13) ngày 21-10-2008 của Bộ Công an về việc khắc con dấu tròn cho các chùa, tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, các tổ chức tôn giáo.

Ngày 14-5-2010, Ban Đại diện Phật giáo TP.Đà Lạt có Văn thư số 52/BĐD gởi Sở Nội vụ và Công an tỉnh Lâm Đồng xin khắc con dấu cho 45 cơ sở Phật giáo trên địa bàn TP.Đà Lạt.

vanhanh_1.JPG

Cổng tam quan Thiền viện Vạn Hạnh

Sau hai tháng xem xét, ngày 16-7-2010, Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng có Văn thư số 495/SNV-BTG nội dung: “Thống nhất việc Ban Đại diện Phật giáo TP.Đà Lạt khắc con dấu cho 44 cơ sở Phật giáo tại thành phố Đà Lạt (danh sách đính kèm). Riêng trường hợp khắc dấu cho cơ sở mang tên “Thiền viện Vạn Hạnh” tại số 39 Phù Đồng Thiên Vương - phường 8, TP.Đà Lạt tạm thời chưa giải quyết với lý do: Cơ sở Phật giáo này hình thành từ năm 1952 có tên hiệu là "Niệm Phật đường Đông Thành” sau một thời gian Phật tử quen gọi là “Khuôn hội Vạn Hạnh”. Đến nay cơ sở này vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền chính thức có văn bản công nhận là “Thiền viện Vạn Hạnh”, vì vậy việc Ban Đại diện Phật giáo TP.Đà Lạt xin khắc con dấu mang tên “Thiền viện Vạn Hạnh” là không phù hợp (trích Văn thư 495/SNV-BTG).

vanhanh_3.JPG

Văn bản này Sở Nội vụ không gởi cho BTS Tỉnh hội Phật giáo và Ban Đại diện Phật giáo TP.Đà Lạt. Tuy nhiên sau khi nắm rõ thông tin này, Tăng Ni, Phật tử địa phương đã tỏ ra bức xúc. Qua tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết: “Vào năm 1952 để có nơi tụng kinh bái sám, Phật tử ấp Đông Tỉnh (phường 8 hiện nay) đã sử dụng ngôi nhà của một đạo hữu địa phương làm niệm Phật đường lấy tên Đông Thành do ông Nguyễn Ngọc Dzụ làm trưởng ban. Năm 1957, sau khi được chính quyền địa phương cấp một khu đất công cộng rộng 3,4 ha trên đồi thông ấp Đa Thiện, Phật tử địa phương đã đóng góp công sức xây dựng thành ngôi Tam bảo với tên hiệu “Khuôn hội Vạn Hạnh”.

vanhanh_5.jpg

Năm 1980, Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng cử TT. Thích Viên Thanh về làm trú trì. Từ năm 1992 đến nay, sau khi xây dựng cổng tam quan tại mặt đường Phù Đổng Thiên Vương, TT. Thích Viên Thanh đã đổi tên hiệu từ chùa Vạn Hạnh thành Thiền viện Vạn Hạnh chuyên tu về “Thiền”. Từ đó đến nay đã 18 năm qua “Thiền viện Vạn Hạnh” chưa hề nhận được công văn hay ý kiến phản ảnh, thắc mắc nào của các cấp chính quyền cũng như của Giáo hội về việc đổi danh xưng từ “chùa” sang “Thiền viện”, mọi sinh hoạt trong bổn tự điều tuân thủ theo Hiến chương Giáo hội và luật pháp Nhà nước đề ra. TT. Thích Viên Thanh - viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh qua nhiều nhiệm kỳ đại hội Phật giáo địa phương hiện vẫn còn đang giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Phó ban Trị sự Phật giáo Lâm Đồng, Trưởng ban Hoằng pháp Tỉnh hội, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng, Chánh đại diện Phật giáo TP.Đà Lạt. Tại tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt, Thượng tọa cũng đã từng được bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Khuyến học, Chất độc da cam, Chữ Thập đỏ v.v…

vanhanh_7.jpg
Công văn của Sở Nội vụ không công nhận Thiền viện Vạn Hạnh
nên không được cấp khuôn dấu tròn (?)

Như vậy, việc chuyển đổi từ “chùa” sang “Thiền viện” đã được TT. Thích Viên Thanh thực hiện cách đây 18 năm  (1992-2010) nhưng không hiểu sao Sở Nội vụ Lâm Đồng lại có văn bản không nhìn nhận. Tính pháp lý của “Thiền viện Vạn Hạnh” cũng đã được thể hiện rất rõ qua Quyết định số 499/QĐ-UB ngày 26-2-2001 do ông Hoàng Sỹ Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng ký khi cấp 15.113m2 đất cho Thiền viện Vạn Hạnh quản lý, sử dụng. Trong sổ đỏ quyền sử dụng đất số 418441 ngày 18/2/2002 cũng nêu rõ: “Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chứng nhận Thiền viện Vạn Hạnh được quyền sử dụng 15.695m2 đất tại phường 8, thành phố Đà Lạt".

Sự hiện hữu của bảng hiệu “Thiền viện Vạn Hạnh” cũng đã được thể hiện rất rõ công khai  trong cuốn "Lược sử những ngôi chùa tỉnh Lâm Đồng” do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh xuất bản đã được Ban Tôn giáo tỉnh, Sở Văn hóa-Thông tin Lâm Đồng duyệt cấp phép năm 2008. Điều quan trọng hơn cả là suốt thời gian 18 năm qua kể từ ngày đổi danh xưng  từ “chùa” sang “thiền viện”, Thiền viện Vạn Hạnh chưa bao giờ nhận được công văn hay ý kiến của các cấp chính quyền cũng như của Giáo hội. Điều này đồng nghĩa với việc sự hiện hữu của ngôi Thiền viện Vạn Hạnh trên mảnh đất cao nguyên Đà Lạt là hợp pháp. Như thế thì việc Sở Nội vụ tỉnh nhà chưa cấp phép cho Thiền viện Vạn Hạnh được khắc dấu theo quy định của pháp luật cần phải làm sáng tỏ.

Việc Thiền viện Vạn Hạnh bỗng dưng bị tước quyền sinh hoạt hợp pháp (không có khuôn dấu) có đồng nghĩa với chuyện trong thời gian tới mọi hoạt động của Thiền viện Vạn Hạnh nằm ngoài sự kiểm soát của Giáo hội cũng như của pháp luật hay không? Theo chúng tôi, “chuyện  người dân chưa hiểu pháp luật không đồng nghĩa với việc người dân có tội”; trách nhiệm của các cơ quan ban ngành, của cán bộ chuyên trách là phải tận tình hướng dẫn người dân sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Trong 18 năm qua, Sở Nội vụ Lâm Đồng làm gì, ở đâu  mà không phát hiện sự sai trái của “Khuôn hội Vạn Hạnh” (nếu có) đồng thời cơ quan này đã hướng dẫn “Tăng Ni Phật tử trong Khuôn hội Vạn Hạnh” phải sống, thực thi theo đúng pháp luật hay chưa?! (nếu họ có sai phạm trong việc chuyển đổi  danh xưng từ “khuôn hội” sang “thiền viện”. Và Sở Nội vụ sẽ giải quyết như thế nào khi tất cả các giấy tờ quan trọng về quyền sử dụng đất, tính pháp lý đối nội, đối ngoại từ tỉnh đến Trung ương có liên quan đến “cơ sở tôn giáo Vạn Hạnh” đều ghi bốn chữ “Thiền viện Vạn Hạnh”?!

Về hai từ “khuôn hội” của Sở Nội vụ, chúng tôi xin lý giải rằng: “Trước năm 1975, tất cả các cơ sở Phật giáo đều do chư tôn đức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quản lý, và để tiện việc sinh hoạt, Giáo hội đã chia các cơ sở theo từng  khu vực với tên gọi là  khuôn hội. Tại TP.Đà Lạt có khuôn hội Bồ Đề, khuôn hội Vương Xá, khuôn hội Lộc Uyển v.v.. Sau Đại hội Phật giáo toàn quốc năm 1981, tất cả các khuôn hội lần lượt được đổi tên thành chùa và các cơ sở này do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý đã đăng ký tư cách pháp nhân hoạt động và đã được Nhà nước bảo hộ qua Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo đổi mới theo từng thời kỳ. Có thể nói cho đến nay tất cả các cơ sở Phật giáo (có trước năm 1975) vẫn hoạt động bình thường, chính quyền địa phương không hề có quyết định công nhận hay bác bỏ các cơ sở này (các cơ sở chỉ đăng ký hoạt động với Giáo hội và chính quyền sở tại theo quy định của  pháp luật hiện hành). Thiền viện Vạn Hạnh cũng không nằm ngoài quy định này và tuổi thọ của thiền viện Vạn Hạnh tính đến nay đã là 58 năm.

Chẳng lẽ sau 58 năm hiện hữu, sinh hoạt trong lòng Giáo hội, chư Tăng và Phật tử Thiền viện Vạn Hạnh bỗng dưng bị “xóa sổ”(?). Rõ là tình lý chưa thông! Điều này chỉ làm cho sự việc thêm rắc rối, gây phản ứng không tốt trong dư luận quần chúng và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần đại đoàn kết dân tộc mà Đảng và Nhà nước ta đã dày công vun đắp.                       

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày