GNO - Cơ thể có nhiều biểu hiện khi thiếu vitamin B12. Người thiếu vitamin B12 sẽ cảm thấy ăn không ngon miệng (mất vị giác), sút cân, mệt mỏi, yếu ớt. Suy nhược tinh thần, trí nhớ kém, gặp khó khăn trong khả năng tư duy cũng có thể là biểu hiện của thiếu vitamin này.
Suy nhược tinh thần, mất thăng bằng... là những dấu hiệu cho thấy bạn thiếu vitamin B12 - Ảnh minh họa
Các biểu hiện thiếu vitamin B12 khác là tê bàn chân, bàn tay, mất thăng bằng, các nốt đau ở miệng và lưỡi, táo bón. Ngoài ra, thiếu vitamin B12 cũng gây ra vàng da, thiếu máu, ảo giác - theo các ấn phẩm y học của Đại học Harvard.
Nếu bạn có bất kỳ các biểu hiện nói trên thì nên gặp và tham vấn với các chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ chứ không nên tự ý dùng bổ sung vitamin B12, các chuyên gia nhấn mạnh.
Lý do là bởi vì có thể các biểu hiện này đến từ các bất ổn khác, chứ không phải chỉ do thiếu vitamin B12. Khi đến bệnh viện, bạn sẽ được xét nghiệm máu để biết chắc chắn có phải bạn đang thiếu vitamin này hay không. Bổ sung vitamin vào chế độ ăn luôn được khuyến nghị, hơn là dùng dạng bổ sung vitamin.
Tuổi tác và các bất ổn về tiêu hóa cũng có thể gây ra thiếu vitamin B12 thậm chí có hấp thu nhiều thực phẩm có chứa vitamin B12 đi nữa. Gần 1/3 số người trên 50 tuổi mắc chứng viêm teo dạ dày (atrophic gastritis), có ảnh hưởng đến việc hấp thu vitamin B12.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), có khoảng 3,2% người trên 50 tuổi thiếu vitamin B12. Khoảng 20% người trưởng thành ở ngưỡng thiếu vitamin B12. Cơ quan này khuyên người từ 51 tuổi trở lên nên hấp thu vitamin B12 mỗi ngày thông qua các bổ sung vitamin B12 hoặc các thực phẩm bổ sung vitamin B12.
Thai phụ cũng có thể bị thiếu vitamin B12, theo NIH. Phụ nữ mang thai và cho con bú không có đủ vitamin B12 có thể làm cho con mình thiếu hoặc có mức vitamin B12 thấp.
Mức axit dạ dày thấp cũng dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong đường ruột. Các vi khuẩn này khi đó sẽ lọc vitamin B12 từ cơ thể.
Trần Trọng Hiếu
(theo Medical Daily)