Làm sao vui với chuyện thị phi?

Làm sao vui với chuyện thị phi?
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi cũng đừng trách móc người khác chỉ vì lỗi lầm của họ. Bởi “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”. Hãy nên mở lòng cảm thông, yêu thương và chia sẻ với tất cả, thì đời sống bao giờ cũng được an vui trọn vẹn!

Xã hội là một tập hợp đa dạng bởi nhiều sắc tộc, tôn giáo, dòng họ, gia đình mà mỗi thành phần đều có căn cơ, trình độ, nếp sinh hoạt tình cảm và đời sống khác nhau. Do vậy việc nảy sinh xung đột phức tạp, nhiều khi gay gắt, đến xấu ác, cũng là chuyện không thể tránh khỏi. Tục ngữ có câu “Bá nhân-bá tánh”, vấn đề là làm sao sống giữa bá nhân-bá tánh ấy mà lòng vẫn an bình, vui vẻ.

Những mâu thuẫn cần có giữa các cá nhân, tập thể, tổ chức với nhau là dấu hiệu đáng trân trọng của phát triển, tiến bộ trên lộ trình hướng về Chân, Thiện, Mỹ. Một xã hội được gọi là văn minh tiến bộ phải luôn tôn trọng những mâu thuẫn đó, để cùng nhau góp phần xây dựng đời sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn.

Tuy vậy, bên cạnh những mâu thuẫn tích cực cần thiết ấy, buồn thay lại có rất nhiều mâu thuẫn phát sinh từ cửa miệng và lòng dạ của những kẻ xấu bụng, với những ý đồ đen tối, nhằm làm giảm uy tín, năng lực, hay trừ hại người khác bằng những lời xấu xa, tin đồn thổi, hay chuyện bịa đặt cho thỏa cái tâm đen tối, ác độc của mình hòng đạt được điều mình mong muốn. Đó là chuyện thị phi.

Thị phi là chuyện phải và quấy, là lời thiên hạ bình phẩm đúng sai - tốt xấu - thiện ác. Trong tiếng “thị” còn ngầm chỉ chỗ tranh nhau mua bán (cãi nhau). Trong tiếng “phi” đã có nghĩa là không phải, nói xấu người. Từ nguyên ngữ, thị phi đã có ý nghĩa không tốt thế mà vẫn còn nhiều người dính mắc, vướng vào.

Từ xưa, nhân loại đã biết rằng: Vua tin lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin lời thị phi thì gia đình ly tán. Nhưng có mấy ai tìm ra cách vượt thị phi để được an vui?

Nhiều ý kiến cho rằng, rất khó để có thể đối mặt với những lời lẽ hiểm độc thị phi nên tốt hơn hết là chỉ nên im lặng. Pittacos cho rằng “Im lặng là cấp độ cao nhất của sự khôn ngoan. Ai không biết im lặng, tức là không biết nói”. Phương Tây cũng có câu tục ngữ “Im lặng là vàng” nhưng im lặng cũng chỉ là sự đối diện trước lời thị phi một cách tiêu cực mà thôi. Làm sao sự im lặng cũng là một câu trả lời có năng lực xóa tan mọi thị phi (đem lại cho chính mình niềm an vui đích thực) - chứ không phải là sự cam chịu, ưu phiền. Nếu không làm được vậy, đôi khi sự im lặng sẽ bị ngộ nhận như Euripide đã nhận xét: “Sự im lặng là thú nhận”.

Sách xưa có ghi lại một câu chuyện đáng để chúng ta suy ngẫm: “Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện cận thần là Hứa Kính Tôn rằng: Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế? Hứa Kính Tôn trả lời: Tâu bệ hạ, như mưa mùa xuân tầm tã, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị mà vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích?”.

Đối diện với những tiếng thị phi một cách trí tuệ và nhân ái nhất vẫn là câu chuyện Đức Phật gặp ngoại đạo hiềm khích: “Một lần, Phật đi giáo hóa ở vùng có nhiều người tu theo Bà-la-môn giáo. Các tu sĩ Bà-la-môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật mà mắng chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau không tiếc lời rủa sả. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi: Ngài có điếc không? Đức Phật đáp: Ta không điếc. Vậy Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi? Đức Phật nói: Này Bà-la-môn, nếu nhà ông có tiệc, thân nhân tới dự ông lấy quà tặng mà họ không nhận thì quà đấy về tay ai? Bà-la-môn đáp: Quà ấy về tôi chứ ai! Phật kết luận: Ông chửi Ta, Ta không nhận thì cũng như vậy”.

Đức Phật đã từng dạy: Khi bị người ác mắng chửi (hay tìm cớ nói xấu, bịa chuyện), ta không nhận thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc!

Hiểu rõ được như vậy, trước những lời thị phi, chúng ta cần bình tâm suy xét, chớ nên vội tin nghe, chớ nên thọ nhận mà cần mau xa lánh và giữ tâm mình an nhiên, vui vẻ.

Chúng ta cũng đều biết rằng khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể dễ dàng tạo ra. Vết thương gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành nhưng vết thương gây ra bởi lời nói thì chẳng biết ngày nào mới lành lại được. Nghiệp lành hay dữ cũng đều từ miệng mà sinh ra cả!

Hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi cũng đừng trách móc người khác chỉ vì lỗi lầm của họ. Bởi “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”. Hãy nên mở lòng cảm thông, yêu thương và chia sẻ với tất cả, thì đời sống bao giờ cũng được an vui trọn vẹn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày