Làm sống lại Phật giáo tại Pakistan

GN - HT. Arayawangso, một vị giáo phẩm Phật giáo Thái Lan, cùng đoàn đại biểu thăm viếng Pakistan vào cuối tuần qua, cho rằng quốc gia này nên tìm cách làm sống lại tinh thần Phật giáo, giúp lợi lạc cho quốc gia.

Theo đó, Pakistan có thể tham vấn với Thái Lan về tiến trình giới thiệu thiền tại các cơ sở tâm linh Phật giáo, tạo đà thu hút nhiều người tìm về với Phật giáo, góp phần vào phát triển du lịch và cũng là phát triển kinh tế.

“Chúng ta nên tổ chức các khóa thiền kéo dài từ 3 đến 5 ngày tại các địa danh Phật giáo ở Pakistan để những người là Phật tử và chưa là Phật tử từ nhiều quốc gia có thể dễ dàng tham gia”, HT.Arayawangso đưa ra đề nghị khi trò chuyện với giới truyền thông.

Buddhist-Monks.jpg


HT.Arayawangso tham quan tu viện cổ Takht Bhai

Vị giáo phẩm Phật giáo Thái Lan cho biết ngài đã có phiên họp với Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Pakistan và được vị đại diện chính phủ nước này khẳng định sẽ ủng hộ cho các kế hoạch mang tính chiến lược trong việc khôi phục sinh hoạt Phật giáo cũng như phát triển du lịch.

“Đây chính là cửa ngõ quan trọng cho sự thịnh vượng và hài hòa”, HT.Arayawangso nhấn mạnh; ngài cũng đánh giá cao sự hỗ trợ, chân thành của người dân Pakistan cho các kế hoạch được đưa ra.

Một khi nhiều vị Phật tử khắp nơi trên thế giới được chào đón nồng nhiệt ở đây, thì đó chính là điều khích lệ rất lớn để người dân từ các quốc gia, các cá nhân, các tổ chức quốc tế sẵn sàng đến với Pakistan trong một khung cảnh, môi trường thật sự thân thiện.

“Song song đó, chư Tăng ở nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia luôn là những vị thầy tâm linh có ảnh hưởng đến tín đồ. Bằng sự giao cảm với các địa danh linh thiêng, kết quả tích cực từ các khóa thiền tập sẽ là cơ sở vững chắc để chư Tăng truyền bá nét đẹp tinh túy của Pakistan đến với thế giới”, HT.Arayawangso cho hay.

Dịp này cũng có một số đề nghị đến các nhà chức trách địa phương liên quan đến việc cải thiện các dịch vụ công cộng tại các điểm đến Phật giáo, làm cho những nơi này trở thành địa điểm thật sự thu hút các hành giả tham gia thiền tập, đồng thời cũng có không gian đủ rộng để cùng lúc chứa được số lượng lớn người hành trì đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Đến nay, đã có đại diện 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, nơi hiện diện đông đảo tín đồ Phật giáo, được tiếp nhận các thông tin về nỗ lực phục hồi sinh hoạt tâm linh đạo Phật, cải thiện và trùng tu các điểm đến linh thiêng của Phật giáo tại Pakistan. Qua đó, cho thấy quốc gia này sẽ gần hơn với nhiều nước trên thế giới thông qua Phật giáo. Từ đây cũng xua tan đi những định kiến cho rằng Pakistan là vùng đất không bình yên. Với những trải nghiệm của bản thân, HT.Arayawangso khuyên người con Phật đừng quá lo sợ khi hành hương chiêm bái Phật tích tại Pakistan.

“Sự yên bình luôn hiện hữu trong trái tim của mỗi người dân bản xứ và đó là thông điệp mà tôi muốn truyền đến tất cả mọi người trên thế giới”, Hòa thượng nói.

Theo Tiến sĩ Abdul Samad, Giám đốc Bảo tàng và di chỉ khảo cổ Khyber Pakhtunkhwa thuộc Pakistan, quốc gia này đã tiến hành nhiều dự án phục hồi các thánh tích Phật giáo và hiện đang có nhiều bảo tháp có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa.

Đặc biệt, Takht Bhai, một địa danh Phật giáo được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới, là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo tuyệt hảo, đã từng là tu viện chính của Phật giáo Pakistan vào thời kỳ Gandhara. Hiện công trình này đang được bảo tồn nghiêm ngặt, tọa lạc trên một ngọn đồi cách quận Mardan 2km về phía Đông.

HT.Arayawangso cùng các nhà chức trách địa phương cuối tuần qua cũng đã đến Bảo tàng Peshawar, thuộc tỉnh Hyber Pakhtunkhwa để khánh thành công trình “Chuông hòa bình” nhằm thúc đẩy sự đối thoại, hài hòa tôn giáo và truyền tải các thông điệp của Đức Phật về hòa bình, an lạc.

Tại đây, vị giáo phẩm Phật giáo đến từ Thái Lan đã đánh 5 tiếng chuông sau lễ khánh thành với mong muốn thông tin đến đến cộng đồng các dân tộc trên khắp 5 châu về sự yên bình tại Pakistan.

Phát biểu tại buổi lễ, HT.Arayawangso đánh giá cao nỗ lực của chính phủ và các nhà chức trách địa phương tại Pakistan đã làm hết mình để phục hồi Phật giáo, bảo vệ các thánh tích Phật giáo hiện hữu nhằm tăng cường sự kết nối với Phật tử toàn cầu.

Sơn Thoại (theo TDH)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày