Làng bánh tráng vào Tết

GNO - Được biết đến là chiếc nôi ra đời của chữ Quốc ngữ, từng có dinh trấn Thanh Chiêm, một thành lũy tồn tại suốt từ thời vùng đất thuộc Chiêm cho đến thời kỳ Pháp thuộc. Mảnh đất Điện Phương (Điện Bàn, Quảng Nam) còn được nhiều người biết đến, đó là nơi có nhiều làng nghề truyền thống như nghề đúc đồng, gỗ mỹ nghệ... Trong đó có nghề làm bánh tráng.

Dọc theo những triền đê, bờ sông Thu Bồn, không khí Tết đã về từ bao giờ. Với những chiếc nón lá nhấp nhô, đang vác từng liếp bánh tráng đi phơi. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, có khói tỏa dịu nhẹ như những ngọn khói lam chiều, trên bức tranh quê tĩnh lặng. Và,từng chiếc lò đất vẫn rực lửa như muốn xua tan đi cái lạnh, của những ngày cuối năm.

Tet (2).jpg

Bánh tráng làng nghề Điện Phương

Theo lời của những cụ già kể lại, làng bánh tráng Phú Chiêm (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là làng bánh tráng tồn tại hàng trăm năm. Và, là nơi có món mỳ Quảng nổi tiếng, từ lâu đã đi vào câu ca, khúc hát của người xứ Quảng. Tô mì Quảng, hay bánh tráng Phú Chiêm đã tạo nên thương hiệu trên thị trường, được xem như món ăn được yêu thích của Châu Á. Chỉ còn nữa tháng nữa mới đến Tết, không khí nhộn nhịp của làng bánh tráng đã làm vỡ đi cái ảm đạm ngày thường, của làng quê đầy yên tĩnh này.

Đều đặn vào mỗi ngày, từ 5giờ sáng cho đến 12giờ trưa, ở mỗi góc nhà của các hộ gia đình, các lò bánh vẫn cháy rực than hồng. Trung bình mỗi ngày, một hộ gia đình có thể tráng từ 600-800 chiếc bánh. Và mỗi chục bánh có giá từ 20.000 đến 50.000 đồng. Cuối năm, được xem là thời điểm để những người làm bánh tráng bận rộn hơn, tấp nập hơn. Có hộ phải “chạy xô” vì nhiều nơi đặt hàng. Chủ yếu là các gia đình ở các vùng lân cận, hoặc những hàng quán ở Đà Nẵng, Hội An vào đặt hàng để lấy bánh.

Nghề bánh tráng đầu tư vốn không nhiều. Chỉ cần một cái lò đắp đất, hoặc lò xây bằng gạch với ba phần thông nhau. Với chiếc nồi lớn có lớp vải căng mỏng dùng để cho bột vào tráng bánh. Và một chiếc gáo dùng để múc bột, một chiếc đũa tre để trải bánh trên liếp. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu là gạo, mè, đường. Và xong mỗi dịp Tết, nghề tráng bánh thường mang lại cho các hộ gia đình khoảng vài chục triệu.

Chị Đinh Thị Liễu, trú tại thôn Triêm trung, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Muốn có một chiếc bánh ngon, quan trọng là khâu chọn nguyên liệu, tiếp đến phải có kinh nghiệm làm bánh, và sự nhanh nhẹn khi khuấy bột để bột khỏi đóng cục, chỗ dày chỗ mỏng. Nói chung, đã chọn nghề tráng bánh thì phải chịu khó”.

Tuy “cơn gió” của thời kỳ công nghiệp hóa, đang thổi ùa vào các vùng quê Quảng Nam nói chung. Nhưng đâu đó vẫn còn nhiều hộ dân vẫn gắn bó với đất, với làng, với cái nghề truyền thống mà cha ông để lại. Làng nghề bánh tráng  Phú Chiêm tuy không còn đông đúc như những năm về trước, với khung cảnh quen thuộc “chồng xay, vợ tráng, con nhặt bánh”. Nhưng cho đến nay, vẫn còn nhiều hộ gia đình quyết tâm giữ nghề làm bánh tráng gia truyền, và làm nghề mỳ Quảng, một đặc sản của Quảng Nam, được nhiều du khách biết đến và yêu thích, khi đến với vùng đất này.

Bên cạnh làng nghề bánh tráng Phú Chiêm, thì một số làng nghề bánh tráng nổi tiếng khác trên đất Quảng, cũng đang vào tất bật vào mùa như làng nghề bánh tráng Đại Lộc, bánh tráng Hội An, Tam Kỳ, Duy Xuyên... Dọc theo con đường quốc lộ 1A, ngang qua xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Những liếp bánh tráng đang khoe sắc dưới trời đông hửng nắng, làm ngập ngừng nhiều bước chân của du khách. Và mỗi khi đến đây, họ không quên mang về xứ sở những chiếc bánh tráng để làm quà, giới thiệu cho nhiều bạn bè khác biết đến.

Anh Trần Cảnh Hiệp (thôn 9, xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là một chủ lò, với hai mươi lao động có kinh nghiệm tráng bánh lâu năm, anh cho biết: “Cuối năm là thời điểm bận rộn nhất, vì phải đáp ứng đủ số lượng bánh tráng ra thị trường. Bánh tráng là thức ăn không thể thiếu trong các bữa cơm của người Quảng, cho đến những bữa họp mặt với bạn bè. Điều làm tôi vui nhất là giữ được nghề truyền thống của cha ông, và giải quyết được việc làm cho các lao động ở địa phương, vào những lúc nông nhàn”.

Nhìn những đôi bàn tay thoăn thoắt, đang tráng bánh bên bếp lửa đỏ rực, những mái tóc búi cao của các bà, các chị. Và sự nhộn nhịp trong nhà ngoài ngõ, nâng niu từng chiếc bánh, mới cảm nhận rõ rệt mùa xuân đang về trên từng nẻo đường làng, và trên những khuôn mặt hớn hở được mùa. 

Thanh Trâm

Bài vở, hình ảnh cộng tác với Giác Ngộ online Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014 xin gửi về địa chỉ Email giacngoxuan@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày