Làng Đại học & thông điệp từ những bữa cơm chay

GN - Ngày nay, nhiều người trẻ ăn chay - họ lựa chọn và xem đó là lối sống xanh, góp phần bảo vệ môi trường.

Theo đó, nhu cầu ăn chay của sinh viên hiện nay khá đông. Điều này, có thể dễ dàng thấy được, khi nơi tập trung đông sinh viên nhất thành phố - Làng Đại học Thủ Đức (TP.HCM), các quán cơm chay mọc lên rất nhiều.

Vào những giờ cao điểm, hình ảnh sinh viên xếp hàng chờ mua cơm chen chúc và thậm chí là tự phục vụ vì nhân viên quán không phục vụ kịp đã trở nên quen thuộc.

comchay sv.jpg
Không gian các quán cơm chay sinh viên ở Làng Đại học luôn rộng rãi, thoáng mát - Ảnh: Thanh Trà

Mang cơm rẻ, sạch đến sinh viên

Chuỗi cơm chay giá từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng - tính từ khu vực Trường ĐH Nông Lâm qua tới ĐH Quốc tế, ĐH Tự nhiên, ĐH Nhân văn có khoảng 10 quán. Thậm chí, ngay trong căng-tin ký túc xá (KTX) cũng có bán món chay phục vụ cho sinh viên nào có nhu cầu.

“Mang cơm rẻ sạch đến sinh viên” - đây là ý tưởng chung của các chủ quán cơm chay mà chúng tôi có dịp trò chuyện. Ngoài ra, các chủ quán đều là Phật tử.

Cô Hạnh (chủ quán Đoàn Kết Thiện Duyên) chia sẻ: “Ăn chay thường bị xem là một cách tu khổ hạnh nhưng thực tế chế độ ăn chay hợp lý rất có lợi cho sức khỏe và sắc đẹp. Cô mở quán và đặt tên là Đoàn Kết Thiện Duyên với mong muốn kết nối mọi người làm nhiều việc thiện và mang lại cho sinh viên những bữa ăn dinh dưỡng, hợp vệ sinh”.

Còn anh Nguyễn Văn Thanh (chủ quán Quảng Đại Thiện Duyên - gần Trường Nông Lâm) là một Phật tử, đã mở quán cơm chay được 2 năm. Anh chia sẻ: “Tôi tự thấy bản thân mình có duyên với cửa Phật. Sau lại không muốn sát sanh nên đi làm phụ bếp cho một quán cơm chay để học hỏi. Lý do tôi chọn khu vực Làng Đại học để mở quán là thấy nhiều bạn sinh viên cũng có nhu cầu ăn chay, mong rằng mang lại những phần ăn an toàn, ngon rẻ cho các bạn”.

Ăn chay vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường

Trên thực tế, một phần cơm chay giá từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng, so với một phần cơm thường 15.000 đồng thì các bạn sinh viên có thể tiết kiệm được 5.000 đồng. Tuy số tiền không được xem là nhiều nhưng đối với những bạn có hoàn cảnh khó khăn thì việc “tích tiểu thành đại” cũng phần nào giúp giảm được chi phí sinh hoạt hàng tháng.

Bạn Khoa (ĐH Nhân văn) mỉm cười chia sẻ: “Không gian quán chay không ồn ào, đỡ chen chúc, mệt mỏi. Nhiều lúc đi ăn đọc được mấy câu hay về thiện tâm, triết lý sống của nhà Phật, thấy tâm hồn nhẹ nhàng. Có nhiều món ngon, ăn no, thậm chí vào dịp rằm lớn là chủ quán giảm giá hay cho sinh viên ăn miễn phí”.

Bạn Ngọc (SV năm 1) cho biết: “Lúc đầu, mình ăn chay là để tiết kiệm tiền nhưng sau thời gian thấy tình trạng sức khỏe vẫn tốt, cơ thể không có biểu hiện của việc thiếu năng lượng nên mình quyết định ăn luôn, với mong muốn phần nào bảo vệ môi trường”.

Ăn chay để khỏe và tâm hồn được thanh tịnh

Hầu hết các món chay đều được chế biến từ các loại rau củ như khoai lang, cà-rốt, củ su, rau muống, cải xanh và đậu hủ... Các món cũng được chế biến rất đơn giản như luộc, xào hay chiên, song vẫn đảm bảo được thành phần dinh dưỡng trong từng khẩu phần ăn.

Bạn Phương (SV năm 4) cũng chia sẻ: “Nhà tôi ăn chay trường, lúc đi học cũng ngại và lo lắng vì ở KTX không cho nấu ăn nhưng thật may là ngay cả trong căng-tin KTX cũng có bán cơm chay cho sinh viên có nhu cầu. Tôi thấy sức khỏe cả gia đình đến tận bây giờ vẫn rất tốt”.

Ngoài ra, có dịp trò chuyện với các bạn mới biết một số bạn trẻ không theo tín ngưỡng nào cũng quyết định ăn chay. Các bạn bảo ăn để tâm mình được thanh tịnh và giúp cơ thể được giải độc (detox) nên 1 tuần các bạn ấy ăn chay 3 đến 4 ngày.

Không những thế, một điều hay và đáng quý, một số quán đã góp phần tạo việc làm thêm cho các bạn sinh viên khó khăn có nhu cầu kiếm thêm tiền cho sinh hoạt phí. Sau giờ làm, các bạn ấy được cho ăn cơm miễn phí tại quán luôn rồi mới đi học...

Thanh Trà - Thùy Vân

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày