GN - Một con cú già khôn ngoan sống ở cây đa. Nó càng nhìn thấy sự đời thì càng ít nói. Mà nó càng ít nói thì lại lắng nghe nhiều. Tại sao mình lại không như con cú già khôn ngoan kia? (Khuyết danh).
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian...
Khi còn bé thơ, chúng ta được dạy ‘học ăn, học nói, học gói, học mở’. Và càng nói nhiều thì đó là dấu hiệu phát triển bình thường. Nhưng ít khi nào chúng ta được dạy phải biết lắng nghe. Và phần nhiều, cha mẹ, thầy cô, các bậc phụ huynh, v.v… không để tâm nhiều đến chuyện dạy dỗ cách biết lắng nghe. Tất nhiên, cha mẹ hay các thầy cô có dạy mình phải biết nghe lời. Nhưng ít khi chúng ta được dạy cách biết lắng nghe cho đúng.
Thường khi trong một cuộc đối thoại, chúng ta muốn người đối diện nghe ý kiến của mình muốn phát biểu, hay diễn đạt hơn là mình nên lắng nghe ý tưởng của họ. Nếu đã là vậy, rõ ràng không có sự lắng nghe xảy ra. Mà hễ không có sự lắng nghe, hiểu và cảm thông sẽ không bao giờ được thiết lập. Vợ chồng thường hay gặp phải tình cảnh này, nên có câu nói chọc cười: ‘Ngày xưa chồng nói vợ nghe. Bây giờ chồng nói vợ chê lắm mồm’. Cho nên, biết lắng nghe là nhịp cầu nối đầu tiên cho sự hiểu biết, cảm thông.
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa, sở dĩ Ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổ ách, nguy cấp, nhất tâm niệm danh hiệu của Bồ-tát, Ngài liền quán xét âm thanh đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách.
Nhiều kinh điển nói về công hạnh của Bồ-tát, về sức uy thần diệu dụng của Ngài, thường hiện thân khắp nơi cứu giúp người đang đau khổ trên trần gian. Nhưng để tu tập theo hạnh nguyện từ bi, cứu khổ của Ngài, thiết nghĩ, chúng ta nên tìm hiểu thêm một số chi tiết về những hạnh nguyện đó.
Trong kinh Pháp hoa nói Ngài thường thị hiện 33 hóa thân. Nhưng theo thiển ý, chắc đây là con số tượng trưng. Ngài được mô tả là một vị Bồ-tát luôn hóa thân cứu khổ mọi loài chúng sinh. Ngài hóa thân là một hiện tượng đặc thù theo tinh thần ‘tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên’, biểu lộ tấm lòng đại từ bi, không phân biệt kẻ thân, người sơ, kẻ thâm tín, người hoài nghi, thậm chí người vô thần, ngoại đạo.
Hiện tượng hóa thân nói lên sự thấu hiểu và cảm thông thật sâu sắc nỗi sợ hãi, mối ưu lo của chúng sinh trong thế giới đảo điên, mộng tưởng. Để được tiếp cận với một chúng sinh đang đau khổ, Ngài hiểu rõ rằng một người xa lạ, dù là một Bồ-tát, sẽ khó có thể đến gần để chúng sinh kia được giãi bày nguồn cơn nỗi khổ của mình.
Theo kinh nghiệm đời thường cho thấy, khi chúng ta đang đau khổ hoặc phiền não mình chỉ muốn chia sẻ với ai biết lắng nghe, thông cảm, và không có ý phê phán, bình phẩm về những điều mình đã làm sai, hay tâm tình mình đang giãi bày, thổ lộ. Và thường mình muốn chia sẻ với người quen biết, dễ thương, hoặc người nào tôn trọng ý tưởng và tình cảnh của mình. Nếu hiểu được điều này, chúng ta có thể đóng vai sứ giả của Đức Quán Thế Âm, lắng nghe mà không phê bình, chỉ trích để giúp làm vơi nỗi khổ của người.
Thật ra, ai trong chúng ta cũng đều có khả năng làm sứ giả Quán Âm, và muốn thành tựu vai trò này đòi hỏi mình phải biết lắng nghe.
Nhưng biết lắng nghe là một nghệ thuật. Nghĩa là chúng ta phải quên mình đi mà chỉ biết nghe người kia đang nói gì. Biết lắng nghe đòi hỏi mình phải biết lắng đọng tâm tư để nghe rõ thông điệp của người mình đang đối diện. Cái bi kịch thường hay xảy ra cho chúng ta là khi mình muốn học hạnh lắng nghe nhưng cứ mỗi khi nghe xong câu chuyện mình lại diễn dịch nó qua lăng kính kinh nghiệm của bản thân, giống như mình nhìn thấy một sự kiện qua cặp kính màu của mình, nên thay vì hiểu và cảm thông, chúng ta lại chỉ trích hay phê phán người đối diện là dở cái này, thiếu cái nọ.
Do đó, hành động lắng nghe của mình bị thất bại. Nếu chúng ta biết lắng nghe qua tâm hạnh từ bi như Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng ta biết tôn trọng ý tưởng của người nói và lắng nghe cho kỹ những nỗi khổ đau mà họ đang trải nghiệm, thì công sức lắng nghe của mình sẽ chắc chắn mang lại một kết quả tốt và có thể sẽ làm vơi đi nỗi khổ của người.
Ngoài việc hóa hiện các thân để cứu độ, Ngài còn có khả năng làm cho chúng sinh hết lo sợ (vô úy thí). Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn có nêu lên 14 hoàn cảnh, những trường hợp tượng trưng, mà Ngài đã vận dụng năng lực vô úy để cứu độ. Năng lực vô úy là một khả năng đặc thù mà chỉ có những ai thật định tĩnh, tự tin, và từ bi vô hạn mới có thể làm được. Như một bà mẹ thương con vô cùng mới có thể làm con mình yên tâm dù hoàn cảnh trước mặt đang xảy ra vô cùng bất lợi và nguy hiểm. Sở dĩ chúng ta cảm thấy an lòng, không hoảng sợ, kinh hoàng trước sự hiện diện của Bồ-tát Quán Thế Âm vì Ngài sẵn lòng hy sinh bản thân để cứu độ mọi người.
Chúng ta cũng đã từng nghe qua năng lực vô úy này được các thiền sư thể hiện, như trong câu chuyện sau: Trong thời nội chiến ở Triều Tiên, một vị tướng soái dẫn quân đánh chiếm hết vùng này đến vùng kia, hủy diệt hết những gì cản trở bước tiến của ông ta. Dân chúng trong thành biết đoàn quân của vị tướng đang đánh tới, và nghe tiếng tàn bạo của ông ta nên mọi người đều trốn lánh vào vùng núi cao.
Vị tướng tiến chiếm thành không người và ra lệnh quân lính tìm kiếm dân trong thành khắp nơi. Vài người lính trở về báo cáo chỉ có một thiền sư còn ở lại. Vị tướng quân liền vội vã đến chùa, đi thẳng vào bên trong, rút gươm ra, và nói: “Lão thầy chùa kia, ông không biết ta là ai sao? Ta là người có thể thản nhiên lấy mạng của ông không chớp mắt”. Vị thiền sư nhìn thẳng vào mặt ông tướng soái và bình thản trả lời: “Và tôi, thưa ngài, là người có thể để ngài lấy đầu mà cũng không chớp mắt”. Vị tướng quân nghe xong, liền cúi đầu và bỏ đi.
Sợ hãi là bản năng của con người, ai sinh ra cũng có. Nhưng các bậc thánh, hay như người căn tính yếu kém như chúng ta, nếu biết tu tập tinh chuyên và có lòng từ bi vô lượng, đều có khả năng, không những vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, mà còn khéo giúp người khác an tâm, không lo sợ. Tu tập hạnh từ bi có khả năng giúp mình vượt qua khổ hải và cũng giúp được người vơi bớt khổ đau. Vậy muốn có được năng lực vô úy thì chúng ta không thể thiếu hạnh từ bi.
Tuệ giác của pháp môn lắng nghe, không chỉ nằm trong việc lắng nghe âm thanh, lời nói, ngôn ngữ của người đối diện, mà còn vận dụng hết cả thân tâm mình từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và cả ý căn, để hiểu thấu và thấy rõ từ cử chỉ, hành vi, và sắc diện của họ đang nói lên những gì, mà lời nói, ngôn ngữ chưa diễn đạt, trình bày được hết ý của câu chuyện.
Chỉ cần vận dụng một phần ba (1/3) năng lượng của tuệ giác lắng nghe là chúng ta đã có thể giúp vơi đi nỗi khổ của người khác nhiều lắm rồi. Nhưng tiếc thay, đa số chúng ta thích nói hơn là thích nghe nên năng lượng của tuệ giác lắng nghe ít khi được sử dụng. Sở dĩ, mình thích nói hơn lắng nghe vì bản ngã, hay cái ta, đóng vai trò lớn trong việc thể hiện tầm quan trọng của bản thân, con người mình. Không ai muốn đóng vai trò ‘thấp cổ, bé miệng bao giờ!’. Hiểu rõ được điều này và phải vận dụng nhiều công phu tu tập mới có được chút khả năng lắng nghe vi diệu của Bồ-tát Quán Thế Âm.
Nhân ngày lễ vía của Đức Bồ-tát, chúng ta hãy cùng nhau vận dụng hết năng lực của mình để nhất tâm tu tập nguyện noi theo công hạnh của Ngài và để xứng đáng làm một sứ giả của Bồ-tát Quán Thế Âm.
Tháng 10-2015
Tuệ Nghiệp