Làng trống Bình An góp xuân cho đời

GN - Khi cây mai bên nhà len lén trổ bông, cũng là lúc nhà nhà làm trống tại làng trống truyền thống Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An tất bật hoàn thành các khâu quan trọng của công đoạn làm trống, để kịp xuất đi những lô hàng cho đoàn lân, sư, rồng, chùa chiền khắp mọi nơi, phục vụ mùa Tết.

Từ phía ngoài cổng vào làng truyền thống, tiếng đục đẽo, tiếng bịt trống, tiếng thử trống vang lên rộn ràng khắp một vùng quê. Trên con đường nhựa trải xi-măng cặp bờ đê, những chiếc xe ba-gác cứ vào ra liên tục để chở những chiếc trống lớn có, nhỏ có đến nơi mà nó sẽ góp thanh âm cho đời…

Nhộn nhịp khắp một miền quê

Trên đường vào các cơ sở làng nghề, tôi gặp rất nhiều thành phần khác nhau, từ các nhà sư, các đoàn đờn ca tài tử ở miền Nam cho đến những ông chủ kinh doanh tận TP.HCM, Quảng Ngãi cũng tìm đến để mua trống.

“Làng trống Bình An sản xuất đủ các loại trống khác nhau, từ trống đại đến trống cái, muốn mua loại nào, xuống đây là có đủ hết, chất lượng thì khỏi phải chê. Tết năm nào cũng vậy, cứ trước mười bữa đến ngày đưa ông Táo về trời là tụi tui rủ nhau xuống đây thu mua trống về bán, phục vụ cho chùa chiền, hội đình, múa lân, múa rồng, nhạc lễ và các hoạt động vui chơi ngày Tết. Tụi tui thích nhất là, dù cận Tết nhưng giá trống ở đây vẫn không nhích lên cao, chất lượng cũng như vậy chứ không phải vì bận rộn làm hàng Tết mà nghệ nhân nơi đây làm ẩu tả” - ông Kiều, chủ một cơ sở kinh doanh hàng trống tại quận 5, TP.HCM chia sẻ.

ANh A (2).JPG

Ông Năm Mến với những chiếc trống đại, trống lân, trống cái, trống chầu truyền thống

Để đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng, cơ sở làm trống trong làng bộn bề công việc. Có mặt tại nhà ông Nguyễn Văn Mến (Năm Mến), gia đình có nhiều thế hệ theo nghề làm trống nhất Việt Nam, từ bên ngoài cổng đã nhìn thấy ông cùng người con trai hối hả làm việc. Ông tỉ mỉ ngồi bào từng miếng da, còn con trai ông, anh An loay hoay bịt da, tra từng chiếc cúc trang trí phần cuối cùng của chiếc trống. Khi chiếc trống hoàn tất, khoảng vài giờ đồng hồ là hàng được chuyển đi giao, thậm chí có người còn đến chờ sẵn để được lấy hàng.

Điểm đặc thù của làng nghề làm trống truyền thống nơi đây là tất cả những đơn hàng liên quan đến trống, từ làm trống mới, sửa những chiếc trống cũ đã bị hư mặt trống, lủng thùng - các cơ sở đều nhận, và khi đã nhận lời khách thì khẩn trương làm việc, không để trễ đơn hàng. Thế nên, những nghệ nhân chỉ còn cách đẩy nhanh tiến độ làm việc.

Có người không đủ thời gian ăn cơm, có người ăn sáng không kịp dọn dẹp đã cầm đồ nghề, bắt tay ngay vào việc. Hối hả là vậy, nhưng nghệ nhân vẫn chăm chút kỹ lưỡng từng công đoạn. Chiếc trống dù có kích thước nhỏ hay lớn đều phải qua hơn 20 công đoạn mới hoàn thành.

Trống nhạc, trống chầu, trống chùa, trống trường, trống cơm, trống cái, trống bồng… mỗi loại đều có tiếng kêu riêng biệt nên làm da, chọn gỗ và bịt trống không cái nào giống cái nào. Trống nhỏ, trống cỡ vừa thì dùng gỗ mít, gỗ sao, gỗ chò; trống cỡ đại thì dùng gỗ xà cừ, gỗ dầu… Gỗ đem về phơi khô, đo cắt, uốn cong, xử lý mối mọt trước khi ghép lại. Người thợ lành nghề khéo léo dùng tay ghép từng miếng ván lại sao cho mép ván không bị hở và ôm sát vào nhau, thật bằng phẳng thì chiếc trống mới đẹp về hình dáng và hay về âm thanh.

Ông Năm Mến, người có 50 năm tuổi nghề cho biết: “Linh hồn làm nên chiếc trống chính là âm thanh. Căn cứ vào từng loại gỗ, bằng kinh nghiệm tích lũy, người nghệ nhân bào da làm trống sẽ canh đúng tỷ lệ thì mới cho ra âm thanh đúng như người đặt trống yêu cầu, tiếng trống đánh mới hay. Vì vậy người nghệ nhân đòi hỏi phải cảm được âm thanh, có duyên với nghề và có niềm đam mê thì mới làm ra sản phẩm chất lượng”.

Thương hiệu làng trống thu hút khách muôn phương

Từ Quảng Ninh, ông Biên, chủ đoàn lân sư rồng không quản ngại đường sá xa xôi, đích thân đến tận làng nghề ở Long An đặt hẳn một dàn trống và vận chuyển về quê. Hỏi vì sao phải đi xa như vậy, ông cho biết: “Vì không tìm đâu ra loại trống đạt yêu cầu chất lượng, mà giá cả phải chăng như trống Bình An.

ANh A (3).JPG

Làng nghề trống Bình An nhộn nhịp vào dịp Tết

Trống ở đây có đặc thù là mặt trống và dây bịt, tất cả đều bằng da trâu, màu sơn trống không biết pha trộn bằng cách gì mà rất sáng, bóng, lâu phai màu. Tôi được biết, tất cả các công đoạn đều thực hiện bằng phương pháp thủ công nên ngoài tiếng kêu thanh và “boong”, thì độ bền của trống rất cao, kéo dài từ 20 đến 30 năm. Những năm 1950 của thế kỷ trước, trống Bình An đã vang danh khắp miền Nam, miền Trung, thậm chí các nước Đông Nam Á cũng biết tiếng tăm. Tiếng lành đồn xa, người trong nghề truyền tai nhau giới thiệu nên đường đi có xa, vận chuyển tốn nhiều chi phí, tôi vẫn cất công vào Nam để mua trống. Chỉ mua trống ở làng trống Bình An thì tôi mới ưng cái bụng”.

Hỏi ra mới biết, nghề làm trống của ấp Bình An ra đời cách đây hơn 170 năm. Người khai sinh ra những chiếc trống nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh là ông Nguyễn Văn Ty. Thời đó, ông Ty có ghe chài chuyên đi mua bán nước mắm từ Long An sang các tỉnh miền Tây. Trong quá trình đi buôn bán, ông Ty phát hiện dọc sông Vàm Cỏ nhiều người làm thịt trâu bỏ phần da. Thấy vậy, ông mang da trâu về phơi khô rồi mày mò làm trống.

Do không kinh nghiệm nên trống ông làm ra tiếng kêu không hay. Vì quá đam mê, ông đến tận Rạch Gầm, Xoài Mút, Tiền Giang để học cách làm trống và quay về quê hương, truyền nghề cho con; rồi con truyền cho cháu, cháu truyền cho chắt, đến hôm nay đã truyền đến đời thứ 5. Tại làng Bình An hiện nay, có hơn 20 cơ sở làm trống chuyên nghiệp. Đặc biệt, tất cả các chủ cơ sở làm trống nơi đây đều là con cháu của ông Ty.

Làng nghề trống truyền thống Bình An hiện nay đã có thương hiệu độc quyền. Theo con đường tiểu ngạch và theo sự giới thiệu lẫn nhau của các thương lái, sản phẩm của làng trống Bình An ngày càng có sức tiêu thụ rộng trên thị trường và giá trị nghề làm trống ngày càng nâng lên gấp bội. “Những ngày giáp Tết, hàng đặt nhiều quá, chúng tôi không kịp thời gian để làm. Vừa hàng xuất khẩu vừa hàng trong nước đặt, cả nhà tôi phải tăng ca, bắt tay vào làm ngày, làm đêm.

Mỗi ngày, gia đình chúng tôi phải làm cho ra 1 đến 2 chiếc trống lân, sư, rồng và cả chục cái trống nhỏ các loại mới kịp giao cho khách. Nghĩ tới việc Tết mà người ta có trống để chơi, đánh trống làm cho không khí ba ngày xuân thêm rộn ràng là mình thấy vui rồi. Nghề làm trống này cực, vất vả, vốn đầu tư nhiều nhưng niềm vui thì rất nhiều là vậy”, nghệ nhân cơ sở bịt trống Năm Mến cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày