
Lễ Hằng Thuận diễn ra trước sự chứng kiến của hai họ và trước Tam Bảo chứng minh, đặc biệt là lại được nghe những điều giảng dạy về đạo đức làm người trong đời sống hôn nhân theo tinh thần Phật dạy trong Kinh Thiện Sanh của chư Tăng Ni. Đó cũng là bài học về việc đối nhân xử thế cho đôi nam nữ trong cuộc sống về sau này.
Việc chú rể và cô dâu trao nhẫn cưới cho nhau thể hiện sự cư xử trong tinh thần nhường nhịn yêu thương tương kính lẫn nhau của hai người. Đạo phật quan niệm, cuộc sống lứa đôi nếu thiếu đi yếu tính đó thì khó có thể xây dựng được hạnh phúc lâu bền. Do đó, khi hai bên trao nhẫn cho nhau, dưới sự chứng minh của Tam Bảo và hai họ, thì đây là một điều mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Người ta gọi lễ Hằng Thuận là vì lẽ đó. Hằng là luôn luôn, thuận là hòa thuận. Hằng Thuận có nghĩa là sống thuận theo đạo vợ chồng, một đạo lý sống chung hòa hợp theo nguyên tắc giữ gìn 5 giới. Muốn luôn luôn hòa thuận với nhau, thì cả hai đều phải biết tương kính nhường nhịn nhau.

Mặc dù việc tổ chức một nghi thức đơn giản cho lễ cưới của người Phật tử trong chùa không phải là một truyền thống của Phật giáo, nhưng nó cũng nói lên ý nghĩa đặc thù trong chiều hướng xây dựng hạnh phúc gia đình dựa trên tinh thần yêu thương qua nếp sống cư xử hòa kính của người Phật tử. Những lời phát nguyện trước Tam Bảo của hai người có một tác động rất mạnh mẽ cho đời sống tâm linh về sau. Do đó, việc tổ chức lễ cưới trong chùa cũng mang lại nhiều ý nghĩa tốt đẹp và rất hữu ích.