Lễ hội của trái Tim

Thêm một lần nữa mùa Báo hiếu Vu lan lại về! Vu lan về là dịp để cho toàn thể mọi người, không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, trí thức, nông dân, thắp sáng ngọn đèn yêu thương đang âm ỉ cháy trong trái tim của mỗi người. Chúng ta có thể gọi Vu lan là "Lễ hội của trái tim"; bởi lẽ, trong giờ phút thiêng liêng này con tim của mọi người cùng đập chung một nhịp, đôi mắt cùng nhìn về một hướng, tâm tư cùng nhớ nghĩ về những bậc ân nhân lớn nhất trong cuộc đời mình: Mẹ và cha!

lehoi-1.jpg

Nhớ nghĩ về mẹ cha là để yêu thương và để được yêu thương!

Yêu thương mẹ cha bởi vì người đã ban tặng cho chúng ta sự sống thiêng liêng để được hiện hữu trong cuộc đời này!

Yêu thương mẹ cha, vì người đã trao cho chúng ta một gia tài trí tuệ để nhận chân được giá trị của cuộc đời!

Yêu thương mẹ cha, vì người đã tặng chúng ta một trái tim nhân ái để nuôi dưỡng mạch nguồn của sự sống!

Chúng ta cũng có thể gọi Vu lan là lễ hội tình người, vì hiếu tâm là gốc rễ của tất cả tình cảm tốt đẹp trong cuộc đời, là căn bản của mọi điều thiện. Dường như thi hào Nguyễn Du - danh nhân văn hóa thế giới - cũng quan niệm như thế nên đã viết rằng:

" Như nàng lấy hiếu làm trinh,

Bụi nào cho đục được mình ấy vay " 1

Có thể nói rằng Vu lan là một trong những hoạt động quan trọng và có ý nghĩa nhất trong các lễ hội của loài người, bởi lẽ không có nền văn hóa, văn minh nào của nhân loại không ca ngợi tình cha, nghĩa mẹ! Không có quốc gia, xứ sở nào lại không giáo dục công dân của mình phải nhớ đến ân nghĩa sinh thành.

Đối với người Á Đông, đặc biệt là người Việt Nam, hiếu đạo hay tinh thần tri ân báo ân này đã trở thành đức tính tự nhiên, lưu chuyển trong mạch sống người Việt. Hiếu đạo đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi con người, từ lúc cất tiếng chào đời cho đến khi trăm tuổi. Dĩ nhiên, phẩm chất cao đẹp và thiêng liêng ấy không phải tự nhiên mà có, mà chính là sự kết tinh của một truyền thống văn hóa được un đúc từ lâu đời, và được truyền trao lại con cháu, xứng hợp với phong tục tập quán, bản tính của người Việt. Do vậy, cái gì đi ngược lại với nghĩa sống này, sẽ bị mọi người chối bỏ.

Mặc dù thế, có rất ít tôn giáo trên hành tinh này đề cập đến đạo hiếu; thậm chí một số tôn giáo còn cấm thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Vì lý do này, nhiều tôn giáo ngoại nhập đã gặp không ít trở ngại khi truyền bá sang châu Á, cụ thể là Trung Quốc, Việt Nam... Trái lại, từ lúc xuất hiện cho đến nay, đạo Phật du nhập vào xứ sở nào cũng được nhiều người chấp nhận. Đặc biệt, từ đầu thế kỷ XX trở đi, đạo Phật đang được con người của nhiều dân tộc trên thế giới hân hoan chào đón và xem như là một lý tưởng sống cao đẹp, hội đủ cả hai yếu tố vật chất và tâm linh. Nguyên nhân chủ yếu là giáo lý Phật giáo được xây dựng trên nền tảng nhân bản, gắn liền đời sống vật chất với tinh thần, đời với đạo, cá nhân với gia đình, tôn giáo và quốc gia xã hội.

Tại Việt Nam, trải qua hơn 2.000 năm cùng tồn tại và phát triển, giáo lý Phật giáo và tư tưởng Việt Nam đã có sự gặp gỡ và tương đồng trong nhiều lãnh vực liên hệ đến triết lý sống, đặc biệt là quan niệm về hiếu đạo. Nếu người Việt cho rằng cha mẹ còn sống như Phật còn sống 2, thờ quỷ thần, trời đất không bằng thờ cha mẹ; Phật giáo cũng dạy cha mẹ là đấng thần linh cao nhất trong các loại thần linh 3. Cả Phật giáo và văn hóa Việt cùng chủ trương rằng ân cha nghĩa mẹ như là núi cao biển rộng, khó có thể nghĩ bàn, khó có thể so sánh. Chín tháng cưu mang, ba năm nhũ bộ, thức khuya, dậy sớm, tảo tần nắng mưa để lo lắng cho con từ khi con lọt lòng đến lúc cha mẹ nhắm mắt là công ơn khó đền trả. Sự hy sinh một cách thầm lặng từ vật chất đến tinh thần để đàn con trẻ có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, thành đạt là một việc làm khó ai có thể kham chịu được, ngoại trừ hai đấng sinh thành. Vì lý do này, Đức Phật tuyên bố rằng có hai hạng người không thể trả ơn: Đó là mẹ và cha 4.

Do vậy, hiện thực hóa tâm hiếu, đạo hiếu trong cuộc sống hàng ngày chính là cách tốt nhất để mọi người đáp đền ơn nghĩa muôn một của mẹ cha. Qua việc làm này người ta còn có thể từng bước hoàn thiện được phẩm chất tốt đẹp của một con người chân chính như lời kinh sau đây: "Này các Tỷ kheo, thế nào là chân nhân? Đó người biết tri ân và báo ân" 5. Thêm vào đó, không một ai trong tất cả chúng ta lại không mong ước con cái mình sẽ là những người hiếu thảo. Muốn được như thế, tự thân mỗi chúng ta phải là những người con có hiếu, là những người luôn thể hiện được tinh thần báo hiếu - tri ân, bởi lẽ theo lý nhân quả của Phật giáo và kinh nghiệm của tổ tiên chúng ta:

"… Hiếu thuận sinh ra con hiếu thuận, ngỗ nghịch con nào có khác chi

Xem thử trước thềm mưa xối nước, Giọt sau giọt trước có sai gì" 6

lehoi-2.jpg

Càng có ý nghĩa hơn nữa khi đạo Phật chủ trương rằng người nào muốn học đạo giải thoát, giác ngộ, muốn trở thành một Phật tử thì không thể không hiếu với mẹ cha, vì tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.

Với những ý nghĩa như thế, lễ hội trái tim này có lẽ đã chuyên chở đầy đủ những chất liệu sống cần thiết mà một nền văn hóa tốt đẹp cần phải hội đủ. Đây là lý do tại sao Lễ hội Vu lan Báo hiếu của Phật giáo đã được đại đa số người Việt chấp nhận và đã từng bước xã hội hóa trở thành một ngày lễ trọng đại, thiêng liêng của dân tộc. Bởi vì, việc làm đầy ý nghĩa này đã và đang làm cho lòng người ấm lại, có thể hàn gắn được những khoảng cách tâm lý giữa cha mẹ và con cái do lối sống vật chất thực dụng mang lại, sẽ xóa tan được những mặc cảm tội lỗi do vô tình hay không biết mà người ta đã phạm phải.

Hy vọng nghệ thuật sống đạo đức, nhân văn này sẽ mãi lưu chuyển trong nếp tư duy, suy nghĩ của con dân nước Việt, sẽ thắp sáng mãi ngọn lửa văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa cho đến ngàn sau!

Thiền thất Từ Mãn

Củ Chi- TP.HCM, tháng 8-2010

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày