GN - Tôi đến Seoul cuối mùa thu vì công việc chứ không phải du lịch. Buổi chiều trước ngày về, tôi có hai tiếng để tranh thủ ghé qua ngôi chùa mà lần nào đến xứ này tôi cũng viếng thăm - Jogyesa (Tào Khê tự).
Cổng chùa Tào Khê
Tọa lạc giữa trung tâm thủ đô, ngôi chùa như nằm trong thung lũng nhỏ giữa bốn bề núi dựng của những tòa cao ốc. Chùa Tào Khê cũng là hiện thân sống động cho quá trình cập nhật hóa Phật giáo trong xã hội Hàn Quốc đương đại.
Lần gần nhất cách đây ba tháng tôi đã trở về từ chùa Tào Khê lòng tràn đầy ân tứ vì tình cờ mà tới được đúng vào lễ hội hoa sen giữa mùa hạ, sân chùa đông nghịt du khách, tín đồ nam phụ lão ấu cùng các vị sư đủ màu cà-sa, xếp hàng chờ đến lượt chiêm bái xá-lợi Phật được trưng bày trong dãy tủ pha lê trước cửa chính điện. Nên lần này tôi ra khỏi khách sạn, dường như sẵn lòng đón đợi những may mắn bất ngờ. Niềm hân hoan chộn rộn khi ánh mắt bỗng chạm vào những banner trên các cây cột bên đường đồng thanh loan báo một lễ hội hoa cúc (từ ngày 13 tháng 10 đến ngày 8 tháng 11) đang giữa mùa yến tiệc và càng hăm hở đến gần, trong dòng bộ hành ngược lại mình, tôi càng dễ dàng nhận ra những người vừa ra khỏi chùa, thong dong thả bước.
Qua cổng Iljumun (Nhất trụ môn), cứ như thể ta bước vào một cõi hoa, muôn ánh hào quang vàng, cam, trắng, hồng, xanh, tím... Nghe nói hoa cúc đẹp, quý từ khắp Hàn Quốc được đưa về đây. Những đại cảnh và tiểu cảnh kết hoa thể hiện những biểu tượng giàu ý nghĩa của Phật giáo: liên hoa (hoa sen), Pháp luân (bánh xe Pháp), thủ ấn (các thế tay bắt ấn), bảo tán cái (lọng báu), bảo bình (bình báu), song ngư (đôi cá)... Nhiều trong số đó đồng thời là những hình ảnh rất đỗi thân gần của cuộc sống bình dị. Ngọn núi hoa có thể tượng hình núi Tu Di trung tâm vũ trụ thiêng, hay ngôi bảo tháp, mà cũng có thể đơn giản chỉ là núi đồi khắp nơi, chiếm đến hơn 70% diện tích xứ Hàn, đang mùa thu rực rỡ lá vàng, lá đỏ... Những ngạc nhiên thú vị cứ mở ra như vô tận trong vùng trời đất dâng đầy hương thơm nồng nàn, say đắm của muôn vạn đóa cúc hoa, hòa cùng phảng phất mùi thơm trầm hương cao quý chốn thiền môn làm ấm áp khí thu sắp chuyển mùa giá lạnh. Không phải chỉ là thủ pháp collage mà chính sự kết hợp tất cả chất trữ tình (Jeong), nét phong lưu (Pungryu), khí chất phấn hứng (Heung), sự hài hước phóng khoáng (Haehak) của tâm hồn Hàn Quốc đã cùng thăng hoa trong lễ hội dưới bóng mái chùa này, nơi mà cái đẹp thị giác dẫn dắt đến năng lực của cái đẹp tinh thần chuyển hóa cõi Ta-bà vào một quốc độ an lạc.
Dường như chỉ có tôi đi một mình. Mọi người đến đây cùng nhau, bè bạn, gia đình. Nhiều người con dắt bậc sinh thành; cung cách ân cần của người dưới, khuôn mặt mãn nguyện của người trên khiến tôi chạnh nhớ mẹ già ở nhà. Nhớ sự tích hoa cúc trong truyện cổ dân gian Việt Nam về người con gái thương mẹ mình bệnh nặng đã lên đường tìm thuốc cứu mẹ. Ông Bụt cảm thương tấm lòng hiếu, trao cho cô một bông hoa: “Hoa này bao nhiêu cánh, mẹ con sẽ sống được bấy nhiêu năm. Nhưng mỗi cánh hoa rụng xuống, cuộc sống của con cũng rút ngắn một năm”. Bông hoa chỉ có năm cánh. Thương mẹ, cô xé nhỏ từng cánh để bông hoa thêm thật nhiều cánh. Người mẹ nhờ có bông hoa thần nên sống rất lâu nhưng người con hiếu thảo sớm phải lìa bỏ cõi đời. Trên mộ cô, mọc lên loài hoa muôn cánh, người đời gọi là hoa cúc, biểu tượng của sự sống, sức khỏe, ước mơ trường thọ.
Tượng Hộ pháp được kết bằng hoa cúc
Câu chuyện cảm động này có trong truyện dân gian Hàn Quốc không? Tôi lục tung trong trí nhớ, chỉ nhặt được truyền thuyết hoa cúc (국화의 전설). Kể rằng nhà hiền triết Jangbang một hôm nói với người tên Guen Hanggyeong: “Ngày 9 tháng 9 sắp tới, chuyện không may sẽ đến với nhà của nhà ngươi. Muốn thoát được, mỗi người phải may chiếc túi nhỏ, bỏ hoa thù du vào, rời nhà lên nơi cao”. Theo lời, Hanggyeong cùng người nhà lên núi. Khi trở về, thấy gia súc, gia cầm đều gặp nạn, chết hết. Nhận thấy lời của bậc hiền nhân là đúng nên từ đó hàng năm vào ngày 9 tháng 9, người ta lại may túi đựng hoa thù du, lên núi và uống rượu hoa cúc. Có phần tương đồng với Việt Nam, trong niềm tin dân gian của người Hàn, hoa cúc cũng được xem là có năng lực bảo trì sự sống, đem lại may mắn, tránh được hiểm họa, tai ương. Trùng cửu gắn với hoa cúc là một phong tục lễ Tết quan trọng tiêu biểu của mùa thu cũng là mùa thu hoạch nơi xứ Hàn làm nông nghiệp khi xưa. Hoa cúc được tặng cho người già, với lời cầu chúc trường thọ. Những tín đồ Phật giáo thường dâng hoa cúc như lễ vật do năng lực Dương mạnh mẽ của hoa.
Lễ hội hoa cúc quy mô đầu tiên của Hàn Quốc thời hiện đại là vào năm 1960 ở Masan, nơi trồng đến 13% hoa cúc toàn quốc. Địa phương này đã xác lập kỷ lục thế giới qua lễ hội mùa thu 2009 tụ hội 1.315 loài hoa cúc. Đối với Jogyesa, lễ hội hoa cúc năm 2017 là lễ hội lần thứ bảy, góp phần xây dựng “thương hiệu” mới cho ngôi chùa vốn danh tiếng hơn 600 năm.
Song ngư - một trong những biểu tượng giàu ý nghĩa của Phật giáo
Khởi thủy chùa Tào Khê được xây từ cuối thế kỷ XIV trong thời Goryeo (Cao Ly) khi Phật giáo còn vị thế quan trọng và may mắn vẫn trụ lại được sau những thăng trầm suốt hơn 500 năm thời Joseon (Triều Tiên) khi Nho giáo trở nên độc tôn, nhiều tự viện bị dẹp bỏ, các nhà sư bị xếp vào tầng lớp xã hội thấp kém nhất. Bị thiêu rụi trong một cơn hỏa hoạn, chùa được xây lại năm 1910, mang tên Gakhwangsa (Giác Hoàng tự). Năm 1936, chùa được đổi tên Taegosa (Thái Cổ tự), tiếp tục giữ vai trò trụ cột của Phật giáo Korea qua thời thuộc Nhật (1910-1945). Trong phong trào Tịnh hóa Tăng-già, bài trừ ảnh hưởng từ truyền phái Tân tăng Nhật Bản, phục hưng Phật giáo truyền thống của dân tộc, năm 1954 chùa bắt đầu mang tên Jogyesa cho đến ngày nay. Chùa Tào Khê thực sự là một biểu tượng lịch sử của Phật giáo xứ Hàn. |
Khắp vườn chùa, sân chùa, quanh bảo tháp bảy tầng thờ xá-lợi Phật, dưới bóng hai cây tùng hơn 500 tuổi (trong đó, cây Bạch tùng được công nhận di sản tự nhiên số 9 của Hàn Quốc), người ta vui chơi bên hoa cúc, chụp hình, quay camera, chen chúc tiếng nói cười. Mùa lễ hội năm nay có cuộc thi ảnh Nụ cười rạng rỡ. Mỗi tuần giải thưởng sẽ được trao cho ba tấm ảnh giữ lại được những nụ cười đẹp nhất bên cúc hoa Tào Khê tự. Hội đồng giám khảo chắc là vất vả lắm, xung quanh mình, tôi thấy rất nhiều những nụ cười tươi tắn. Xưa trên núi Linh Thứu, khi Phật Thích Ca không tuyên thuyết mà chỉ cầm cành hoa khai thị, Đại Trưởng lão Maha Ca Diếp đã mỉm cười, nụ cười bừng ánh sáng ngộ được diệu ý.
Trong ngôi chính điện nghiêm trang, cung kính, rất nhiều người quỳ bái, tụng niệm hay lặng lẽ ngồi thiền trước tôn tượng của Phật Thích Ca ở giữa, Phật A Di Dà bên phải, Phật Dược Sư bên trái. Và bên phải bộ ba tượng này là tượng Phật Thích Ca cổ, bằng gỗ, niên đại khoảng 1460. Chính điện chùa Tào Khê được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể số 127 của Hàn Quốc, bộ ba tượng là di sản số 126, pho tượng cổ là di sản số 125.
Nơi Pháp đường có những buổi thuyết pháp, bao gồm cả những cuộc “đối thoại với Thiền sư”, các vị Tăng sĩ trò chuyện về những đề tài rất thời sự, những tình thế cá nhân mà một tín đồ, Phật tử nào đó đang phải đương đầu, để thức tỉnh cho họ cách nhìn, cách ứng xử hiểu biết.
Dãy nhà có điện Cực lạc cùng dãy nhà tiếp đó mở ra nhiều hoạt động trải nghiệm phong phú. Du khách được mời những món ẩm thực tao nhã của nhà chùa, trong đó có bánh hoa cúc và trà hoa cúc. Trẻ con say sưa tập làm đèn lồng, gấp hoa với giấy hanji truyền thống, xếp những mandala bằng muối... Cha mẹ đứng bên cổ vũ, và có lẽ họ hồi nhớ những kỷ niệm tuổi thơ của mình.
Ngày 25-10 đến ngày 8-11, từ 5 giờ chiều hàng ngày bắt đầu chương trình Temple Stay, những du khách đăng ký tham gia đến ở lại trong chùa, thực hành đời sống tu tập trọn vẹn một ngày. Tôi thầm tiếc mình đã không có cơ hội ngủ lại nơi đây, mộng hoa cúc và thức dậy cùng hoa cúc.
Tâm hồn Hàn Quốc cùng thăng hoa trong lễ hội dưới bóng chùa Tào Khê
Trở về, suốt con phố dài dẫn đến chùa, tôi thấy người ta đang bày rất nhiều ghế nhựa giữa lòng đường. Tối nay sẽ có biểu diễn âm nhạc. Vang lên trong tôi giai điệu bài ca mà người Hàn hầu như ai cũng từng nghe và yêu thích, phổ nhạc từ tuyệt phẩm “Bên hoa cúc” (국화 옆에서) của Midang Seo Jeong-ju, nhà thơ 5 lần được đề cử giải Nobel.
Để một bông cúc nở
Họa mi phải cay đắng khóc than
Từ những ngày xuân.
Để một bông cúc nở
Sấm chớp phải thét gào vang động
Giữa những đám mây đen tối.
Hoa, giống như chị tôi, trở lại từ thời trẻ trung, xa ngái
Bằng những khát khao đầy lồng ngực
Trở về, đứng trước gương soi.
Hoa, giống như chị tôi, đứng trước gương soi
Chỉ trở về từ thời trẻ trung, xa ngái
Bằng căng tràn đến bùng nổ trái tim tiếc nuối, khát khao.
Để cho những cánh hoa hé nở
Đêm qua, sương giá rơi đầy
Tôi chẳng thể nào chợp mắt.
Theo chân những người cùng bước từ chùa ra, tôi cũng ghé vài tiệm nhỏ bên đường, xem họ mua tấm áo len màu lam cho mùa đông sắp tới, mua một chuỗi hạt, hay một cuốn sách Thiền… Miên man với bài thơ Cúc hoa của Thiền sư nổi tiếng Huyền Quang của Việt Nam:
Niên niên hòa lộ hướng thu khai,
Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài.
Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ,
Mãn đầu tuỳ đáo sáp quy lai.
- Sương móc hơi dương cúc nở hoa,
Trăng trong gió mát thỏa lòng ta.
Cười ai không rõ hoa mầu nhiệm,
Hái giắt đầy đầu trở lại nhà.
(Phạm Trọng Điềm dịch)
Tôi hình dung lễ hội hoa cúc chùa Tào Khê mở cơ hội cho những người hiểu sự huyền diệu của hoa, đến đây với nụ cười và mang về nụ cười. Bấy giờ, tôi mới thật sự thấm thía ý nghĩa slogan của lễ hội này trên những banner dọc đường: “Chia sẻ hương thơm cho cõi thế”.
Phan Thị Thu Hiền
Seoul, 11-2017