Lễ húy kỵ lần thứ 19 cố Đại lão HT.Thích Bửu Ngọc

(GNO- TP.HCM): Sáng nay 19-12, TT.Thích Nhật An, trụ trì Tổ đình Phước Tường - di tích văn hóa cấp quốc gia (Q.9, TP.HCM) và môn đồ pháp quyến đã tổ chức lễ húy kỵ lần thứ 19 cố Đại lão HT.Thích Bửu Ngọc, Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN - viện chủ Tổ đình Phước Tường.
002.jpg

Cung nghinh chư tôn đức - Ảnh: CTV

001.jpg
Chư tôn đức BĐD PG Q.9 và chư tôn đức PG Q.Thủ Đức
thắp hương tưởng niệm - Ảnh: CTV
DSC_0001.JPG

Quý Ni trưởng, Ni sư Tổ đình Huê Lâm, Q.11 dâng hương - Ảnh: H.D

DSC_0011.JPG

Tổ đình Phước Tường - Ảnh: H.D

Chư tôn đức thiền đức BĐD PG Q.9, chư Tăng Ni trong tông phong, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử các tự viện trong và ngoài TP đã về Tổ đình Phước Tường thắp hương tưởng niệm.

Trước đó, ngày 18-12, tại Tổ đình Phước Tường đã tổ chức khóa tu Niệm Phật một ngày cho thiện nam tín nữ Phật tử. Dịp này, ĐĐ.Thích Thiện Thuận, Viện chuyên tu làng Vạn Hạnh (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã quang lâm thuyết pháp cho đạo tràng Phật tử.

Tiểu sử cố Hòa thượng Thích Bửu Ngọc

Hòa thượng Thích Bửu Ngọc, pháp húy Hồng Diệp, pháp hiệu Bửu Ngọc, nối pháp dòng Lâm Tế gia phổ đời thứ 40. Ngài thế danh là Lê Văn Nghiệp, sinh năm Bính Thìn 1916, tại làng Ích Thạnh, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay là quận 9, TP.Hồ Chí Minh), thân phụ là cụ Lê Văn Khứ - pháp danh Hồng Cảnh, thân mẫu là cụ Lê Thị Tân -  pháp danh Hồng Tiến. Ông bà có 5 người con, 3 nam 2 nữ, Ngài là người con thứ trong một gia đình hết lòng sùng tín Tam bảo. 

Sinh ra và lớn lên từ truyền thống gia đình như thế, như sẵn gieo trồng hạt giống Bồ đề nhiều kiếp trước, nên Ngài đã sớm đến với cửa thiền vào năm vừa tròn 10 tuổi (1926) tại chùa Long Thạnh, nay là chùa Phước Thạnh, xã Phước Thạnh, huyện Thủ Đức, tập làm chú tiểu công quả sớm hôm. 

DSC_0005.JPG

Di ảnh cố Hòa thượng - Ảnh: H.D

Duyên lành đã đến khi Tổ Pháp Ấn, trụ trì chùa Phước Tường một hôm đến hóa duyên tại địa phương, nhận thấy Ngài sau sẽ là bậc pháp khí Đại thừa, có thể làm đống lương cho Phật pháp, nên Tổ hướng dẫn Ngài về chùa Phước Tường thế độ xuất gia và ban cho pháp danh là Hồng Diệp.  

Năm Giáp Tuất 1934, khi Phật học đường Lưỡng Xuyên - Trà Vinh do chư Tổ Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải, Từ Phong chủ xướng khai giảng, Ngài được bổn sư giới thiệu đến nhập chúng tu học. Cùng năm này, Phật học đường mở đàn giới, Ngài đã được đăng đàn thọ giới Sa di, do Hòa thượng Khánh Hòa làm Đàn đầu truyền giới. 

Sau bốn năm, Ban Giám đốc Phật học đường Lưỡng Xuyên tổ chức một kỳ thi tuyển chọn những Tăng sinh xuất sắc, giới thiệu ra Huế tham học, Ngài đã được chấm đậu thủ khoa, được Ban Giám đốc và Phật tử đài thọ tất cả chi phí trong suốt thời gian theo học tại Huế.  

Năm Mậu Dần 1938, trước khi lên đường ra Huế dự học, Ban Giám đốc Phật học viện đã tổ chức Đàn giới. Ngài được thọ Tỳ kheo giới, chính thức dự vào hàng Tăng bảo. Lúc này Ngài được 22 tuổi. 

Sau khi thọ giới, Ngài cùng chư pháp hữu: Thiện Hoa, Thiện Hòa, Chí Thiện, Giác Tâm, Hiển Thụy, Hiển Không... lên đường ra Huế nhập chúng ở Phật học đường Tây Thiên do Hòa thượng Giác Nguyên làm Giám đốc, Quốc sư Phước Huệ làm pháp sư chủ giảng. 

Năm Canh Thìn 1940, khi chương trình yrung đẳng Phật học ở Phật học viện Tây Thiên vừa kết thúc, Quốc sư Phước Huệ trở vào Bình Định giảng dạy tại chùa Bạch Sa, Ngài và chư pháp hữu cũng theo vào học với Hòa thượng một năm. Sau đó, Ngài trở ra Huế tiếp tục theo học ở Phật học đường Báo Quốc do Pháp sư Trí Độ làm Đốc giáo. 

Năm Quý Dậu 1943, Ngài hoàn tất chương trình đại học Phật giáo tại Huế, ở lại Tùng lâm Kim Sơn cùng chư học Tăng tiếp tục trau dồi Phật học. Thời gian này, thực dân Pháp bắt đầu nghi ngờ bố ráp những người kháng chiến, Tùng lâm Kim Sơn không còn được yên ổn, chư Tăng phải giải tán đi các nơi. Năm 1944, Ngài cùng pháp lữ Thiện Hòa lên đường ra Bắc tham học tại chùa Quán Sứ - Hà Nội với Tổ Cồn, Tổ Bằng Sở, Tổ Đồng Đắc... 

Đầu năm Tân Hợi 1945, Ngài trở lại miền Nam về Phật học đường Lưỡng Xuyên, được chư Tổ Huệ Quang, Khánh Hòa, Khánh Anh giao phó giảng dạy lớp gia giáo, số học Tăng theo học rất đông. Ngài còn được giao phụ trách Chủ bút Tạp chí Duy Tâm, tiếng nói chính thức của Hội Lưỡng Xuyên Phật học lúc bấy giờ. Hoạt động một thời gian thì chiến tranh bùng nổ, lớp học giải tán, Tạp chí Duy Tâm đình bản. Lúc này Ngài cùng chư tôn túc giáo phẩm tham gia Hội Phật giáo Cứu quốc, hoạt động tích cực ở Mỹ Tho và Đồng Tháp trong công tác vận động các tầng lớp ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.  

Năm Đinh Hợi 1947, Hòa thượng Pháp Ấn, bổn sư của Ngài viên tịch, Ngài rời miền Tây trở về chùa Phước Tường cư tang bổn sư và được giao kế nghiệp trụ trì ngôi Tổ đình, đồng thời chăm lo thêm cho các ngôi chùa thuộc sơn môn: chùa Bửu Sơn, Thanh Sơn, Hội Sơn, Tân Hưng, Huê Nghiêm, Long Nhiễu, Sùng Đức, Phước Thạnh và Thiên Quang. 

Ngài trở về Tổ đình vừa hoằng dương đạo pháp, vừa tiếp tục hoạt động cho kháng chiến trong Hội Phật giáo Cứu quốc Sài Gòn - Gia Định do Hòa thượng Minh Nguyệt; Pháp Dõng; Thiện Hào lãnh đạo. Ngài được phân công làm Thư ký của Hội trong những năm 1950 - 1960.  

Năm Quý Mão 1963, phong trào Phật giáo đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng của Tăng Ni, Phật tử miền Nam chống chế độ kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Diệm lan rộng, Ngài đã tham gia Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, và bị bắt giam tại Rạch Cát cùng chư với tôn đức Tăng Ni, Phật tử trong đêm pháp nạn 20 tháng 8 năm 1963. Đến sau ngày 1 tháng 11 năm ấy, khi chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Ngài mới được thả ra cùng chư tôn đức giáo phẩm trong Ủy ban Liên phái.  

Năm Ất Mão 1975, đất nước được thống nhất, Bắc  Nam  sum họp một nhà. Với tinh thần vì Đạo pháp và Dân tộc, Ngài đã tham gia vào Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước huyện Thủ Đức. 

Năm Quý Hợi 1983, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, rồi các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thành, và đến các Ban Đại diện Phật giáo quận huyện, Ngài được cung thỉnh làm Chứng minh Ban Đại diện Phật giáo huyện Thủ Đức cho đến ngày viên tịch. 

Năm Nhâm Thân 1992, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ III tổ chức ở Hà Nội, Ngài được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Qua hơn 50 năm thừa hành Phật sự, giáo hòa độ sanh, Ngài đã thế độ cho hơn 100 đệ tử xuất gia, nhiều vị trong số đó tiếp nối sự nghiệp của Ngài là rường cột Phật pháp, phụng sự Giáo hội. Ngài còn tổ chức nhiều Đàn giới, làm Giới sư để truyền trì mạng mạch Phật pháp, và được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu truyền giới của nhiều giới đàn như: chùa Thập Phương - Rạch Giá; chùa Phước Lâm - Tây Ninh; chùa Cửu Thiên - Thủ Đức...  

Ngày 25 tháng 11 năm Quý Dậu, nhằm ngày 6 tháng 1 năm 1994, Hòa thượng xả báo thân, an tường viên tịch vào lúc 15 giờ 30 phút tại Tổ đình Phước Tường, xã Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Ngài trụ thế 82 năm, hạ lạp trải qua 60 mùa an cư kiết hạ. Môn đồ pháp quyến xây bảo tháp tôn trí nhục thân Ngài nơi khuôn viên Tổ đình.

(Nguồn: Tổ đình Phước Tường)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày