Thầy Trí Quang - Một trang lịch sử

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang
GNO - Được sự đồng ý của tác giả - Giáo sư Cao Huy Thuần, Báo Giác Ngộ trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả bài viết sau đây, về Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang.

(Thầy tôi, Trưởng lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, vừa thị tịch hôm qua, 8-11-2019. Di huấn để lại: không bàn thờ, không bát nhang, không báo tang, không phúng điếu, không vòng hoa, không đưa đám. Tôi chỉ xin phép Thầy thắp một nén nhang tưởng niệm)

Tôi có hai lần khai sinh. Lần thứ nhất khi tôi sinh ra. Cha mẹ tôi cho tôi hình hài, máu huyết. Nhưng tôi chưa biết tôi là ai, sống như thế nào, trên đường nào tôi sẽ đi. Sinh ra, tôi có hai mắt. Nhưng chưa thấy đường đời. Phải đợi đến khi lên chùa Từ Đàm, sau ngày ông Diệm bị lật đổ, tôi mới thấy con đường sẽ đi. Thảo nào chữ nghĩa bác học gọi con đường là đạo. Thấy đạo, tôi khai sinh cho tôi.

Đầu năm 1964, một nhóm giáo chức đại học Huế họp nhau tại trường Đại học sư phạm để quyết định về việc ra một tờ báo tranh đấu tiếp nối khí thế của "cách mạng" 1963, chống lại khuynh hướng lập một "chế độ Diệm không có Diệm" được người Mỹ ủng hộ. Trong dự định ban đầu, tờ báo là tiếng nói của lực lượng giáo chức và sinh viên Huế đã tham gia vào việc lật đổ Diệm. Chuếnh choáng hơi men chiến thắng của một cuộc nổi dậy thành công, tham vọng của chúng tôi là biến đại học thành một thành trì chống độc tài. Tuổi trẻ thường có những giấc mơ phạm thượng. Buổi họp giao cho ba chúng tôi, anh Tôn Thất Hanh, anh Lê Tuyên và tôi, trách nhiệm suy nghĩ và điều khiển tờ báo. Tên của tờ báo, Lập Trường, là do chúng tôi đặt ra.

Lúc đó tôi 27 tuổi. Ít lâu sau buổi họp, tôi được mời ăn cơm với ông tướng chỉ huy Vùng I chiến thuật. Khi đó tôi mới thấy mình đang chơi một trò chơi quá so le trước gươm giáo, với một tuổi đời còn quá non và một tầm nhìn không xa hơn quyển sách. Quần chúng, tờ báo có. Nhưng dăm ba anh nhà giáo thì an ninh quân đội muốn tóm lúc nào chẳng được? Nương thế "cách mạng", chúng tôi ra báo không cần xin phép, nhưng anh sĩ quan tâm lý chiến đang ngồi ăn cơm chình ình trước mắt tôi, tôi qua mặt anh ta được chăng? Viết bài thì phải có lập trường chống Cộng hẳn hoi, anh ta khuyên nhủ thế, không chống Cộng tức là thân Cộng. Tôi viết thế nào đây? Viết thế nào khi có một bức màn sắt chia hai giữa quân đội và quần chúng, một bên biện minh rằng đảo chánh Diệm là để chống Cộng tốt hơn, một bên đòi thanh trừng vây cánh của chế độ cũ để khỏi bị độc tài đàn áp nữa? Trong tình thế đó, Lập Trường là con chuột nhắt khốn đốn dưới nanh vuốt của ba con mèo: tướng tá, người Mỹ, và dư đảng Cần Lao của ông Diệm.

Về chiến thuật, chúng tôi có thể tạm thời tìm đường sống bằng cách khai thác mâu thuẫn quyền lực giữa các tướng tá cát cứ mỗi vùng để giữ một thế đứng độc lập ở miền Trung, làm đối trọng với thủ đô Sài Gòn. Nhưng đó không phải là một cái thế trường kỳ. Cũng về chiến thuật, chúng tôi có thể nói với người Mỹ: ông chống Cộng mà không có dân thì ông chống với ai? Ông hô hào tự do mà ông không để cho dân tự định đoạt vận mệnh của mình bằng lá phiếu thì ông tự do chỗ nào? Nhưng đó là lấy lý nói với lý; trên thực tế người Mỹ đâu có làm chiến tranh vì lợi ích của dân Việt Nam? Chỉ với hai con mèo ấy thôi, chuột nhắt chúng tôi đã chưa biết tờ báo sẽ sống chết lúc nào. Nói gì con mèo thứ ba, các lực lượng tôn giáo quá khích, sinh ra và lớn lên nhờ chiến tranh. Chỉ với một lý luận này thôi, họ đã dồn chúng tôi vào chỗ bí: quốc sách đã là chống Cộng, vậy thì chỉ có chống Cộng với những lực lượng chống Cộng, không thể chống Cộng với những kẻ lừng khừng.

Chỗ dựa duy nhất của chúng tôi là quần chúng đang căm giận dư đảng của chế độ cũ. Nhưng quần chúng mà không có tổ chức thì khác nào gạch đá không có xi măng? Sự thế hiển nhiên thúc đẩy chúng tôi đi tìm xi măng. Nghĩa là lên chùa Từ Đàm! Chứ đâu nữa? Từ Đàm chẳng phải là nơi đã khởi đầu và tạo nội dung, hình hài, ngọn lửa cho cuộc tranh đấu hay sao? Tôi phải kể rõ ngọn ngành như vậy để giải thích tại sao một tờ báo bắt nguồn từ đại học lại trở thành một tờ báo được xem như tiếng nói bán chính thức của Từ Đàm, nghĩa là của Phật giáo.

Chùa không làm chính trị: thái độ đó của Phật giáo chắc như đinh đóng cột. Lý tưởng của bọn trẻ chúng tôi cũng vậy, trùng hợp với chùa như bản chính với bản sao, có ông trời đóng dấu. Hồi đó, Sartre là ông thần triết lý của thời đại chúng tôi, và vở kịch "Les mains sales" của ông làm chúng tôi mê tít: chính trị là lĩnh vực của "những bàn tay bẩn" mà chúng tôi ghê tởm. Chúng tôi đang say men tranh đấu, chưa thừa hưởng được bả rượu chính trị của các bậc trưởng thượng. Lên chùa Từ Đàm với tâm hồn phơi phới giống như đi tìm lại thời gian chưa mất, nói phỏng theo văn chương của Proust. Một lần nữa, tôi kể rõ ngọn ngành như vậy để trả lại cho César cái gì của César: tờ Lập Trường không phải là do chùa Từ Đàm lập ra, không phải là công cụ chính trị của Thầy tôi.

Thầy tôi, Trí Quang, ngồi trong phòng khách, nhìn ra sân khi chúng tôi đến. Thầy chào bằng một nụ cười, trên miệng và trên mắt. Hai mắt là cái hồn trên mặt Thầy. Mắt Thầy sáng quắc, dữ. Sau 1963, quần chúng thần tượng hóa lãnh tụ, kháo nhau "mắt Thầy có điện". Cặp mắt ấy quyến rũ tôi ngay từ phút đầu, không phải vì "có điện" mà vì nó trở nên hiền hòa ngay khi Thầy cười. Hai con mắt Thầy cùng cười với miệng, cái dữ biến đi đâu mất. Với cái hồn hiền hòa ấy trên mắt Thầy, tôi quên tuốt đã nói chuyện gì buổi chiều hôm đó, hình như chẳng có chuyện gì quan trọng, hình như cũng chẳng đề cập đến cả tờ báo, hình như giữa bản sao với bản chính có chuyện gì nữa đâu mà nói với ông trời. Thế mà, khi từ giã Thầy, chúng tôi có cảm tưởng như mình đã là chiếc đũa trong một bó, muốn bẻ gãy cũng không dễ. Tờ báo ra đời sau đó. In ở nhà in đại học và trong sự chờ đợi nóng hổi của quần chúng, in bao nhiêu cũng không đủ bán, bán cũng không nghĩ đến chuyện thu tiền. Đó là giấy khai sinh thứ hai của tôi.

Tờ báo ra đời trong bối cảnh "cách mạng" 1963 bị phản bội. Lý lẽ của chiến tranh buộc người Mỹ ủng hộ tích cực những lực lượng chủ trương chiến tranh; những lực lượng này, được thể, quay lại trả thù những người đã tham gia lật đổ chế độ cũ. Diệm đổ, nhưng chính quyền Diệm vẫn còn y nguyên từ trung ương đến xã thôn, với bộ máy đàn áp không suy suyển. Chiến tranh cho phép họ trả thù với một lý lẽ sơ đẳng và đui mù như bom đạn: chúng nó là cộng sản, chúng nó tiếp tay cho cộng sản, cộng sản mạnh lên là vì chúng nó. Chiến tranh còn cho phép họ trả thù những người cầm đầu phong trào một cách "hợp pháp" trâng tráo: tóm chúng nó đi lính là xong! Ai muốn hiểu những diễn biến chính trị trong những năm 1964-66 chỉ cần suy nghĩ trên sự đối đầu giữa hai tranh chấp về thừa kế: thừa kế Diệm hay thừa kế phong trào lật đổ Diệm. Thừa kế Diệm tức là tiếp tục chiến tranh và dựa trên chiến tranh để nắm quyền. Thừa kế 1963 là đòi tuyển cử để lập một chế độ mới. Khí giới của phe kia là bom đạn. Khí giới của phe này là lá phiếu. Có một lúc, người Mỹ cũng bị phanh thây: họ thừa biết bom đạn không giải quyết được tất cả, làm chiến tranh mà không có dân thì khác nào lùa dân qua phía cộng sản. Nhưng, như một ngạn ngữ của họ đã nói, rốt cuộc "chim cùng lông thì cùng bay với nhau".

Thế nhưng, oái oăm của thời cuộc, dân chúng cũng không phải là con số không, dù là trước mắt tướng tá. Lồng trong chiến tranh còn có một bối cảnh khác cũng lao xao binh khí: tranh giành quyền lực giữa các ông tướng chỉ huy các vùng chiến thuật. Giữa họ với nhau, đảo chánh lật nhau không khó; giữ thế đứng của mình trong vùng cát cứ khó hơn, mà muốn thế phải dựa vào dân, trước hết là mấy ông "nhân sĩ" được dân nghe. Chúng tôi, ở miền Trung, có cái thế đó để đối đầu với các ông tướng ở Sài Gòn và đòi họ "cách mạng". Trong bối cảnh ấy, Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc (HĐNDCQ) ra đời tại Huế năm 1964. Do tờ Lập Trường chủ xướng, hành động này là để bảo vệ thành quả của 1963, chống lại một cuộc đảo chánh ở trung ương của phe tướng tá thân chế độ cũ. Tổ chức này cũng vậy, không do Thầy tôi đẻ ra; lúc ấy Thầy đang ở Sài Gòn. Ai học lịch sử cách mạng Pháp đều biết Comité de Salut public. Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc là dịch nguyên văn tổ chức của Robespierre. Trong đầu bọn trẻ trí thức nửa mùa chúng tôi hồi đó, 1963 như được ủ hơi men của cách mạng 1789 thần thoại.

Ra đời chưa kịp khóc ba tiếng, các tỉnh ở miền Trung đã tức tốc đẻ theo, cùng một khuôn, một mặt, các HĐNDCQ địa phương. Tự động đẻ. Chẳng do chỉ thị một ai. Rồi cũng tự động, các HĐNDCQ khắp miền Trung kéo nhau về Huế để thống nhất đường lối. Tranh đấu trở thành chính trị. Mà toàn là tự động! Ký giả ngoại quốc bắt đầu kéo nhau đến Huế, tưởng như sắp chứng kiến một màn thay bậc đổi ngôi. Người Mỹ lân la dọ ý chúng tôi về tướng Thi, tư lệnh Vùng I, tưởng như HĐNDCQ sắp sửa làm bàn đạp cho một người hùng mới. Miền Trung bỗng nhiên trở thành trung tâm chính trị mà Huế là đầu não một cách tự phát, tự phất. Quần chúng hưởng ứng nhiệt liệt, chẳng cần biết lãnh tụ của HĐNDCM là Bác sĩ Quyến hay là ai. Mơ hồ, họ chỉ thấy ai đó "đằng sau" tờ Lập Trường, nghĩa là Thầy tôi.

Họ thấy như vậy cũng không phải là vô căn cứ. Không có Thầy, sao lại có một "Thư về Huế" của Thầy đăng trong Lập Trường, ngày 23-5-1964? Thầy viết: "Tiếng "thầy" được kêu lên trong khi chết chóc, trong cơn điên loạn, trong những ngày Từ Đàm bị bao vây và tấn công như một chiến khu, tiếng "thầy" được gọi lên trong nước mắt và máu, tiếng "thầy" đó, tôi biết Phật tử Huế đã dành cho tôi". Giữa lãnh tụ và quần chúng, mấy ai có được sự gắn bó thiết tha như vậy. Chừng đó thôi, mấy lời tình cảm huyết lệ ấy đủ để quần chúng biết Thầy ở đâu mà đứng theo Thầy. Từ tờ Lập Trường cho đến HĐNDCQ, tôi lặp lại, trí thức ở Huế không phải là công cụ của Thầy, Thầy không nhúng tay vào bất cứ hành động nào của họ, nhưng không có Thầy thì họ không phải là họ, được dân thương đến thế. Ai muốn hiểu Thầy tôi thì hãy hiểu Thầy qua ngọn lửa Quảng Đức, đừng lầm Thầy như một chính trị gia, vị thế đó thấp kém lắm, không xứng đáng với Thầy. Tự gánh trên vai trách nhiệm về ngọn lửa Quảng Đức, Thầy không thể cho phép thời cuộc phản bội lại ngọn lửa đó, chỉ thế thôi.

*

Thich-Tri-Quang-Life.jpg

"Có lúc Thầy được đội cả hai cái mũ một lần. Lẳng lặng, Thầy nói với người thân: "Càng nhiều mũ càng tỏ ra thật không có mũ nào..."

Nhưng thời cuộc không phải lúc nào cũng chiều Thầy. Miền Trung, trở thành một trung tâm chính trị, sẽ đưa Thầy vào một thế khó xử, khi tranh chấp giữa địa phương với trung ương leo thang đến mức ly khai. Ly khai? Sao nghe được! Nhưng bỏ quần chúng nửa đường, sao đành! Thầy như một sĩ quan chỉ huy một chiến hạm bị địch bắn đắm, danh dự phải giữ là chịu đắm theo tàu. Đây là nguồn cơn của biến động miền Trung năm 1966. Một biến động đè nặng trong lòng Thầy, khó nguôi.

Bối cảnh của 1966 là chiến tranh lan rộng, tiến gần thành phố, ban đêm đại bác đã dội về tận Sài Gòn, làm rung cửa sổ. Từ chống chiến tranh, Phật giáo đứng lên đòi hòa bình, theo đề nghị của Thầy. Tiếng nói đó làm phiền cả hai bên, nhưng trực tiếp và sát cạnh là người Mỹ. Đòi cách mạng, họ còn nhịn. Đòi hòa bình, họ nổi khùng. Làm sao vượt qua chống đối của họ bằng chính triết lý căn bản của họ? Thầy đòi bầu cử Quốc hội lập hiến. Trong khí thế sôi động ở miền Trung, Thầy nghĩ ảnh hưởng sẽ lan vào Sài Gòn và bầu cử sẽ bất lợi cho những ai chủ trương chiến tranh. Mà thật vậy! Không riêng gì miền Trung, toàn thể các tỉnh đến tận Sài Gòn, mọi tầng lớp dân chúng, chỉ trừ những lực lượng tôn giáo sống chết với chiến tranh, nhiệt liệt ủng hộ chủ trương bầu cử để thay thế chế độ tướng tá bằng một chính phủ dân sự. Dân chúng biểu tình ở Sài Gòn, chiếm cả sân bay Tân Sơn Nhất, kêu gọi đình công, trương cả biểu ngữ "Yankee Go Home". Miền Trung thì khỏi nói: ngay cả quân nhân, ngay cả tướng tư lệnh, cũng sát cánh với dân thường, cảnh sát, công an sát cánh với công chức, trí thức, sinh viên, thương gia, tạo nên một phong trào đòi hỏi bầu cử. Đố một ông tướng nào tại vị ở miền Trung mà dám đi ngược lại phong trào. Đố Thiệu-Kỳ đưa được một tướng khác thay thế. Đố ông Kỳ lột chức được thị trưởng Đà Nẵng bằng cách nào khác hơn là dọa bắn vào đầu ông Mẫn. Phe quân đội chia hai: một bên là đồng minh của Thiệu-Kỳ, dựa trên những đảng phái và tôn giáo thánh chiến, sợ bầu cử sẽ có lợi cho Phật giáo; một bên là đồng minh của miền Trung, quân và dân hiếm khi một dạ một lòng như vậy. Một lòng đến nỗi tư lệnh sư đoàn I huấn luyện quân sự cho sinh viên, thanh niên, phát vũ khí cho họ để bảo vệ Huế, tiếp ứng Đà Nẵng, dọa sẽ chống lại Kỳ nếu Kỳ dùng bạo lực.

Quân và dân sát cánh tại miền Trung thì người Mỹ sát cánh với Thiệu-Kỳ trong chiến dịch đàn áp và phân hóa Phật giáo. Họ sẽ phân hóa được bằng cách lập một cánh Phật giáo đối nghịch với Thầy tôi. Nhưng trước khi đó, họ thẳng tay đàn áp phong trào cái đã, tại Sài Gòn trước, tại miền Trung sau. Phân hóa hay đàn áp, mục tiêu họ nhắm là Thầy tôi. Triệt hạ Thầy thì triệt hạ được phong trào hòa bình, đập nát được thanh thế miền Trung mà Westmoreland, mà Taylor, mà Lodge, mà Rostow xem như thành trì Phật giáo. Hơn thế nữa, triệt hạ Thầy tôi thì họ sẽ tương kế tựu kế tổ chức được một Quốc hội theo ý họ, gạt Phật giáo vĩnh viễn ra khỏi các cơ quan dân cử, leo thang chiến tranh. Súng đạn đi đầu lá phiếu.

Lấy cớ trừng phạt ly khai, ông Kỳ dồn đại quân ra Đà Nẵng, nhắm Huế. Dân chúng tự động đem bàn thờ ra ngoài đường để cản chiến xa từ Quảng Trị vào An Hòa. Trong vòng nửa giờ, các đường chính của thành phố Huế đã đầy bàn thờ Phật. Thầy nói: Thầy bị động. Trước sự đã rồi, Thầy ra lệnh chính thức. Quần chúng thỉnh Phật ra đường, hương án trang nghiêm, tụng niệm như ở trong nhà, như ở trong chùa. Kỳ điều đình với Thầy. Thầy không trả lời. Kỳ giới nghiêm, tung tiểu đoàn "Trâu Điên" xung kích, bắn, bắt, đánh, đập, uống bia cho say rồi vung chai đập đánh, đánh cả sinh viên, học sinh.

Trước đó, binh sĩ Vùng I và sinh viên "quyết tử" đã quyết ăn thua đủ với Kỳ, dàn trận bên này đèo Hải Vân, chực nổ súng. Công binh đã đặt mìn, sẵn sàng phá hủy các cầu từ Đà Nẵng ra, từ Quảng Trị vào, cắt đứt tiếp vận từ Quảng Trị. Tại Huế, đại pháo và đại liên đã được bố trí dọc theo kỳ đài, chỉa xuống bộ tư lệnh giới nghiêm đóng tại Phu Văn Lâu. Quân nhân hỏi ý Thầy. Đau xót: ông thầy tu trong Thầy không cho phép Thầy dùng bạo lực. Đưa bàn thờ ra đường là tranh đấu bất bạo động. Nổ súng là bạo động, Thầy đành bảo họ hủy mìn, dẹp súng. Nội chiến là chuyện Thầy không làm, dù hậu quả là cả quân lẫn dân Phật tử bị bắt, bị đàn áp sau đó. Thất bại, Thầy đành chịu. Nhưng bất bạo động là kim chỉ nam của Thầy. Khí giới duy nhất của Thầy là tuyệt thực. Bị bắt và giải về Sài Sòn, Thầy tuyệt thực đúng 100 ngày.

Trong biến cố 1966, một tờ báo lớn Mỹ đặt câu hỏi to tướng: Ông Trí Quang muốn gì? Muốn gì mà ông chống hết chính quyền này đến chính quyền khác? Muốn gì mà ông không biết nhân nhượng? Muốn gì mà ông đòi Quốc hội? Rồi muốn gì mà ông hết đòi Quốc hội lại chống Quốc hội? Trong bấn loạn hỏa mù của đảo chánh và chiến tranh, của ngoại thuộc và nội chiến, nếu chịu khó nhìn và hiểu thì những gì mà Thầy tôi muốn cực kỳ đơn giản, có thể tóm gọn vào trong một bức thư, "Thư về Huế" mà tôi đã nói ở trên.

Thầy tôi muốn gì năm 1964? Dân đã lật ông Diệm thì cứ tưởng là rạng đông sẽ sáng sau đêm tối âm u. Nhưng ai ngờ! "Ai ngờ sự vận động để cải thiện chính sách thực đã không đơn giản như chúng ta tưởng. Đảo chính quá dễ nhưng cách mạng quá khó. Hóa cho nên đời sống hiện tại của chúng ta và của tín ngưỡng chúng ta gần như vẫn ác mộng giống quá khứ và chưa chừng mà tiếp tục cả đến tương lai". Thầy muốn gì? Muốn cái đuôi của ông Diệm không làm khổ dân và khổ Phật giáo.

Bằng cách nào? "Nỗ lực và nỗ lực một cách liên tục để chấm cho dứt những chính sách không phù hợp với sự sinh tồn của Dân tộc và Phật giáo, phát triển Phật giáo bằng sự thực hiện của bản thân mà không bằng cách làm thương tổn các tôn giáo khác, càng nêu cao đức tính Từ bi bao nhiêu lại càng thực hiện đức tính Vô úy bấy nhiêu: đó là "ý thức Phật tử" đơn giản vô cùng nhưng khó khăn vô tận".

Đúng là khó khăn vô tận, vì Thầy thất bại năm 1966. Nhưng thế nào là "ý thức Phật tử" vào thời cuộc 1966? Là đại bác dội đêm, là chiến tranh, là phải hòa bình. Có người tưởng Thầy tôi đòi hỏi Quốc hội để chiếm đa số, để khuynh loát, để thủ diễn vai tuồng mới trên chính trường miền Nam. Họ chịu khó nhìn chính trị ở miền Nam một cách lô gích thì biết Thầy tôi muốn gì: chừng nào còn chiến tranh, chừng đó còn người Mỹ; chừng nào còn người Mỹ, chừng đó còn bộ máy quân sự phục vụ chiến tranh; chừng nào còn bộ máy quân sự phục vụ chiến tranh, chừng đó còn những thế lực ăn theo chiến tranh; chừng nào còn những thế lực ăn theo chiến tranh, chừng đó Phật giáo còn bị đè xuống, chận họng. Cách giải quyết vấn đề, đứng trên cương vị của một ông thầy tu, là tháo vất cái mắc xich đầu tiên, là chấm dứt chiến tranh! Thế là làm chính trị hay sao?

Thầy tôi mang đủ thứ tiếng. Có người nói Thầy thân Cộng. Có người nói Thầy thân Mỹ. Có lúc Thầy được đội cả hai cái mũ một lần. Lẳng lặng, Thầy nói với người thân: "Càng nhiều mũ càng tỏ ra thật không có mũ nào. Trái lại, càng nhiều mũ càng tốt: càng làm cao lên, và rõ ra, cái tư thế đặc biệt của Phật giáo. Nên Phật giáo không cần tránh mà còn cần đến cái tác dụng nghịch lý ấy".

Chính cái nghịch lý ấy làm nên Thầy. Thầy là một nghịch lý to tướng. Một ông thầy tu có tầm cỡ và sức thu hút đặc biệt của một nhà chính trị lớn, lớn nhất miền Nam lúc đó, nhưng lại từ khước cái khả năng hiếm có ấy để làm ông thầy tu. Câu hỏi mà các ký giả Mỹ đặt ra về Thầy không phải là không có căn cơ: họ bị Thầy thu hút như một tài năng chính trị, nên họ không thể tưởng tượng Thầy thật không muốn làm chính trị. Họ lầm.

Bây giờ thì chắc người ta hiểu Thầy hơn. Thời thế bắt buộc Thầy phải xông trận, như một người lãnh đạo. Nhưng đó là cái thế bất đắc dĩ của một ông thầy tu cỡ lớn, quá lớn để từ khước một trách nhiệm đặc biệt mà lịch sử bất thần đặt lên vai. Nhưng Thầy không bị lịch sử lừa phỉnh để đi vào con đường khác với con đường của ông thầy tu. Cái vui thú của Thầy là lúc Thầy được xa cái chợ chính trị để làm cái việc của ông thầy tu là dịch kinh, giảng kinh. Trăm ngày tuyệt thực, đó là lúc Thầy vui. Vì Thầy làm được cái việc Thầy muốn: viết được hai bản thảo "Nghiên cứu Khởi tín luận" và "Khảo luận Tây du bằng Duy thức học". Ông thầy tu tuyệt thực như thế nào, với tâm trạng gì? Thầy nói: "Có hai việc mà tuyệt thực tuyệt đối phải có. Một là phải có một tâm thức thanh thản, không buồn, không giận, không cầu hồ gì. Không cầu chết cũng không sợ chết, tiếp cận hoàn toàn với đức hỷ xả của Phật. Hai là tuyệt đối không ăn, dĩ nhiên, cũng không uống, không chích bất cứ thứ gì". Thân thì không ăn uống, tâm thì hỷ xả. Ấy là ông chính trị gia hay ông thầy tu?

Thầy tôi có thắng có bại trong hành động, như bất cứ ai hành động. Nhưng thắng, Thầy dành cho người khác hưởng; bại, Thầy nhận một mình. Thắng hay bại, Thầy đều cô đơn. Suốt đời, Thầy cô đơn. Sau mỗi tranh đấu thắng lợi, bao giờ cũng có lắm anh chính khách xun xoe sau lưng các lãnh tụ. Ai tranh đấu bên cạnh Thầy chỉ hưởng cơm hẩm nước rau. Suốt đời, Thầy không nhân nhượng với cái gian, cái ác, cái xảo quyệt, cái ma lanh ma lẹ của bán buôn chính trị. Về riêng Thầy, có lần tôi nghe Thầy nói một câu bâng quơ: nước trong quá thì không có cá. Có gì để nhậu nhẹt trong cái am của Thầy đâu! Ai chơi hoa, cắm hoa đều biết: dù hoa thanh khiết đến bao nhiêu đi nữa, sau ba ngày thì nước trong bình bắt đầu hôi. Có kẻ chỉ thấy hoa đẹp, không thấy nước hôi. Thầy thấy nước hôi, không dùng hoa đó để cúng Phật. Tôi học được ở Thầy cái nhìn đó để không sợ cô đơn trong cuộc đời. Và trong sự thật.

*

On TQ 2.jpg

"Sự thực, Thầy tôi muốn cao hơn thế: Thầy muốn làm ông thầy tu".

Thầy sống cô đơn như vậy từ sau 1975 đến nay, không màng thế sự, khen chê, không thanh minh, không tiếp khách. Thầy sống như Thầy đã tuyệt thực, thanh thản dịch kinh. Thầy sống như để trả lời câu hỏi về Thầy ngày trước: Thầy chỉ là một ông thầy tu không hơn không kém, bây giờ cũng như bao giờ. Có điều là ông thầy tu này có cặp mắt sáng quắc, dữ thì thật dữ mà hiền thì thật hiền, khi dữ thì Vô úy, khi hiền thì Từ bi, hai chữ đỏ như son trong Lập Trường ngày trước. Tôi không biết nên nói gì với tuổi trẻ ngày nay ngoài hai chữ mà tôi đã học được ngày xưa.

Vô úy, ai cũng đã thấy nơi Thầy. Không sợ! Còn Từ bi? Từ bi không phải chỉ là lòng thương. Phải là lòng thương nào có thể vừa cho vui vừa cứu khổ. Điều này, Phật tử ai cũng rõ. Nhưng ít ai biết tại sao phải từ bi như là một định luật. Thầy giảng: tại vì sống là tương quan, không ai có thể sống một mình, cho nên sống là phải giúp nhau, cho vui và cứu khổ lẫn nhau. Lòng từ bi đó tạo cho mình cái nhìn bình đẳng: thấy tất cả đều khổ, do đó mình phải cho vui và cứu khổ hết thảy.

Thầy giảng, tôi hiểu suốt. Và tôi biết đó là lý tưởng của Thầy, Thầy sống như vậy. Nhưng thắc mắc của tôi là ông thầy tu của tôi từ bi như thế nào trong những hành động mà dù muốn dù không cũng mang tính chính trị? Tôi đọc Thầy: "Cứu cánh của từ bi là thấy người với mình là một, thân người tức thân ta… Do từ bi, mình tự đưa mình ra chịu khổ cho người. Xem tất cả như con một, thấy thân người như thân mình, thì còn có gì mà không làm nổi?"

Thầy tôi rất Thầy tôi ở mấy chữ "còn có gì mà không làm nổi". Người ta nể Thầy, sợ Thầy, phe nào cũng sợ Thầy là vì ở Thầy toát ra mấy chữ ấy. Nhưng cái gì nơi người ta sợ Thầy? Cái gì sợ từ bi? Cái ác! "Nhất là vào thời đại này - Thầy viết - thời đại mà về mặt tâm lý ta có thể thấy rõ rệt khắp đây đó hiện thân của lòng tàn ác. Tàn ác, như một ngọn lửa tỏa khói đen nghịt và cao ngất, phủ bọc lấy loài người đau khổ. Mà chống lại lòng tàn ác thì chỉ có lòng từ bi".

Phải đọc thêm một câu nữa để thấy văn tức là người, giọng văn của Thầy thế nào thì Thầy sắc như thế ấy, hiện thân ra như thế ấy trước mắt đối phương, nghĩa là cái ác: "Bởi vậy, kẻ nào mỉa mai rằng thời đại này mà còn nói đến chuyện từ bi, thì kẻ ấy chính là kẻ đang tàn ác. Kẻ nào trực tiếp hay gián tiếp làm tổn thương đến uy lực của từ bi là kẻ tội ác của nhân loại, kẻ gieo thảm họa cho loài người. Nếu phải thí dụ kẻ đó là kẻ ma quân thì ma quân ấy chỉ khiếp sợ mỗi một tâm lý độc nhất, tâm lý từ bi mà thôi".

Tôi gặp Thầy tôi khi lịch sử Phật giáo và lịch sử chính trị miền Nam mở đầu một giai đoạn mới với ngọn lửa Quảng Đức. Lịch sử đã chọn Thầy tôi làm kẻ đứng mũi chịu sào trong giai đoạn đó vì lịch sử biết Thầy chống cái ác như thế nào với một tâm lý gì. Bốn phương tám hướng đều thấy: ngọn lửa Quảng Đức là ngọn lửa từ bi. Riêng tôi, ở trong tầm mức thấp bé của một người thường, tôi thấy ngọn lửa đó tiếp tục cháy trong mấy câu hoài niệm Thầy viết cho Lập Trường nhân ngày giỗ đầu của 7 em bé bị đạn của lính ông Diệm bắn chết trước đài phát thanh Huế đêm Phật Đản 1963: "Tôi, cho đến bây giờ, vẫn không sao nguôi ngoai được tâm trạng của một người nhìn thấy đống xương thịt máu huyết bị hất vào một góc tường, xương thịt máu huyết của những kẻ thân yêu mới cười nói với mình trước đó không quá 10 phút! Biết bao giờ, hay sẽ không bao giờ, con người bớt tàn bạo, biết xấu hổ vì tội ác của mình, để con người đừng kinh hãi vì con người".

Thầy tôi đi vào lịch sử chỉ vì thế: chỉ vì Thầy tự đưa thân ra gánh lấy cái khổ của quần chúng Phật tử, chỉ vì trong xương máu của Thầy có xương máu của 7 em bé trắng trong chết vì cái ác, chỉ vì Thầy lấy cái ác làm kẻ đồng hành khiêu khích không ngừng.

Về Thầy, tôi nghĩ chỉ có chuyện ấy là đáng nói. Còn tất cả chỉ là một nhầm lẫn to tướng không cần cải chính, bình luận: người ta tưởng nhầm Thầy muốn làm Richelieu, hồng y, thủ tướng của vua Louis XIII nước Pháp. Sự thực, Thầy tôi muốn cao hơn thế: Thầy muốn làm ông thầy tu.

Cao Huy Thuần

>> Xem thông tin về tang lễ Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang:


Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày