Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh (1936-2024)

Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh (1936-2024) - Ảnh: Đăng Huy
Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh (1936-2024) - Ảnh: Đăng Huy
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trưởng lão Hòa thượng đã cống hiến trọn đời mình cho Đạo pháp và Dân tộc, ngài đã đóng góp nhiều công đức trong sự phát triển, ổn định của Phật giáo TP.Hồ Chí Minh. Là bậc Tông trưởng của Thiền Tịnh đạo tràng, ngài là bậc đống lương, nương tựa của tứ chúng, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống thiền môn.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh; nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN; nguyên Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Kinh tế - Tài chính GHPGVN TP.Hồ Chí Minh; Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Q.3; Tông trưởng Thiền Tịnh đạo tràng; trụ trì tổ đình Phật Bửu (P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh).

Pháp tướng Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh

Pháp tướng Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh

Hòa thượng thế danh Nguyễn Văn Dùng tự Trần Thành Tựu sinh năm Bính Tý (1936), tại xã An Hội, quận Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa (nay là P.7, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre); thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Luông, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Đào. Ngài xuất thân trong gia đình trung lưu lễ giáo, là con út trong gia đình có 7 anh chị em (5 trai, 2 gái).

Thuở nhỏ, ngài thường theo mẹ đến chùa lễ Phật nghe kinh và được khai tâm mở trí của Sư cụ Trừng Thành, trụ trì chùa Phật Bửu Phóng Quang, Bến Tre.

Thời kỳ xuất gia tu học

Năm Kỷ Sửu (1949), nhân duyên hội đủ cậu ngài phát nguyện xuất gia với Sư cụ Trừng Thành, trụ trì chùa Phật Bửu Phóng Quang, xã An Hội, tỉnh Bến Tre, lúc này ngài vừa tròn 13 tuổi, được Sư cụ đặt pháp danh Tâm Hảo.

Ngài xuất gia được một năm thì Sư cụ Trừng Thành viên tịch, năm Tân Mẹo (1951), Tổ sư Chơn Như Minh Trực về chùa Phật Bửu Phóng Quang để chứng minh Phật sự và khai đàn truyền giới Sa-di; duyên này, chính thức thâu nhận ngài làm đệ tử và ban pháp hiệu là Tịnh Hạnh, được Tổ sư đưa về tổ đình Phật Bửu, Sài Gòn tiếp tục tu học.

Năm Tân Sửu (1961), ngài được Tổ sư cho phép đăng đàn thọ Cụ túc giới, do chính Tổ Chơn Như Minh Trực làm Hòa thượng Đường đầu, được ban pháp tự Thiện Lạc, hiệu Tịnh Hạnh, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41, theo tông chỉ Thiền Tịnh đạo tràng. Từ đó, ngài chuyên tâm tu học và chăm lo phụng sự Tam bảo, cùng Tổ sư và các bậc tôn đức góp phần phát triển Thiền Tịnh đạo tràng.

Quá trình hoằng pháp và tham gia các Phật sự của Giáo hội

Năm 1963, Hòa thượng là thành viên đại diện môn phái Thiền Tịnh đạo tràng tham gia Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo trong cuộc tranh đấu phản đối chính sách độc tài và đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam. Hòa thượng bị bắt đi tù, bị giam tại Rạch Cát (Q.8).

Năm 1967, Hòa thượng sáng lập Quan Âm Phật Đài (TP.Vũng Tàu). Hòa thượng cho xây dựng tượng đài Bồ-tát Quán Thế Âm cao 8m nhìn ra biển Nam Hải (TP.Vũng Tàu). Suốt quá trình hoàn thiện ngôi Quan Âm Phật Đài đã được sự chứng minh của Tổ sư Minh Trực và sự góp phần công đức của Sư cụ Pháp Thiền, Sư cụ Chơn Thành, cùng các cư sĩ Chánh Đẳng, Từ Lưu, Chánh Định, Từ Nghiêu, cư sĩ Pháp Đức ­­Trần Văn Thới... Năm 1970, sau 3 năm xây dựng, công trình Quan Âm Phật Đài hoàn thành.

Năm 1976, Hòa thượng tham gia Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Q.3.

Tháng 5 năm Bính Thìn (1976), Tổ sư Chơn Như Minh Trực viên tịch, ngài được Tổ sư ủy thác và chư sơn thiền đức trong hệ phái chọn suy cử kế vị trụ trì tổ đình Phật Bửu, tiếp tục sự nghiệp và duy trì tông chỉ Thiền Tịnh song tu. Đồng thời ngài hiệu đính, các thi kệ, kinh điển do Tổ sư phiên dịch. Từ đây, tông chỉ đạo tràng lan tỏa tại Sài Gòn đến các tỉnh miền Trung và vùng Tây Nam Bộ.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh là người quan tâm, độc giả trung thành của Báo Giác Ngộ gần 50 năm kể từ ngày báo ra số đầu tiên - Ảnh: Bảo Thiên

Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh là người quan tâm, độc giả trung thành của Báo Giác Ngộ gần 50 năm kể từ ngày báo ra số đầu tiên - Ảnh: Bảo Thiên

Ngài tiếp tục tâm huyết, phát triển đạo nghiệp của Tổ sư, cùng chư tôn đức trong tông phong trùng kiến phục dựng các ngôi tự viện trực thuộc và được cung thỉnh làm viện chủ như chùa Phật Bửu (xã Phước Vân, Long An); chùa Phật Bửu (xã Sơn Đông, Bến Tre); chùa Phật Bửu (Hóc Môn); chùa Phật Bửu (Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu); Quan Âm Phật Đài (TP.Vũng Tàu); tu viện Quan Âm (Bến Tre); Phật Bửu tự (Bến Gỗ, Đồng Nai), Phật Bửu tự (H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre); trụ trì chùa Phật Bửu Phóng Quang (P.7, Bến Tre)…

Năm Mậu Thìn (1988), sau khi Trưởng lão Hòa thượng Pháp Triều viên tịch, ngài được chư sơn thiền đức suy tôn làm Tông trưởng của Thiền Tịnh đạo tràng.

Năm 1982-1991, Ban Đại diện Phật giáo Q.3 thành lập, ngài được suy cử đảm nhiệm Thư ký, rồi Phó ban.

Năm 1992, ngài được tín nhiệm của Tăng Ni, Phật tử Q.3, suy cử đảm nhiệm Chánh Đại diện Phật giáo Q.3 hai nhiệm kỳ và tham gia Ủy viên MTTQVN, Đại biểu HĐND Q.3 hai nhiệm kỳ (từ năm 1992-2002). Đồng thời, ngài thành lập Lớp Sơ cấp Phật học Q.3, làm Chủ nhiệm liên tục 4 khóa (1994-2002). Tại Đại hội đại biểu Phật giáo TP.Hồ Chí Minh lần III (1992), ngài được suy cử Ủy viên Thường trực đặc trách Kinh tế - Tài chính.

Tháng 11-1997, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ 1997-2002, ngài được tấn phong giáo phẩm Hòa thượng. Tại Đại hội đại biểu Phật giáo TP.Hồ Chí Minh lần thứ V, ngài được suy cử làm Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh.

Từ năm 2002 đến năm 2017, Hòa thượng được suy cử Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Kinh tế - Tài chính GHPGVN GHPGVN TP.Hồ Chí Minh 3 nhiệm kỳ liên tiếp; ngài cũng được cung thỉnh Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Q.3.

Năm 2017, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, Hòa thượng được suy tôn Thành viên Hội đồng Chứng minh và cung thỉnh vào Ban Chứng minh GHPGVN TP.Hồ Chí Minh cho đến ngày về cõi Phật.

Với công đức và đạo hạnh, ngài đã được cung thỉnh vào ngôi vị làm giới sư, Hòa thượng Đường đầu truyền trao giới pháp cho Tăng Ni, Phật tử tại các Đại giới đàn tổ chức tại Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, v.v…

Vị Tông trưởng của Thiền Tịnh đạo tràng - Ảnh: Đăng Huy

Vị Tông trưởng của Thiền Tịnh đạo tràng - Ảnh: Đăng Huy

Với uy tín và vốn Phật pháp uyên thâm, ngài thường được cung thỉnh ban đạo từ tại các Phật sự của Phật giáo Q.3, các quận, huyện tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Với trách nhiệm là Tông trưởng Thiền Tịnh đạo tràng, ngài trực tiếp trùng tu các ngôi tự viện, đặc biệt là ngôi chùa Phật Bửu nơi quê hương của Tổ sư (xã Phước Vân, H.Cần Đước, tỉnh Long An), Phật Bửu tự (Hóc Môn), Phật Bửu tự (Long Hải), Quan Âm Phật Đài (Bà Rịa - Vũng Tàu), tu viện Quan Âm, Phật Bửu Phóng Quang, Phật Bửu tự (H.Mỏ Cày Bắc), Phật Bửu tự - Sơn Đông (tỉnh Bến Tre), An Thành tự… làm cho các ngôi già-lam được trang nghiêm và tố hảo.

Hòa thượng đã được Giáo hội, chính quyền các cấp khen thưởng, nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thời kỳ viên tịch

Trưởng lão Hòa thượng đã cống hiến trọn đời mình cho Đạo pháp và Dân tộc, ngài đã đóng góp nhiều công đức trong sự phát triển, ổn định của Phật giáo TP.Hồ Chí Minh. Là bậc Tông trưởng của Thiền Tịnh đạo tràng, ngài là bậc đống lương, nương tựa của tứ chúng, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống thiền môn.

Huyễn thân tứ đại đến hồi suy yếu, dù bệnh duyên nhưng ngài vẫn thản nhiên giữ chánh niệm, luôn giữ công phụ niệm Phật, sắp xếp chu toàn mọi việc của tông phong và bốn chúng đệ tử.

Thời khắc vô thường, sanh thân đã tận, mọi việc đã thành, công đức hóa duyên viên mãn, Trưởng lão Hòa thượng đã an nhiên thâu thần viên tịch vào lúc 9 giờ 30 phút, ngày 3 tháng 10 năm Giáp Thìn (3-11-2024) tại tổ đình Phật Bửu, Q.3, TP.Hồ Chí Minh; trụ thế 90 năm, 64 mùa An cư kiết hạ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm

Ban Trị sự TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm tại chùa Bằng

GNO - Sáng 19-11, Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm chuẩn bị cho dự án “Tổ chức điều tra, sưu tầm tài liệu nghiên cứu biên soạn bộ tổng tập Phật giáo Thăng Long - Hà Nội”, tại chùa Bằng - Linh Tiên tự (Q.Hoàng Mai).
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1276 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Thân bệnh mà tâm không khổ

GNO - Già bệnh là một sự thật của thân này, ai rồi cũng phải trải qua. Hiếm hoi mới có người già mà ít hay không bệnh. Vấn đề là, làm sao khi thân già bệnh mà tâm bớt khổ hoặc không khổ?
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1278 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Nắng sẽ về trên môi em thơ

GNO - Ba hôm rồi không thấy các em Kha, Nhi, Long đến lớp, Thư sốt ruột. Cơn bão vừa rồi mạnh quá, dù đã chuẩn bị trước nhưng những hậu quả mà nó để lại thì không thể lường trước được.

Thông tin hàng ngày