Lễ phải có nghi, hội phải vui tươi!

>> Trước sự bát nháo của lễ hội ; >> Giá mà...;  >> Khi niềm tin bị đánh cắp

GN - Nghi trong lễ nghĩa là phải trang nghiêm, thanh tịnh; vui tươi trong hội là mọi người tham gia phải thu nhặt được những an lạc, hoan hỷ.

Với ý nghĩa ấy, nhìn lại những lễ hội đang diễn ra ở khắp nơi trên đất nước chúng ta vào dịp mùa xuân này sẽ thấy hầu hết lễ hội được đánh giá không nghiêm túc, nếu không có sự điều chỉnh thì sẽ để lại hậu quả cũng nghiêm trọng không kém về lâu dài…

Điểm xuyết một vài nơi

“Trẩy hội chùa Hương trong ngày khai hội mồng 6 Tết (28-1), chỉ thấy người là người ở khắp sân chùa, hành lang, chính điện, Tam bảo mà không hở ra một khe trống”, Tuổi Trẻ ngày 29-1 mô tả về lễ hội chùa Hương. Và đằng sau đó là những ghi nhận phát khiếp như việc chặt chém du khách, bất chấp nguy hiểm của đò giang đưa khách miệt mài từ sáng đến tối (dù đã có quy định của Ban Tổ chức: không đưa khách bằng đò từ 21g tới 5g sáng hôm sau).

Ảnh 1 - Câu chuyện trong tuần 627.JPG

Bầu cua ăn tiền trước chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi - Ảnh: L.Đ.L

Tiếp theo là “trong phần tế lễ khai hội chùa Hương, nhiều đại biểu quan khách cũng lao vào chen lấn để giành nhau từng nén hương của nhà chùa phát ra. Một người ngán ngẩm: dân thì trèo lên cả hàng rào, đại biểu thì lao vào giành giật nhau, đi lễ chùa đầu năm là thế này sao?”. Đồng thời, sát cổng chùa, nhiều nhà hàng treo nguyên con thú vừa giết mổ, quảng cáo bán thịt thú rừng vẫn diễn ra tràn lan và ngang nhiên trước mắt Ban Tổ chức, kiểm lâm và các đơn vị quản lý văn hóa. Một thành viên Ban Tổ chức lại phát biểu rất hồn nhiên: “Đó là thịt thú nuôi, chứ thú rừng làm gì còn mà bán!” (Tuổi Trẻ ngày 29-1).

Còn tại Lễ hội chùa Bái Đính năm nay, ở hành lang La hán, CTV Giác Ngộ bắt gặp hình ảnh khó coi là các vị La hán bị nhét tiền trên tay. Dòng người đi lên hành lang, ai nấy cùng xoa tay lên các pho tượng làm cho đùi và đầu một số tượng trở nên mòn vẹt, đen thui. Lên đài tượng Di Lặc lộ thiên, những người cố tình kiễng chân lên rồi xoa những tờ tiền polymer mệnh giá 200.000 đồng, 500.000 đồng vào gấu quần của tượng khiến nơi đó nước đồng sáng bóng. Hỏi ra mới biết nhiều người tin rằng tiền sau khi xoa vào tượng, đem về làm ăn buôn bán thì sẽ “một vốn bốn lời” (?!).

Đặc biệt, tại đây chỉ có duy nhất một nơi bán đồ ăn bố trí ở tầng hầm của Điện Tam Thế, mặc dù không lo tốn nhiều tiền hay bị chặt chém như ở các lễ hội khác, nhưng để có cơm ăn thì du khách lại vô cùng vất vả. Trước hết phải chen chân mua vé. Tại đây chỉ có 4 quầy bán vé nên khó phục vụ nỗi hàng ngàn người chen chúc chìa tiền ra. 

Đã vào đến đây rồi thì ai cũng mỏi gối chồn chân, mệt và đói lả nên chỉ mong sao có được thìa cơm ăn cho “lại sức”, chẳng mấy người có đủ sức để ngược ra cổng chùa tìm quán ăn. Chen chân phải mất gần 30 phút mới mua được vé cơm, sau đó phải mất vài chục phút nữa mới lấy được cơm. Tìm bàn ngồi ăn còn gian nan hơn, không gian tầng hầm Điện Tam Thế rộng lớn 2.500m2, với hàng trăm bộ bàn ghế phục vụ khách ăn, nhưng nhiều người lượn nhiều vòng cũng không thấy ghế nào trống, đành đứng ăn!

Có mặt tại chùa Thiên Ấn (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) hôm mùng 5 Tết Nhâm Thìn, phóng viên Giác Ngộ cũng ghi nhận được nhiều hình ảnh khó coi tương tự. Đó là cảnh tượng bát nháo trước ngôi chùa cổ, người ta bày biện bán linh tinh, lang tang đủ thứ như trái cây, sách xem bói, cá viên chiên, đồ chơi, hàng lưu niệm và cả “dịch vụ” chơi tôm-cua-bầu-cá (ăn tiền)…

Ảnh 2 - Câu chuyện trong tuần 627.JPG

Chen chúc xin xăm nơi Thiên Ấn. Một chú trong hình tướng đầu cạo, mặc áo tràng lam
đang đếm tiền xin xăm trước tượng Tổ sư Đạt-ma gây phản cảm - Ảnh: L.Đ.L

Vào bên trong chùa thì thấy cảnh nhang khói nghi ngút, mỗi người mua một bó, đốt cả bó rồi cầm vào khu vực chánh điện, rác bao nhang xả đầy trước chánh điện. Đằng sau nhà Tổ, trước bàn thờ Đức Bồ Đề Đạt Ma là cảnh người người chen nhau xin xăm, một chú cạo đầu đứng đếm tiền, hô xăm trông rất thiếu tôn nghiêm, phản cảm…

Nhiều bạn trẻ quê ở Quảng Ngãi đi làm tận trong TP.HCM mỗi năm về thăm quê một lần, đi viếng chùa Thiên Ấn và thấy cảnh này đã lắc đầu cho biết: “Lên chùa mà thấy buồn thêm. Sao nhà chùa lại không quản lý, các ngành chức năng thiếu quan tâm để chùa chiền biến thành nơi bát nháo như vậy?”.  Chúng tôi đành nói đùa một cách chua chát rằng: “Đó là câu hỏi lớn… không lời đáp!”.

Tại TP.HCM, nhiều bạn đọc đến các chùa đầu năm cũng đã xót xa gửi thư về Giác Ngộ bày tỏ: “Đau lòng thay khi trước chùa Hoằng Pháp (TP.HCM), người ta bày ra nhiều dịch vụ như: mua bán sách bói toán, xin xăm xem quẻ. Và những người ăn xin thì người quỳ, người ngồi lê lết gần trước cổng chùa hoặc hai bên đường đi”, bạn đọc Tâm Thanh chia sẻ.

Chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng, Q.1, TP.HCM) những ngày đầu năm đông nghẹt khách, người người chen nhau khấn vái cầu xin, trong đó nổi bật là lực lượng sư giả ngang nhiên “khất thực” lúc 18g - 21g mà không hề có ai “hỏi thăm” - dù đã có nhiều lời hứa hẹn giải quyết dứt điểm hiện tượng này.

Cũng trong thư gửi về Giác Ngộ, bạn Tâm Thanh lia ống kính và ghi nhận: “Không đông đúc, bát nháo như trước cổng chùa Hoằng Pháp, nhưng chùa Quan Âm (Bình Dương) thì lại có hiện tượng xin xăm cúng tiền. Nhiều người chen chúc xin xăm rồi bỏ tiền vào cái dĩa để dưới sàn phía trong chánh điện. Người năm ngàn, người mười ngàn, hai chục. Xin được quẻ số mấy thì đến lấy tờ giấy “giải quẻ xăm” tương ứng”.

Nghiêm túc mổ xẻ “nỗi buồn lễ hội”

Như đã nói ở trên, lễ thì phải trang nghiêm, thanh tịnh; hội thì phải vui tươi, lành mạnh. Thế nhưng những ngày hội xuân, ngày lễ đầu năm diễn ra ở khắp nơi, bên cạnh những ngôi tự viện thanh tịnh, còn nhiều miếu mạo, chùa chiền tái diễn hình ảnh xấu xí.

Ảnh 3 - Câu chuyện trong tuần 627.jpg

Thịt thú bày bán ở lối vào chùa Hương - khác với lời hứa
của BTC là dứt điểm trong mùa lễ hội này - Ảnh: TTO

Những hình ảnh nhếch nhác của hàng quán, người ăn xin (trong đó có bệnh thật, nghèo giả, sư giả…) sắp thành hai hàng từ ngoài cổng chùa vào đến tận chánh điện; vào trong điện thờ thì khói hương ngột ngạt (dù đã được lưu ý mỗi người chỉ một cây nhang, song ai cũng đốt nguyên một bó…). Tất thảy những hình ảnh xấu đau xấu đớn ấy có ý nghĩa gì ngoài việc thỏa mãn một ham muốn xin xỏ, cầu cạnh thánh thần của con người (hay thỏa lòng tham muốn của con người). Đó còn là sự thiếu hiểu biết của người tham gia lễ hội, cứ theo đám đông mù quáng, chưa được điều chỉnh và thiếu kiểm soát, hướng dẫn một cách nghiêm túc của Ban Tổ chức lễ hội.

Thiết nghĩ, mổ xẻ một cách nghiêm túc hiện tượng bát nháo của lễ hội hiện nay là một vấn đề cần phải thực hiện (không phải làm cho có) bởi trước những gì đang diễn ra cho thấy một điều là người dân thiếu nhận thức về đúng, sai. Có nghĩa là họ có một niềm tin không trên cơ sở của sự hiểu biết, mê tín nặng nề đang lan tỏa rất nhanh. Ban Tổ chức từng lễ hội, các ban, ngành các cấp Giáo hội ở những nơi ấy phải có trách nhiệm.

Chúng ta tạm “tiên trách kỷ” như thế để mà có hành động dứt khoát, có sự điều chỉnh một cách đúng đắn, ít nhiều tạo ra những đổi thay cần thiết trong tư duy, hành vi tín ngưỡng của người con Phật cho đúng đắn hơn. Thắp lên ngọn nến nhỏ, đừng nguyền rủa bóng đêm; đừng chỉ đứng đó lên án mà không làm gì hoặc né tránh trách nhiệm chính là điều mà Phật giáo nên chăng phải suy nghĩ!

“Mục đích nguyên thủy của lễ hội là phục vụ cộng đồng, và lễ hội tồn tại được lâu bền là nhờ sức sống của cộng đồng bản địa, không nên chỉ vì thu hút khách thập phương theo thời vụ ngắn hạn mà quảng bá quá mức về lễ hội. Nhiều địa phương vì mục tiêu tăng trưởng du lịch nên luôn cố gắng mở những lễ hội giới thiệu bản sắc dân tộc trong vùng miền của mình để kéo khách đến, thực tế cho thấy ngoài một số ít thành công như Quảng Nam, Đà Nẵng... còn hầu hết là gây hiệu ứng ngược: khách đến không chi tiêu gì, mất an ninh trật tự, cuộc sống cộng đồng bị xáo trộn.Và đó là sự mất mát lớn nhất” - Ông Tô Văn Động (Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL)

“Tư duy “thành tích” trong việc bảo tồn di sản văn hóa, mục đích tổ chức lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu danh, lợi không chính đáng và cách thức khai thác giá trị kinh tế của lễ hội... Chỉ khi nào khắc phục được những điều đó thì lễ hội mới thật sự là của cộng đồng, mới thật sự bảo tồn được những giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa” - TS Nguyễn Thị Hậu (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày