Lễ Phật và văn hóa chốn linh thiêng

Mỗi người chúng ta chắc ít nhiều cũng từng vào Chùa, người đi vãn cảnh, người dâng hương lễ Phật và không ít người vào để cầu xin sức khoẻ, bình an thậm chí xin cả bổng lộc, tiền tài, địa vị. Tôi là một trong số đông người thường xuyên đi lễ chùa và cũng chứng kiến nhiều cảnh khó có thể tin nó lại diễn ra ở chốn linh thiêng này.

Vào chùa

Ngày tuần, mồng Một hàng tháng, chỉ cần xe của bạn đến gần một ngôi chùa bất kỳ nào đó là có một đội ngũ "cảnh sát giao thông" đứng ngang giữa đường để chặn lại với những lời mời chào vồn vã: "Gửi xe vào chùa đi anh", "hôm nay chùa không cho xe vào trong đâu". Hoặc đưa giá trông xe luôn: "5.000 một xe chị ơi, lên kia 10.000 đấy". Cái giá không có trong bất kỳ quy định nào vẫn ngang nhiên tồn tại cho dù người đi lễ có kêu than vẫn phải chấp nhận thôi bởi một lẽ thường tình không gửi thì không vào lễ được. Một bác trung tuổi phải quát lên rằng: "Tôi không vào chùa, sao giữ xe của tôi" mới thoát khỏi đám người này.

Gửi xong xe thì ngay lập tức du khách bị đội "cái bang" bủa vây; "cô ơi cho già này xin lộc", "chú nhón tay làm phúc cho con xin miếng cơm"... Người xưa có câu: "Lộc bất tận hưởng", phát tâm làm phúc âu cũng là cái lẽ nên làm nhưng phát tâm nơi cửa chùa cho những người lấy ăn xin là một nghề thì cũng là việc nên nghĩ lại lắm thay.

Lễ Phật

"Một vái xa bằng ba vái gần", ấy nhưng Phật tử nào cũng muốn đến thật gần bàn thờ Phật để dâng hương, đặt lễ, để được chiêm bái Đức Phật hoặc hơn nữa nếu được chạm tay vào chân Ngài thì phúc lộc lắm thay. Vậy nên mới có cảnh chen nhau vào gần Tam Bảo, đầu đội lễ, miệng hô to xin cho đi nhờ qua, tay luôn gạt người bên phải, xô người bên trái. Ai cũng muốn vào gần hơn nữa nên mạnh ai người nấy chen, nhà chùa phải lên tiếng yêu cầu các Phật tử bình tâm chờ đến lượt mà khó lắm thay.

Phật dạy: Khi tâm mình tịnh tức là cõi Phật tịnh. Nếu ngộ được pháp vô sinh thì cõi Tây phương cách chẳng bao xa, chẳng ngộ tự tâm mà niệm Phật thì con đường vãng sanh còn xa xôi. Muốn thấy Phật thì tìm ở nơi tánh, chớ nên cầu ở bên ngoài, chỉ cần tâm được thanh tịnh thì tự tánh tức là Tây phương vậy. Tổ Bồ Đề Đạt Ma dạy: Muốn tu hành thì ở nhà tu cũng được, chẳng cần ở chùa.

Lễ Phật và văn hóa chốn linh thiêng ảnh 1

Cảnh chen nhau, xô đẩy để được vái Phật là cảnh không còn xa lạ trong những ngày lễ, ngày rằm, mùng một...
                                                                                                          Ảnh Dân Trí

Khách hành hương chưa hiểu hết lời Phật dạy nên không hiếm kẻ bầy mâm cao, cỗ đầy, xôi thịt oản quả, chè thuốc rượu ngoại trên Ban Tam Bảo. Mà lời khấn thì ôi thôi "ngộ" lắm thay: "Con cầu trời khấn Phật cho con buôn Đông thắng Đông, buôn Tây thắng Tây, đi tươi về tốt, buôn một bán mười...", "cầu cho con trúng quả chứng khoán trong tháng này" hay như "Cầu cho gia chủ nhà bên cạnh không có cơ hội gây khó khăn cho con...". Phải chăng họ muốn "vơ lộc" của cả thiên hạ về mình. Nếu xin mà được hết thì làm gì có kẻ nhảy lầu vì vỡ nợ, cũng chẳng còn cảnh hàng xóm láng giềng gây gổ cãi nhau về những chuyện không đâu. Phật tại tâm đâu tại nơi cửa chùa!

"Lễ mọn lòng thành" của các con nhang đệ tử không thể thiếu tiền vàng. Họ quan niệm càng cúng nhiều tiền càng được nhiều lộc mà không biết rằng tiền vàng không dùng để cúng Phật.

Theo sử sách của người Trung Hoa, tục đốt vàng mã bắt đầu từ thời nhà Hán.  Nguyên do vì nhà vua muốn thực hành lời dạy của Đức Khổng Tử: "Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn", nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn và cho rằng người mất sống nơi cõi âm vẫn có những nhu cầu như kẻ còn sống như tiền bạc, nhà cửa, thực phẩm v.v... Nên khi nhà vua băng hà, phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để vua tiêu dùng. Sau đó quan bắt chước vua và rồi dân bắt chước quan.  Ai cũng chôn tiền thật theo người chết.  Bọn trộm cướp biết vậy nên đào trộm mồ những người giầu có, như mộ vua Hán Văn Đế bị quân trộm khai quật lấy hết vàng bạc châu báu.

Về sau từ quan đến dân thấy việc chôn tiền bạc thật quá tốn kém nên mới nảy sinh ra dùng giấy cắt ra làm tiền giả, vàng giả để thay thế.  Dần dà người dân bắt chước và trở thành tập tục. Đến năm Khai Nguyên thứ 26 (năm 738), đời Đường Huyền Tông, nhà vua ra sắc dụ cho phép dùng tiền giấy thay cho tiền thật trong việc cúng tế cầu siêu do quan tế tự Vương Du phụ trách. Việc sử dụng vàng mã chính thức bắt đầu từ đấy.

Tục lệ đốt vàng mã này ảnh hưởng sâu đậm vào nước ta, từ vua chúa đến thứ dân.  Vụ đốt vàng mã lớn nhất Việt Nam vào đầu thế kỷ XX là trong đám tang của Vua Khải Định. Đức Vua băng hà vào ngày 25/11/1925, Triều đình Huế đã làm nguyên cả ngôi điện Kiến Trung bằng giấy thật lớn và nhiều loại đồ dùng của vua như ngự liễn, long xa, tàn kiệu, v.v... để đốt theo vua.

Không hề thấy có việc đốt vàng mã cúng tế người chết được ghi trong tam tạng kinh điển của nhà Phật. Quan niệm sống chết đối với Phật Giáo chỉ là hai mắt xích trong một chuỗi sinh tử dài vô tận, từ vô thủy cho tới ngày giải thoát tối hậu, con người đạt tới cảnh giới bất tử.  Do đó, Phật giáo không có khái niệm về một nơi chốn dành riêng cho những người đã chết, mà dân gian thường hay gọi là cõi âm hay là âm phủ. Đây là những từ ngữ của tín ngưỡng dân gian. Vậy nên càng không có tục đốt tiền vàng cúng Phật.

Lễ Phật và văn hóa chốn linh thiêng ảnh 2
Dùng tiền triệu để mua vàng mã về đốt cúng Phật là một sự lãng phí và đi ngược với Phật pháp.
Ảnh: Bblog. yahoo.com

Nhưng không ít kẻ đặt lên mỗi ban thờ không chỉ một lễ tiền vàng mà cả đinh tiền vàng. Mỗi chùa có từ 5 đến 7 ban thờ hoặc nhiều hơn. Mỗi ban thờ được đặt cả 1 đinh tiền vàng (10 lễ). Vậy tiền vàng này cúng cho ai, cúng để xin điều gì (?!). Và rồi sau mỗi khoá lễ, nhà chùa phải mất một ngày đêm để hoá hết số vàng mã đó. Một sự lãng phí và đi ngược với Phật pháp.

Xin lộc

Ai vào chùa cũng muốn xin lộc cho bản thân và gia đình. Thế nhưng, xin lộc cũng có điều cần xem lại. Người ta dâng hương hoa oản quả lễ Phật rồi xin một phần lễ đó mang về cho mình. Phần còn lại gửi nhà chùa phát tâm cho chúng sinh hoặc chính mình mang phần lộc đó phát tâm cho người khác.

Vào những ngày có khóa lễ, nhà chùa thường chuẩn bị trước một số lộc để phát cho Phật tử. Ai cũng muốn xin lộc, xin càng nhiều càng tốt nên lại diễn ra cảnh chen lấn xô đẩy nhau. Mỗi phần lộc đơn giản là một quả chuối và một cái oản đỏ. Vậy nhưng có người phải xin cho được 4 phần cho các thành viên trong gia đình. Người xin được lộc rồi cũng không thoát ra khỏi đám đông đó, người chưa có lộc thì bằng mọi cách chen vào cho kỳ được, người phát lộc không thể đứng thẳng lên được vì bị đám người hỗn độn đó níu kéo, giật áo, bám tay. Đức Phật trên toà sen chắc buồn lắm thay vì thấy chúng sinh của mình không hành xử theo đúng tâm nguyện của Người.

Đau lòng hơn nữa là có chúng sinh còn so đo đắt rẻ khi nhận lộc chùa (?!). Xin đưa một ví dụ đáng buồn về việc này: Vào ngày mùng 8 tháng Giêng, mùng 8 tháng Hai năm Canh Dần, Tổ đình Phúc Khánh (Ngã Tư Sở) làm lễ giải hạn sao La Hầu. Mỗi chúng sinh gặp sao La Hầu đóng 100.000đồng để chùa làm lễ. Đương nhiên cảnh xô đẩy nhau bất chấp già trẻ lại diễn ra. Một chị sau khi cầm được lộc lại nói: "100.000 đồng mà chỉ có thế này thôi sao". Đau lòng quá. Đi lễ Phật mà tính toán tiền nong đã là điều không nên huống chi đây là khoá lễ giải hạn cho nhà chị ta.

Hãy làm một phép tính đơn giản thôi: Khoá lễ giải sao La Hầu (cũng như các sao khác) sẽ được cử hành vào một ngày nhất định trong tháng. Như vậy tương đương với mỗi người sẽ được nhà chùa làm lễ cho 12 lần trong năm. Nếu là năm nhuận sẽ là 13 lần. Mỗi người chỉ "tốn" từ 7.700 đồng đến 8.300 đồng cho một khoá lễ. 8.000 đồng này sẽ được chi cho việc viết sớ, mua hoa quả dâng lễ tại các Ban thờ, chuẩn bị lộc để phát cho chúng sinh. Sớ được viết bằng chữ Hán trên giấy mầu khổ A3. Người viết sớ là giáo viên, sinh viên khoa tiếng Trung Đại học Hà Nội, Đại học Quốc gia. Họ phát tâm cho chùa chứ hoàn toàn không có chuyện công sá gì. Làm phép tính như vậy thật chua sót và càng thấy tâm của người đi lễ mới đáng thương làm sao.

Và văn hoá

Cách đây nhiều năm, người ta phê phán nam thanh nữ tú ăn mặc nhố nhăng đi lễ chùa. Báo chí nói nhiều, nhà chùa cảnh báo cũng không ít. Vậy nên tình trạng này bớt hẳn đi. Bớt là bớt độ ngắn của váy, của quần, độ hở của áo thôi chứ độ mỏng của trang phục thì chưa bớt được là bao. Nhiều chị em "diện" nguyên của bộ quần áo ngủ mốt "lò so" vào chùa, dài thì có dài thật nhưng mỏng và nhàu thì... ôi thôi.

Khóa lễ đang được cử hành một cách trang nghiêm, các Phật tử nhất tâm thành kính, không gian yên ắng tôn nghiêm bỗng dưng một bài hát rất "hot" của M.Jackson, của Taylor vang lên rộn ràng. Chủ nhân của tiếng nhạc đó hoặc đang "thành kính" quá hoặc tìm mãi không thấy điện thoại đâu nên khiến mọi người "bỗng dưng xôn xao".

Khóa lễ kết thúc cũng là lúc mọi cố gắng của nhà chùa để giữ trật tự cũng đều vô ích. Cảnh nhốn nháo lại diễn ra, cảnh xô đẩy lại tiếp tục và rồi sân chùa biến thành một bãi rác với đủ các loại giấy báo, bìa cát tông, vỏ chai lavie. Trước khóa lễ, nhà chùa rải chiếu hoa nơi sân chùa cho Phật tử ngồi lễ, nhưng kết thúc khoá lễ thì những chiếc chiếu hoa lại bị giầy xéo một cách không thương tiếc.

Điều răn thứ 13 của Phật là: Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết, hiểu về Phật pháp không phải ai cũng hiểu mà không phải ai cũng có cơ hội để hiểu. Nhưng hiểu về văn hoá ứng xử ở mọi nơi, mọi lúc thì nên lắm thay. Chỉ tiếc rằng chốn linh thiêng trong tâm mỗi người đang ít nhiều bị xáo trộn.

(Trong bài có sử dụng tư liệu về vàng mã của tác giả Hoàng Liên Tâm)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày