Lễ tưởng niệm 40 năm Hòa thượng Bửu Chơn viên tịch

GNO - Hôm nay 30-8 (1-8-Kỷ Hợi), chư Tăng hệ phái Nam tông đã vân tập về chùa Phổ Minh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) dự lễ tưởng niệm 40 năm Trưởng lão HT.Bửu Chơn, nguyên Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, viên tịch (1979 - 2019).

H1.JPG

Di ảnh cố Hòa thượng Bửu Chơn tại chánh điện chùa Phổ Minh

Chứng minh buổi lễ có sự tham dự của Trưởng lão HT.Viên Minh, UVTT HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS, trụ trì chùa Phổ Minh; chư tôn đức Ban Thường trực HĐTS, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM.

Buổi lễ còn có đoàn Phật giáo Vương quốc Campuchia do ngài Đại Tăng thống - Đại lão HT.Tep Vong dẫn đầu. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của đông đảo chư Tăng, tu nữ, Phật tử và đại diện các ban ngành đến dự lễ tưởng niệm.

h2.JPG

Chư tôn đức giáo phẩm niêm hương tưởng niệm

Sau khi thức tưởng niệm, chư tôn đức giáo phẩm và quan khách, Phật tử đã cùng ôn lại hành trạng, công đức của vị giáo phẩm trưởng thượng của hệ phái Phật giáo Nam tông, người có nhiều đóng góp to lớn trong việc thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.

Đại diện Tăng đoàn hệ phái Nam tông, tại buổi tưởng niệm, HT.Thích Thiện Tâm đã cung tuyên tiểu sử Trưởng lão HT.Bửu Chơn, qua đó nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của ngài trong sự hình thành và phát triển của hệ phái nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung.

H3.JPG

HT.Thích Thiện Tâm cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão HT.Bửu Chơn

HT.Bửu Chơn sinh ra tại vùng đất Sa Ðéc (Ðồng Tháp) vào năm 1911, thuở thiếu thời, ngài đã có cơ duyên sinh sống tại đất nước Chùa Tháp Campuchia. Nơi đây, ngài được tiếp cận và thấm nhuần giáo lý Phật giáo Nam tông, vốn là quốc giáo của vương quốc này và quyết định xuất gia vào năm 1940. Về sau, ngài vào rừng chấp trì hạnh đầu-đà (dhutanga) xuyên suốt mười hai năm.

Đến năm 1951, Hòa thượng về Sài Gòn - miền Nam Việt Nam để truyền bá giáo pháp Nguyên thủy. Đến năm 1952, ngài sang Sri Lanka để thực hiện nghiên cứu Phật học tại Trường Dhammaducla Viddhyàlaya trong thời gian hai năm. Không chỉ chuyên tâm trong con đường học Phật, Hòa thượng còn tích cực trong các hoạt động Phật sự quốc tế, góp phần lan tỏa đạo pháp ở nhiều nơi.

Vào năm 1956, ngài tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ 3 tại Miến Ðiện. Dịp này, Chính phủ đất nước này đã cúng dường ngọc xá-lợi Phật và được ngài mang về tôn trí, phụng thờ tại quê hương Việt Nam.

H6.JPG

HT.Thích Thiện Nhơn đạo từ tại lễ tưởng niệm

“Cố Hòa thượng là một trong những thành viên tích cực vận động thành lập Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam và ngài được cử làm Tăng thống Ban Chưởng quản vào năm 1957. Trong năm này ngài dẫn đầu phái đoàn dự lễ kỷ niệm 2.500 năm Phật giáo tại Campuchia, Hội nghị Phật giáo lần thứ 4 tại Nepal và Hội nghị Triết học tại Ấn Ðộ. Năm 1958, ngài dự Hội nghị Quốc tế về lịch sử Tôn giáo Thế giới lần thứ 9 tại Ðông Kinh, Nhật Bản. Năm 1960, ngài được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Thế giới trong kỳ Ðại hội lần thứ 5 tại Thái Lan và tham dự Hội nghị Lịch sử Tôn giáo Thế giới lần thứ 10 tại Tây Ðức”, HT.Thích Thiện Tâm điểm lại hành trạng của cố Trưởng lão Hòa thượng.

H4.JPG

Chư tôn đức tham dự

Sau ngày đất nước thống nhất 1975, Hòa thượng tham gia vào Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM và được cử vào chức vụ Phó Chủ tịch. Năm 1977, ngài đắc cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố.

Được biết, cố Hòa thượng cũng đã tìm hiểu và nghiên cứu Phật giáo tại nhiều nước Tây phương như Anh, Ý, Pháp và tổ chức Phật giáo tại các nơi này. Ngài cũng là một học giả, thông thạo nhiều ngoại ngữ như Lào, Thái Lan, Khmer, Miến Ðiện, Tích Lan, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ðức, Ý, Nga và cổ ngữ Pàli. Riêng về Pàli là ngôn ngữ mà Hòa thượng dành nhiều thì giờ nghiên cứu nhất và đã soạn thành tự điển Pàli hữu dụng cho các thế hệ sau này. Bên cạnh đó, nhiều kinh sách do chính Hòa thượng phiên dịch và trước tác để hoằng dương giáo pháp, trên dưới 20 tác phẩm vẫn còn được lưu truyền và có giá trị cao cho đến nay.

H5.JPG

Chư Tăng, quan khách Việt Nam và Campuchia tham dự lễ tưởng niệm

Ngày 21-9-1979 (1-8-Kỷ Mùi), bốn ngày sau khi dẫn đầu phái đoàn Phật giáo Việt Nam sang thăm hữu nghị, tham dự lễ Đôn-ta, lễ lớn nhất của dân tộc Campuchia, tại đất nước Chùa Tháp và tổ chức lễ truyền giới Tỳ-kheo cho các nhà sư ở đây, ngài đã an nhiên viên tịch tại Phnôm Pênh, hưởng thọ 69 tuổi đời, với 30 tuổi đạo.

H10.jpg

Khánh tuế ngài Đại Tăng thống Phật giáo Vương quốc Campuchia - HT.Tep Vong

H8.JPG

Chư Tăng Nam tông trì bình khất thực

Nhân lễ tưởng niệm cố Hòa thượng, dịp này, tại chùa Phổ Minh, dưới sự chủ trì của HT.Thích Thiện Tâm, cũng đã long trọng tổ chức lễ trai Tăng, khóa kinh cầu an, cầu siêu và cúng dường Bát hội đến hơn 100 vị Tăng hiện diện.

Đặc biệt, tại buổi lễ, HT.Thích Thiện Tâm cũng đã đại diện hệ phái tổ chức lễ khánh tuế đến Đức Đại Tăng thống vương quốc Campuchia - Đại lão HT.Tep Vong.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh an trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Đồng Nai)

Đại Giới đàn Đạt Thanh: Cung thỉnh di ảnh Tổ sư về giới trường, giáo giới hành nghi các giới tử

GNO - Chiều 25-4, Ban Kiến đàn Đại giới đàn Đạt Thanh đã đến tổ đình Long Thiền cử hành lễ cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh và giới bổn về chùa Tỉnh Hội - giới trường Tăng, đồng thời chư Ni trong Ban Kiến đàn cũng đã cung thỉnh di ảnh từ chùa Bửu Phong về chùa Phước Hội - giới trường Ni.

Thông tin hàng ngày