Lên chùa luyện võ

Võ đường Mai Thành Sơn nằm trong khuôn viên chùa Bằng A (P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) được mở từ hơn 1 năm nay. Số lượng võ sinh ngày một tăng.

Học võ để tự tin

Say mê những đường quyền Thiếu Lâm qua phim ảnh là lý do khiến Ngô Quyết Chiến (Trung tâm giáo dục thường xuyên H.Thanh Trì) theo học môn võ này. Tháng đầu tiên, niềm đam mê của Chiến bị “dội gáo nước lạnh” bởi các bài tập thể lực, khắp nơi trên cơ thể bầm dập, thâm tím. Nhưng càng học, Chiến càng cảm thấy hứng khởi. Ngoài các thế võ, buổi học đạo vào ngày cuối tuần không khô khan, buồn ngủ như Chiến tưởng tượng. 

Khi thì nghe giảng về lòng hiếu thảo với cha mẹ, sống phải độ lượng và nhường nhịn, luôn mở lòng giúp đỡ mọi người; lúc lại được răn dạy gạt bỏ lòng tham lam, dối trá hay tính ganh ghét, đố kỵ… “Mỗi bài giảng là một bài học về cuộc sống mà không phải ai cũng có cơ hội lắng nghe”, Chiến hào hứng nói.

1111111vo-phat.jpg

Ngoài kỹ năng tự vệ, võ đường là nơi để mỗi bạn trẻ trui rèn ý chí và bản lĩnh - Ảnh: P.Hậu

Dáng người mảnh mai, làn da trắng nõn, Trần Thúy An nhìn liễu yếu đào tơ, nhưng thực tế cô lại nằm trong số những võ sinh tiêu biểu. Có thời gian dài làm tình nguyện tại chùa, An biết đến võ đường từ lúc chỉ có một thầy dạy một trò. Bước chân vào võ đường, An luôn tâm niệm, không lạm dụng võ thuật để giương oai, học trước hết là rèn luyện, nâng cao thể lực, tự vệ cho bản thân, khi cần có thể tự tin giúp đỡ người khác.

Lên chùa luyện võ ảnh 2Mỗi bài giảng đều hướng các bạn trẻ đến giá trị chân thiện mỹ, phát triển thành những cá nhân tích cực trong xã hội Lên chùa luyện võ ảnh 3

Đại đức Thích Thuần Tại 
Đại diện chư Tăng chùa Bằng A

Trong số võ sinh theo học tại đây, đáng chú ý có Đỗ Thị Huế (sinh viên CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội) - vốn bị bệnh hở van tim - từng luyện tập qua vài môn võ nâng cao thể lực nhưng cũng nhanh chóng bỏ cuộc vì có quá nhiều bài tập đối kháng. Chuyển sang Thiếu Lâm, Huế thấy môn võ này hợp với mình, vì cách ra đòn không quá mạnh để triệt hạ mà cần sự nhanh nhẹn, linh hoạt hóa giải khả năng tấn công của đối thủ. Sức khỏe không cho phép theo đuổi bài tập nặng, Huế đang tham gia dạy các bài tập thể lực cho lớp võ sinh nhí.

Học võ để hành thiện

Chia sẻ về quá trình gây dựng võ đường, huấn luyện viên Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, Thiếu Lâm là môn võ Phật nên không gian học tập của chùa Bằng A giúp võ sinh cảm nhận sự tôn nghiêm, thấm nhuần tinh thần sử dụng võ thuật để hành thiện, ứng xử nhân văn, tuyệt đối không sử dụng vào mục đích tiêu cực. Ngoài 3 buổi luyện võ, ban chủ nhiệm khuyến khích võ sinh tập trung học đạo vào sáng chủ nhật hằng tuần do sư thầy tại chùa Bằng A thay phiên lên lớp. 

Theo Đại đức Thích Thuần Tại - Đại diện chư Tăng chùa Bằng A, đối tượng theo học ở nhiều độ tuổi, có tâm sinh lý khác nhau nên rất khó xây dựng giáo án chung. Nhưng mỗi bài giảng đều hướng các bạn trẻ đến giá trị chân thiện mỹ, phát triển thành những cá nhân tích cực trong xã hội.

Mỗi tuần dành 4 buổi sau giờ làm việc để dạy võ, ít ai biết rằng anh Cường đang làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm. Tạo ra sân chơi lành mạnh giúp các bạn trẻ nâng cao sức khỏe, trang bị kỹ năng cần thiết để tự vệ, rèn luyện bản lĩnh ý chí thích nghi, đối mặt với các tình huống trong cuộc sống là nguồn cảm hứng giúp anh Cường dày công gây dựng, duy trì và phát triển võ đường này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh họa

Không muốn đi chùa vì nghe nhiều điều xấu về tu sĩ

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày