Lên đỉnh Thất Sơn

Thất Sơn, cái tên rất quen mà rất lạ. Quen bởi bất cứ ai sống ở Nam bộ đều biết đó là bảy ngọn núi huyền thoại ở tỉnh An Giang. Lạ vì mấy ai đã thật sự đặt chân tới ngần ấy đỉnh núi.
Lên đỉnh Thất Sơn ảnh 1
Nhìn từ núi Ông Cấm - Ảnh: T.Thế Dũng

Sáu giờ sáng khởi hành từ bến xe miền Tây thì đúng 2 giờ chiều tôi đặt chân lên những bậc thang đầu tiên của núi Ông Két hay còn gọi Anh Vũ Sơn. Bước thêm vài trăm bậc thì đến khối đá tròn, có nhiều phiến đá xếp chồng phía trên tạo thành hình đầu chim két trông rất ngoạn mục. Từ đây muốn lên chóp đỉnh phải vượt hàng loạt con dốc toàn đá hòn lớn nhỏ dưới tán lá rừng tái sinh.

Tôi mở máy khởi động GPS thiết bị định vị toàn cầu, sau vài phút chờ dò sóng vệ tinh, trên màn hình hiển thị 252m so với mặt nước biển. Không thể tin nổi vì nhiều tài liệu xác định núi cao 225m.

Chinh phục Cô Tô

Qua đêm tại thị trấn Tri Tôn, rạng sáng chúng tôi phóng xe máy rong ruổi đến khu du lịch Soài So, cửa ngõ duy nhất để chinh phục núi Cô Tô - Phụng Hoàng Sơn. Kế tiếp là thuê xe “đặc chủng” lên Sân Tiên cao điểm 298m. Đây là loại xe gắn máy bình thường song gắn nhông 13 răng và đĩa 47 răng cùng bánh xe đặc biệt nhằm vượt dốc có độ nghiêng gần 40%. Hành trình từ Sân Tiên lên Cấp Nhất địa danh chóp đỉnh Cô Tô qua lối mòn dẫn bước đến nhiều triền núi gối lên nhau dưới vườn cây ăn trái chen lẫn rừng trúc, rừng tre mạnh tông tạo cảm giác bình yên, thanh thản. Và cứ thế cho đến khi chúng tôi chạm tay vào cột mốc bằng bêtông được đúc trên tảng đá giữa bốn bề là nắng gió, đồng thời máy GPS báo kết quả 614m.

Sau hàng giờ lòng vòng thăm hỏi tại thị trấn Ba Chúc, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đường lên núi Tượng qua những vách núi cheo leo, đầy gai rừng. Song dù sao vẫn không đáng ngại bởi từ chân núi đến chóp đỉnh vốn là hai tảng đá chồng chất cao 145m. Duy có điều xung quanh trống trải tiêu điều, ngoài một miếu thờ cụ Thượng đẳng đại thần Nguyễn Trung Trực. Người ta kể vào tháng 4-1978 khi Khmer Đỏ vượt biên giới tàn sát dân làng Ba Chúc, đông đảo người dân kéo nhau lên núi tìm hang đá để ẩn nấp hàng tháng ròng.

Khám phá Thiên Cấm Sơn

Theo lối mòn về phía tây, chúng tôi lần bước qua nhiều nương rẫy và tìm về núi Nước. Gọi là núi nhưng thật ra chỉ cao 17m và được cấu tạo từ những tảng đá lớn nhỏ chồng chất lên nhau giữa hồ nước mênh mông, chẳng khác hòn non bộ khổng lồ. Tuy nhiên, điều dễ nhận ra nơi đây rất lý tưởng để những ai muốn tìm đến không gian thanh tịnh, chiêm ngưỡng cảnh đẹp xung quanh. Nhìn về đằng tây, mặt trời tựa khối cầu lửa đang xuống dần sau rặng núi.

Núi Ông Cấm tên chữ là Thiên Cấm Sơn, được tôn vinh là ngọn núi hùng vĩ, linh thiêng và kỳ tích nhất bảy núi. Kỳ thực, đứng trên Vồ Bồ Hong, chóp đỉnh Cấm Sơn, ở độ cao 710m người ta có thể ngắm nhìn cả một vùng không gian bao la rộng lớn. Gần thì năm non: Vồ Đầu, Vồ Bò Hong, Vồ Thiên Tuế, Vồ Bà, Vồ Ong Bướm tọa lạc ngay trên núi Cấm, xa hơn một chút là quần thể núi đá xung quanh, xa hơn nữa là khu vực Hà Tiên, miệt Châu Đốc, lãnh thổ Campuchia... Cấm Sơn còn mang trong mình biết bao truyền thuyết kỳ bí: chuyện các vị đạo sĩ tu đắc đạo thành tiên, chuyện những người ngậm ngải tìm trầm, kho báu biến thành “xà niêng” điên dại..

Ở núi Dài Nhỏ - Năm Giếng, do vách núi chia cắt hiểm trở, khó xác định vị trí chóp đỉnh nên sau hơn một giờ hì hục leo trèo, nhìn xa xa nổi bật trên bầu trời chênh vênh mỏm đá khổng lồ ai cũng ngỡ đã đi đúng hướng. Tuy nhiên khi tới nơi, chúng tôi phát hiện thêm cụm đá chồng cao hơn nằm sâu trong rừng và khuất giữa đám rễ cây cổ thụ bám chằng chịt. Và thế là lại tái diễn cảnh chặt cây mở đường và tiếp tục trườn mình trên mặt đá như làm xiếc cho đến tận chóp đỉnh. Trong không gian tĩnh mịch, tranh tối tranh sáng của thời khắc cuối ngày, tôi vẫn thấy GPS định vị 268m.

Vòm hang trên núi Ông Két - Ảnh: T.Thế Dũng

Vòm hang trên núi Ông Két - Ảnh: T.Thế Dũng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày