Linh chú tuổi thơ…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Tôi từng đọc đâu đó (hoặc nghe kể) trẻ em Tây Tạng hễ bắt đầu gọi được tiếng mẹ là đã biết tụng câu chú Mani của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Gẫm lại thì hình như trẻ con Việt Nam cũng không khác lắm. Tôi không rõ mình biết câu chú Om Mani Padme Hum bao giờ, chỉ nhớ hồi biết chạy… đi mua rượu cho ba (nhất là khi đang ngon trớn, đang bén mồi mà hết rượu). Mà khổ những lần đi mua rượu cho ba, tôi chỉ còn nhớ những hôm trời tối như mực. Cứ đến đầu ngõ, tôi lại bấm đầu ngón cái vào đốt tay cuối của ngón nhẫn vừa đọc: “Án ma ni bát di hồng” vừa chạy vụt qua. Cái ngõ ác liệt đã quanh co khúc khuỷu, đầy xương rồng, dâu tằm lại còn nằm giữa một cái mả làm bằng đá ong bên trái và một bàn Thiên bên phải (nếu đi từ nhà ra ngõ). Cái nhà đầu ngõ một thời lại thả thêm mấy cành dạ lý hương ma mị. Không biết ai đồn, mà đứa nhỏ cứ nhớ rằng ma rất thích mùi hương của loại hoa này.

Ban ngày đi ngang qua đã rợn nói gì đến những đêm miền Trung tối như mực. Mà ngày nào chẳng phải ra khỏi nhà, làm sao ra khỏi nhà mà không phải đi qua ngõ kia chứ. Ban ngày với câu chú, tôi có thể đường hoàng đi ngang, nhưng ban đêm thế nào cũng vụt chạy. Giờ nghĩ lại không biết ai là người đã dạy cho tụi nhóc câu chú ấy. Cũng có thể xem phim Tàu rồi tự bảo nhau cách… bớt sợ ma. Cũng có thể nhà tôi gần chùa, chùa lại có sân rộng để chơi nên bọn trẻ trong xóm ở chùa nhiều hơn ở nhà. Có khi nào câu chú đã tình cờ lọt vào tai chúng?!

Dẫu tiếng trúng tiếng trật thì đứa nào cũng thuộc nằm lòng, thuộc cả cách “bắt ấn” nữa (tới giờ tôi cũng không rõ cách “bắt ấn” này ở đâu ra nữa). Dẫu chỉ là một câu tâm chú “tình cờ”, đó cũng là một sự kết nối kỳ diệu. Ít nhất, tôi và những đứa trẻ khác đã mang trong tim mình “âm thanh” của lục tự đại minh mà không hề hiểu biết ất giáp gì oai lực của câu chú ấy, ngoài ý nghĩ non nớt về việc… trừ ma. Sự kết nối đó liệu có thể xem là nhân duyên không?

Xưa nay, người Việt có mối kết nối vô cùng gần gũi với Bồ-tát Quán Thế Âm. Hầu hết các chùa đều có tượng Đức Bồ-tát đặt bên trong lẫn bên ngoài nội điện. Người có thời gian vô chùa lễ Phật thì lễ tượng bên ngoài, rồi vô trong chánh điện. Người không có thời gian, chỉ đứng trước tượng lộ thiên lạy 3 lạy, xá ba xá rồi đi. Vậy cũng đủ để thấy Bồ-tát Quán Thế Âm gần với chúng sanh đến thế nào. Những con người mà vì họ, Ngài đã lập nên hạnh nguyện bi mẫn, lắng nghe và giúp đỡ của mình.

Sau này có dịp tìm hiểu về Phật giáo Tây Tạng, tôi biết rằng hầu hết các pháp hành đều phải được sự cho phép của vị thầy thông qua lễ quán đảnh hay ít nhất phải được khẩu truyền. Chỉ một số ít câu chú được phép tụng đọc không cần khẩu truyền hay quán đảnh, trong đó có linh chú Mani. Điều này phải chăng phát xuất từ hạnh nguyện phổ độ mọi chúng sanh cùng khổ của Ngài? Không cần phải qua bất kỳ một cánh cửa nào khác, chỉ cần thương, nhớ, nghĩ, thậm chí chỉ gọi Ngài thôi là đủ.

Tôi nhớ có lần nghe thầy mình giảng về hạnh cúng dường bố thí. Ai cũng biết về lợi lạc vô biên của hạnh bố thí, nhưng trong thời điểm dịch bệnh kéo dài, dường như mọi người đều ít nhiều chật vật, sự thực hành bố thí, vì thế cũng trở nên hạn hữu hơn. Tôi nhớ mình từng được thầy dạy: “Hãy cúng dường lên đạo sư, ngay cả khi không có gì để cúng dường, con cũng có thể ném vào Ngài một viên đá”. Tôi không hẳn chấn động, nhưng có lẽ cũng có chút sững sờ. Tôi quen kính đạo sư như Phật, như Cha như Mẹ, sao có thể ném chỉ một viên đá vào Ngài? Thầy tôi, không để chúng đệ tử chờ lâu, nhanh chóng giải thích: “Thậm chí một viên đá, vì sao ư? Vì quan trọng nhất là sự kết nối. Hãy kết nối với đạo sư của con. Hãy kết nối để tâm con hòa với tâm thầy”.

Sững sờ tiếp nối sững sờ. Bỗng dưng mà tôi nhớ về câu chú năm xưa, sự kết nối nào đã đưa câu chú lọt vào tai chúng tôi, nằm trong tim chúng tôi, trong nỗi sợ trẻ dại, cùng tôi đi qua những ngày tháng đáng sợ và diệu kỳ, dẫu theo cách thức thật ngô nghê. Nhưng có lẽ cũng từ cách thức ngô nghê ấy, tôi đã học được chút nào bài học sơ tâm về hạnh vô úy.

Và rồi một suy nghĩ chợt hiện lên trong tôi, trước khi bố thí sự không sợ hãi, trước khi lập những hạnh nguyện lớn lao, trước khi là Phật, trước khi là Bồ-tát, Ngài từng là một người ra sao? Tương truyền, trong vô lượng kiếp xa xưa, khi còn là một vị Thái tử, Ngài từng phát nguyện cứu giúp tất cả hữu tình, và “nếu có khi nào mệt mỏi trong công việc lớn lao này thì nguyện cho thân con tan thành một ngàn mảnh”. Ngài “tả xung hữu đột” từ địa ngục, ngạ quỷ, lên đến các cõi trời… Và rồi khi quay đầu nhìn lại, Ngài nhận ra dẫu đã cứu vô số chúng sanh, vẫn còn có hằng hà sa số khác đang sa vào cõi khổ. Trong một giây, Ngài gần như mất niềm tin vào lời nguyện vĩ đại của mình và thân thể Ngài liền nổ tung thành ngàn mảnh.

Trong cơn tuyệt vọng, Ngài kêu cứu tất cả chư Phật. Chư Phật mười phương bay đến như mưa tiếp cứu. Với thần lực nhiệm mầu, chư Phật làm cho Ngài hiện toàn thân trở lại, với mười một cái đầu, một ngàn cánh tay, trên mỗi lòng tay có một con mắt. Trong thân tướng này, Bồ-tát Quán Thế Âm lại càng còn sáng chói rực rỡ, càng nhiều năng lực cứu độ chúng sanh hơn nữa…

Tôi chạnh nghĩ, đến Bồ-tát Quán Thế Âm còn có giây phút như thế, huống chi con người yếu đuối. Suy nghĩ ấy có thể gây khó chịu cho nhiều người, nhưng riêng tôi, một chúng sanh bình phàm, tôi thấy điều đó khiến Ngài trở nên gần gũi hơn bao giờ hết, dù hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm dịu hiền cầm tịnh bình và nhành dương liễu vốn đã gần gũi với tôi và nhiều Phật tử khác suốt thời thơ ấu. Nhưng tôi cũng biết đó chỉ là một trong hằng hà sa số hóa thân của Ngài. Dịu hiền có, từ bi có, trí tuệ có, uy nộ, dũng mãnh… tùy theo duyên nghiệp mỗi chúng sanh mà Ngài thị hiện. Mỗi khi có dịp chiêm ngắm tranh tượng Đức Quán Thế Âm thập nhất diện, tôi lại thấy mình như được nhắc nhở về bài học về tình thương, niềm tin, hạnh nguyện lớn lao của Ngài, và còn cả bài học vô úy đã ươm mầm từ thời thơ bé…

“Mầu nhiệm thay là âm thanh siêu việt của Quán Thế Âm. Đấy là âm thanh tối sơ của vũ trụ… Đó là tiếng thì thầm âm ỉ của thủy triều trầm lắng. Tiếng mầu nhiệm ấy đem lại giải thoát bình an cho tất cả hữu tình đang kêu cứu trong cơn đau khổ, và đem lại một sự an trú thanh tịnh cho tất cả những ai đang tìm sự thanh tịnh vô biên của Niết-bàn” - Kinh Lăng nghiêm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày