Lô Dung từ độ ấy

Giác Ngộ - Một chiếc vò đất đựng nước dùng trong nghi thức các cuộc lễ dâng nước cúng thần núi sông. Chất liệu bằng đất sét đen khảm đất sét trắng. Trang trí hoa văn chữ Vạn + Hoa sen cách điệu. Tuy chỉ là một món đồ dùng dâng lễ nhưng nhìn qua kiểu thức và phong cách trang trí, chúng ta cảm nhận được đường nét mỹ thuật tinh tế của bàn tay tài hoa người nghệ nhân xưa thổi hồn mình qua tác phẩm. Điều này được chứng tỏ thông qua hiện vật chúng ta thấy được phần nào giá trị của tâm hồn, của văn hóa Phật giáo thời Lý- Trần.

lodung-1.gif

Dưới đáy hiện vật có ghi ba dòng chữ, thầy Tôn Thất Quỵ đọc và dịch nghĩa:

Trở đậu hinh hương thử địa

Thanh linh trường thụ Lô Dung thủy

Hưng Long đệ thập bát niên

Dịch

Lễ kính hương thơm đất ấy

Danh thiêng muôn thuở nước Lô Dung

Năm Hưng Long thứ mười tám.

(Hưng Long là đế hiệu của vua Trần Anh Tông)

Lần giở sách sử ra xem trong cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam, tác giả Đào Duy Anh, Nhà Xuất bản Văn Hóa Thông Tin, trang 126-127 có những đoạn viết:

Sách Thủy Kinh Chú (Q.36) có đoạn chép về Chu Ngô rằng: "Nhánh sông Chu Ngô phía trong thông với hồ Vô Lao, nước suối Vô Lao thông với nhánh sông Thọ Linh "Chúng tôi nhận ra sông Chu Ngô là sông Thạch Hãn, có nhánh thông với hồ Vô Lao là phá Tam Giang. Suối Vô Lao có lẽ là một nhánh xưa của sông Bồ (hiện nay còn dấu) chảy về phá Tam Giang. Còn cái nhánh của sông Thọ Linh nói ở đây, hẳn là sông Hương. Sông Hương là sông Lô Dung thời Hán...

Sự nhận định thành Chu Ngô ở chỗ sau này sẽ là thành Thuận Châu làm chúng tôi liên tưởng đến một địa điểm ở miền Thừa Thiên cũng gọi là cổ thành mà chúng tôi nhận ra là thành Hóa Châu của nhà Trần. Chỗ ấy thuộc về làng Thành Trung ngày nay, ở khoảng giữa sông Hương và sông Bồ, có lẽ xưa là trị sở Châu Rí của Chiêm Thành. Chúng tôi ngờ rằng Huyện Lô Dung ở thời Hán cũng là ở đó. Thủy Kinh Chú lại chép "Chu Ngô phố phía trong thông với hồ Vô Lao". Chu Ngô phố là cửa sông Chu Ngô, hẳn là cửa Việt ngày nay nơi tàu bè qua lại buôn bán. Từ đó, ngược sông Thạch Hãn, qua Cổ Thành có thể thông với phá Tam Giang là hồ Vô Lao. Thủy Kinh Chú lại chép "Có Lô Dung phố", tức là cửa Tư Hiền là cửa sông Lô Dung (bấy giờ chưa có cửa Thuận An) là chỗ tàu bè qua lại tấp nập để vào phá Hà Trung ở phía Nam Thừa Thiên.

Như vậy qua những dòng chữ của tiền nhân xưa để lại trên hiện vật, chúng ta có được những thông tin vô cùng quý giá để có thể hình dung và thấy được cả một khung trời dĩ vãng xa xưa. Buổi đầu tiên trong hành trình mở cõi về phương Nam. Nhà vua và đoàn tùy tùng có lẽ đã từng dừng bước bên dòng sông thơm hương ấy. Một cuộc lễ tạ ơn trời đất, núi sông miền Thuận Hóa đã diễn ra bên dòng Lô Dung xưa (tên cũ của sông Hương). Sau những cuộc trường chinh gian lao vất vả ấy, người Việt chúng ta xưa kia đã bao lần cúi xuống bên những dòng sông đã đi qua, cúi xuống lặng lẽ hôn lên mặt đất thiêng liêng thấm máu xương của những người ngã xuống, của dòng định mệnh tử sinh đã gắn kết tâm hồn dân tộc Việt vào dải đất hình chữ S không thể chia lìa.

Nghi thức cúng nước đã có từ lâu đời trong đời sống người dân Việt. Trên bàn thờ tổ tiên chúng ta vẫn luôn thấy hiện diện chén nước cúng. Kẻ viết bài này đã từng chứng kiến những người nông dân sống ở lưu vực ven sông Bồ, những ngày thơ ấu xa xưa đã từng bơi ra giữa dòng sông, múc nước trong đem về để dâng cúng những ngày lễ tết đầu năm.

lodung-2.gif

lodung-3.gif

Trong đời sống, có những thói quen, tập tục tốt giữ gìn những giá trị tinh thần của con người đối với thiên nhiên nhưng đôi khi qua những biến động xã hội tự nó biến mất lúc nào ta cũng chẳng hay. Theo dòng chảy của thời gian, con người với tuổi đời quá ngắn ngủi mà nó hiện hữu ở thế gian này cùng với những đổi thay nghiệt ngã của thời đại mà nó trải qua giữa đôi bờ Bóng tối và Ánh sáng, giữa cái Đẹp và cái Xấu, giữa cái Thiện và cái Bất thiện. Thật khó khăn biết bao để giữ gìn và bảo tồn sự sống toàn vẹn và trong sáng cho bản thân nó cùng đồng loại theo một chiều hướng tốt đẹp nhất hài hòa giữa đất trời và con người.

Chỉ mấy mươi năm tồn sinh lặng lẽ, quanh quẩn ở mảnh đất Thừa Thiên Huế này thôi, chúng ta không ai mà không trải qua những tháng ngày thanh bình, hiền hòa soi bóng bên những dòng sông nhỏ quê nhà, vậy mà chỉ mấy mươi năm với bao đổi thay nghiệt ngã, những người ở xa quê hương trở về giờ đây khó có thể tìm lại hình ảnh dòng sông thơ ấu trong xanh đã từng là nỗi nhớ khôn nguôi in sâu trong tâm khảm họ.

Tôi chỉ ước ao một điều hết sức đơn giản là làm sao để khơi lại dòng chảy cho tất cả các con sông, con hói nhỏ từng chảy qua các làng ven kinh thành Huế. Những con rạch, con hói từ Hương Hồ, Kim Long, La Chữ, từ Thủy Biều, Lương Quán, Dương Xuân cho đến La Ỷ, Ngọc Anh, Nam Phổ, Thế Lại. Những con hói chạy dọc từ Vĩ Dạ cho đến làng Dương Nổ ra tới phá Tam Giang… làm sao dân Huế mình phải đồng lòng ra sức nạo vét khơi thông lại hết thảy những dòng sông nhỏ trong xanh. Dặn dò nhau đừng xả rác để đến mùa mưa lụt nước chảy thông dòng trôi nhanh ra biển cả, để thôn xóm quê nhà mãi xanh đẹp như ngày xưa. Đừng để muộn màng, đừng để những dòng sông nhỏ bị lấp dần đi và rồi mất dấu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày