Lời chúc nào cho người làm báo?

GNO - 1 - Những ngày này, và nhất là hôm nay, 21-6, những người làm báo lại được nhận nhiều lời chúc tốt đẹp, cùng những bông hoa tươi thắm. Nhận về những lời chúc đẹp ai mà không thích, không vui nhưng, thực ra, đó cũng là những lời gửi gắm, nhắc nhở, đặt hàng đối với người làm báo. Nhắc nhà báo khỏe bằng lời chúc... sức khỏe - bởi sức khỏe rất quan trọng. Thân khỏe thì tâm mới an, mới sáng để làm nghề (mưu sinh) và phần nào đó đóng góp sức mình cho nhu cầu (biết tin) của xã hội, góp phần phản biện, đấu tranh với cái tiêu cực, nêu gương cái tích cực, truyền cảm hứng cho những bạn đọc dõi theo mình.
loi chuc.jpg
Bạn đọc mong nhà báo "lòng trong" bởi lòng không còn trong nữa thì chắc chắn sẽ cho ra những sản phẩm báo chí không phải là đặt hàng từ cuộc sống, từ những phận người, những câu chuyện nóng bỏng, giá trị về cuộc đời - mà khi ấy, sẽ chỉ làm những sản phẩm theo... đặt hàng câu views của trang báo, đặt hàng PR của một cá nhân, doanh nghiệp nào đó. Trong đạo Phật, Đức Phật dạy: "Ý dẫn đầu các pháp/ Ý làm chủ ý tạo" (kinh Pháp cú). Một khi trong tâm hồn đã lao xao, đã nhốn nháo những toan tính, những lời bàn luận về vật chất thì khó có thể "nói ngay, viết thẳng" được, khi đó, bút không thể sắc bởi nó không còn được nuôi dưỡng bởi sự trong sáng của suy nghĩ. Nhiều người bảo, hãy nhìn vào cách người ấy nghĩ, nói, làm sẽ biết một phần con người họ. Do vậy, nhà báo khi đã viết hay, đã có chính nghĩa thì trong tâm cũng có chất "võ" (sự dũng cảm), sống và làm việc trong tinh thần thượng võ, chính trực, không vì lượt views mà viết những tin, giật những cái tít đao to búa lớn, móc moi những mảng màu u tối để thỏa mãn sự tò mò mà không mang lại niềm an vui cho người đọc, tiếp nhận...2 - Cách đây mấy ngày, tôi đọc được chia sẻ của nhà báo Dương Bình Nguyên, anh kể rằng, có một bạn gửi câu hỏi phỏng vấn nhân ngày 21-6: - Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang muốn theo nghề báo? Anh viết, định thảo mai nói dăm câu ba điều củ chuối củ khoai, nhưng nghĩ lại thành thật vẫn hơn: - Tôi từng khuyên và còn tiếp tục khuyên nhiều người hãy sớm bỏ nghề báo đi. Bởi vì tôi thấy bạn chỉ muốn làm một công chức, viết ra những bài báo từ những bản báo cáo khô cứng cho đủ chỉ tiêu của cơ quan và biết chắc là views rất thấp nhưng vẫn làm và tìm mọi cách luồn lách để được duyệt. Hoặc viết một cái tin mà tôi phải sửa đi sửa lại nhiều lần, thì chắc chắn bạn chọn nhầm nghề. Bạn nên mở quán cơm hay tiệm sách cũng được, nó có ích cho cộng đồng hơn.

Làm báo là phải điên cuồng với tin tức của mình chứ không phải là một cái cày bạn phải lẽo đẽo mang vác ngày này qua ngày khác. Nghề báo đâu có sang trọng gì, cực khổ quá mà, bạn đừng cố để chứng minh với gia đình, bạn bè mình là nhà báo. Bạn chỉ cần chứng minh mình là người có ích là đủ lắm rồi
.
3 - Vậy đó, chỉ cần làm người có ích. Nghĩa là mỗi người trước khi là nhà báo của công chúng thì phải là... nhà báo của chính mình. Nghĩ, nói, làm - truyền thông tin, thông điệp một cách có trách nhiệm, có suy nghĩ. Đấu tranh với tiêu cực trước tiên và trên hết phải là với chính suy nghĩ tiêu cực trong bản thân. Chúng ta không thể cứ lên giọng đấu tranh với cái xấu, cái ác bên ngoài khi chính mình còn nhiều cái xấu, còn nhiều ý đồ ác, còn đăng tin một cách ác ý, chứa đầy kích động bạo lực hay mờ nhạt rung cảm trước câu chuyện cuộc sống xung quanh. Khi trong lòng còn tiêu cực thì mọi hành động (dù nhân danh tích cực) đều là một sự dối lòng, là một lý tưởng hảo huyền, khó thành sự thực. Do đó, người làm báo, nhìn ở khía cạnh nào đó cũng là người tu, là người sửa chữa chính mình rồi mới dám viết những bài mang thông điệp thiện lành, đấu tranh làm đẹp cuộc đời này nọ. Tôi nghĩ vậy!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày