LỜI TỰA

Kính lễ Bậc Thầy và Tam bảo!

Kính lễ Đức Quan Thế Âm Bồ-tát!

Giáo lý của Đức Phật dù dung dị hay cao thâm, vẫn luôn luôn xuyên suốt và chan chứa trong đó lòng thương yêu của Ngài muốn giải thoát muôn loài và đưa họ đến bờ giác. Chính vì lẽ đó mà Phật giáo luôn lưu dấu ấn sắt son trong lòng người Việt Nam cho đến bây giờ, dẫu trải qua bao thăng trầm trong suốt hàng ngàn năm hiện diện trên mảnh đất này. Tình thương yêu đó hay còn gọi là lòng từ bi trở nên gần gũi và gắn bó sâu xa với những người con Phật, qua hình tượng của Đức Quan Thế Âm Bồ-tát, hiện thân từ bi tâm của ba đời chư Phật.

Đức Quán Thế Âm Bồ-tát, vị Phật của lòng từ bi, muốn cứu giúp muôn loài nên Ngài tùy duyên hóa hiện ra vô số thân như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng trong phẩm Phổ Môn kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Một trong những hóa thân của Ngài là Đức Quan Thế Âm (âm tiếng Phạn là Tara hay Đa La Bồ-tát) mà đối với nhiều Phật tử chúng ta, có lẽ mới nghe danh hiệu này lần đầu tiên trong khi đó cũng không ít người đã từng biết đến chơn ngôn: “ÁN ĐA RỊ, ĐỐT ĐA RỊ, ĐỐT ĐỐT ĐA RỊ ,TA BÀ HA”. Khi trì tụng phẩm Phổ Môn. Đây chính là chơn ngôn theo phiên âm tiếng Hán Việt của Đức Tara. Danh hiệu Tara có nghĩa tiếng Việt là Cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ-tát mà chúng ta thường chí tâm trì niệm cầu khẩn Ngài khi gặp tai nạn hung hiểm.

Trong kinh Phật có nói đến nhân duyên xuất hiện của Đức Tara. Bồ-tát Quan Thế Âm có lòng bi mẫn bao la đối với mọi chúng sanh hữu tình. Mặc dầu nỗ lực không ngừng để giúp đỡ chúng sanh, Ngài cảm thấy thương xót bởi quá nhiều chúng sanh tiếp tục rơi vào các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; trong khi rất ít chúng sanh đạt được tiến bộ trên con đường giác ngộ. Vì thế, Đức Quan Thế Âm đã nguyện rằng thân thể của Ngài tan thành từng mảnh để cứu vớt hết thảy chúng sanh khỏi đau khổ. Từ sự bi bi mẫn đó, hóa hiện ra Phật mẫu Tara hay còn gọi là Đấng Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ-tát trong thân tướng người nữ.

Giáo lý về Đức Tara, vị Quan Âm Bồ Tát trong hình tướng nữ nhân, đã được Đức Phật Thích Ca trao truyền tại xứ Ấn Độ và truyền bá sang Nepal, Bhutan, Sikkim, Tây Tạng, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và thực hành sâu rộng ở những xứ sở này mãi cho đến ngày nay vì một lẽ đơn giản là thực hành Tara mang đến những sự ban phước phi thường, và đặc biệt hiệu nghiệm trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Vào giai đoạn cuối của đại kiếp này, khi những chướng ngại và thiên tai ngày càng  trở nên mãnh liệt và dữ dội, việc sùng mộ, lễ lạy và cầu nguyện cũng như đọc tụng thần chú và thực hành các nghi thức cúng dường lên Đức Cứu Khổ Quan Âm Tara là rất cần thiết. Bất kỳ ai có thể trì tụng và cầu nguyện Đức Tara sẽ nhận được lợi lạc vô cùng lớn lao.

Một trong những vị Thầy của Đức Tara là Đại Nhật Như Lai đã ban phước cho Ngài và thọ ký rằng vào cuối kỳ mạt pháp, những vùng đất và nơi nào trên thế giới làm lễ cầu nguyện, tụng kinh và thực hành những nghi thức của Đức Tara, nhờ kết quả của những thực hành này mà nhiều dịch bệnh, bất ổn và rối loạn gây ra bởi tà ma và con người đều được an dịu và giải quyết.

Với Đức Tara, người ta nói rằng không chỉ dịch bệnh và rối loạn tạo ra bởi tà ma, mà cả chiến tranh, xung đột và tranh tụng cũng có thể thoa dịu và được giải quyết nhờ năng lực của sự thực hành về Ngài. Mọi trở ngại và khó khăn liên quan có thể được hóa giải nhờ ân phước của những cầu nguyện và trì tụng thần chú và hồng danh của Ngài.

Trong những thời kỳ đe dọa bởi chiến tranh, dịch bệnh, bất hòa… chúng ta nên biết và chú trọng vào việc in ấn thần chú của Ngài lên lá cờ cầu nguyện và treo cao, càng nhiều người làm càng tốt. Mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội với niềm tin lớn lao chí thành nên làm điều này và tụng đọc thần chú này càng nhiều càng tốt. Cùng với cầu nguyện Đức Liên Hoa Sinh, những thực hành này là hiệu quả nhất trong những thời kỳ và hoàn cảnh nói trên. Điều này đã được đề cập đến trong nhiều kinh điển.

Thật là khôn ngoan khi dâng lời tán thán Đức Tara. Dầu đêm khuya hay sáng sớm, hễ ai trì tụng tán thán 21 Đức Tara, hai, ba và bảy lần, tổng cộng 12 lần trì tụng tán thán 21 Đức Tara, mọi nguyện ước của họ đều thành tựu. Trong nghi thức “DÂNG CÚNG BỐN MẠN-ĐÀ-LA LÊN ĐỨC TARA” hay còn có tên là “NGHI QUỸ GIÁC ĐĂNG HUY HOÀNG” người ta tụng đọc kinh tán thán hai, ba và bảy lần.

Khi nói rằng mọi mong ước đều được thành tựu, có nghĩa là nếu ai muốn con cái, người ấy sẽ toại nguyện. Nếu cầu tài bảo, điều này sẽ được thỏa mãn. Bất kỳ mong muốn của chúng ta, đều được thành tựu nhờ tán thán Đức Tara. Thực sự, chúng ta không cần hành trì gì nhiều hơn ngoài thực hành này, nó thành tựu mọi nguyện ước.

Nhờ thiện duyên thù thắng trong quá khứ, ngày nay chúng ta có cơ hội được biết đến Đức Tara và bài kinh Tán lễ Ngài do chính kim khẩu Đức Thế Tôn Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tuyên thuyết và được Thánh Tăng Kyabje Trulzhig Rinpoche, thầy của Đức Dalai Lama hiện tại hoằng dương và trao truyền. Dịch giả Giới Định Tuệ chuyển sang tiếng Việt gọi là “Nghi Quỹ tu trì và

Tán Lễ Hai Mươi Mốt Vị Quan Âm Cứu Khổ Cứu Nạn”.

Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho những ai có cơ duyên tiếp xúc và thực hành nghi quỹ này tiêu trừ mọi chướng nạn, luôn được Ngài che chở bảo hộ và thành tựu mọi nguyện ước thế gian và xuất thế gian trên con đường giác ngộ.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

* Liên hệ: Thầy Trí Không - ĐT: 0796333399 - Email: pemarpo28@yahoo.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày