Lòng sông - lòng người

Lòng sông - lòng người
Sài Gòn mấy hôm liền mưa  suốt, không lớn nhưng rỉ rả cả ngày, có lẽ đất trời Sài  Gòn cũng buồn cho miền Trung ngoài kia đang oằn mình trong bão lũ. Mới vào mùa mưa, bão lũ đã liên tiếp tràn về miền Trung của tôi. Bão nối tiếp bão, lũ chồng lên lũ. Thương quá miền Trung. Thương quá ngôi làng nhỏ của tôi.

Sài Gòn mấy hôm liền mưa  suốt, không lớn nhưng rỉ rả cả ngày, có lẽ đất trời Sài  Gòn cũng buồn cho miền Trung ngoài kia đang oằn mình trong bão lũ. Mới vào mùa mưa, bão lũ đã liên tiếp tràn về miền Trung của tôi. Bão nối tiếp bão, lũ chồng lên lũ. Thương quá miền Trung. Thương quá ngôi làng nhỏ của tôi.

Khúc sông chảy qua ngôi làng nhỏ của tôi hiền lắm, có lẽ do lòng sông không khúc khuỷu, trong những ngày mưa lũ, sông cũng thật hiền. Nước chỉ đỏ đậm lại, dâng cao lên, tràn vào đồng ruộng, và mải miết chảy.

Nội đưa gia đình về ngôi làng này từ lâu lắm, khi đó ba chỉ mới chào đời. Nội nói, từ đó đến giờ, chưa có người nào chết trên khúc sông này vào mùa mưa lũ. Vậy mà năm nay, đã có người chết. Nước mắt đã rơi trên bến sông thật hiền. Hình như tôi cũng đã khóc. Buồn cho những mất mát, buồn cho những đổi thay, buồn đến lặng người vì không tin nổi những gì mình nghe là sự thật. Tôi cố hình dung con sông của mình, gầm gừ ùng ục, đỏ quạu như mắt người say, nhìn mọi thứ trở nên dửng dưng xa lạ. Suốt đêm hôm đó, chỉ mong một điều, sớm mai thức dậy, nắng sẽ lại lên.

Tôi về thăm nhà khi mưa lũ đã qua. Nước sông đã trong xanh trở lại, sông vẫn hiền và bao dung lắm. Sông còn nhận ra mình không? Người bạn nhỏ ngày xưa, mỗi ngày hai lần sang sông đó!

Này sông, hình như lòng sông đã thay đổi. Đúng là sông đã thay đổi rồi. Sông còn nhớ ngày xưa? Sau những mùa mưa lũ, sông luôn để lại cho đồng ruộng hai bên bờ lớp phù sa nâu đen thật dày, dân làng lại có một mùa bội thu. Năm nay sao sông không còn như vậy? Năm nay, sông chỉ mang cát về phủ trắng ruộng đồng. Lũ rút, dân làng phải cào hết cát mới có thể trồng trọt. Sông không còn thương ngôi làng nhỏ của tôi nữa rồi. Tại sao vậy? Có phải tại dân làng không còn thương sông?

Này sông, dòng nước từ thượng nguồn tràn về đã nói với sông điều gì mà hôm trước sông lại giận dữ như vậy? Có lẽ chúng đã kể cho sông nghe, những cánh rừng xanh bạt ngàn trên kia đã bị con người chặt phá hết, và chính con người ích kỷ đó đã tàn sát sinh vật không chút thương tâm, lũ chim thú tội nghiệp ít ỏi may mắn trốn thoát chẳng còn chốn để nương thân. Thế giới của muôn loài hôm nay chẳng lẽ đã trở nên chật hẹp đến vậy? Chỉ còn đủ chỗ cho mỗi loài người? Và loài người - cộng đồng tự nhận mình ưu việt nhất trong các loài - đã làm gì để đến nỗi chính dòng sông vô tư hiền hòa quê tôi thoắt cũng trở nên giận dữ, trắc nết và có lẽ bắt đầu gửi trả những tai họa trở lại cho loài người.

Này sông, hôm bão tràn về, nó đã nói với sông điều gì? Có lẽ bão nói, đó là kết quả tất yếu con người phải gánh chịu sau một thời gian dài gieo gió. Phải thế không?

Này sông, con người đã nói với sông điều gì khi thấy sông không còn như xưa? Và về phần mình, sông muốn nói điều gì?

Này, sao sông lại lặng lẽ buồn, lặng lẽ nhìn mình như vậy. Không buồn nữa. Mình có trách sông khác xưa đâu. Trách sao được khi chính con người cũng đâu còn như ngày trước.

X. Dã Quỳ

Lời từ cuộc sống:

Ở châu Phi có câu tục ngữ:“Mỗi sáng con linh dương thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất nếu nó không muốn chết.

Mỗi sáng con sư tử thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất nếu nó không muốn chết.

Điều quan trọng không phải bạn là linh dương hay sư tử.

Quan trọng là mỗi sáng thức dậy bạn phải bắt đầu chạy”.

Lời bàn:

Nhưng tại sao ta không hình dung cuộc sống như một hành trình mà lại chấp nhận cuộc sống là một cuộc đua với những chạy và chạy? Nên chăng ta đi dạo cùng cuộc sống này, cảm nhận những niềm vui và nỗi buồn trên đường đời, tiếp xúc với giáo pháp của Như Lai trên lộ trình cuộc sống như một thiện duyên để mỗi bước của hành trình này là một lần hoàn thiện chính thân và tâm ta. Con linh dương lấy sư tử làm mục đích nên nó chạy; sư tử cũng chạy vì lấy linh dương làm mục đích. Còn chúng ta, trong dòng chảy nhân quả mà hiện diện ở cuộc đời này. Khi chưa tượng hình trong bào thai mẹ, chúng ta có mục đích gì cho mình không? Thế thì tại sao bỗng dưng khi tiếp xúc với cuộc đời ta lại khoác cho mình lắm mục đích thế? Bằng tấm lòng hướng thượng, bằng trí tuệ rèn luyện trên mỗi bước đường của cuộc sống, ta sẽ nhận thấy mình chính là một thành tố của cuộc sống luôn tươi đẹp đấy thôi.

Sống Đạo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày