Lòng trắc ẩn

Lòng trắc ẩn
Giác Ngộ - Đôi khi tôi tự hỏi lòng trắc ẩn là gì và tại sao con người lại có lòng trắc ẩn? Có phải chăng, trắc ẩn là một phần quan trọng trong cuộc sống?

Vâng, nếu thiếu nó xã hội loài người sẽ trở nên lạnh lùng. Kết quả là thế nào, hẳn ai cũng biết rõ. Một xã hội, một cộng đồng không có lòng trắc ẩn, sẽ không còn là một xã hội nhân văn nữa. Đó là một thảm họa ghê gớm!

May mà tất cả chưa đến nỗi như thế. Nhưng sự thật đã có những điều đáng nói, diễn ra hàng ngày trước mắt chúng ta. Trên con đường làng có đứa bé bị tai nạn, người hai bên đường liền đưa đi cấp cứu. Cũng trên con đường, phố xá hẳn hoi, có người bị tai nạn, nhiều người vội vã lướt qua, có một số dừng lại xem vì hiếu kỳ… Nhưng đợi mãi chẳng có ai ra tay cứu giúp! Chờ và chờ xe cứu thương đến, thì ôi thôi…(!) Có cụ già neo đơn, ở xứ này thì được cộng đồng yêu thương đùm bọc; ở nơi khác có cụ chết trong đơn độc không ai hay. Nhiều và nhiều lắm cảnh đau lòng trong một xã hội phát triển hôm nay.

Tất cả là do thói vô tâm, thờ ơ với cuộc sống chung quanh, thói ích kỷ nhỏ nhen. Có người nói, thói xấu này bắt nguồn từ sự thiếu giáo dục của gia đình. Đúng. Nhân cách cùng với lòng trắc ẩn được cha mẹ dạy cho từ lúc chập chững vào đời. Tôi nhớ bà tôi, thuở còn thơ tôi thích bắt những con kiến nhốt vào chiếc hộp diêm, con nào không bắt được thì đập chết. Bà tôi thấy vậy liền can ngăn, bà đã dạy tôi không nên bắt giết, sẽ bị ông Kẹ phạt đấy. Còn thơ nhưng ai cũng biết sợ, tôi sợ ông Kẹ quá nên không dám bắt kiến nữa. Đến mẹ tôi dạy tôi biết yêu thương bà con, xóm giềng… Cha tôi dạy tôi biết giúp đỡ và kính trọng mọi người... Từ thuở đó cho đến lúc tới trường, tôi hiểu rộng hơn về những điều ấy. Và xã hội là nơi tôi thực hiện những điều ấy, đến nỗi tự nhiên lòng trắc ẩn có sẵn trong lòng, mỗi ngày, không bao giờ mất.

Người Việt chúng ta tự hào nói, đó là tính cách Việt, được thừa hưởng từ một nền văn hóa Việt, thừa hưởng của ông cha chúng ta ngàn đời. Nhưng cũng thật đáng buồn, khi mà hàng ngày nét văn hóa ấy, tính cách yêu thương đồng loại đẹp đẽ ấy, lại bị chính một bộ phận người Việt bỏ rơi. Những con người “máu lạnh” ấy khiến cả cộng đồng nghĩ suy. Nhưng chúng ta không nên để như vậy. Mọi người phải lên tiếng. Tiếng nói từ trái tim ấm áp, sẽ có sức lan tỏa khiến những dòng “máu lạnh” không được trở về tim. Sự lẻ loi sẽ làm họ giật mình, cho dòng máu ấm lại, xã hội mới có sức sống, mới xứng đáng với hai tiếng con người cao quý và thiêng liêng.

Muốn được như vậy, xã hội chúng ta phải xây dựng lại nề nếp gia đình. Một gia đình văn hóa trong một xã hội phát triển, là điều kiện tối cần thiết. Các bậc cha mẹ dù trăm công nghìn việc tới đâu, cũng phải hiểu rằng giáo dục và chăm sóc con cái là bổn phận thiêng liêng. Kế đến là nhà trường cũng nên coi trọng môn học lòng trắc ẩn bên cạnh những môn khoa học kỹ thuật… để tình người luôn đầy ắp trong tâm người trẻ. Để các em khi trưởng thành quay về với chữ hiếu, sống văn hóa và nhân văn, động lòng trắc ẩn thương người, tràn đầy tính cách Việt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày