Lòng tự trọng, tính nhân ái và biết xấu hổ

GN - Đầu năm dương lịch trên một chương trình qua sóng đài truyền hình quốc gia, bà Tôn Nữ Thị Ninh, một trí thức, nhà ngoại giao tâm sự rằng bà rất muốn người Việt Nam mình trong năm mới lưu tâm hay có được ba đức tính mà theo bà đang mai một đáng lo ngại: lòng tự trọng, tính nhân ái, và biết xấu hổ.

Bà chỉ nói vắn tắt rằng bước ra đường bây giờ, nhìn “văn hóa” giao thông, đi đứng của người Việt Nam là thấy bức xúc, không thấy ai nhường ai, nói năng bừa bãi. Dù không dẫn chứng bằng những con số, nhưng bà thấy người Việt mình đang sống vô cảm, ít nghĩ đến người chung quanh.

Xau ho.jpg

Tranh minh họa

Khi nói đến lòng tự trọng, tính biết hổ thẹn, dường như chúng ta thấy thiếu vắng trong đời sống hôm nay. Trong nhà Phật nói về những đức tính khiến cho con người khác với loài cầm thú thường nhắc đến tâm “tàm quý” (tự thấy hổ thẹn và cảm thấy hổ thẹn với người khác). Người không biết hổ thẹn thì đâu còn gì để sợ, không có việc xấu ác gì mà không dám làm, và khi ấy lòng tự trọng, giá trị danh dự chỉ là xa xỉ.

Còn lòng nhân ái thì sao? Tâm bi là một phản ứng tự nhiên của con người khi lòng mình không bị che mờ bởi cái vọng tưởng chúng ta là những cá thể độc lập, cách biệt nhau. Bi có thể hiểu là “sự rung động của con tim” khi ta ý thức được nỗi khổ của kẻ khác.

Nhìn lại cuộc sống hôm nay, đọc báo, xem tin tức, dường như không ngày nào mà không có những điều làm chúng ta cảm thấy bàng hoàng, lo sợ. Đến nỗi có người so sánh đi ra đường bây giờ cứ như là ra… chiến trường, vì không biết có lành lặn mà về không! Không chỉ là nỗi ám ảnh tai nạn xe cộ, đôi khi chỉ va quẹt nhau, vô tình bị cho là nhìn “đểu”… cũng dẫn đến ẩu đả, thậm chí bị mất cả tính mạng.

Gần đây chỉ vì giúp đỡ người bị tai nạn, nói vài câu phải quấy với kẻ gây ra, mà một sinh viên hiền lành, trọng lẽ phải đã bị giết ngay tại chỗ. Dư luận không khỏi xót xa, bàng hoàng khi 5 phiên tòa xét xử tội phạm giết người trong năm 2012 mà bị cáo lại là những nữ sinh chân yếu tay mềm, có em đang ngồi trên ghế nhà trường. Thế nên để có một xã hội ổn định, hơn lúc nào hết, phải phục hoạt lại nhân tình, nhân tính của con người, đặc biệt là cần bổ sung, điều chỉnh nội dung giáo dục.

Cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu từng viết: “… đạo đức Phật giáo là một nếp sống thanh tịnh, trong sạch và lành mạnh, vì chỉ có một đời sống thanh tịnh mới bảo đảm được đời sống hạnh phúc.” (Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người).

Hòa thượng cũng đã dẫn chứng trong kinh Ví dụ Tấm vải (Trung bộ I, số 7), Đức Phật xác nhận một tấm vải cấu uế đem nhuộm sẽ được một màu nhuộm không tốt đẹp. Cũng vậy, cõi ác chờ đợi một tâm cấu uế. Trái lại, một tấm vải thanh tịnh trong sạch đem nhuộm sẽ được một màu nhuộm tốt đẹp.

Cũng vậy, cõi thiên chờ đợi một tâm không cấu uế. Hạnh phúc chỉ đến với một tâm trong sạch, không đến với một tâm cấu uế. Tâm trong sạch chính là nơi phát sinh những những đức tính như sự tự trọng, lòng nhân ái, biết hổ thẹn với chính mình và người khác. Đó là căn bản cho những ứng xử văn minh, nhân văn và là những yếu tố đạo đức công dân căn bản cho sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Buổi họp mặt tri ân chư tôn giáo phẩm Tăng Ni đã đồng hành và đóng góp phát triển Phật giáo Q.Bình Thạnh, vào ngày 21-6

Một lòng tri ân

GNO - Ngày 21-6 vừa qua tại chùa Dược Sư (P.11), Ban Trị sự GHPGVN Q.Bình Thạnh (cũ) đã tổ chức buổi họp mặt tri ân chư tôn giáo phẩm Tăng Ni đã đồng hành và đóng góp phát triển Phật giáo quận nhà kể từ khi thành lập đến khi đồng loạt dừng hoạt động của Ban Trị sự cấp huyện từ ngày 1-7.
Báo Giác Ngộ số 1308: Sắp xếp lại giang sơn

Báo Giác Ngộ số 1308: Sắp xếp lại giang sơn

GNO - Ngày 1-7-2025 chúng ta bắt đầu nền hành chính 3 cấp, nếu chỉ tính chính quyền địa phương là 2 cấp (tỉnh và xã/phường). Trước những băn khoăn và cả nghi ngại về sự vận hành cũng như hiệu quả của hệ thống mới, chúng ta thử phân tích về lý thuyết xem những gì là ưu và nhược điểm của cả hai hệ thống...

Thông tin hàng ngày