Luật hóa việc giữ gìn tín đồ các tôn giáo truyền thống ở một số nước

Giác Ngộ: Từ trước đến nay, trên các phương tiện truyền thông của Phật giáo Việt Nam, chúng ta thường dùng từ “cải đạo” để chỉ việc thay đổi, và hoạt động nhằm mục tiêu thay đổi Phật giáo trong niềm tin tín ngưỡng của Phật tử bằng một tôn giáo khác, thường là đến từ phương Tây. Từ “cải đạo” có lợi điểm là ngắn gọn, súc tích, cũng không nói đến một tôn giáo nào, nói ra là hiểu ngay.
minhthanh 1.jpg

Lần đầu tiên, Phật tử Tây Nguyên có mặt tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007) - Ảnh: Hoàng Độ


Tuy nhiên, chân thành tiếp thu ý kiến đóng góp riêng từ một số bạn đọc, và riêng người viết cũng thấy từ “cải đạo” có sắc thái biểu cảm quá mạnh mẽ trước một vấn đề nhạy cảm, nhìn vấn đề từ quyền lợi tôn giáo mình (dù không đề cập đến tôn giáo nào khác), dễ tạo một âm hưởng cực đoan ngoài ý muốn, mặc dù trong thực tế tự thân từ “cải đạo” không hàm chứa ý nghĩa này, nên chúng tôi nghĩ rằng nên thay thế từ “cải đạo” khi đề cập đến vấn đề trên trong những trường hợp có thể bằng cụm từ “giữ gìn Phật tử trong tôn giáo dân tộc”.Cụm từ này có nhược điểm là dài dòng (gấp hơn 4 lần số âm tiết trong từ “cải đạo”), nhưng nó giới hạn rất rõ vấn đề được đề cập chỉ trong phạm vi Phật giáo, hoàn toàn không có nội hàm liên hệ với bất cứ tôn giáo nào, lại có thể khẳng định Phật giáo là tôn giáo truyền thống dân tộc.Và cũng do vậy, vấn đề được đề cập trước hết là trên cơ sở quyền lợi của dân tộc trong trạng huống Phật giáo gắn liền với dân tộc, hơn là chỉ quyền lợi của riêng Phật giáo.“Giữ gìn Phật tử trong tôn giáo truyền thống dân tộc”, đương nhiên, đó là hoạt động căn bản, thường xuyên của Phật giáo Việt Nam, cũng như Phật giáo ở những nước mà đạo Phật giữ vai trò tôn giáo truyền thống, nên cũng đương nhiên, vấn đề trở nên bình thường, có tính chất bổn phận của toàn thể Tăng Ni, Phật tử, tuyệt đối không còn màu sắc nhạy cảm, có thể làm ngần ngại người đề cập đến vấn đề.Sử dụng cụm từ  “giữ gìn Phật tử trong tôn giáo truyền thống dân tộc” còn  đưa lại hiệu quả là gắn hoạt động rất cần thiết và thường xuyên này của Phật giáo với chủ trương lớn và hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc.Trong thực tế 2.000 năm lịch sử, Phật giáo Việt Nam đương nhiên đã là một bộ phận của truyền thống dân tộc Việt Nam, của bản sắc văn hóa Việt Nam.Chúng tôi mong bạn đọc chia sẻ với đề xuất này và cùng sử dụng cụm từ “giữ gìn người Phật tử trong tôn giáo truyền thống dân tộc” trong những trường hợp có thể.Gần đây, trên một số phương tiện truyền thông Phật giáo, chúng ta thấy xuất hiện nhiều thông tin về luật cấm cải đạo ở một số nước, chẳng hạn, mới nhất là Nepal, với nội dung rất cứng rắn ở điều khoản căn bản là “bất kỳ ai thuyết giáo hay cố thuyết phục người khác thay đổi tôn giáo có thể bị phạt tù lên tới 5 năm và phạt tiền khoảng 900 đô la”.Cũng theo nguồn tin này, nội dung quy định trên loại trừ các trường hợp cải đạo sang Ấn giáo và Phật giáo.Tư duy xây dựng luật với nội dung như trên là tư duy bảo vệ tín đồ trong tôn giáo truyền thống dân tộc, mà ở Nepal là Phật giáo và Ấn giáo.Tư duy và phương thức  làm luật tương tự như trên cũng có ở nhiều nước trên thế giới, với việc xác định tôn giáo truyền thống dân tộc, cũng như những tiêu chuẩn để xác định tôn giáo truyền thống dân tộc để bảo vệ, ở mỗi nước mỗi khác nhau.Sự khác biệt đó lại đồng quy ở một điểm là bảo vệ tôn giáo truyền thống dân tộc và điều đó là một nội dung không thể tách rời việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.Riêng Phật giáo được một số nước châu Á, xác định là tôn giáo truyền thống dân tộc đã đành, nhưng trong số các nước xác định Phật giáo là tôn giáo truyền thống dân tộc để bảo vệ còn có cả một nước châu Âu là Liên bang Nga.Ở châu Á, các quốc gia hoặc đã ban hành, hoặc đang trong quá trình là dự luật để xem xét ban hành, luật có nội dung cấm (hoặc chống) cải đạo trên tinh thần bảo vệ Phật giáo tôn giáo truyền  thống dân tộc, có thể kể đến Bhutan, Nepal, Sri Lanka, Campuchia…Các mức độ ngăn cấm, các biện pháp chế tài khác biệt theo từng quốc gia cụ thể.Chẳng hạn, ở Sri Lanka, các điều khoản quy định việc chế tài là như sau: “Người cải đạo cũng như người giúp cải đạo đều phải báo cho giới chức chính quyền biết. Bất tuân sẽ bị phạt tù lên đến 5 năm và phạt tiền lên tới 150.000 rupees, tương đương với 1.500 Mỹ kim” (chỉ số quy đổi tại thời điểm thảo luận dự luật là năm 2004)”.Cần phân biệt rõ cấm cải đạo bằng luật pháp và cấm đạoCấm đạo, một từ như ta vẫn quen thuộc khi chúng ta tìm hiểu về tình hình xã hội Việt Nam vào thế kỷ XIX, là một khái niệm đã đi vào dĩ vãng.Ở các nước có luật cấm (hoặc chống) cải đạo, các tôn giáo vẫn tự do hoạt động dưới sự bảo vệ của pháp luật, tức là không hề có cấm đạo.Nhưng tự do tín ngưỡng và theo đuổi mục tiêu nhằm cải đạo tín đồ của tôn giáo khác, nhất là tôn giáo truyền thống dân tộc, là hai việc hoàn toàn khác nhau.Ở Sri Lanka, như chúng ta đã biết, có hoạt động giữ gìn Phật tử trong tôn giáo truyền thống bằng luật pháp hết sức mạnh mẽ, nhưng thế giới vẫn xem đây là một nước có tự do tôn giáo.Trang web Vietcatholic News, bản cập nhật ngày 29-7-2007 có đưa tin “Chính quyền Phật giáo Sri Lanka trợ giúp xây và tái thiết nhà thờ”. Cụ thể bản tin cho biết “Chính quyền Sri Lanka đã đề nghị trợ giúp tài chính cho Giáo hội Công giáo để xây lại hoặc tái thiết những thánh đường cổ trên 100 năm và những thánh đường đã bị tàn phá vì cơn sóng thần xảy ra vào tháng 12 năm 2004”.Một điểm nữa cần phải rút ra từ bản tin Nepal phải đi tới chống cải đạo bằng luật tiếp theo sau một số nước khác, là nó cho thấy tình trạng cải đạo đã lên đến mức báo động ở nhiều nước trên thế giới.Ai cũng biết, là đối với lãnh vực tôn giáo, hạn chế việc cải đạo bằng luật pháp là điều chẳng đặng đừng, đến mức không còn chịu đựng nổi nữa thì Quốc hội mới phải làm. Nếu chỉ mức độ nhỏ thì rõ ràng là không cần phải tới luật, và nói tới việc luật hóa thì cũng không mấy ai hưởng ứng.Chắc chắn sau Nepal cũng sẽ có nước cũng buộc phải đi đến những đạo luật tương tự.Để kết luận, chúng ta quay về vấn đề bàn luận đầu tiên. Cải đạo không phải chỉ là vấn đề tôn giáo, mà trước hết là vấn đề dân tộc và xã hội.Ở Sri Lanka, đã có đến 2 dự luật cấm cải đạo được đưa ra Quốc hội: Dự thảo luật do Đảng Jathika Hela Urumaya và một dự thảo luật do Chính phủ Sri Lanka soạn thảo.Theo một số ý phân tích, dự thảo luật do Chính phủ Sri Lanka được trình lên Quốc hội đã thể hiện những lưu tâm về những hệ quả đến sự ổn định xã hội, coi đó là vấn đề xã hội hơn là vấn đề thuần túy tôn giáo.Còn ở dự luật của Nepal, việc loại trừ việc áp dụng đối với hai tôn giáo bản địa là Ấn giáo và Phật giáo, vốn đã làm nên truyền thống của nước Nepal, cũng cho thấy ở đây không vì riêng một tôn giáo nào cả, mà trên hết là truyền thống dân tộc.Quan điểm như thế cũng có ở hầu hết các nước đối phó với vấn đề tương tự bằng luật pháp. Liên bang Nga là một ví dụ. Việc xác định đến 4 tôn giáo truyền thống của đất nước, là Chính Thống giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Do Thái giáo, cũng cho thấy điều thật sự quan tâm và quan tâm hàng đầu là truyền thống và ổn định xã hội hơn là cảm tình riêng đối với một tôn giáo nào.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày