Thân thế
Trưởng lão Hoà thượng Thích Từ Hương thế danh Nguyễn Mạnh Trừng, sinh ngày 20-6-1928 tại thôn Vĩnh An, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, trong một gia đình phú nông. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Tiêm, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Chai pháp danh Nhật Cang.
Từ lúc ra đời cho đến năm 1954, Hoà Thượng ở tại quê nhà theo học tiểu học và sinh sống tại địa phương.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Từ Hương, Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN |
Xuất gia tu học và hoằng pháp
Tháng 12-1955, ngài xuất gia tại Linh Quang tịnh xá (Sài Gòn) với Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Ứng. Sau 4 năm tu học tại Sài Gòn, đến năm 1958, ngài về cầu pháp với Hoà thượng Như Cầu, chùa Chi hội huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Hoà Thượng được bổn sư cho pháp danh Nhật Sanh.
Từ năm 1958 đến năm 1965, ngài tu học tại địa phương, theo học lớp gia giáo ở các chùa trong huyện.
Năm 1959, ngài xây dựng chùa Vạn An thôn Vĩnh An xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Vì nhu cầu Phật sự tại cao nguyên, năm 1965, ngài lên Gia Lai làm trú trì chùa Bửu Minh, xã Biển Hồ, TP.Pleiku. Đến năm 1966, ngài được Ban Đại diện GHPGVN Thống nhất điều động về trú trì chùa Bửu Nghiêm.
Năm 1968 ngài được thọ Tỳ-kheo giới tại Đại giới đàn chùa Long Khánh, Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, do ngài Hoà thượng Phúc Hộ (tổ đình Từ Quang, Đá Trắng, tỉnh Phú Yên) làm Hòa thượng Đường đầu.
Từ năm 1971 đến 1973, ngài đảm nhiệm phụ tá Đặc uỷ Tăng sự Ban Đại diện GHPGVN Thống nhất tỉnh Pleiku.
Năm 1973, ngài trú trì chùa Bửu Thắng (Tỉnh hội Phật giáo Pleiku). Đến năm 1974, ngài về lại chùa Bửu Minh. Năm 1976, GHPGVN Thống nhất tỉnh Pleiku lại điều động Hoà thượng về trú trì chùa Bửu Nghiêm cho đến năm 2009, Hoà thượng đề cử Đại đức Thích Quang Phúc làm trú trì và Hoà thượng hoan hỷ đảm nhiệm Viện chủ chùa Bửu Nghiêm.
Trong thời gian làm chủ trì chùa Bửu Nghiêm, ngài đã 4 đợt tổ chức trùng tu, xây dựng lớn vào các năm 1987, 2002, 2007, 2011 để ngôi chùa có diện mạo trang nghiêm như ngày nay.
Hoà thượng được suy cử là Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai – Kon Tum từ nhiệm kỳ I (1983).
Năm 1990, Hoà thượng được Hội đồng Trị sự GHPGVN uỷ nhiệm làm Trưởng ban vận động tái thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai.
Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ V (2002-2007), ngài được tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng toạ, đồng thời được suy cử Ủy viên Hội đồng Trị sự, đảm nhiệm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Gia Lai ba nhiệm kỳ liên tục, từ năm 1998 cho đến 2012.
Để ghi nhận và tán dương những đóng góp của ngài với Đạo pháp và Giáo hội, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VI (2007-2012) ngài đã được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hoà thượng.
Trưởng lão Hòa thượng được cung thỉnh làm Giới sư trong nhiều Đại giới đàn - Ảnh: Chùa Minh Thành |
Giới sư trong các Đại giới đàn
2004 Hoà thượng được cung thỉnh làm Giáo thọ A-xà-lê Đại giới đàn Huệ Chiếu chùa Long Khánh Quy Nhơn.
Năm 2010 và năm 2015 ngài được cung thỉnh làm Yết-ma A-xà-lê Đại giới đàn Cam Lộ, do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai tổ chức tại chùa Minh Thành, TP.Pleiku.
Tham gia công tác xã hội
Hoà thượng tham gia Hội đồng Nhân dân thị xã Pleiku nhiệm kỳ 1994-1998, tham gia Ủy ban MTTQVN và Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai 2 nhiệm kỳ, từ năm 1994-2003.
Khen thưởng
Ngài được tặng Huân chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, Bằng tuyên dương công đức của Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Sự nghiệp khai sơn và giáo hóa đồ chúng
Về mặt hành đạo, Hoà thượng luôn tích cực trong hoạt động giáo hoá độ sanh. Ngài đã tạo thiện duyên khai sơn các chùa: Linh Bửu - huyện Chư Pưh; Từ Quang - huyện Đức Cơ, Bửu Pháp - huyện Chư Prông, Văn Thù - huyện Ia Grai, Bửu Lâm - huyện Chư Prông, Khánh Hưng - huyện Ia Grai, Bửu Minh - huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Đệ tử, đệ tôn gồm 94 vị, trong đó đệ tử Tăng tiêu biểu có Hòa thượng Thích Đồng Trí, nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum (đã viên tịch); các Thượng toạ Thích Giác Tâm, Thích Quang Phúc; các Đại đức Nhuận Đạo, Quang Trường, Quang Thuyết,Quang Trưởng, Quang Hướng…
Đệ tử Ni tiêu biểu gồm có các Sư cô Thích nữ Minh Kiểu, Thích nữ Tịnh Tâm, Thích nữ Quang Thuần, Thích nữ Minh Trang, Thích nữ Quang Phụng…
Từ 24 tháng Giêng đến 11-2 năm Tân Mão (27-2 đến 15-3-2011), tuy niên cao lạp trưởng, nhưng ngài sang Ấn Độ, Nepal để chiêm bái các thánh tính liên quan tới cuộc đời của Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni.
Bệnh duyên và viên tịch
Tuy niên cao lạp trưởng nhưng tấm lòng vì đạo của Trưởng lão Hòa thượng vẫn luôn nhiệt thành, làm việc không dừng nghỉ. Ngài thường xuyên đi đây đó thăm hỏi, khuyến tấn hàng Tăng Ni đệ tử đệ tôn và cư sĩ Phật tử tại gia.
Sau thời gian lâm bệnh ngắn, ngài đã thu thần thị tịch vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 7-3 năm Tân Sửu (18-4-2021), trụ thế 93 năm, hạ lạp 53 năm, để lại cho môn đồ pháp quyến nói riêng, và Phật giáo đồ toàn quốc nói chung niềm tiếc thương vô hạn.