GN - Thật sự là như thế. Bạn mình kể, hồi mới chia tay người thương hơn 5 năm, bao nhiêu thói quen với người cũ tưởng sẽ chẳng dễ quên, rồi hoang mang không biết mình sẽ bắt đầu cuộc sống mới (không có người đó thế nào: mỗi sáng, mỗi tối không chào người ấy, không chúc họ ngủ ngon, đi làm vui...) thì sẽ thế nào.
Rồi cuối tuần không hẹn hò với người ấy, không đi xem phim với họ, không cái ôm ấm áp đó, không nụ hôn tạm biệt nọ... thì họ và mình sẽ ra sao.
Và rồi những chuyến đi xa, dẫu chỉ là thi thoảng nhưng luôn là họ phía trước và bạn phía sau, rời khỏi Sài Gòn đến nơi nào đó xa xa. Không còn họ, bạn sẽ đi như thế nào đây...
Vân vân và vân vân... Bạn kể trong nỗi niềm tưởng như chẳng thể nào gượng dậy nổi. Nhưng rồi bạn cũng gượng dậy vì “mình không thể sống hoài như vậy”. Bạn nhận ra, bạn của năm đó, tháng đó (khi còn bên họ) đã “quá cố” và họ cũng đã “chết”. Bạn không thể là bạn của ngày đó, họ cũng vậy. “Mình không thể sống hoài với người-đã-chết mà bỏ mình của hiện tại”. Bạn nói như tỉnh ngộ. Và bạn đã bắt đầu tươi vui, chăm chút lại bản thân.
“À, làm đẹp trước tiên là cho mình, đâu phải vì muốn có người yêu mới làm đẹp và vì có người yêu mới đẹp”. Bạn thay đổi một chút, tự tin, mở lòng. Bạn bây giờ triết lý hơn khi nhận diện: “Mình không yêu được bản thân thì không ai yêu mình lâu đâu”.
Một con người thực ra phải-cần trải qua thăng-trầm (vừa phải) để có thể giữ mình khi trên đỉnh và gượng dậy khi rớt xuống đáy. Thường thì sau những lúc như vậy, người biết nhìn lại sẽ trở nên rắn rỏi hơn.
Mình nói, đó, thấy không, luôn có lối đi - chỉ cần mình kiên nhẫn, bước tới và không ngừng tin vào bản thân. Chúng ta vẫn thường vội vàng nghĩ rằng mất một điều gì đó quen thuộc và quá lớn - giống như “trời sập”, là “mất tất cả”. Thực ra, trời chỉ sập khi mình cho phép, mình chỉ mất tất cả khi mình đầu hàng trước nỗi khổ - đó là khi mình không còn tin vào chính mình!
An Lạc