Người thầy thuốc giỏi cũng vậy, chắc cũng luôn mơ ước như Lãn Ông – mong sao cho mọi người ai nấy đều được khỏe mạnh, được an vui để mình được… thất nghiệp, suốt ngày làm thơ ngâm vịnh, du sơn ngoạn thủy…
Người thầy thuốc “giỏi”, ngoài cái giỏi về chuyên môn kỹ thuật- một thầy thuốc “mát tay”- hẳn còn phải giỏi về tâm lý tiếp xúc, chẩn đoán không chỉ bệnh tật mà còn hiểu được những “đáp ứng con người” (human response) của bệnh nhân trong bối cảnh văn hóa xã hội mà họ đang sống. Có môt câu châm ngôn trong ngành y: “Không có bệnh, chỉ có người bệnh”. Nghĩa là cùng một thứ bệnh mà mỗi người sẽ “bệnh” một cách khác nhau, do cơ địa cũng như do môi trường sống ( môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội ) của họ, cho nên bệnh của họ sẽ “thị hiện” khác nhau, diễn biến khác nhau và phương thức trị liệu do đó cũng sẽ phải khác nhau. Chữa bệnh theo một “phác đồ điều trị” máy móc thì không cần sự hiện diện của người thầy thuốc. “Lương y” không chỉ thấy cái bệnh mà còn thấy cái hoạn, không chỉ thấy cái đau mà còn thấy cái khổ của bệnh nhân.
Nghề y là một nghề đặc biệt. Hai người không hề quen biết nhau, chỉ mới gặp nhau, nói với nhau vài câu mà một người (bệnh nhân) đã sẵn sàng tiết lộ mọi bí mật riêng tư của mình, sẵn sàng trút bỏ y phục cho người kia (thầy thuốc) thăm khám cơ thể mình không chút đắn đo e ngại. Nếu không có cái lòng tin tưởng tuyệt đối là sẽ đựơc giữa bí mật, sẽ đựơc chữa lành những nỗi khổ đau thì ai dám? Chính vì thế người ta luôn chọn “đầu vào y khoa” một cách rất cẩn trọng. Ngoài kiến thức còn phải xem xét cả thái độ, hành vi, động cơ… qua những trắc nghiệm, phỏng vấn trực tiếp để biết người muốn học y kia có cái “nghiệp” gì chăng hay chỉ là một cuộc “đâu tư”?
Rồi trong suốt quá trình học tập dài lâu đó, các nguyên tắc hay giá trị đạo đức y khoa (Y đức) được dạy rất kỹ, xuyên suốt, để hình thành một thái độ, một nếp sống như máu thịt của người thầy thuốc. Đó là sự tôn trọng tuyệt đối tính mạng và nhân phẩm của thân chủ (bệnh nhân) bởi họ đã “phó thác tính mạng” vào tay một người “xa lạ” mà họ tin tưởng. Những nguyên tắc đó đã được quy định từ thời Hippocrates, 400 năm trước Công Nguyên, đã trở thành những nguyên tắc của Y đức không thể thiếu trong nghề y và sau này, được cụ thể hóa qua Nghĩa vụ luận y khoa (Déontologie médicale) giảng dạy tại các trường Y.
Y đức đặt nền tảng trên sự “Tôn trọng sinh mạng con người” nên trước hết là không được làm bất cứ điều gì gây hại thêm (Premum non nocere!), luôn nghĩ và làm đìều có lợi cho người bệnh . Rồi phải tôn trọng nhân phẩm và quyền lợi bệnh nhân. Phải tuyệt đối giữ bí mật nghề nghiệp.
Không phân biệt đối xử. Công bằng và trung thực. Tôn trọng tính tự chủ (Autonomy) cà về phía bệnh nhân lẫn phía thầy thúôc. Đây là cơ sở của sự đồng thuận sáng suốt (informed consent) với điều kiện thầy thuốc phải thông tin trung thực, rõ ràng và thích đáng. Trừ trường hợp khẩn cấp, bắt buộc phải sơ cứu, còn ngoài ra phải có sự đồng thuận của bệnh nhân trong mọi hoạt động liên quan từ xét nghiệm, thăm khám, nhập viện, can thiệp phẫu thuật… đến mọi loại hình chăm sóc cũng như sử dụng bệnh án dạy học v.v… Từ đó, vấn đề quan hệ thầy thuốc- bệnh nhân, vấn đề truyền thông trị liệu được đặt ra.
Người thầy thuốc chỉ đứng trước lương tâm mình. Có thể mọi người không ai hay biết nhưng với lương tâm, họ biết rõ. Và như vậy họ phải chịu trách nhiệm cá nhân. Họ cần phải có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức mới làm tròn sứ mệnh mà xã hội đã giao phó qua sự đào tạo huấn luyện và kiểm soát xã hội. Năng lực của người thầy thuốc là kết quả của việc học tập, nghiên cứu không ngừng, trau dồi từ các khoá tu nghiệp, đào tạo thường xuyên, luôn cập nhật về khoa học kỹ thuật và về các phương pháp thực hành mới. Năng lực phải phù hợp với trang thiết bị và phương tiện vật chất. Trang thiết bị phương tiện vật chất dù tối tân đến đâu mà năng lực yếu kém cũng sẽ là một tác hại nặng nề cho ngành y, làm mất lòng tin và gây thêm tốn phí.
Ngày xưa, thời người thầy thuốc đầy quyền uy, bênh nhân mỗi mỗi phải tuân phục, mối quan hệ gia trưởng (Paternalism) đó nay đã qua rồi! Với chủ nghĩa tiêu thụ (Consumerism) gần đây, người thầy thuốc được coi như là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (health care provider) còn bệnh nhân trở thành khách hàng, ngừơi tiêu thụ (consumer). Người bệnh đựơc chiều chuộng, khuyến khích, cả “hù dọa” nữa để… tiêu thụ, sử dụng dịch vụ, lệ thụôc kỹ thuật càng nhiều càng tốt. Bệnh viện không còn là “nhà thương” mà trở thành một doanh nghiệp. Giám đốc là một doanh nhân, đầu tư kiếm lợi. Bác sĩ là người làm công. Người ta đã nhận ra kiểu quan hệ không tốt đẹp này và đã có những đòi hỏi cải tổ. Hiện nay, một khuynh hướng thứ ba công bằng hơn, hợp lý hơn, có sự tương tác hai chiều, đối thoai và hợp tác. Y đức do đó ngày càng được quan tâm hơn.
Người sinh viên y khoa ngày nay có nhiều điều kiện tốt để học tập. Kỹ thuật y khoa ngày càng tiến bộ. Công nghệ thông tin phát triển. Sinh viên y khoa muốn trở thành một “lương y” không khó. Vấn đề là ngoài chuyên môn của mình họ sẽ phải tự rèn luyện thêm về lãnh vực xã hội và nhân văn để cân bằng trong cụôc sống, và để “lương y” trở thành “từ mẫu” vậy./.