"Mạ non" kể chuyện đi tu

GN - Cách đây không lâu, tôi có đọc tác phẩm “Chặng đường tham học” của Đại sư Chơn Hoa do Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang chuyển ngữ, trang 423 viết:

“Có nhân có duyên việc dễ thành
Có nhân không duyên pháp chẳng sanh.

Người học Phật đều biết tất cả pháp thế gian và xuất thế gian đều phải đầy đủ nhân duyên mới thành tựu. Nếu chỉ có nhân mà không có duyên hoặc chỉ có duyên mà không có nhân thì kết quả không thành”.

Anh bai Nguyen Phap.jpg


Đạo tràng chùa Phúc Nguyện - Ảnh: Nguyện Pháp

Chẳng hạn, tôi có một hạt giống lúa khỏe mạnh và đầy đủ tố chất để trở thành một cây lúa vàng thơm. Nhưng hạt giống vẫn sẽ chỉ là hạt giống nếu không có các yếu tố cần thiết khác như ánh sáng mặt trời để quang hợp, đất gieo hạt, nước tưới, các chất dinh dưỡng và bàn tay chăm sóc của người nông dân. Khi đã có nhân và duyên hội tụ đầy đủ, hạt giống sẽ nảy mầm, trổ bông và phát triển thành cây lúa đúng với những tự tính riêng của nó chứ không thể phát triển thành một loại cây nào khác.

Và tôi đang là cây mạ non như thế.

Tôi hạnh phúc và biết ơn cuộc đời khi sinh ra được mang trong mình hạt giống Chánh pháp. Từ những ngày thơ bé, mặc dù thường theo chân mẹ lên chùa lễ Phật nhưng lúc đó ý niệm của tôi về đạo Phật, Tăng đoàn, về một đời sống nhẹ nhàng và tỉnh thức chốn thiền môn vẫn còn khá mơ hồ. Niềm vui đơn thuần của đứa trẻ khi ấy chỉ là được các bà, các mẹ khen lễ Phật đẹp. Chỉ có vậy!?

Khi tôi bắt đầu lên cấp 3, cha tôi phát tâm ăn chay trường và hàng tháng tham dự khóa tu một ngày ở ngôi chùa cách nhà hơn 20 cây số. Tôi lại hào hứng theo cha lên chùa làm công quả. Từng chút, từng chút một. Trong lòng tôi bắt đầu nảy nở những cảm xúc an yên, tuy vẫn chưa rõ rệt, nhưng hẳn lúc đó tôi đã thấy thích vô cùng hình ảnh người tu sĩ và đời sống thanh thoát chốn thiền môn.

Hạt giống trong tôi bắt đầu có sự chuyển biến kể từ khi tôi sinh hoạt trong gia đình tâm linh gồm nhiều bạn trẻ yêu mến đạo Phật tại chùa Phúc Nguyện. Hạt giống đã chính thức được gieo trên thửa ruộng Bồ-đề với những lời Phật dạy là ánh sáng trí tuệ soi sáng cho hạt giống chuyển mình. Ở nơi đó, tất cả chúng tôi đều được tưới tẩm bằng thứ nước cam lồ tươi mát của tình thương mà Sư phụ là bác nông dân cần mẫn và kiên trì. May mắn hơn, hạt giống tôi còn được ưu đãi bón thêm nhiều chất dinh dưỡng từ cha mẹ. Chất dinh dưỡng ấy là sự hoan hỷ tạo điều kiện cho tôi thường xuyên lên chùa tu tập, là sự tin tưởng một ngày hạt giống sẽ hấp thu đầy đủ yếu tố để trưởng thành, là sự tinh tấn hộ trì Tam bảo của cha mẹ. Có lẽ, vì những nhân duyên thiện lành đó, hạt giống từ từ mọc rễ và ra lá. Tôi đã nuôi ước nguyện xuất gia khi đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.


Xem thêm: Con trai duy nhất của tỷ phú Malaysia xuất gia...

Ở trường đại học, trước khi kết thúc chặng đường dài 4 năm tích lũy, chúng tôi phải làm một khóa luận tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của các giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ đang công tác tại trường. Sự khích lệ của bạn bè và người thân như một chất xúc tác quan trọng khiến tôi lấy hết can đảm chọn đề tài nghiên cứu “Tư tưởng Phật giáo của Tuệ Trung Thượng Sĩ”. Ngài không những là một bậc cư sĩ đạt đạo ngay trong đời sống gia đình mà còn là một nhà thiền học thông tuệ với các trước tác để lại cho hậu thế kết tinh tư tưởng uyên áo và mang đậm giá trị văn chương. May mắn thay trong khi tìm hiểu, tôi lại được Sư phụ và các quý thầy cung cấp tài liệu, khai mở nhiều kiến thức Phật học liên quan đến đề tài. Cơ hội ấy đã cho tôi được nếm thử chút hương vị giáo pháp trong biển cả trí tuệ Phật và lòng khát khao được học hỏi chân lý cháy bừng trong tâm thức. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc, tôi xin Sư phụ và cha mẹ cho đi tu.

Khoảng thời gian thuyết phục gia đình hiểu và đồng ý với quyết định của mình lại là một câu chuyện dài. Nhưng sau tất cả, trong ngày tôi “thế trừ tu phát”, cha mẹ đều có mặt và xúc động cúng dường con gái nhỏ cho Tam bảo. Giờ đây hạt giống lúa đã vươn mình thành cây mạ non với đúng hình thức và tâm nguyện của nó. Kể từ giờ cho đến khi trở thành một cây lúa chín nặng hạt là cả một chặng đường dài và nhiều chông gai. Cây mạ non sẽ phải đối mặt với những bất lợi về thời tiết, sâu bệnh hay cỏ dại đồng ruộng. Nhưng tất cả những chướng duyên ngoại cảnh đó sẽ không là gì nếu cây mạ được lớn lên từ một hạt giống khỏe, lại được bác nông dân đầu tư và quan tâm chăm sóc.

Trên thửa ruộng kia, nhiều hạt giống khác cũng đang cựa mình ra lá…

Nguyện Pháp
(Chùa Phúc Nguyện, huyện Tiên Du, Bắc Ninh)

Mời chư Tăng Ni chia sẻ về nhân duyên “Tôi đi tu”

Phát tâm xuất gia là việc lành - là chọn con đường an vui, từ bỏ đời sống thế tục: không phải ai cũng làm được. Nhưng đó là một hành trình dài, cần nỗ lực để vượt qua thử thách, cũng như gìn giữ sơ tâm trong sáng trên bước đường tu…

Quý tôn đức Tăng Ni có thể chia sẻ câu chuyện của mình với báo Giác Ngộ như một cách trao truyền kinh nghiệm, khuyến tấn để những người trẻ nuôi chí xuất gia vững vàng lựa chọn, hoặc lấy đó làm hành trang nho nhỏ để cùng đi, cùng nỗ lực trong một đoàn thể đẹp - Tăng đoàn.

Bài vở gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com. Bài hay sẽ được chọn đăng trên tuần báo Giác Ngộ và Giác Ngộ online, với tiêu chí mỗi bài từ 900 - 1.600 chữ (tùy câu chuyện) và khuyến khích có ảnh nhân vật trong câu chuyện.

Trang Tuổi trẻ trân trọng đón chào bài cộng tác của quý vị! Kính chúc quý bạn đọc thân tâm thường an lạc.

GN

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày